A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất công nghiệp của tỉnh phục hồi và phát triển bức phá sau khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát.

(binhdinh.gov.vn)-Trong 10 tháng năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung và hoạt động sản xuất công nghiệp nói riêng; trong đó, các chỉ số về công nghiệp – thương mại của tỉnh tuy có tăng trưởng nhưng còn thấp hoặc chưa đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, hầu hết các ngành hàng đều gặp khó khăn do thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu và sụt giảm nhu cầu tiêu dùng, khó khăn về tài chính... Vì vậy, cần có giải pháp đồng bộ, hiệu quả để phục hồi và thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng trưởng trong thời gian tới.

Công ty TNHH May Mặc Able Việt Nam tại Bình Định

10 tháng năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, buộc một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh phải tạm dừng hoặc thu hẹp quy mô sản xuất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến công tác giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân... Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 10 tháng tăng 5,01% so cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 05 năm trở lại đây. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,3%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 28,9%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,1%; riêng ngành khai khoáng giảm 1,92% so với cùng kỳ. Tình hình sản xuất của một số nhóm ngành công nghiệp chủ yếu của tỉnh như sau:

- Nhóm ngành chế biến thực phẩm và đồ uống: Do nhu cầu từ các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... giảm sút, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn, lượng hàng tồn kho còn khá lớn. Trong đó, ngành chế biến thủy sản có kim ngạch xuất khẩu đạt 54,41 triệu USD, giảm 19,1% so cùng kỳ. Ngành bia tươi và bia đóng chai có sản lượng sản xuất đạt 47,4 triệu lít, giảm 4,9% so cùng kỳ. Ngành sữa tươi các loại có sản lượng sản xuất giảm 10,4% so cùng kỳ. Đối với ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, do gặp khó khăn về tàu biển vận chuyển làm giá nguyên liệu nhập khẩu tăng từ 3 - 4% dẫn đến giá đầu ra tăng, trong khi người chăn nuôi chưa mạnh dạn đầu tư tái đàn heo, nên sản lượng sản xuất giảm 0,88%; riêng thức ăn gia cầm tăng nhẹ 3,76%...

- Nhóm ngành dệt may - da giày: Đây là nhóm ngành chịu ảnh hưởng khá nặng nề từ dịch Covid-19, nguyên nhân do thị trường chính của các mặt hàng này là Mỹ, Châu Âu đều chịu tác động mạnh của dịch bệnh; nhiều đơn hàng xuất khẩu trong cuối quý I và nửa đầu quý II năm 2020 bị hoãn hoặc hủy đơn hàng. Dẫn đến việc một số doanh nghiệp lớn phải giảm công suất, chuyển sang may khẩu trang hoặc tạm dừng hoạt động trong thời gian ngắn, sản lượng sản xuất giày da giảm 46,65% (kim ngạch xuất khẩu đạt 4 triệu USD, giảm 50,9%); sản lượng sản xuất hàng may mặc tăng 8,72% so cùng kỳ (kim ngạch xuất khẩu đạt 155 triệu USD, tăng 12,2%).

- Ngành chế biến gỗ: Đây là ngành vẫn duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh tác động của dịch bệnh. Nguyên ngân chủ yếu do từ tháng 6/2020, các thị trường chủ lực như Anh, Đức, Pháp, Mỹ,… đã bắt đầu nhập hàng trở lại; đồng thời, Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực (từ ngày 01/8/2020) với nhiều ưu đãi về thuế quan đối với ngành gỗ và nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc chủ động kiếm đơn hàng trái vụ tại thị trường Australia;… Sản lượng sản xuất ngành chế biến gỗ tiếp tục tăng khá, trong đó chế biến gỗ tinh chế tăng 11,52%; kim ngạch xuất khẩu đạt 270,5 triệu USD, tăng 22,9% so cùng kỳ.

- Ngành sản xuất dược phẩm: Hầu hết sản lượng sản xuất các sản phẩm thuốc, hóa dược và dược liệu thuốc tăng khá do nhu cầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Chỉ số sản xuất ngành này tăng 3,83%, riêng dung dịch đạm huyết thanh đạt 29,7 triệu lít, tăng 10,82% so cùng kỳ.

- Ngành chế biến vật liệu xây dựng: Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, một số công trình xây dựng tạm dừng thi công, nhất là các công trình xây dựng phục vụ du lịch - dịch vụ… đã tác động tiêu cực đến nhóm ngành này. Riêng sản phẩm tấm lợp bằng kim loại tăng khá (42,51%) nhờ Nhà máy tôn, thép Hoa Sen - Nhơn Hội đã chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, hạn chế tác động của đại dịch Covid-19.

Thời gian tới, để thúc đẩy sản xuất công nghiệp của tỉnh sớm phục hồi, góp phần hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2020 đã đề ra và tạo tiền đề tăng trưởng bức phá trong năm 2021, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, trong đó chú trọng công tác quy hoạch, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp. Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường; khai thác có hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới Việt Nam đã tham gia như Hiệp định EVFTA, CPTPP...; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp và làng nghề, nhất là dự án Khu công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định. Kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tập trung chỉ đạo các nhà máy sản xuất đang hoạt động phát huy công suất, tạo giá trị mới về sản xuất công nghiệp trong năm 2021. Đẩy mạnh hoạt động khuyến công; hỗ trợ công tác xúc tiến đầu tư sản xuất công nghiệp, tăng cường và khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, nhất là lao động trong các ngành nghề ở khu vực nông thôn.

Tiêu Tấn Hùng


Tin nổi bật Tin nổi bật