|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

UBND tỉnh họp triển khai ứng phó với bão số 10

(binhdinh.gov.vn)-Chiều 03/11, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng, Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương trong tỉnh triển khai công tác ứng phó với bão số 10. Dự họp có các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của tỉnh.

Quang cảnh buổi họp

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, bão số 10 đang có diễn biến, hướng đi phức tạp, có khả năng mạnh lên và ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Bình Định. Hoàn lưu bão dự báo gây mưa lớn trên địa bàn tỉnh có nguy cơ gây sạt lở vùng núi. Hiện gió bão đã bắt đầu gây nguy hiểm trên vùng biển ngoài khơi từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa.

Theo Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, hiện Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh và các ngành chức năng tăng cường thông tin diễn biến bão số 10 cho tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển, hướng dẫn tàu cá di chuyển khỏi vùng nguy hiểm, về nơi trú tránh. Tính đến chiều qua (2/11), toàn tỉnh còn 7 tàu trong vùng nguy hiểm đang di chuyển đến nơi tránh trú. Về tàu vận tải có 40 tàu đang hoạt động trong khu vực cảng vụ Quy Nhơn quản lý. Cảng vụ đang theo dõi sát diễn biến bão để hướng dẫn tàu neo đậu, tránh trú. Tỉnh cũng tiến hành thực hiện cấm biển từ 17 giờ ngày 3/11. Đối với các hồ chứa, hiện 165 hồ chứa nước đang chứa 180 triệu m3 nước; 15 hồ chứa hư hỏng nặng, xung yếu hạn chế tích nước và bố trí lực lượng thường trực tại các hồ này để kịp thời xử lý tình huống.

Tại cuộc họp, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu tăng cường thông tin diễn biến của bão số 10, tiếp tục kêu gọi các tàu còn lại về nơi tránh bão; các sở, ngành, địa phương triển khai các phương án phòng chống bão theo phương châm 4 tại chỗ, khởi động phương án sơ tán dân ở vùng ven biển, triều cường, vùng ngập lụt, vùng có nguy cơ sạt lở đất; hướng dẫn nhân dân giằng chống nhà cửa, chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết; Ban Quản lý các cảng cá tổ chức sắp xếp, hướng dẫn tàu cá neo đậu tại các khu neo đậu theo quy định; rà soát hướng dẫn đảm bảo an toàn lồng bè, các khu nuôi trồng thủy sản, kiên quyết không cho người dân ở lại trên tàu, trên lồng bè, chòi canh…

Theo Cảng vụ Quy Nhơn, từ giờ đến khi bão vào, khu vực cảng dự kiến chỉ còn 11 tàu hàng, cảng vụ đã lên phương án bố trí neo đậu, ứng cứu cụ thể. Khu vực trong khu neo đậu, luồng ra vào cảng còn tới hơn 200 lồng bè, chồ rớ của ngư dân, gây khó khăn cho việc đi lại của tàu thuyền nhất là trong mưa bão.

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND Thị xã Hoài Nhơn Nguyễn Chí Công cho biết, địa phương đã rà soát, lên danh sách, địa điểm cụ thể để di dời dân tránh bão, lũ ở vùng ven biển, vùng núi. 1.700 tàu cá đã cập cảng cá Tam Quan Bắc đang được hướng dẫn neo đậu, tiến hành chằn chống, hạn chế va đập. Đối với 7 tàu cá địa phương trong vùng nguy hiểm, lãnh đạo địa phương và Bộ độ biên phòng đã làm việc với các chủ tàu, ký cam kết yêu cầu phải nhanh chóng di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm, nếu chủ tàu không thực hiện, sau bão sẽ xử lý, đồng thời cắt các chương trình hỗ trợ theo quy định.

Trước tình hình nhiều vụ sạt lở núi xảy ra tại miền Trung gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, tỉnh Bình Định cũng đã triển khai lực lượng rà soát các khu vực dân cư ở vùng núi, sông suối trong tỉnh, chuẩn bị các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân. Đại tá Trần Thanh Hải, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết, qua khảo sát sơ bộ toàn tỉnh có 59 điểm sạt lở tại 6 huyện, nhiều nhất là ở huyện An Lão và đã lên phương án cụ thể ứng phó nếu xảy ra mưa lũ lớn.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cho rằng, bão số 9 vừa tan, tỉnh đã chịu không ít thiệt hại, đặc biệt là việc 2 tàu cá bị chìm trên biển khi di chuyển về nơi tránh trú. Đến nay, vẫn còn 23 thuyền viên mất tích. Đây là sự việc rất đau lòng, phải rút kinh nghiệm và triển khai quyết liệt công tác kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền và ngư dân về nơi tránh bão an toàn. Riêng 7 tàu còn đang trong vùng nguy hiểm, phải quyết liệt yêu cầu nhanh chóng di chuyển, tránh trú. Các địa phương khẩn trương khắc phục thiệt hại bão số 9, nhất là với các trường hợp nhà bị sập, bị tốc mái. Đối với các công trình cơ quan, công sở, trường học, trạm y tế, các tuyến đường bị hư hỏng, các ngành, địa phương liên quan phải chủ động khắc phục.

Với diễn biến bất thường của thời tiết, bão lũ dồn dập, để chủ động ứng phó với bão số 10, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp ứng phó với bão số 10 theo Công điện số 03/CĐ-PCTT của UBND tỉnh; thực hiện phương châm 4 tại chỗ trong ứng phó với thiên tai. Mục tiêu quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn tính mạng con người khi bão vào.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng ra lệnh cấm biển từ 17 giờ ngày 03/11/2020 cho đến khi có thông báo cuối cùng về bão số 10 của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia. Sở Giáo dục và Đào tạo theo dõi tình hình chủ động cho học sinh nghỉ học trong thời gian xảy ra bão, lũ. Điện lực Bình Định tổ chức khắc phục nhanh sự cố để phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành mưa bão. Bộ Chỉ huy quân sự, Bộ đội Biên phòng, công an tỉnh chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, thiết bị chuyên dùng và phân bổ lực lượng cụ thể tại từng khu vực trong tỉnh để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

Mặt khác, phải quyết liệt, nghiêm túc di dời dân đến nơi an toàn, không được để gió bão áp sát bờ mới thực hiện, nhất là vùng ven biển, vùng miền núi. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tiến hành nhanh việc rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở đất, núi và lên phương án di dời nhanh chóng, kịp thời. Chính quyền địa phương hướng dẫn, hỗ trợ bao cát giúp người dân giằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền./.

Thùy Trang


Tin nổi bật Tin nổi bật