Hội nghị trực tuyến tìm giải pháp tạo chuyển biến trong giải ngân vốn ODA
Hội nghị tại điểm cầu Bình Định
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách Trung ương tính đến ngày 31/10/2020 ước đạt 18.089 tỷ đồng, bằng 30,15% so với kế hoạch giao. Mức giải ngân này cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái cả về giá trị (12.367 tỷ đồng) và tỷ lệ (27,09%). Điều này cho thấy tỷ lệ giải ngân ước 10 tháng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đã có sự chuyển biến tích cực so với các tháng đầu năm. Mặc dù tình hình có cải thiện, song tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài còn thấp… Tuy nhiên, việc triển khai các dự án ODA vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Về khách quan, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát trở lại ở nhiều nước, tiến độ thực hiện nhiều dự án ODA không tránh khỏi bị chậm trễ, cả từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát. Tiến trình đàm phán, thống nhất với nhà tài trợ nước ngoài đối với từng hoạt động và kế hoạch thực thi dự án, việc tổ chức đấu thầu quốc tế... đã bị ảnh hưởng. Một lý do chậm trễ là sự khác biệt về quy trình, thủ tục của Việt Nam và nhà tài trợ, đặc biệt trong công tác đấu thầu, đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư; việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, các chủ trương - chính sách mới, buộc các dự án phải có sự điều chỉnh.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã đánh giá tình hình thực hiện giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài và thảo luận các biện pháp tháo gỡ vướng mắc để giải quyết “3 đọng” thường thấy mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra là: vốn đọng (có tiền mà không tiêu được), nợ đọng (tức là hạn mục thi công xong, đã hoàn thành nhưng không quyết toán được) và thủ tục đọng.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long phát biểu tại hội nghị
Tại điểm cầu Bình Định, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về tình hình thực hiện và giải ngân các dự án ODA được bố trí kế hoạch vốn năm 2020 của tỉnh như sau: Năm 2020, tỉnh Bình Định có 09 dự án ODA được phân bổ là 906.269 triệu đồng. Tính đến ngày 26/10/2020, tỷ lệ giải ngân vốn ODA của tỉnh Bình Định đạt tỷ lệ 87,79% (tương ứng 795.551 triệu đồng); trong đó vốn nước ngoài giải ngân theo cơ chế tài chính trong nước đạt 98,06%, vốn nước ngoài không giải ngân theo cơ chế tài chính trong nước đạt 86,32%.
Trong tổng số 09 dự án được bố trí kế hoạch vốn năm 2020, có 03 dự án đã giải ngân 100%, 03 dự án giải ngân trên 90% kế hoạch vốn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long cho biết, để đạt được kết quả giải ngân trên 87% kế hoạch vốn nước ngoài năm 2020, trong thời gian qua, trên cơ sở các chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có các dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo kịp thời các sở, ban, ngành, địa phương và các Chủ đầu tư thường xuyên rà soát, xác định rõ những tồn tại, hạn chế trong quá trình quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện đối với các dự án ODA, từ đó có hướng xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc liên quan, nhất là các thủ tục đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, thủ tục nghiệm thu, thanh toán vốn đầu tư…
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, hiện nay, tình hình mưa lũ, sạt lở đất ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đang diễn biến hết sức phức tạp, thiệt hại lớn về người và tài sản. Vì vậy, các địa phương, bộ, ngành cần tập trung cao độ cho công tác cứu hộ cứu nạn, sơ tán dân ra khỏi nơi nguy hiểm, đảm bảo người dân không bị đói, bị rét.
Về công tác giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng cho rằng, mặc dù đến nay, giải ngân vốn đầu tư ngân sách Nhà nước đạt trên 60%, là mức cao nhất từ trước đến nay. Giải ngân ODA cũng có chuyển biến, nhưng tỉ lệ còn thấp. Nhiệm vụ giải ngân trong 2 tháng còn lại để kết thúc năm 2020 rất nặng nề.
Để giải ngân hết số vốn các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục huy động sự vào cuộc cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy Đảng, chính quyền để tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trong năm 2020, là nhiệm vụ trực tiếp của người đứng đầu các bộ, ngành và địa phương.
Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các địa phương và các bộ, cơ quan Trung ương phải đi sâu, đi sát, bám sát yêu cầu thực tiễn để tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; theo dõi sát, nắm bắt kịp thời tình hình, xác định rõ những vướng mắc, khó khăn cụ thể đối với từng ngành, lĩnh vực, từng doanh nghiệp và trên từng địa bàn để có biện pháp, đối sách cụ thể sớm khắc phục, đồng thời tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là nguồn vốn ODA, tạo động lực góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động theo tinh thần các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ mong muốn và tin tưởng rằng, các đồng chí Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, tập trung quán triệt, động viên đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn thể hệ thống hành chính nhà nước tận tụy, nhiệt tâm, trách nhiệm với công việc; tập trung giải quyết, xử lý kịp thời, hiệu quả những vướng mắc, tạo thuận lợi và luôn đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức rất lớn hiện nay; kịp thời báo cáo và đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề mới phát sinh để thống nhất biện pháp xử lý.
Thùy Trang