A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bình Định thiệt hại gần 394 tỷ đồng do bão số 9 (Molave)

(binhdinh.gov.vn)-Bão số 9 đổ bộ vào Bình Định làm 5 người bị thương, 40 ngôi nhà bị sập đổ, 3.090 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng; 2.867 ha cây hoa màu bị hư hỏng, 6 tàu cá bị chìm, tổng thiệt hại ước tính gần 394 tỷ đồng.

Bão số 9 làm sập nhà dân tại xã Cát Hải, huyện Phù Cát.

Tính đến chiều 29/10, bão số 9 đã làm 5 người ở TP. Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, thị xã Hoài Nhơn và huyện Phù Mỹ bị thương.

Bão số 9 làm 40 ngôi nhà dân tại TP. Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, huyện Phù Mỹ, huyện Tuy Phước bị sập đổ, 3.090 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng, 1.092 nhà ngập nước. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 2.867 ha cây hoa màu bị hư hỏng; 350 cây xanh bị đổ, ngã; 6 tàu cá bị chìm; nhiều tuyến đường giao thông bị hư hỏng, sạt lở, khối lượng sạt lở lên đến hàng ngàn m3, chiều dài khoảng 12,6Km; hư hỏng 02 cầu; nhiều đoạn đê kè, kênh mương bị bồi lấp, hư hỏng nặng, chiều dài khoảng 10Km; Hồ chứa bị sạt mái taluy, hư hỏng bờ tràn 16 hồ; Kè biển Tam Quan bị sạt lở chiều dài khoảng 1.600m; Nhiều trường học, trạm y tế xã bi hư hỏng, tốc mái, sập tường rào và các công trình phụ trợ. Tổng thiệt hại ước tính gần 394 tỷ đồng.

Sau Bão số 9, cây xanh bị đổ trên tuyến đường ven biển được người dân chung tay khắc phục để nhanh chóng giao thông.

Trước đó, vào ngày 28/10, bão số 9 đi vào vùng biển từ Đà Nẵng đến Phú Yên; sau đó đổ bộ vào Bình Định lúc 10 giờ và kéo dài đến 14 giờ ngày 28/10/2020. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 15.

Trong ngày 28/10, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định đi kiểm tra chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 9 tại các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn, thị xã An Nhơn, thị xã Hoài Nhơn và chỉ đạo các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 9 sớm ổn định đời sống người dân.

Sau khi đi thị sát, nghe chính quyền địa phương báo cáo tình hình chủ động phòng chống bão và công tác triển khai khắc phục hậu quả, các đồng chí lãnh đạo đánh giá cao tinh thần chủ động ứng phó với bão theo phương châm “3 sẵn sàng và 4 tại chỗ” của các địa phương. Nhờ vậy mà góp phần hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do bão gây ra.

Sau bão, nhiều diện tích hoa màu của người dân bị thiệt hại.

Đáng lưu ý, sau khi bão tan thì ảnh hưởng của hoàn lưu bão còn diễn biến phức tạp, có thể gây ra các đợt mưa lũ lớn. Do vậy, chính quyền các địa phương phải tập trung chủ động ứng phó và tập trung nỗ lực khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân. Trước mắt, UBND các huyện xuất kinh phí dự phòng để mua lương thực, mì tôm, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm hỗ trợ cho các hộ gia đình có người bị thương, nhà bị sập, tốc mái; tuyệt đối không để hộ gia đình nào bị đói, rét. Bên cạnh đó, kịp thời huy động lực lượng bộ đội, công an, thanh niên xung kích, dân quân tự vệ hỗ trợ người dân sớm khắc phục hậu quả, ổn định đời sống. 

Thùy Trang


Tin nổi bật Tin nổi bật