A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bắt đầu xử phạt nặng hành vi đưa tin thất thiệt về thị trường

Kể từ hôm nay (9/11), theo Nghị định số 109/2013/NĐ-CP của Chính phủ, các hành vi đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường giá cả, gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường sẽ bị phạt đến 100 triệu đồng, thay vì mức cũ 20 triệu đồng.

Ảnh minh họa.

Trên cơ sở kế thừa các quy định tại Nghị định số 84/2011/NĐ-CP, đồng thời bảo đảm đầy đủ chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều 10 và khoản 3 Điều 6 Luật Giá, Nghị định số 109/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, phí, lệ phí, hóa đơn đã quy định phạt tiền từ 75 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường trên phương tiện thông tin đại chúng như báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các ấn phẩm thông tin khác.


Quy định trên là cần thiết, nhằm xử lý các hành vi đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường giá cả gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường, đồng thời cũng phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Nghị định là xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá.


Đồng thời, để phù hợp với yêu cầu thực tiễn và các quy định mới về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giá, Nghị định số 109/2013/NĐ-CP đã có một số điểm mới so với Nghị định số 84/2011/NĐ-CP, cụ thể như sau:


Bổ sung nhiều chế tài xử phạt

Căn cứ thực tiễn quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giá và các quy định mới tại Luật Giá, Nghị định số 109/2013/NĐ-CP đã bổ sung chế tài xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm mới, như: Bổ sung hành vi vi phạm không thực hiện hiệp thương giá theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.


Đối với hành vi vi phạm quy định trong hoạt động kinh doanh đặc thù có điều kiện, Nghị định đã quy định cụ thể là hành vi vi phạm về giá trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo.


Ngoài ra, một số hành vi vi phạm mới theo quy định của Luật Giá, Nghị định số 109/2013/NĐ-CP cũng đã bổ sung đầy đủ chế tài xử phạt, cụ thể: Hành vi vi phạm quy định về công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ; vi phạm quy định về cung cấp số liệu, tài liệu có liên quan theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; hành vi gian lận về giá; hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác; lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.


Linh hoạt hơn trong xử phạt

Đối với một số hành vi mà theo quy định hiện hành mức xử phạt chưa đủ sức răn đe, Nghị định số 109/2013/NĐ-CP đã quy định mức phạt tiền cao hơn, bảo đảm phù hợp với mức trần xử phạt mới trong lĩnh vực giá được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, cụ thể là 150 triệu đồng đối với cá nhân và 300 triệu đồng đối với tổ chức (trước đây, Nghị định số 84/2011/NĐ-CP quy định mức trần xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính về giá tối đa là 40 triệu đồng).


Đáng chú ý, nếu Nghị định số 84/2011/NĐ-CP quy định một mức phạt tiền cố định đối với một hành vi vi phạm, thì Nghị định số 109/2013/NĐ-CP lại quy định khung tiền phạt đối với hành vi vi phạm. Điều chỉnh này nhằm bảo đảm việc ra quyết định xử phạt linh hoạt hơn, có tính đến tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ (có hướng dẫn chi tiết về nguyên tắc phạt tiền khi có hoặc không có tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ).


Nghị định cũng quy định một số hình thức xử phạt bổ sung mới, như: Đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; đình chỉ hoạt động đào tạo, cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thẩm định giá;


Buộc nộp vào Quỹ Bình ổn giá số tiền do sử dụng không đúng Quỹ Bình ổn giá;


Dừng thực hiện mức giá bán hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân quy định; cải chính thông tin sai lệch;


Tiêu hủy hoặc tịch thu tiêu hủy ấn phẩm có nội dung thông tin sai phạm; hủy kết quả thẩm định giá; hủy chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thẩm định giá...


Để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và tình hình thực tiễn, Nghị định số 109/2013/NĐ-CP quy định đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, tước có thời hạn Thẻ thẩm định viên về giá. Thời hạn đình chỉ, thời hạn tước tối đa cũng chỉ là 03 tháng (thay cho quy định tước không thời hạn tại Nghị định số 84/2011/NĐ-CP).


Nghị định cũng quy định cụ thể thẩm quyền xử phạt tiền và áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá của các cá nhân là Chánh Thanh tra Bộ Tài chính; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành giá; Chánh Thanh tra Sở Tài chính; Thanh tra viên, Chánh Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ và các chức danh tương đương; Người có thẩm quyền của cơ quan quản lý thị trường; Chủ tịch UBND cấp tỉnh; Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã.


Theo chinhphu.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật