Trường thực hành sư phạm sẽ được hưởng nhiều ưu tiên
Ảnh minh hoạ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của trường thực hành sư phạm.
Trường thực hành sư phạm là trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông (trường mầm non, trường phổ thông) do trường sư phạm hoặc cơ sở đào tạo khác được giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên (cơ sở đào tạo giáo viên) thành lập hoặc được lựa chọn từ các trường mầm non, trường phổ thông của các địa phương.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, mục tiêu của trường thực hành sư phạm là thực hiện mục tiêu giáo dục của cấp học tương ứng. Đồng thời, góp phần rèn luyện phương pháp dạy-học, phương pháp giáo dục, phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên sư phạm.
Điều kiện được chọn làm trường thực hành sư phạm
Theo dự thảo, trường thực hành sư phạm được thành lập theo một trong 2 phương án: Thành lập trường mầm non, phổ thông làm trường thực hành sư phạm trực thuộc cơ sở đào tạo giáo viên hoặc chọn từ các trường mầm non, phổ thông của địa phương có đủ điều kiện theo quy định.
Trường mầm non, trường phổ thông được chọn làm trường thực hành sư phạm phải đáp ứng điều kiện: Đã được kiểm định chất lượng, đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 2 đối với trường mầm non và cấp độ 3 đối với trường phổ thông; có vị trí và điều kiện thuận tiện cho sinh viên của cơ sở đào tạo giáo viên thường xuyên đến thực hành sư phạm...
Theo dự thảo, bên cạnh việc đảm bảo về cơ sở vật chất theo quy định, trường thực hành sư phạm phải có phòng học đủ diện tích cho sinh viên thực hành; đồng thời, có phòng nghiệp vụ được trang bị các phương tiện, trang thiết bị đầy đủ để bảo đảm chất lượng các hoạt động thực hành sư phạm và tổ chức các hoạt động ngoại khoá, rút kinh nghiệm, giới thiệu phổ biến các sản phẩm dạy và học về thực hành sư phạm.
Giáo viên tham gia hướng dẫn thực hành sư phạm ngoài việc phải đáp ứng tiêu chuẩn đối với giáo viên theo quy định của Luật Giáo dục và Điều lệ trường học tương ứng; còn phải có năng lực hướng dẫn sinh viên thực hành sư phạm; có năng lực nghiên cứu, triển khai kết quả nghiên cứu khoa học giáo dục, sáng kiến, kinh nghiệm phục vụ hoạt động giáo dục và thực hành sư phạm; có kinh nghiệm giáo dục và giảng dạy từ đủ 5 năm trở lên (không kể thời gian tập sự) và được đánh giá, xếp loại Khá trở lên theo quy định Chuẩn nghề nghiệp giáo viên trường mầm non, trường phổ thông tương ứng.
Theo chinhphu.vn