Tổ chức kỷ niệm 7 ngày lễ lớn trong nước
Ảnh minh họa - Lễ hội Đền Hùng
Chính phủ vừa ban hànhNghị định quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài.
Theo Nghị định, có 7 ngày lễ lớn trong nước gồm: 1- Ngày Tết Nguyên đán (1 tháng Giêng Âm lịch); 2- Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03-02-1930); 3- Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 Âm lịch); 4- Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975); 5- Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07-5-1954); 6- Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890); 7- Ngày Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02-9-1945).
Trong đó, Ngày Tết Nguyên đán, Chủ tịch nước sẽ chúc Tết trên Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam vào thời khắc giao thừa. Trước Tết Nguyên đán từ 5 đến 7 ngày, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao gặp mặt Đoàn Ngoại giao và các Trưởng Đại diện của tổ chức quốc tế tại Hà Nội.
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương vào năm lẻ 5, năm khác, tại Phú Thọ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ dâng hương. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có di tích, đền thờ Vua Hùng tổ chức dâng hương tưởng niệm.
Vào năm tròn, tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương cấp quốc gia. Cụ thể, tại Phú Thọ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương; Chủ tịch nước là Chủ lễ dâng hương.
Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ vào năm lẻ 5, năm khác, tại tỉnh Điện Biên, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Điện Biên dâng hoa tại Tượng đài Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ; tổ chức các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương.
Vào năm tròn, tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ cấp quốc gia. Lễ kỷ niệm tại tỉnh Điện Biên hoặc Hà Nội do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Trong trường hợp lễ kỷ niệm tổ chức tại Hà Nội, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, tỉnh Điện Biên và thành phố Hà Nội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm.
Không tổ chức riêng lễ đón nhận hình thức khen thưởng danh hiệu thi đua
Nghị định cũng quy định cụ thể các hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua quy định tại Luật Thi đua, khen thưởng được công bố, trao tặng và đón nhận theo quy định tại Nghị định này gồm: Huân chương: “Huân chương Sao vàng”, “Huân chương Hồ Chí Minh”, “Huân chương Độc lập”..., danh hiệu vinh dự Nhà nước: “Tỉnh Anh hùng”, “Thành phố Anh hùng”; “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”; “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân”...; “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”; huy chương: “Huy chương Quân kỳ quyết thắng”, “Huy chương Vì An ninh Tổ quốc”, “Huy chương Chiến sĩ vẻ vang”, “Huy chương Hữu nghị”; “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”; “Cờ thi đua của Chính phủ”; “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”.
Về yêu cầu của việc tiến hành lễ trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua nêu trên, người điều hành buổi lễ là đại diện lãnh đạo của ban, bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, đơn vị tổ chức buổi lễ.
Nghị định nhấn mạnh, không tổ chức riêng lễ trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua. Chỉ được tổ chức kết hợp trong lễ kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước, ngày thành lập, ngày truyền thống của ban, bộ, ngành, địa phương, đơn vị, hội nghị tổng kết theo chương trình cụ thể và thực hiện đúng quy định tại Nghị định này (trừ trường hợp trao tặng hình thức khen thưởng đối với thành tích xuất sắc đột xuất và khen thưởng thành tích kháng chiến).
Chỉ công bố, trao tặng và đón nhận một lần đối với mỗi quyết định khen thưởng. Không tổ chức diễu hành hoặc đón rước từ cấp này, địa điểm này đến cấp khác, địa điểm khác.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 16/12/2013.
Theo chinhphu.vn