A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bổ sung đối tượng không chịu thuế GTGT

Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung một số đối tượng vào diện không chịu thuế.

Cụ thể, Luật Thuế giá trị gia tăng quy định “Bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm người học, bảo hiểm vật nuôi, bảo hiểm cây trồng và tái bảo hiểm” thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.

Dự thảo này đề suất sửa đổi thành “Bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khoẻ, bảo hiểm người học, các dịch vụ bảo hiểm liên quan đến con người, bảo hiểm vật nuôi, bảo hiểm cây trồng, các dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp khác, bảo hiểm an ngư và tái bảo hiểm” là đối tượng không chịu thuế.

Lý giải vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết: Theo quy định hiện hành, các loại bảo hiểm liên quan đến con người và bảo hiểm nông nghiệp không chịu thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, bổ sung năm 2010 đã tách bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người ra khỏi lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ thành bảo hiểm sức khỏe, gồm: bảo hiểm tai nạn con người, bảo hiểm y tế và bảo hiểm chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, bảo hiểm nông nghiệp cũng đa dạng hơn, thêm nhiều sản phẩm mới.

Vì vậy, việc bổ sung quy định loại hình sản phẩm bảo hiểm liên quan đến con người và bảo hiểm nông nghiệp vừa góp phần bảo đảm sự đồng bộ với quy định mới về bảo hiểm sức khỏe, vừa phù hợp với các quy định liên quan đến các loại hình bảo hiểm nông nghiệp ngày càng đa dạng như: bảo hiểm cây trồng, bảo hiểm vật nuôi, bảo hiểm an ngư... Đồng thời, thể hiện được chính sách ưu đãi của nhà nước đối với loại hình dịch vụ bảo hiểm này.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung đối tượng: dịch vụ cho vay của người nộp thuế không phải là tổ chức tín dụng; bán nợ; kinh doanh ngoại tệ vào đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.

Bộ Tài chính cho rằng việc không áp thuế đối với hoạt động cho vay của người nộp thuế không phải là tổ chức tín dụng sẽ tạo điệu kiện cho lưu thông vốn, giảm chi phí huy động vốn. Bên cạnh đó, việc bổ sung quy định bán nợ và kinh doanh ngoại tệ (đây là hoạt động tài chính) vào đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng là phù hợp, đảm bảo thống nhất trong đối xử về thuế giá trị gia tăng như các hoạt động tài chính khác.

Căn cứ xác định không chịu thuế đối với cá nhân kinh doanh theo doanh thu

Ngoài ra, Luật hiện hành quy định: “Hàng hóa, dịch vụ của cá nhân kinh doanh có mức thu nhập bình quân tháng thấp hơn mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với tổ chức, doanh nghiệp trong nước” là đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Trong dự thảo này Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi thành “Hàng hóa, dịch vụ của cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm thấp hơn 100 triệu đồng” là đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.

Bộ Tài chính cho biết: tiêu thức xác định hộ cá nhân kinh doanh không phải nộp thuế giá trị gia tăng căn cứ theo mức tiền lương tối thiểu áp dụng đối với doanh nghiệp mà không căn cứ vào doanh thu nên không phù hợp với bản chất thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu theo hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời, mức lương tối thiểu được phân loại theo 4 vùng, được điều chỉnh thường xuyên hàng năm với mức tăng nhanh theo lộ trình cải cách tiền lương nên việc xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế gặp nhiều khó khăn, phức tạp...

Do vậy, để đảm bảo minh bạch, đơn giản, dễ thực hiện, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi chuyển căn cứ xác định không chịu thuế từ thu nhập, lương sang doanh thu. Qua tính toán của Bộ Tài chính, mức doanh thu tối thiểu không chịu thuế là 100 triệu đồng/năm, tương đương với mức doanh thu hơn 9 triệu đồng/ tháng không phân biệt theo ngành nghề, địa bàn. Theo đó, các hộ cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên mới thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng.


Tin nổi bật Tin nổi bật