A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đề xuất Ngày Sách Việt Nam 21/4

Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất chọn ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam.


Ảnh minh họa.

Đề xuất trên được Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra tại dự thảo Quyết định về Ngày Sách Việt Nam.

Việc tổ chức Ngày Sách Việt Nam hằng năm nhằm khuyến khích toàn dân đọc sách, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc giáo dục và hình thành nhân cách con người.

Đồng thời, tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; đẩy mạnh việc sáng tác, xuất bản, in và phát hành những cuốn sách hay, có giá trị về nội dung và hình thức.

Bên cạnh đó, tôn vinh những người tham gia quá trình xuất bản sách, lưu giữ và quảng bá sách đến với người đọc.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, lựa chọn tên Ngày Sách Việt Nam sẽ bao quát được 3 vấn đề cơ bản, phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của Đề án là tôn vinh sách; tôn vinh việc đọc sách và tôn vinh những người tham gia quá trình xuất bản, lưu giữ và quảng bá sách đến với người đọc.

Về việc lựa chọn ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông lý giải: Tháng 4 là thời điểm phát hành cuốn sách “Đường Cách mệnh” - Tác phẩm đầu tiên  bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có tác động và có sức lan tỏa nhất trong xã hội trong thời điểm hiện nay. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là một tác giả lớn, các tác phẩm của Người có giá trị không chỉ với người dân Việt Nam mà còn được bạn bè quốc tế đón nhận. Việc chọn Ngày Sách Việt Nam gắn với một tác phẩm nổi tiếng của Người sẽ có ý nghĩa to lớn và sâu sắc.

Bên cạnh đó, tháng 4 còn là thời gian diễn ra Ngày Sách và Bản quyền Thế giới (23/4), vì vậy, nếu tổ chức vào một ngày gần sát với Ngày Sách và Bản quyền Thế giới sẽ thể hiện được sự hội nhập của Việt Nam với thế giới, sẽ hấp dẫn và lôi cuốn khán giả.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, chọn thời điểm tổ chức trước ngày 23/4 sẽ dễ dàng, thuận tiện hơn, gắn kết với các hoạt động đã tổ chức trong nước để hưởng ứng Ngày Sách và Bản quyền Thế giới, từ đó tạo thành chuỗi hoạt động phong phú, sôi nổi, tạo ra môi trường truyền thông tốt cả ở trong nước và quốc tế…

Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mỗi năm, mỗi người Việt Nam chỉ đọc 0,8 cuốn sách. Số sách phân bổ tại các thư viện bình quân là 0,35 bản/người.

Theo khảo sát của Thư viện Quốc gia Việt Nam, bạn đọc của thư viện chỉ chiếm khoảng 8-10% dân số. Thư viện Quốc gia Việt Nam chỉ có khoảng 30.000 bạn đọc thường xuyên; thư viện cấp tỉnh chỉ có khoảng 1.000-2.000 bạn đọc, cấp huyện 500-600 bạn đọc; thư viện/phòng đọc cấp xã khoảng 100-200 bạn đọc.

Theo số liệu thống kê của Cục Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông, tính theo số lượng bản sách nộp lưu chiểu, mức hưởng thụ bình quân của người dân nước ta là 3,4 bản sách/người/năm (chỉ tiêu đến năm 2010 theo Chỉ thị 42-CT/TW là 6 bản/người/năm).

Những số liệu trên cho thấy người Việt Nam chưa hình thành nhu cầu đọc một cách thường xuyên.

 

Theo chinhphu.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật