A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đề xuất quy định mới về hoạt động cho vay của ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang dự thảo Thông tư quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) đối với khách hàng.

Ảnh minh họa.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, quy chế cho vay của TCTD đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN (Quy chế cho vay 1627) được ban hành nhằm tạo khung pháp lý với những nguyên tắc cơ bản điều chỉnh hoạt động cho vay của TCTD với khách hàng vay.

Sau hơn 10 năm thực hiện, Quy chế cho vay 1627 đã tạo được sự chủ động và những thuận lợi nhất định cho các TCTD và khách hàng trong giao dịch vay vốn, giúp cho hoạt động cho vay có bước phát triển tốt trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn, nhu cầu thực tế về các sản phẩm tín dụng đa dạng và tiến dần đến các thông lệ quốc tế; bên cạnh đó, một số nội dung quy định tại Quy chế cho vay 1627 không còn phù hợp với Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 và một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay.

Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã dự thảo Thông tư nhằm thay thế Quy chế trên. Tại dự thảo, Ngân hàng Nhà nước đã dự kiến một số quy định mới về hoạt động cho vay của ngân hàng.

Cụ thể, về điều kiện vay vốn, so với Quy chế cho vay 1627, dự thảo Thông tư quy định chỉnh sửa một số quy định về điều kiện vay vốn như: Khách hàng vay vốn phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật về dân sự; không quy định cụ thể từng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự của cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài. Bên cạnh đó, khách hàng có phương án sử dụng vốn khả thi thay vì “Có dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khả thi và có hiệu quả; hoặc có dự án đầu tư, phương án phục vụ đời sống khả thi và phù hợp với quy định của pháp luật” như quy định tại Quy chế cho vay 1627.

Về phương thức cho vay, so với Quy chế cho vay 1627, dự thảo Thông tư bổ sung một số phương thức cho vay cho phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thị trường, gồm: Phương thức cho vay lưu vụ; phương thức cho vay quay vòng; phương thức cho vay tái tục. Trong đó, TCTD khi thực hiện phương thức cho vay tái tục và phương thức cho vay quay vòng, phải đáp ứng một số điều kiện và ban hành quy định nội bộ đối với phương thức này gửi Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng theo quy định tại Điều 93 Luật các tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư bỏ quy định về phương thức cho vay thông qua phát hành và sử dụng thẻ tín dụng, vì theo quy định tại khoản 3 Điều 98 Luật các tổ chức tín dụng, thì việc phát hành thẻ tín dụng không phải là hình thức cho vay, mà là một trong những hình thức cấp tín dụng khác.

Về thời hạn cho vay, tại Quy chế cho vay 1627 quy định TCTD và khách hàng căn cứ vào chu kỳ sản xuất, kinh doanh, thời hạn thu hồi vốn của dự án đầu tư, khả năng trả nợ của khách hàng và nguồn vốn cho vay của TCTD để thỏa thuận về thời hạn cho vay. Tuy nhiên, trong thực tế có một số trường hợp nếu quy định thời hạn cho vay được xác định căn cứ vào chu kỳ sản xuất, kinh doanh sẽ không phù hợp, tăng thêm thủ tục, thời gian, chi phí cho cả khách hàng vay và TCTD. Do đó, để đảm bảo thống nhất giữa các phương thức cho vay với thời hạn cho vay, dự thảo Thông tư đã quy định căn cứ xác định thời hạn cho vay tương ứng với các phương thức cho vay cụ thể.

Theo chinhphu.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật