A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trẻ khuyết tật có thể nhập học mầm non cao hơn 3 tuổi với quy định

Tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ trường mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất bổ sung quy định trẻ khuyết tật được nhận vào nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập cao hơn tối đa 3 tuổi so với tuổi quy định.

Ảnh minh họa.

Theo quy định đang được áp dụng hiện nay, trẻ em từ 3 - 36 tháng tuổi được tổ chức thành các nhóm trẻ; trẻ em từ 3 - 6 tuổi được tổ chức thành các lớp mẫu giáo. 

Như vậy, với quy định mới được đề xuất thì trẻ khuyết tật vẫn được nhận vào nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập cho đến 9 tuổi.

Bên cạnh đó, nhằm từng bước nâng cao chất lượng của bậc học mầm non, ngoài nội dung trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất sửa đổi một số nội dung của Điều lệ trường mầm non bao gồm: Phân cấp quản lý nhà nước đối với nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập; điều kiện và thủ tục cho phép thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập; sáp nhập, chia, tách, đình chỉ, giải thể nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập; quy định về diện tích khu đất xây dựng nhà trường, nhà trẻ… 

Cụ thể, về phân cấp quản lý nhà nước đối với nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, theo dự thảo, UBND quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (cấp huyện) thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với nhà trường, nhà trẻ trên địa bàn huyện. Hiện nay, cấp huyện chỉ quản lý nhà trường, nhà trẻ công lập trên địa bàn. 

Theo dự thảo, UBND xã, phường, thị trấn (cấp xã) thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập trên địa bàn xã. Hiện nay, cấp xã còn quản lý nhà trường, nhà trẻ dân lập; nhà trường, nhà trẻ tư thục trên địa bàn. 

Phòng giáo dục và đào tạo thực hiện chức năng tham mưu, giúp ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập trên địa bàn huyện. 

Về diện tích khu đất xây dựng nhà trường, nhà trẻ, theo dự thảo, diện tích này gồm: diện tích xây dựng; diện tích sân chơi; diện tích cây xanh, đường đi. Diện tích sử dụng đất bình quân tối thiểu 12m2 cho một trẻ đối với khu vực nông thôn và miền núi; 8m2 cho một  trẻ đối với khu vực thành phố và thị xã. 

Dự thảo nêu rõ, đối với nơi khó khăn về đất đai, có thể thay thế diện tích sử dụng đất bằng diện tích sàn xây dựng và đảm bảo đủ diện tích theo quy định. UBND cấp huyện chịu trách nhiệm lập đề án báo cáo về việc sử dụng diện tích thay thế và phải được UBND cấp tỉnh phê duyệt. 

Ngoài ra, dự thảo cũng nêu rõ điều kiện và thủ tục cho phép thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập; sáp nhập, chia, tách đặc biệt là những quy định về đình chỉ, giải thể nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập. Trong đó nêu rõ các trường hợp đình chỉ, giải thể cũng như hồ sơ, trình tự thời gian đình chỉ, giải thể nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập. 

Theo chinhphu.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật