A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đề xuất tiêu chuẩn chức danh quản lý trong cơ quan hành chính Nhà nước

Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn chức danh quản lý của công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước (HCNN).

Ảnh minh họa.

Dự thảo Nghị định gồm 3 chương, 37 điều quy định tiêu chuẩn chức danh quản lý của công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước khi thực hiện việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá công chức ở Bộ, cơ quan ngang Bộ gồm tiêu chuẩn chức danh: Thứ trưởng, Tổng cục trưởng, Phó Tổng cục trưởng, Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng cấp Bộ, cấp Tổng cục, Trưởng phòng, Phó trưởng phòng của tổ chức thuộc Bộ; ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Giám đốc sở, Phó Giám đốc sở, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng thuộc sở, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng cấp huyện.

Theo dự thảo, các chức danh trên đều phải đáp ứng tiêu chuẩn chung là: Có tinh thần yêu nước sâu sắc, tận tụy phục vụ nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phấn đấu thực hiện có kết quả đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng. Có ý thức tổ chức kỷ luật. Trung thực, không cơ hội, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.

Bên cạnh đó, có trình độ hiểu biết về lý luận chính trị, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực và sức khỏe để làm việc có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Dự thảo nêu rõ tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống đối với các chức danh quản lý của công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước. Đó là: Có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Nhà nước, với Tổ quốc và dân tộc. Nắm vững lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Có ý thức và trách nhiệm đấu tranh bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước. Lãnh đạo và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Có năng lực dự báo, tư duy chiến lược, định hướng phát triển và tổng kết thực tiễn. Gương mẫu về đạo đức, lối sống. Có tác phong dân chủ, khoa học, có khả năng tập hợp quần chúng, đoàn kết nội bộ. Có tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật cao; có lòng say mê học hỏi, nghiên cứu, sáng tạo, năng động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tận tụy, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, thực hiện tốt văn hóa công sở, giữ gìn trật tự kỷ cương hành chính.

Dự thảo cũng nêu rõ những tiêu chuẩn cụ thể đối với từng chức danh. Cụ thể, chức danh Thứ trưởng cần phải có thời gian từ 3 năm trở lên đảm nhiệm chức vụ Tổng cục trưởng hoặc Vụ trưởng và tương đương, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan của Đảng, Quốc hội; hoặc người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ; hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đặc biệt thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; hoặc người đứng đầu sở, ban, ngành hoặc tương đương ở cấp tỉnh trở lên.

Chức danh Vụ trưởng cấp Bộ cũng cần phải có thời gian từ 3 năm trở lên đảm nhiệm chức vụ Phó Vụ trưởng và tương đương, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; hoặc Vụ trưởng và tương đương cấp tổng cục; hoặc lãnh đạo sở, ban ngành hoặc tương đương ở cấp tỉnh trở lên. Chức danh Phó Vụ trưởng cấp Bộ phải có thời gian công tác trong ngành từ 5 năm trở lên.

Theo dự thảo, một trong những tiêu chuẩn đảm nhận chức danh Giám đốc sở là có thời gian từ 3 năm trở lên đảm nhiệm chức vụ Phó Giám đốc sở, ban, ngành hoặc tương đương ở cấp tỉnh hoặc Bí thư, Chủ tịch UBND cấp huyện trở lên. Phó Giám đốc sở thì phải có thời gian công tác trong ngành từ 5 năm trở lên…

Theo chinhphu.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật