A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giao 28 nhiệm vụ cho Bộ Nội vụ

Đó là nội dung được nêu trong Nghị định số 61/2012/NĐ-CP ngày 10/8/2012, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ vừa được Chính phủ ban hành.

Cụ thể, Nghị định nêu rõ, Bộ Nội vụ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực: Tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước; chính quyền địa phương, địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; hội, tổ chức phi Chính phủ; thi đua, khen thưởng; tôn giáo; văn thư, lưu trữ nhà nước; thanh niên và quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật.

Đồng thời Nghị định giao Bộ Nội vụ thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định số 36/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ và 28 nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể.

Trong đó có nhiệm vụ trình Chính phủ đề án cơ cấu tổ chức của Chính phủ theo nhiệm kỳ Quốc hội; đề án, dự thảo nghị định của Chính phủ về thành lập mới, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể Bộ, cơ quang ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; dự thảo nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND; dự thảo nghị định quy định việc phân cấp quản lý tổ chức bộ máy hành chính, sự nghiệp nhà nước. Đồng thời, thẩm định các dự thảo nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ...

Bộ Nội vụ cũng có nhiệm vụ trình Chính phủ ban hành các quy định về phân loại đơn vị hành chính các cấp; thành lập mới, sáp nhập, chia, tách, điều chỉnh địa giới, đổi tên đơn vị hành chính các cấp...; thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu cử thành viên UBND cấp tỉnh...

Ngoài ra, Bộ Nội vụ quyết định giao biên chế công chức, biên chế làm việc ở nước ngoài của tổ chức thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ và biên chế công chức thuộc UBND cấp tỉnh sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng biên chế công chức nhà nước hàng năm; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng, quản lý vị trí việc làm, bổ nhiệm ngạch, chuyển ngạch, nâng ngạch, thay đổi chức danh nghề nghiệp, đánh giá, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái, xin thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu, đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức, viên chức.

Như vậy, so với Nghị định số 48/2008/NĐ-CP thì Bộ Nội vụ không tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về công tác cơ yếu.

Bộ Nội vụ có 23 đơn vị trực thuộc

Về cơ cấu tổ chức, Bộ Nội vụ có 23 đơn vị trực thuộc. Trong đó có 18 đơn vị hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và 5 đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ.

Đáng chú ý, Nghị định cho phép một số vụ thuộc Bộ được tổ chức cấp phòng trực thuộc, như: Vụ Tổ chức – Biên chế được tổ chức 2 phòng; Vụ Chính quyền địa phương được tổ chức 4 phòng; Vụ Công chức – Viên chức được tổ chức 1 phòng; Thanh tra Bộ được tổ chức 3 phòng; Văn phòng Bộ được tổ chức 9 phòng,…

Về quy định chuyển tiếp, Nghị định nêu rõ: Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ tiếp tục thực hiện theo các quy định hiện hành cho đến khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị này. Đồng thời, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tiếp tục thực hiện theo các quy định hiện hành cho đến khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị này.

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/10/2012.


Tin nổi bật Tin nổi bật