A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm là thuốc

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo. Trong đó, quy định rõ không được quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Ảnh minh họa.

Theo Nghị định, nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải phù hợp với các tài liệu sau: Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về dược; tài liệu chứng minh tính an toàn, hiệu quả của mỹ phẩm và tuân thủ theo hướng dẫn về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm của hiệp hội quốc tế (nếu có). 

Quảng cáo mỹ phẩm phải có các nội dung như tên mỹ phẩm; tính năng, công dụng của mỹ phẩm; tên địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; các cảnh báo theo quy định của hiệp hội quốc tế. Đặc biệt, không được quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Quảng cáo thực phẩm chức năng phải có các nội dung như tên thực phẩm; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; tác dụng chính và các tác dụng phụ (nếu có). Đặc biệt, quảng cáo thực phẩm chức năng phải có nội dung khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

Nghị định còn quy định nội dung quảng cáo sản phẩm sữa và sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ phải phù hợp với Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và phải có các nội dung sau: Tên sản phẩm sữa và sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.

Cấm dùng hình ảnh, tên thầy thuốc để giới thiệu thuốc

Về quảng cáo thuốc, Nghị định quy định khi quảng cáo thuốc cấm sử dụng hình ảnh người bệnh; sơ đồ tác dụng của thuốc mà chưa được nghiên cứu, đánh giá; hình ảnh, tên của thầy thuốc để giới thiệu thuốc...

Nghị định cũng quy định rõ, nội dung quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải phù hợp với Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải có tên, địa chỉ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi được cấp phép hoạt động; phạm vi hoạt động chuyên môn kỹ thuật chính ghi trong Giấy phép hoạt động hoặc Chứng chỉ hành nghề đã được cơ quan có thẩm quyền về y tế cấp phép.

Theo chinhphu.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật