A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

LUẬT TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH CÓ HIỆU LỰC: Gỡ “nút thắt” trong giải quyết án hành chính

Trước đây, cá nhân, tổ chức, đơn vị khi muốn kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính thì buộc phải có thủ tục giải quyết khiếu nại của cơ quan hành chính nhà nước trước. Nhưng nay, theo Luật Tố tụng hành chính (TTHC) - có hiệu lực từ ngày 1.7.2011 - thì họ có quyền khởi kiện vụ án hành chính ngay ra tòa án…

Pháp lệnh cũ không còn phù hợp

Những năm qua, việc xét xử các vụ án hành chính dựa trên cơ sở Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính (gọi tắt là Pháp lệnh) có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.1996. Theo quy định của Pháp lệnh, người khởi kiện muốn khởi kiện vụ án hành chính ra Tòa án bắt buộc phải có thủ tục giải quyết khiếu nại của cơ quan hành chính nhà nước trước, nên đã làm hạn chế quyền khởi kiện của người dân.

Ông Đỗ Ngọc Định, Chánh tòa Hành chính, TAND tỉnh, nhận xét: “Thực tiễn giải quyết các vụ án hành chính cho thấy, các quy định của Pháp lệnh đã bộc lộ những hạn chế và bất cập vì có những quy định mâu thuẫn với quy định của các văn bản quy phạm pháp luật khác, chưa phù hợp hoặc không còn phù hợp; chưa đầy đủ, thiếu rõ ràng và còn có những cách hiểu khác nhau, đặc biệt là các quy định về thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện hành chính của TAND, điều kiện khởi kiện, thời hiệu khởi kiện, nghĩa vụ chứng minh và cung cấp chứng cứ…”.

Chính các “nút thắt” trên đã làm giảm hiệu quả giải quyết các vụ án hành chính, gây trở ngại cho người dân khởi kiện vụ án hành chính để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Theo báo cáo số liệu 5 năm (2006-2010), toàn ngành TAND tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết 183 đơn khởi kiện hành chính; trong đó, Tòa án trả lại đơn khởi kiện không thuộc thẩm quyền 112 đơn, thụ lý giải quyết 71 đơn. Trong quá trình thụ lý, giải quyết các vụ án vẫn còn những khó khăn, hạn chế dẫn đến tình trạng số vụ án hành chính bị sửa, hủy còn chiếm tỉ lệ khá cao. Trong 14 năm thực hiện Pháp lệnh, số vụ án hành chính của Tòa án cấp huyện, tỉnh bị sửa khoảng 3,6%, bị hủy khoảng 2,67%. Một số Tòa cấp huyện lúng túng trong việc xác định loại việc có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án hay không. Có nơi lại áp dụng pháp luật không đúng nên các quyết định trong bản án không có căn cứ pháp luật.

Luật TTHC: Gỡ “nút thắt”

Luật TTHC được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 24.11.2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2011, gồm 18 chương, 265 điều. Trong đó, điều 103 của Luật quy định: Cá nhân, cơ quan, tổ chức nếu không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính ngay ra tòa án.

Theo ông Định, đây là điểm mới căn bản nhất của Luật TTHC giúp người khởi kiện tự do lựa chọn khiếu nại tại cơ quan hành chính hay khởi kiện vụ án tại tòa mà không bắt buộc phải qua thủ tục tiền tố tụng như trước đây. Bởi Luật TTHC cởi bỏ “nút thắt” này, nên chỉ trong vòng hai tháng kể từ khi Luật có hiệu lực, TAND tỉnh nhận đã trên 100 đơn khởi kiện, chuyển đến Tòa án cấp huyện có thẩm quyền thụ lý, giải quyết, nhiều bằng số đơn Tòa án thụ lý, giải quyết trong cả 5 năm qua (2005-2010).

Một điểm mới khác nữa là Luật TTHC đã quy định về thẩm quyền của Hội đồng xét xử sơ thẩm. Hội đồng xét xử có quyền buộc cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật; buộc cơ quan, tổ chức bồi thường thiệt hại khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm hại do quyết định hành chính, hành vi hành chính gây ra… Những quy định này sẽ đảm bảo cho bản án, quyết định của Tòa án được cụ thể, rõ ràng, tạo điều kiện thi hành bản án thuận lợi, có hiệu quả.

 

Để Luật TTHC được thực thi có hiệu quả, tại Hội nghị phổ biến Luật TTHC do UBND tỉnh tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh: Luật TTHC sẽ góp phần mở những “nút thắt” bấy lâu trong giải quyết các vụ án hành chính, mở rộng thẩm quyền của Tòa án hơn. Bởi vậy, trong thời gian tới, lãnh đạo các địa phương cần tập huấn cho đội ngũ cán bộ chính quyền các cấp tham gia vào các quyết định tố tụng của tòa án; Sở Tư pháp chủ trì hướng dẫn hồ sơ thủ tục về Luật TTHC.


Tin nổi bật Tin nổi bật