|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao hiệu quả phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm

Đa dạng hóa các sản phẩm truyền thông phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm; phấn đấu điều trị ARV cho 160.000 bệnh nhân; triệt phá các đường dây ma túy lớn; tăng cường đấu tranh với các vi phạm pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm… là những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm năm 2021.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống HIA/AIDS, ma túy, mại dâm yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương đề cao trách nhiệm, tăng cường chỉ đạo, huy động nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm và Chương trình công tác năm 2021.

Cụ thể, về công tác tuyên truyền, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và các cơ quan báo chí quan tâm bố trí kinh phí và thời lượng, thời điểm tuyên truyền phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm; tăng cường các tin, bài, đa dạng hóa các sản phẩm truyền thông với các nội dung, hình thức phù hợp với từng loại đối tượng; tập trung vào các khu vực, địa bàn phức tạp, các nhóm nguy cơ cao.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông và internet, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính tích cực tham gia tuyên truyền về phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm; lồng ghép việc tuyên truyền qua các hoạt động bưu chính tại các tỉnh miền núi, tỉnh giáp biên giới…

Đồng thời, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện Đề án phối hợp truyền thông phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm (ban hành kèm theo Quyết định số 2140/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2017); xây dựng Đề án phối hợp truyền thông giai đoạn 2021-2025 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.

Phấn đấu điều trị ARV cho 160.000 bệnh nhân

Về phòng, chống HIV/AIDS, Phó Thủ tướng yêu cầu xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống nhiễm Vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); đa dạng các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV (PrEP) cho các nhóm nguy cơ cao.

Phấn đấu điều trị ARV cho 160.000 bệnh nhân, bảo đảm tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế trên 95%; tiếp tục tăng số lượng bệnh nhân HIV/AIDS điều trị bằng thuốc ARV từ nguồn Bảo hiểm y tế. 

Duy trì và nâng cao chất lượng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone; triển khai thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày.

Triệt phá các đường dây ma túy lớn

Về phòng, chống ma túy, Phó Thủ tướng yêu cầu xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn Luật phòng, chống ma túy (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua; tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và đồng bộ cho công tác phòng, chống ma túy.

Tổng kết Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020 và xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 - 2025 trên cơ sở lồng ghép các đề án, dự án, nội dung liên quan, bảo đảm khả thi, hiệu quả, tận dụng và phát huy tổng thể các nguồn lực trong quá trình thực hiện.

Lồng ghép các nội dung tuyên truyền về phòng, chống ma túy trong các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, du lịch và gia đình. Chú trọng công tác dự phòng nghiện ma túy và can thiệp phòng ngừa cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Xây dựng, phát hành tài liệu và tổ chức tập huấn kỹ năng phòng, chống ma túy cho giáo viên, phụ huynh, học sinh, sinh viên.

Các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tài chính tiếp tục chỉ đạo các lực lượng tăng cường tấn công trấn áp tội phạm ma túy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm; mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma túy trên các tuyến biên giới; đấu tranh, triệt phá các đường dây ma túy lớn, các cơ sở sản xuất ma túy tổng hợp, các điểm, tụ điểm mua bán và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Các Bộ: Công an, Công Thương, Tài chính, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ các loại tiền chất, thuốc gây nghiện trong xuất nhập khẩu và sản xuất kinh doanh, không để tội phạm lợi dụng sản xuất ma túy tổng hợp trong nội địa.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất chính sách về dự phòng nghiện ma túy; đánh giá việc triển khai thí điểm các mô hình hỗ trợ cai nghiện; nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy.

Đấu tranh với các vi phạm về phòng, chống tệ nạn mại dâm

Về phòng, chống mại dâm, Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đấu tranh với các vi phạm pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm theo quy định của pháp luật hiện hành; kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công tác liên ngành phòng, chống mại dâm, Đội kiểm tra liên ngành 178 các cấp; thí điểm tổ chức các hoạt động, các mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội, các chương trình can thiệp, giảm hại, phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS đối với người bán dâm phù hợp với tình hình thực tiễn.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trên cơ sở đánh giá việc thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 – 2020, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021 - 2025 và chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện Dự án Luật Phòng, chống mại dâm, báo cáo cơ quan có thẩm quyền. Đánh giá và nhân rộng các mô hình tốt về can thiệp giảm hại, phòng, chống bạo lực, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội của người bán dâm tại cộng đồng và các trung tâm hỗ trợ xã hội.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm chỉ đạo, bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu, có cơ chế đánh giá, xem xét trách nhiệm nếu buông lỏng quản lý để tình hình phức tạp; có cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia công tác tuyên truyền, giáo dục, cai nghiện ma túy; tăng cường quản lý, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, mua bán, tổ chức sử dụng ma túy; bảo đảm an ninh trật tự, nâng cao chất lượng dịch vụ cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện trên địa bàn.

Theo chinhphu.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật