A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhân viên trạm y tế xã đều là viên chức

Bộ Y tế đề xuất, nhân lực làm việc tại trạm y tế xã là viên chức sự nghiệp y tế, nằm trong tổng số người làm việc của Trung tâm Y tế huyện được phân công, bố trí làm việc tại trạm y tế xã.

Ảnh minh họa.

Đề xuất trên được đưa ra tại dự thảo Nghị định quy định về tổ chức và nhân lực đối với Trạm y tế xã, phường, thị trấn (trạm y tế xã).

Bộ Y tế cho biết, theo quy định tại Quyết định 58/TTg ngày 3/2/1994, cán bộ làm việc tại trạm y tế xã có 2 loại: Thuộc biên chế Nhà nước và không thuộc biên chế Nhà nước nhưng được hưởng mội quyền lợi và theo hệ số ngạch bậc lương của cán bộ nhân viên y tế trong biên chế Nhà nước có cùng trình độ (diện hợp đồng theo Quyết định 58/TTg).

Trong số 67.999 cán bộ đang làm việc tại trạm y tế hiện nay, có 30.737 cán bộ thuộc diện biên chế Nhà nước (chiếm 45,2%) tập trung ở các xã miền núi thuộc các tỉnh khu vực phía bắc và các tỉnh phía nam và 37.262 cán bộ thuộc diện hợp đồng theo Quyết định 58/TTg (chiếm 54,8%) tập trung ở các tỉnh khu vực phía bắc và một số vùng đồng bằng. 
Đến nay, 100% cán bộ y tế của trạm y tế đã được hưởng lương theo ngạch, bậc quy định đối với cán bộ, viên chức ngành Y tế và được hưởng các loại phụ cấp như: Phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp độc hại, phụ cấp thường trực; 100% thuộc đối tượng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế bắt buộc.

Tuy  nhiên, việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý lao động có sự khác nhau giữa 2 đối tượng lao động là viên chức và hợp đồng theo Quyết định 58. Hầu hết các văn bản hiện hành chỉ quy định đối tượng là viên chức, không có văn bản nào đề cập đến đối tượng hợp đồng theo Quyết định 58, nên các chức danh chuyên môn làm việc tại trạm y tế (kể cả bác sĩ, trưởng trạm) đều thực hiện tuyển dụng, quản lý như lao động hợp đồng; trong khi đó, chức danh dân số (trước kia là chuyên trách Dân số xã) lại được một số địa phương tuyển dụng, quản lý như đối với viên chức đã tạo ra sự không hợp lý trong tuyển dụng, quản lý sử dụng nhân lực làm việc ở trạm y tế.

Bên cạnh đó, sự khác biệt loại hình lao động (thuộc biên chế Nhà nước và thuộc diện hợp đồng theo Quyết định 58/TTg) đã có ở trong cùng một trạm y tế, giữa các trạm y tế thuộc phạm vi huyện, tỉnh và giữa các tỉnh trên phạm vi toàn quốc đã làm mất tính thống nhất trong quản lý và sử dụng...

Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất: Nhân lực làm việc tại trạm y tế xã là viên chức sự nghiệp y tế, nằm trong tổng số người làm việc của Trung tâm Y tế huyện được phân công, bố trí làm việc tại trạm y tế xã. Số lượng người làm việc và cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức làm việc tại trạm y tế xã được xác định theo quy định của pháp luật. Việc quản lý, sử dụng nhân lực làm việc tại trạm y tế xã thực hiện theo quy định của Luật Viên chức; các chế độ, chính sách thực hiện theo quy định của pháp luật.

Dự thảo nêu rõ, viên chức y tế xã làm việc theo chế độ ngày làm 8 giờ và phân công thường trực 24/24 giờ tại trạm y tế (kể cả ngày lễ và thứ bảy, chủ nhật) để đảm bảo cấp cứu, khám, chữa bệnh, phòng chống dịch và bảo vệ cơ sở nhà trạm. 

Bộ Y tế cho biết, trạm y tế xã là đơn vị chuyên môn kỹ thuật thuộc Trung tâm Y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (Trung tâm Y tế huyện) có chức năng cung cấp dịch vụ chuyên môn, kỹ thuật về chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân trên địa bàn.

Theo Thống kê của Bộ Y tế, đến nay, nước ta có hơn 11.000 trạm y tế xã. Khu vực Đồng bằng Bắc Bộ có nhiều trạm y tế xã nhất với 2.266 trạm; Tây Bắc có ít trạm y tế xã nhất với 624 trạm. Tỷ lệ % xã, phường, thị trấn có trạm y tế liên tục tăng theo các năm: Từ 89,42% năm 1995, đến năm 2000 là 96,62%; năm 2011 là 98,9%. 

Nước ta có khoảng gần 80% dân số sống ở vùng nông thôn, trạm y tế là cơ sở y tế gần với dân nhất và làm tăng khả năng tiếp cận của người dân đối với dịch vụ y tế ngay tại cơ sở, góp phần đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khoẻ và giảm thiểu chi phí cho người dân. 

Theo chinhphu.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật