Quy định về xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam
Theo đó, đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân liên quan đến xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam.
Về phân loại và xác định tài sản chìm đắm gây nguy hiểm Nghị định quy định như sau: Tài sản chìm đắm gây nguy hiểm được phân thành hai cấp độ và được xác định theo một trong các tiêu chí cụ thể:
Tài sản chìm đắm gây nguy hiểm cấp 1: Gây mất an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến hoạt động hàng hải hoặc hoạt động đường thủy nội địa tại khu vực nhưng chưa gây tắc luồng và chưa phải áp dụng biện pháp cấm luồng hàng hải hoặc luồng đường thủy nội địa; Có nguy cơ gây bệnh dịch cho con người và môi trường sống hoặc đe dọa đến tính mạng con người; Có nguy cơ gây ra tràn dầu hoặc hóa chất độc hại gây nguy hiểm; Tài sản chìm đắm có chứa đựng đến 100 tấn dầu mỏ hoặc các sản phẩm dầu mỏ hoặc đến 50 tấn hóa chất độc hại gây nguy hiểm.
Tài sản chìm đắm gây nguy hiểm cấp 2: Gây mất an toàn dẫn đến phải cấm luồng hàng hải hoặc luồng đường thủy nội địa hoặc gây tắc luồng hàng hải hoặc luồng đường thủy nội địa; Xảy ra tràn dầu hoặc hóa chất độc hại gây nguy hiểm; Có nguy cơ cao gây dịch bệnh cho con người và môi trường sống hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng con người; Tài sản chìm đắm có chứa trên 100 tấn dầu mỏ hoặc các sản phẩm mỏ hoặc trên 50 tấn hóa chất độc hại gây nguy hiểm.
Dựa vào căn cứ tiêu chí trên Cảng vụ có trách nhiệm để quyết định cấp độ nguy hiểm của tài sản chìm đắm và báo cáo ngay cấp trên trực tiếp là Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải bằng văn bản.
Theo Nghị định, Chủ tài sản có tài sản chìm đắm hoặc tổ chức, cá nhân phát hiện tài sản chìm đắm có trách nhiệm thông báo ngay cho Cảng vụ tại khu vực hoặc đơn vị bảo đảm an toàn giao thông tại khu vực; UBND cấp xã hoặc cấp huyện nơi gần nhất biết về địa điểm và loại tài sản chìm đắm. Chậm nhất 03 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, Cảng vụ hoặc UBND cấp xã hoặc cấp huyện báo cáo Cục Hải quan Việt Nam hoặc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc UBND cấp tỉnh; trường hợp tài sản chìm đắm là hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu còn phải thông báo cho cơ quan hải quan nơi gần nhất để phối hợp giải quyết theo quy định của pháp luật về hải quan.
Trường hợp tài sản chìm đắm trong khu vực quân sự thì chủ tài sản có tài sản chìm đắm, tổ chức, cá nhân phát hiện tài sản bị chìm đắm có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan quân sự địa phương nơi gần nhất biết. Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, cơ quan quân sự địa phương có trách nhiệm báo cáo cơ quan quân sự cấp trên trực tiếp và Bộ Quốc phòng.
Trách nhiệm tiếp nhận và xử lý thông tin về tài sản chìm đắm: Cảng vụ hàng hải tại khu vực có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý thông tin đối với tài sản chìm đắm trong vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam; Cảng vụ đường thủy nội địa hoặc đơn vị quản lý đường thủy nội địa khu vực trực thuộc Cục Đường thủy nội địa hoặc cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đường thủy nội địa có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý thông tin đối với tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia; Cảng vụ đường thủy nội địa hoặc đơn vị quản lý đường thủy nội địa trực thuộc Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm và xử lý thông tin đối với các tài sản chìm đắm trên tuyến đường nội thủy địa phương...
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/12/2013 và thay thế Nghị định số 18/2006/NĐ-CP ngày 10/2/2006 của Chính phủ về xử lý tài sản chìm đắm ở biển./.
Theo moj.gov.vn