A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phải trang bị phương tiện bảo vệ cho người lao động độc hại, nguy hiểm

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư số 04/2014/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện chế độ trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động làm nghề, công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại.

Ảnh minh họa.

Phương tiện bảo vệ cá nhân là những dụng cụ, phương tiện cần thiết mà người lao động phải được trang bị để sử dụng trong khi làm việc hoặc thực hiện nhiệm vụ để bảo vệ cơ thể khỏi tác động của các yếu tố nguy hiểm, độc hại phát sinh trong quá trình lao động, khi các giải pháp công nghệ, thiết bị, kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc chưa thể loại trừ hết.

Phương tiện bảo vệ cá nhân bao gồm: Các phương tiện bảo vệ đầu; mắt, mặt; thính giác; cơ quan hô hấp; tay, chân; thân thể; phương tiện chống ngã cao; chống điện giật, điện từ trường; chống chết đuối và các loại phương tiện bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động khác.

Người lao động trong khi làm việc chỉ cần tiếp xúc với một trong những yếu tố nguy hiểm, độc hại sau thì được trang bị phương tiện bảo vệ các nhân: 1- Tiếp xúc với yếu tố vật lý xấu; 2- Tiếp xúc với bụi và hóa chất độc hại; 3- Tiếp xúc với yếu tố sinh học độc hại, môi trường vệ sinh lao động xấu; 4- Làm việc với máy, thiết bị, công cụ lao động, làm việc ở vị trí mà tư thế lao động nguy hiểm dễ gây ra tai nạn lao động; làm việc trên cao; làm việc trong hầm lò, nơi thiếu dưỡng khí; làm việc trên sông nước, trong rừng hoặc điều kiện lao động nguy hiểm, độc hại khác.

Nghiêm cấm phát tiền thay cho phát phương tiện bảo vệ

Thông tư cũng quy định, người sử dụng lao động phải thực hiện các biện pháp về công nghệ, thiết bị, kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động để loại trừ hoặc hạn chế tối đa các tác hại của yếu tố nguy hiểm, độc hại đến mức có thể được, cải thiện điều kiện lao động trước khi thực hiện biện pháp trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân.

Người sử dụng lao động thực hiện việc trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động theo danh mục quy định. Trong trường hợp các nghề, công việc chưa được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành mà xét thấy có yếu tố nguy hiểm, độc hại không bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động thì người sử dụng lao động trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân phù hợp với công việc đó, đồng thời phải báo cáo về Sở Lao động-Thương binh và Xã hội địa phương hoặc Bộ, ngành chủ quản để đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội bổ sung vào danh mục. Thông tư cũng nghiêm cấm người sử dụng lao động cấp phát tiền thay cho việc cấp pháp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động hoặc giao tiền cho người lao động tự đi mua.

Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 15/4/2014.

Theo chinhphu.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật