Quy định mới về thời hạn của Giấy phép hoạt động điện lực
Ảnh minh họa.
Theo đó, Giấy phép hoạt động điện lực được cấp có thời hạn khác nhau cho các lĩnh vực hoạt động điện lực căn cứ vào phạm vi hoạt động, loại công trình điện, thời hạn đăng ký, năng lực, trình độ chuyên môn của đơn vị hoạt động điện lực nhưng không được vượt quá thời hạn quy định.
Cụ thể, Giấy phép tư vấn chuyên ngành Điện lực có thời hạn tối đa 5 năm; Giấy phép của các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh theo danh mục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có thời hạn tối đa 20 năm; còn các nhà máy điện không thuộc danh mục các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có thời hạn tối đa 10 năm.
Bên cạnh đó, Giấy phép lĩnh vực truyền tải điện có thời hạn tối đa 20 năm. Phân phối điện; bán buôn, bán lẻ điện; xuất, nhập khẩu điện có thời hạn giấy phép tối đa là 10 năm.
Gia hạn Giấy phép hoạt động điện lực
Thông tư cũng quy định Giấy phép hoạt động điện lực được gia hạn đối với từng lĩnh vực nếu đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Nghị định số 137/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.
Trước khi Giấy phép hoạt động điện lực hết hạn sử dụng 3 tháng, đơn vị điện lực phải lập hồ sơ theo quy định để đề nghị gia hạn giấy phép hoạt động điện lực và thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định. Trong trường hợp giấy phép điện lực đã hết hạn sử dụng hoặc đơn vị được cấp giấy phép không thực hiện trình tự quy định thì việc lập hồ sơ và trình tự, thủ tục đề nghị cấp Giấy phép hoạt động điện lực áp dụng như trường hợp cấp lần đầu.
Thời hạn gia hạn của lĩnh vực hoạt động điện lực không được vượt quá một nửa thời hạn hoạt động của lĩnh vực đó trong giấy phép hoạt động điện lực đã được cấp lần đầu.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2013.
Theo chinhphu.vn