A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sáu hình thức đầu tư vốn nhà nước

Bộ Tài chính đang dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước (NN) đầu tư vào doanh nghiệp (DN).

Ảnh minh họa

Dự thảo bao gồm 9 chương, 50 điều. Nội dung bao quát toàn bộ hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; quản lý, cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; giám sát, công khai hoạt động đầu tư vốn nhà nước và sử dụng vốn của doanh nghiệp…

 

Bộ Tài chính cho biết, việc ban hành Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp nhằm mục đích khắc phục những bất cập, tồn tại trong cơ chế, chính sách, quản lý nhà nước, quản lý vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và các doanh nghiệp có vốn nhà nước.

 

Mặt khác, chính sách đối với lĩnh vực này đang quy định ở nhiều văn bản, từ các Luật cho đến Nghị định, thậm chí cả ở Thông tư đã dẫn đến dàn trải, không thống nhất, chưa hoàn chỉnh. Vai trò quản lý nhà nước, vai trò của chủ sở hữu chưa rõ, quản lý doanh nghiệp nhà nước còn nhiều bất cập, hiệu quả sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu cũng như nguồn lực được giao.

 

Vì vậy, theo Bộ Tài chính, cần thiết phải ban hành Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp nhằm bao quát toàn bộ hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; quản lý, cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, nâng cao quyền, trách nhiệm thực hiện giám sát các vấn đề này.

 

Phạm vi đầu tư vốn nhà nước

Hình thức đầu tư vốn nhà nước

1.  Đầu tư vốn nhà nước thực hiện các dự án, công trình quan trọng của Nhà nước tại doanh nghiệp.

2.  Đầu tư vốn thành lập mới doanh nghiệp.

3.  Đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho các doanh nghiệp để mở rộng quy mô, nâng cao công suất, năng lực kinh doanh; đổi mới công nghệ, giảm ô nhiễm môi trường, phục vụ an ninh, quốc phòng.

4.  Đầu tư vốn nhà nước để tăng tỷ lệ vốn góp hoặc duy trì quyền chi phối của Nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên.

5.  Mua lại một phần vốn hoặc toàn bộ doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.

6.  Đầu tư vốn nhà nước thông qua Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.

Theo dự thảo, đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp để thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam hoặc các dự án đầu tư ra nước ngoài thuộc danh mục các công trình quan trọng của quốc gia theo quy định của pháp luật. Quốc hội sẽ phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án, công trình quan trọng này.

 

Bên cạnh đó, có thể đầu tư vốn nhà nước để thành lập mới doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp được Nhà nước đầu tư vốn để thành lập mới ở những ngành, lĩnh vực, địa bàn sau như: Ngành, lĩnh vực cung cấp sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cho xã hội; ngành, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và toàn bộ nền kinh tế, đòi hỏi đầu tư lớn; địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà các thành phần kinh tế khác không đầu tư.

 

Vốn nhà nước cũng có thể được đầu tư bổ sung vốn điều lệ đối với các doanh nghiệp chưa được Nhà nước đầu tư đủ vốn điều lệ. Hoặc đầu tư bổ sung vốn để duy trì hoặc tăng tỷ lệ vốn nhà nước đang tham gia tại các doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước tiếp tục duy trì tỷ lệ vốn; đầu tư vốn để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác khi Nhà nước điều chỉnh cơ cấu kinh tế, phục vụ an ninh quốc phòng và các dịch vụ công.

 

Huy động vốn đầu tư tại doanh nghiệp

Theo dự thảo, doanh nghiệp được quyền huy động vốn dưới hình thức: Phát hành trái phiếu; vay vốn của các tổ chức tín dụng, các tổ chức tài chính khác, của cá nhân, tổ chức ngoài doanh nghiệp, của người lao động và các hình thức huy động vốn khác theo quy định của pháp luật.

 

Tuy nhiên, việc huy động vốn phải đảm bảo theo nguyên tắc quy định.

 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng được quyền bảo lãnh cho công ty con do doanh nghiệp sở hữu 100% vốn điều lệ vay vốn tại ngân hàng, các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật. Tổng giá trị các khoản bảo lãnh vay vốn đối với một công ty con không vượt quá giá trị vốn thực góp của doanh nghiệp tại công ty con.

 

Ngoài ra, theo dự thảo, doanh nghiệp được quyền huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đảm bảo hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp không vượt quá 3 lần, bao gồm cả các khoản bảo lãnh vay vốn đối với doanh nghiệp khác có vốn góp của doanh nghiệp.

 

Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty quyết định phương án huy động vốn không vượt quá 50% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp hoặc một tỷ lệ nhỏ hơn được quy định trong điều lệ của doanh nghiệp. Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty có thể phân cấp cho Tổng giám đốc, Giám đốc quyết định phương án huy động vốn. Mức phân cấp cụ thể phải ghi trong Điều lệ hoặc Quy chế tài chính của doanh nghiệp.

 

Các doanh nghiệp có tổng nhu cầu huy động vốn vượt quy định trên phải báo cáo Bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định.

 

 Theo chinhphu.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật