Tập trung triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức
Theo Kế hoạch, đến 2015, 100% cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn quy định; 95% cán bộ, công chức giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp được đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình quy định; 90% cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng được đào tạo, bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm.
100% cán bộ cấp xã được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý, điều hành công việc
Đối với công chức cấp xã, Kế hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2015 có 90% cán bộ cấp xã có trình độ chuyên môn theo tiêu chuẩn quy định; 100% cán bộ cấp xã được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành theo vị trí công việc. Đồng thời, 95% công chức cấp xã vùng đô thị, vùng đồng bằng; 90% công chức cấp xã vùng núi có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên.
Bên cạnh đó, đến 2015, đưa khoảng 3.000 lượt cán bộ, công chức đi đào tạo, bồi dưỡng tại các nước phát triển và đang phát triển. 100% đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được bồi dưỡng trang bị kiến thức, kỹ năng hoạt động ngay trong năm 2011 và nửa đầu năm 2012.
Nội dung đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước, nước ngoài
Kế hoạch nêu rõ, có 6 nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở trong nước gồm: 1- Lý luận chính trị; 2- Kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; 3- Kiến thức hội nhập; 4- Tin học, ngoại ngữ chuyên ngành; tiếng dân tộc cho cán bộ, công chức công tác tại các vùng có tiếng dân tộc thiểu số sinh sống; 5- Đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học, sau đại học cho cán bộ, công chức; 6- Bồi dưỡng trang bị kiến thức, kỹ năng hoạt động cho đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp theo chương trình quy định.
Nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở nước ngoài gồm: Quản lý, điều hành chương trình kinh tế - xã hội; quản lý hành chính công; quản lý nhà nước chuyên ngành, lĩnh vực; xây dựng tổ chức và phát triển nguồn nhân lực; chính sách công, dịch vụ công; kiến thức hội nhập quốc tế.
Đối tượng áp dụng gồm: a) Cán bộ, công chức đang công tác trong các cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, Nhà nước ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện). b) Cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. c) Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. |