A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tháng 1/2014, ban hành 18 văn bản QPPL của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Theo Thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp, trong tháng 1/2014, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 18 văn bản quy phạm pháp luật gồm 8 Nghị định của Chính phủ và 10 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Ảnh minh họa.

Trong đó đáng chú ý là Nghị định số 01/2014/NĐ-CP ngày 3/1/2014 về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam

Nghị định quy định: Trong vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cá nhân nước ngoài không được vượt quá 5%, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20%, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư nước ngoài đó không được vượt quá 20%. Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam.

Trong trường hợp đặc biệt để thực hiện cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, gặp khó khăn, bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, Thủ tướng Chính phủ quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức nước ngoài, một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng cổ phần yếu kém được cơ cấu lại vượt quá giới hạn đối với từng trường hợp cụ thể.

* Ngày 17/1/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 04/2014/NĐ-CPsửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ

Theo quy định của Nghị định, cá nhân kinh doanh không thuộc đối tượng được đặt in, tự in hóa đơn. Đối với tổ chức, doanh nghiệp phải có văn bản đề nghị sử dụng hóa đơn tự in và được sự chấp thuận cơ quan thuế.

Hóa đơn tự in đảm bảo nguyên tắc mỗi số hóa đơn chỉ được lập một lần. Số lượng liên hóa đơn được in căn cứ vào yêu cầu sử dụng cụ thể của nghiệp vụ bán hàng. Tổ chức có trách nhiệm tự quy định bằng văn bản về số lượng liên hóa đơn.

Đối với các doanh nghiệp vi phạm về quản lý, sử dụng hóa đơn; doanh nghiệp có rủi ro cao về việc chấp hành pháp luật thuế, giao Bộ Tài chính căn cứ quy định của pháp luật về quản lý thuế và pháp luật về công nghệ thông tin thực hiện biện pháp giám sát, quản lý phù hợp nhằm thực hiện đúng quy định của pháp luật về hóa đơn.

Doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn tự in có hành vi vi phạm về hóa đơn bị xử lý vi phạm hành chính về  hành vi trốn thuế, gian lận thuế hoặc doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao về thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế thì không được sử dụng hóa đơn tự in mà phải thực hiện mua hóa đơn của cơ quan thuế có thời hạn.

* Chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp được quy định tại Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg ngày 01/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Quyết định quy định mức bồi dưỡng giám định tư pháp theo ngày công đối với một người thực hiện giám định tư pháp thấp nhất là 150.000 đồng/ngày, cao nhất là 500.000đ/ngày (đối với việc giám định phải tiếp xúc với đối tượng giám định nhiễm HIV/AIDS, mang nguồn bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm hoặc phải thực hiện giám định trong khu vực đang có dịch bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm thuộc nhóm A và chất độc hại, nguy hiểm khác theo quy định của pháp luật.). Đối với mức bồi dưỡng giám định theo vụ việc, mức cao nhất là 4.500.000 đồng/tử thi; 4.000.000 đồng/hài cốt.

* Ngày 15/1/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số05/2014/QĐ-TTg về việc công khai chế độ, chính sách liên quan đến phương tiện, điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ của Đảng, Nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Việc công khai được thực hiện theo nguyên tắc: Cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác nội dung các thông tin về chế độ, chính sách và việc thực hiện chế độ, chính sách liên quan đến phương tiện, điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ của Đảng, Nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo quyền của nhân dân được biết, tham gia ý kiến để giám sát thực hiện chế độ, chính sách thông qua những hình thức công khai quy định tại Quyết định này.

Quyết định quy định cụ thể về hình thức, nội dung công khai và thực hiện công khai; nội dung giám sát; thực hiện việc giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ kiểm tra tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức.

* Quy chế phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số06/2014/QĐ-TTg ngày 20/1/2014.

Cụ thể, người, phương tiện bị nạn hoặc có nguy cơ bị nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển cần trợ giúp, trừ trường hợp bất khả kháng phải phát thông tin cấp cứu - khẩn cấp cho Hệ thống đài thông tin duyên hải Việt Nam hoặc hệ thống đài trực canh của Bộ đội Biên phòng hoặc Hệ thống quan sát tàu cá của Tổng cục Thủy sản, hoặc các phương tiện đang hoạt động trên biển gần khu vực bị nạn biết để yêu cầu trợ giúp. Trường hợp đã loại trừ được nguy hiểm gây ra đối với người, phương tiện của mình phải thông báo ngay cho người, cơ quan, tổ chức đã thông tin cấp cứu - khẩn cấp để dừng việc cứu nạn. Tổ chức, cá nhân khi phát hiện hoặc nhận được thông tin người, phương tiện bị nạn phải thông báo kịp thời cho các cơ quan, lực lượng có trách nhiệm tìm kiếm, cứu nạn biết để xử lý. Người cung cấp thông tin báo nạn phải chịu trách nhiệm về độ trung thực của thông tin báo nạn.

Tàu thuyền của tổ chức, cá nhân khi hoạt động trên biển, phát hiện hoặc nhận được thông tin về ngư dân, tàu cá bị nạn phải thông báo ngay cho một trong các cơ quan sau đây để tổ chức phối hợp tìm kiếm, cứu nạn: Cảng vụ hàng hải;Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam; Đồn, trạm của Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển nơi gần nhất; Lực lượng Kiểm ngư; Hệ thống Đài Thông tin duyên hải Việt Nam; Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tàu biển, tàu cá và tàu thuyền khác hoạt động trên biển có trách nhiệm tham gia phối hợp tìm kiếm, cứu nạn ngư dân, tàu cá khi bị nạn. Tàu cá của các tổ, đội sản xuất hoạt động trên biển phát hiện tàu cá của tổ, đội mình bị nạn, trước tiên phải chủ động tiến hành hoạt động cứu nạn hoặc huy động các tàu cá của các địa phương khác hoạt động gần vị trí tàu bị nạn trợ giúp; đồng thời thông báo cho chủ tàu bị nạn và các cơ quan chức năng của địa phương biết để sẵn sàng tổ chức tìm kiếm, cứu nạn. 

Toàn bộ Thông cáo báo chí văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong từng tháng đều được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Theo chinhphu.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật