A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kết quả giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XII

I. LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

1. Sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn

a) Cử tri huyện Tuy Phước:

- Hiện nay tình trạng dẫn dụ chim yến phát triển rất mạnh, xen lẫn trong các khu dân cư; loa phát với tần suất cao, cả ngày lẫn đêm đã làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh sớm ban hành quy định quản lý hành nghề nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh và quy hoạch cụ thể phù hợp với từng địa phương để phát triển nghề nuôi chim yến trên địa bàn huyện nói riêng, của tỉnh nói chung, đảm bảo sự bền vững, không ảnh hưởng đến môi trường và sinh hoạt trong khu dân cư (Cử tri xã Phước Hòa, cùng nội dung kiến nghị của cử tri huyện Hoài Nhơn).

Trả lời:

Hiện nay, hoạt động dẫn dụ gây nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh theo hướng tự phát tại các khu dân cư, nuôi theo kiểu “Chim yến ở tầng trên, con người sinh hoạt ở tầng dưới”. Phương thức dẫn dụ thông qua việc sử dụng thiết bị âm thanh để hấp dẫn chim yến đến trú ngụ và làm tổ. Do đó, các hộ nuôi yến lắp đặt hệ thống âm thanh và mở suốt ngày đêm; gây ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư. Theo thống kê chưa đầy đủ hiện có 283 nhà nuôi chim yến, phân tán tại 45 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; tập trung ở thành phố Quy Nhơn (128 nhà yến), Hoài Nhơn (79 nhà yến), Tuy Phước (49 nhà yến).

Quy định về quản lý hoạt động dẫn dụ gây nuôi chim yến thực hiện theo Nghị định số 66/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ Quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, giống cây trồng, nuôi động vật rừng thông thường, chăn nuôi, thủy sản, thực phẩm. Theo đó, chỉ quy định “Thiết bị phát âm thanh dẫn dụ đảm bảo không vượt quá 70 đề xi ben A”, nhưng không quy định thời gian mở, không quy định đăng ký, khai báo. Mặt khác, Bộ Nông nghiệp và PTNT chưa ban hành văn bản hướng dẫn cũng như quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình kỹ thuật nuôi chim yến để các địa phương làm cơ sở thực hiện.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang dự thảo Thông tư quy định về quản lý nuôi chim yến. Sau khi có Thông tư của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tỉnh sẽ xem xét quy hoạch vùng nuôi chim yến và ban hành quy định nuôi chim yến theo hướng dẫn của Trung ương.

- Người dân sản xuất muối tại thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận gặp nhiều khó khăn do giá muối quá thấp. Đề nghị UBND tỉnh có giải pháp hỗ trợ giúp bà con khắc phục khó khăn, cải thiện cuộc sống (Cử tri xã Phước Thuận).

Trả lời:

Trên địa bàn huyện Tuy Phước có 27 ha diện tích sản xuất muối (theo mục đích sử dụng đất) ở thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận. Đến năm 2015 chỉ còn 15 ha được đưa vào sản xuất, 12 ha bỏ hoang (do nguồn nước vùng này bị ngọt hóa). Vụ muối năm 2016 - 2017, diện tích sản xuất chỉ có 3,5 ha sản xuất muối trải bạt; diện tích bỏ hoang 23,5 ha. Giá muối trải bạt bán ra tại ruộng 500 đồng/kg thấp hơn khoảng 60% so với các địa phương có sản xuất muối trong tỉnh (vị trí đồng muối biệt lập, cách xa đường giao thông, khó khăn cho việc vận chuyển muối sau thu hoạch, chi phí vận chuyển cao).

Để kịp thời giải quyết những khó khăn trước mắt cho diêm dân UBND tỉnh đã có Quyết định số 1404/QĐ-UBND ngày 20/4/2017 phân bố 750.870 kg gạo hỗ trợ của Trung ương để hỗ trợ dân sinh cho diện tích đất lúa và đất muối không sản xuất được vụ Đông Xuân 2016 - 2017. Trong đó huyện Tuy Phước được hỗ trợ 332.460 kg (15kg/khẩu/tháng x 3 tháng).

Về lâu dài, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3587/QĐ-UBND ngày 07/10/2016 phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Quỹ đất dọc Quốc lộ 19 (mới) đoạn từ thành phố Quy Nhơn đến huyện Tuy Phước (Cụ thể hóa đồ án Quy hoạch xây dựng thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050); phạm vi và ranh giới Quy hoạch xây dựng có xã Phước Thuận; dự kiến đầu tư phát triển giai đoạn 2 có khu du lịch sinh thái thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước.

- Trong thời gian qua, tình trạng nông sản bị mất giá, không bán được, nhất là giá thịt heo xuống thấp đã gây nhiều tổn thất và khó khăn cho nông dân. Đề nghị UBND tỉnh trước mắt có biện pháp bình ổn giá để nhân dân an tâm sản xuất; về lâu dài, cần có quy hoạch vùng sản xuất sản phẩm nông - lâm nghiệp, định hướng những sản phẩm chủ lực ở từng địa phương, dự báo thị trường và thường xuyên thông tin đến người dân…để người nông dân yên tâm sản xuất (cùng nội dung kiến nghị của cử tri huyện Vân Canh).

Trả lời:

Trong những tháng qua, chăn nuôi heo cả nước nói chung, chăn nuôi heo ở tỉnh ta nói riêng bị tác động bởi giá heo hơi giảm. Sản phẩm thịt heo cung ứng ra thị trường trong nước vượt cao so với nhu cầu. Trong khi đó, lượng heo hơi xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch bị dừng lại và Việt Nam mới chỉ đang trong giai đoạn đàm phán chứ chưa ký kết hiệp định xuất khẩu heo hơi sang Trung Quốc theo đường chính ngạch. Mặt khác, hầu hết các tỉnh thành chưa có các kho lạnh cấp đông dự trữ thịt heo. Dẫn đến giá heo hơi giảm sâu trong thời gian qua; lượng heo hơi đến thời kỳ xuất chuồng còn nhiều, người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thịt heo bán lẻ tại các chợ vẫn ở mức cao.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh các giải pháp giải cứu heo, bình ổn giá từ đầu tháng 5/2017 đến nay và kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tích cực sử dụng thịt heo hỗ trợ người chăn nuôi. Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường giám sát dịch bệnh, môi trường chăn nuôi. Sở Tài chính xây dựng khung giá thịt heo bán lẻ. Sở Công Thương kêu gọi các Doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm giá, khoanh nợ và kêu gọi Sở Công Thương các tỉnh bạn hỗ trợ mua heo. UBND các địa phương hình thành các điểm bán thịt heo hỗ trợ người chăn nuôi; từ tháng 5/2017 đến nay, đã hình thành 122 điểm bán thịt heo hỗ trợ người chăn nuôi, tiêu thụ khoảng 6.500 con heo. Nhờ đó, đã giảm giá thịt bán lẻ tại các chợ từ 20 - 30% so với trước đây và giá heo hơi có tăng từ 3.000 đồng - 5.000 đồng/kg.

Giải pháp lâu dài, UBND tỉnh sẽ rà soát các địa điểm quy hoạch chăn nuôi đã được phê duyệt. Xúc tiến kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thịt tại tỉnh Bình Định. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi, sản xuất con giống theo hướng công nghệ cao. Ưu tiên doanh nghiệp sản xuất chăn nuôi công nghệ cao, chăn nuôi hữu cơ, gắn với chế biến thực phẩm. Tạm dừng xem xét, cấp phép xây dựng mới nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và đầu tư chăn nuôi heo bố mẹ, thương phẩm. Hình thành và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi từ con giống, sản xuất chăn nuôi, tiêu thụ và chế biến sản phẩm chăn nuôi, an toàn thực phẩm. Chăn nuôi nông hộ phải tổ chức lại, dưới dạng tổ đội, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ. Tổ chức triển khai thực hiện xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.

b) Cử tri huyện Tây Sơn:

- Tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng các cơ sở, nhà máy thu mua, chế biến súc sản để tạo điều kiện cho bà con yên tâm phát triển, mở rộng chăn nuôi (Cử tri xã Tây Thuận).

Trả lời:

Đầu tư xây dựng các cơ sở, nhà máy thu mua, chế biến thịt heo, thịt bò cũng là một trong những giải pháp phát triển chăn nuôi của tỉnh. Tiếp thu kiến nghị của cử tri, hiện nay UBND tỉnh đang kêu gọi, xúc tiến và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư về lĩnh vực này.

- Vừa qua, việc hỗ trợ giống lúa lai chậm đã ảnh hưởng đến kế hoạch gieo sạ và năng suất lúa. Trong thời gian tới, đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương thực hiện kế hoạch hỗ trợ giống lúa lai kịp thời, đảm bảo sản xuất cho nhân dân (Cử tri xã Vĩnh An).

Trả lời:

Ngày 12/4/2017, UBND tỉnh có Quyết định số 1308/QĐ-UBND phân bổ giống lúa lai hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất vụ Thu năm 2017. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, trong 3 ngày (từ ngày 13 -15/4/2017), Trung tâm Giống cây trồng Bình Định thực hiện hoàn thành việc cung ứng giống lúa lai cho các địa phương; so với kế hoạch gieo sạ vụ Thu năm 2017 (từ ngày 05/5/2017 đến 20/5/2017) việc thực hiện cung ứng giống lúa lai đảm bảo đúng thời vụ.

- Cử tri xã Bình Tường kiến nghị: Các ngành chức năng và các địa phương hỗ trợ giống lúa gieo sạ sau lũ lụt kịp thời, đảm bảo kế hoạch gieo sạ và năng suất lúa.

Trả lời:

Việc hỗ trợ giống lúa gieo sạ sau lũ lụt cho bà con nông dân sản xuất, UBND tỉnh đã giao cho UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động mua và cung ứng. Tiếp thu ý kiến cử tri, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ giống lúa kịp thời.

- Cử tri xã Bình Tường kiến nghị: Các ngành chức năng có chính sách hỗ trợ giá giống lúa lai để chuyển đổi từ sản xuất 03 vụ/năm sang 02 vụ/năm, vì hiện nay giá giống quá cao.

Trả lời:

Hiện nay tỉnh chưa có chính sách hỗ trợ lúa lai phục vụ chuyển đổi từ 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa/năm. Tiếp thu ý kiến cử tri, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu đề xuất UBND tỉnh.

- Cử tri xã Bình Tường kiến nghị: Các ngành chức năng xem xét, hỗ trợ cho người chăn nuôi gia súc, gia cầm bị thiệt hại trong mùa mưa lũ năm 2016 và có chính sách hỗ trợ khó khăn cho ngành chăn nuôi heo hiện nay.

Trả lời:

Ngay sau khi mưa lũ đi qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp Sở Tài chính hướng dẫn các địa phương thống kê thiệt hại. Tổng số gia súc, gia cầm thiệt hại là 1.672 con trâu bò, 52.523 con heo, 1.437.099 con gia cầm và 589 con dê; tổng số kinh phí đề nghị hỗ trợ là 73,126 tỷ đồng. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2254/QĐ-UBND ngày 26/6/2017 phân bổ kinh phí hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi để khắc phục hậu quả mưa lũ cuối năm 2016 gây ra trên địa bàn tỉnh (73,126 tỷ đồng) và giao Sở Tài chính lập thủ tục cấp kinh phí cho các địa phương sử dụng và thanh quyết toán theo quy định.

- UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, quản lý các đại lý buôn bán phân bón, thuốc trừ sâu để chống hàng giả, hàng kém chất lượng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của bà con; đồng thời, có chính sách hỗ trợ để ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp, nhất là chăn nuôi nhằm tăng thu nhập cho bà con nhân dân (Cử tri các xã Bình Hòa, Tây An).

Trả lời:

Hàng năm, Sở Nông nghiệp và PTNT đều xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch thanh tra, kiểm tra lĩnh vực chuyên ngành Trồng trọt và BVTV, nhất là từ năm 2015, công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện theo Quyết định số 28/2015/QĐ-UBND ngày 21/8/2015 của UBND tỉnh về việc phân công, phân cấp thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp, nước sinh hoạt nông thôn, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản thuộc phạm vi quản lý của Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Định. Trên cơ sở kế hoạch thanh tra, kiểm tra được xây dựng, hàng tháng, quý đều tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất hoặc thực hiện phối hợp với các đơn vị khác.

- Để đảm bảo thực hiện tốt hơn công tác quản lý nhà nước về chống hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của nông dân, trong thời gian đến, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp:

+ Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc buôn bán và sử dụng thuốc BVTV, phân bón hữu cơ và phân bón khác trên địa bàn tỉnh. Tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV;

+ Tập huấn, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng và thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nông dân biết và và thực hiện;

+ Khuyến cáo cho nông dân không nên lạm dụng thuốc BVTV hoá học (thuốc trừ cỏ, trừ sâu, trừ bệnh và kích thích sinh trưởng), thay thế vào đó khuyến cáo sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học để phòng trừ sâu bệnh trên tất cả các loại cây trồng ở Bình Định.

Ngoài ra, UBND tỉnh đã ban hành những chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi như hỗ trợ vaccine tiêm phòng, hỗ trợ gia súc, gia cầm bệnh, chết, sẩy thai do tiêm phòng, hỗ trợ bình ổn giá heo trong thời gian qua. Tuy nhiên, sản phẩm chăn nuôi chưa được Chính phủ đưa vào bình ổn giá và phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ, xuất khẩu. Trong khi đó, sản phẩm heo hơi xuất chuồng tuy thuộc vào thị trường Trung Quốc mà Việt Nam chưa ký kết hiệp định chính thức xuất khẩu theo đường chính ngạch.

Trong thời gian đến, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát các địa điểm quy hoạch chăn nuôi; xúc tiến kêu gọi đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thịt tại tỉnh Bình Định; hình thành và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi từ con giống, sản xuất chăn nuôi, tiêu thụ và chế biến sản phẩm chăn nuôi, an toàn thực phẩm, giúp người chăn nuôi ổn định tiêu thụ sản phẩm, yên tâm sản xuất; tổ chức lại chăn nuôi nông hộ dưới dạng tổ đội, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ.

- Ngành chức năng nghiên cứu, đề xuất kế hoạch điều chỉnh giảm giá nước sạch cho bà con xã Vĩnh An, vì đây là xã miền núi và là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, còn nhiều khó khăn (Cử tri xã Vĩnh An).

Trả lời:

Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh giao Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung quy định giá nước đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại Quyết định số 3801/QĐ-UBND ngày 27/10/2016 cho phù hợp.   

c) Cử tri huyện Vĩnh Thạnh:

- Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại xã Vĩnh Kim phù hợp với các loại cây họ đậu, ngô và cây keo. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ giống các loại cây trồng này để nhân dân thuận lợi canh tác, sản xuất (Cử tri xã Vĩnh Kim).

Trả lời:

- Đối với đất chuyên trồng lúa khi chuyển sang sản xuất các loại cây trồng cạn trong đó có cây đậu và ngô thì được áp dụng theo Quyết định số 52/2015/QĐ-UBND ngày 25/12/2015 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định về chính sách hỗ trợ phát triển giống cây trồng giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Bình Định. Theo đó, đối với đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ 100% giá giống cây trồng cạn; các hộ còn lại được hỗ trợ 50% giá giống cây trồng cạn. Riêng đối với cây ngô, địa phương có thể thực hiện theo Quyết định số 915/QĐ-TTg ngày 27/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Ngân sách Trung ương hỗ trợ 1 lần 3.000.000 đồng/ha (ba triệu đồng/1ha) chi phí về giống ngô để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô được áp dụng từ vụ Hè Thu 2016 đến hết vụ Đông Xuân 2018-2019.

- Đối với các loại đất khác, đề nghị địa phương căn cứ vào điều kiện thực tế, áp dụng hỗ trợ theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo.

- Thời gian qua, Nhà nước đã quan tâm hỗ trợ 100% giống lúa lai cho người dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi, vùng khó khăn để tạo điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo; tuy nhiên, mức độ hỗ trợ cho người Kinh ở các vùng này còn thấp; đề nghị UBND tỉnh quan tâm có chính sách nâng mức hỗ trợ lên 50% giống lúa lai cho các hộ là người Kinh ở các khu vực này (Cử tri xã Vĩnh Thịnh).

Trả lời:

Sau khi Quyết định số 43/2009/QĐ-UBND ngày 20/10/2009 của UBND tỉnh hết hiệu lực thi hành, UBND tỉnh đã tiếp tục có Quyết định số 52/2015/QĐ-UBND ngày 25/12/2015 ban hành chính sách phát triển giống cây trồng giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh. Quyết định số 52/2015/QĐ-UBND chỉ hỗ trợ lúa lai cho đồng bào dân tộc thiểu 100%, không hỗ trợ cho người kinh ở các huyện nghèo. Tiếp thu ý kiến cử tri, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu, tham mưu đề xuất UBND tỉnh.

d) Cử tri huyện Hoài Nhơn:

- Người chăn nuôi heo đang gặp rất nhiều khó khăn do giá cả xuống thấp, thị trường tiêu thụ bất ổn, bị tư thương ép giá. Cử tri đề nghị Tỉnh có giải pháp thiết thực hỗ trợ người chăn nuôi mang tính bền vững như: Quy hoạch khu chăn nuôi gắn với xây dựng nhà máy chế biến súc sản để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Trả lời:

Tiếp thu ý kiến phản ánh của cử tri, UBND tỉnh đang chỉ đạo rà soát quy hoạch chăn nuôi; tăng cường xúc tiến kêu gọi đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thịt tại tỉnh Bình Định; hình thành và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi từ con giống, sản xuất chăn nuôi, tiêu thụ và chế biến sản phẩm chăn nuôi, an toàn thực phẩm.

- Một bộ phận dân cư khu vực Đông Nam huyện chưa được cung cấp nước sạch, chất lượng nước chưa đảm bảo. Kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, khắc phục tình hình trên (Cử tri các xã Hoài Xuân, Hoài Mỹ, Hoài Hương, Hoài Hải).

Trả lời:

Tiếp thu ý kiến phản ánh của cử tri, Ban quản lý dự án đã yêu cầu các nhà thầu thi công khắc phục các tồn tại như cử tri phản ánh và đến nay đã hoàn thành đấu nối, các hộ dân đã được cấp nước sạch. Hiện nay, Nhà máy cấp nước sinh hoạt khu Đông Nam huyện Hoài Nhơn được Trung tâm nước sạch và VSMT NT quản lý vận hành; chất lượng nước cấp ra có các chỉ tiêu thí nghiệm đạt theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống “QCVN 01:2009/BYT”; việc kiểm tra chất lượng nước tại nhà máy được Trung tâm kiểm tra thường xuyên, định kỳ theo quy định. Một số hộ dân phản ánh có hiện tượng nước đục là do hiện tượng đường ống bị vỡ (do tác động của việc mở rộng đường của địa phương, do người dân tác động,..); đối với trường hợp này đơn vị quản lý vận hành đã khoanh vùng tăng cường công tác xả cặn và giải quyết triệt để.

2. Thủy lợi.

a) Cử tri thành phố Quy Nhơn:

- Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng xả lũ phải hợp lý, đúng quy trình và đảm bảo an toàn cho các công trình chứa nước cũng như tính mạng và tài sản của nhân dân. Hiện nay, Công ty tập đoàn Phúc Lộc thi công dự án cầu Điện Biên Phủ đã ngăn lấp dòng chảy sông Hà Thanh tại khu phố 6, phường Nhơn Phú (gần Cầu Đôi) gây ảnh hưởng, thiệt hại lớn đến diện tích lúa vụ hè và nuôi trồng thủy sản của nhân dân khu phố 6 và khu phố 8 phường Nhơn Phú. Đề nghị UBND tỉnh xem xét chỉ đạo và có biện pháp đền bù thỏa đáng cho những hộ dân có diện tích bị ảnh hưởng không sản xuất được (Cử tri phường Nhơn Phú).

Trả lời:

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương tổ chức kiểm tra công trình hồ, đập trước mùa mưa lũ, đôn đốc các địa phương, đơn vị quản lý hồ chứa xây dựng phương án PCLB cho các hồ nhằm chủ động trong công tác phòng chống  mưa lũ.

Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Kôn - Hà Thanh (Quyết định số 1841/QĐ-TTg ngày 29/10/2015) bao gồm: hồ Vĩnh Sơn, Trà Xom, Định Bình, Núi Một và Thuận Ninh. Việc vận hành các hồ trong mùa mưa lũ theo nguyên tắc đảm bảo an toàn công trình, góp phần giảm lũ cho hạ du và sẽ thông báo kịp thời khi xả lũ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân do mưa lũ gây ra.

- Hiện nay, hệ thống thoát nước của Khu công nghiệp Long Mỹ vào mùa mưa nước đổ chảy qua đoạn mương từ nhà ông Lê Văn Thu tại xóm 5, thôn Thanh Long, xã Phước Mỹ đến đồng Dinh đã sạt lở hai bên bờ xâm thực vào nhà dân và gây sa bồi, thủy phá phần diện tích đất canh tác lúa nước ở cánh đồng gò Tựu và đồng Dinh, thôn Thanh Long (diện tích thiệt hại khoảng 2,8 ha - 3 ha). Đề nghị UBND Tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, xây dựng kênh thoát lũ hoặc bờ kè chống sa bồi để tránh gây thiệt hại cho nhân dân (Cử tri xã Phước Mỹ).

Trả lời:

Sau khi kiểm tra hiện trường, Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo như sau: Mưa lũ cuối năm 2016 đã làm sa bồi, thủy phá khoảng 1,5 ha đất canh tác lúa nước ở cánh đồng Gò Tựu và Đồng Dinh thôn Thanh Long xã Phước Mỹ, nguyên nhân gây sa bồi ruộng lúa là do tình hình mưa lũ, nước lũ kéo theo bùn đất từ các nơi đổ về, trong đó chủ yếu do hoạt động khai thác đất và san lấp mặt bằng của một số doanh nghiệp trong khu vực.

Để xây dựng kênh thoát lũ hoặc bờ kè chống sa bồi như cử tri đã kiến nghị, UBND tỉnh giao UBND thành phố Quy Nhơn chỉ đạo UBND xã Phước Mỹ làm việc với Ban quản lý Khu Công nghiệp Long Mỹ để được hỗ trợ.

b) Cử tri huyện Tuy Phước:

- Tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp đoạn hạ lưu sông Tranh, xã Phước Hiệp thuộc tuyến kênh mương TX7; vì hiện nay, do ảnh hưởng của 5 đợt lũ xảy ra vào cuối năm 2016, đoạn kênh mương này bị sạt lở nghiêm trọng, gây sa bồi thủy phá số lượng lớn diện tích đất trồng lúa của nhân dân thôn Giang Nam; đồng thời, chỉ đạo nâng cấp, sửa chữa kênh N1-2 dẫn nước tưới thôn Giang Bắc, Xuân Mỹ và một phần thôn Tuân Lễ, xã Phước Hiệp (Cử tri xã Phước Hiệp).

Trả lời:

Nội dung cử tri kiến nghị, UBND tỉnh giao UBND huyện Tuy Phước quan tâm xem xét, đầu tư nâng cấp đoạn hạ lưu sông Tranh xã Phước Hiệp (trục tiêu HTX7 - sông cầu Bà Gi) theo nguyện vọng của cử tri.

Đối với vấn đề kênh N1-2: Theo báo cáo của Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi: Trong vụ Đông Xuân 2016 - 2017 Công ty đã triển khai nâng bờ những vị trí thấp và nạo vét bồi lấp đảm bảo kênh dẫn nước tưới tốt; tuy nhiên tình trạng úng diện tích đầu kênh đôi lúc còn xảy ra do điều tiết tưới diện tích sản xuất màu vùng cao cuối kênh khiến cột nước trong kênh dâng cao dẫn đến tràn một số đoạn gây úng. Trong thời gian đến Công ty sẽ tiếp tục nâng những vị trí bờ kênh còn thấp thì tình trạng úng đầu kênh sẽ không còn nữa. UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT đôn đốc Công ty triển khai thực hiện.

- UBND tỉnh quan tâm sớm tổ chức nạo vét, khơi thông dòng chảy các tuyến kênh mương TX12, đoạn kênh mương 859 (thôn Kỳ Sơn, xã Phước Sơn đến thôn Lộc Ninh, xã Phước Thuận), kênh N81 phục vụ cánh đồng Lục Trung đến Vinh Quang 2, đoạn kênh TX6 từ thôn Mỹ Cang đến thôn Lộc Thượng, xã Phước Sơn nhằm để đảm bảo nước tưới cho vụ Hè Thu năm 2017.

Trả lời:

Theo báo cáo của Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi: Kênh TNX 12 do HTX NN Phước Thuận 1 quản lý theo chương trình chuyển giao kênh mương nằm trên địa bàn một HTX để địa phương quản lý theo quy định tại Quyết định số 443/QĐ-CTUBND ngày 21/02/2005 của UBND tỉnh và kênh N8-5-9 là kênh nội đồng của địa phương tưới cho diện tích sản xuất của thôn Lộc Ninh xã Phước Thuận, đề nghị địa phương quan tâm nạo vét để dẫn nước tưới kịp thời; kênh N8-1 phục vụ cánh đồng Lục Trung đến Vinh Quang 2 và đoạn kênh TNX 6 từ thôn Mỹ Cang đến thôn Lộc Thượng xã Phước Sơn hiện nay thông thoáng đảm bảo dẫn nước tưới cho vụ Hè Thu năm 2017 của địa phương

- Đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi quan tâm và có phương án kè chắn và thu hẹp chiều ngang tuyến kênh mương trên tuyến từ Trường THPT Nguyễn Diêu đến thôn Vinh Quang, xã Phước Sơn, nhằm tăng lưu lượng chảy của nguồn nước, đảm bảo đủ nước tưới cho các cánh đồng ở thôn Vinh Quang, xã Phước Sơn; đồng thời, tạo điều kiện cho chính quyền địa phương mở rộng lộ giới đoạn đường này, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và phát triển kinh tế xã hội ở địa phương (Cử tri xã Phước Sơn).

Trả lời:

Kênh tiêu cử tri phản ánh là kênh tiêu TNX 8, một trục tiêu lớn chảy ra đầm Thị Nại (từ Trường THPT Nguyễn Diêu đến thôn Vinh Quang, xã Phước Sơn) do HTX NN Phước Sơn 1 quản lý theo chương trình chuyển giao kênh có kèm theo kinh phí nạo vét, áp trúc theo Quyết định số 1421/QĐ-CTUBND ngày 19/6/2006 của UBND tỉnh; việc thu hẹp mặt cắt ngang của kênh sẽ không đảm bảo tiêu thoát nước vào mùa mưa. Để gia cố bảo vệ, mở rộng đường bê tông dọc tuyến kênh TNX 8, UBND tỉnh giao UBND huyện Tuy Phước xem xét, giải quyết.

- Cử tri xã Phước Hiệp kiến nghị: Ngành chức năng quan tâm kịp thời điều tiết nước phục vụ mùa vụ trên địa bàn xã Phước Nghĩa, vì hiện nay một số diện tích gieo sạ bị ngập úng nước, một số diện tích bị khô hạn không thể đảm bảo năng suất cho vụ mùa (có cùng kiến nghị của cư tri xã Phước Nghĩa và thị trấn Tuy Phước).

Trả lời:

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT: Do diễn biến thời tiết bất thường, lượng mưa trong 6 tháng đầu năm 2017 tăng 160% so với cùng kỳ năm trước, việc vận hành các đập trên sông chưa hợp lý, ngoài ra do tuyến kênh tiêu nội đồng thuộc phạm vi quản lý địa phương bị bồi lấp làm cho một số diện tích đất sản xuất của người dân bị ngập úng. Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi phối hợp với các địa phương trong việc điều tiết nguồn nước, đảm bảo phục vụ tưới.

- Cử tri xã Phước Hiệp kiến nghị: Nhà nước quan tâm đầu tư bê tông hóa đoạn kênh qua địa bàn xã Phước An thuộc tuyến kênh mương N22 từ đập Thạnh Hòa đến xã Phước An, đảm bảo giao thông (Trên tuyến kênh mương này, đoạn thuộc địa bàn xã Phước Lộc đã được bê tông hóa) (có cùng kiến nghị của cư tri xã Phước Nghĩa và thị trấn Tuy Phước)..

Trả lời:

Theo báo cáo của Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi: Tuyến kênh N2-2 hệ thống tưới Thạnh Hòa phục vụ tưới cho xã Phước Lộc và xã Phước An huyện Tuy Phước; đoạn qua địa bàn xã Phước Lộc thường xuyên bị sạt lở do lũ lụt, công ty đã bố trí kinh phí thực hiện trong 3 năm mới kiên cố được; đoạn còn lại tưới cho 164ha của xã Phước An mặt cắt kênh khá ổn định, hàng năm công ty chỉ đầu tư nạo vét, áp trúc đảm bảo tưới. Việc kiên cố đoạn kênh này, Công ty sẽ thực hiện khi bố trí được kinh phí.

- Cử tri xã Phước Hiệp kiến nghị: Nhà nước quan tâm bê tông hóa tuyến kênh mương N1-1 qua địa bàn 02 xã Phước Hiệp, Phước Hòa (có cùng kiến nghị của cư tri xã Phước Nghĩa và thị trấn Tuy Phước).

Trả lời:

Các trận lũ liên tiếp xảy ra cuối năm 2016 đã làm cho hệ thống kênh mương do Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi quản lý bị thiệt hại nặng nề. Tại Công văn số 5937/UBND-KT ngày 23/12/2016 về việc khôi phục các công trình thủy lợi bị hư hại do mưa lũ để phục vụ sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí năm 2017 tập trung vào khắc phục hậu quả lũ lụt, không kiên cố kênh mương. Do vậy khi cân đối được kinh phí sẽ thực hiện kiên cố kênh mương theo kiến nghị của cử tri.

- Các ngành quan tâm kiểm tra và kịp thời sửa chữa, khắc phục tình trạng sạt lở, hư hỏng nặng của tuyến mương TX5 từ Gò Sau đến cầu 15 thuộc thôn Trung Tín 2, thị trấn Tuy Phước để đảm bảo tiêu nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp; đầu tư gia cố lại hạ lưu đập Hà Bạc thuộc thôn Thanh Quang, xã Phước Thắng (Cử tri các xã: Phước Hiệp, Phước Nghĩa và thị trấn Tuy Phước).

Trả lời:

Theo báo cáo của Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi:

- Đoạn kênh tiêu HTX 5 từ Gò Sau đến cầu 15 thuộc tỉnh lộ ĐT 640 do địa phương quản lý, hiện nay kênh bị sạt lở và bồi lấp khá nhiều, tuy nhiên do kênh có độ dốc lớn nên vẫn đảm bảo tiêu úng.

- Đập Hạ Bạc nằm trên địa bàn thôn Thanh Quang, xã Phước Thắng. Công trình được xây dựng từ năm 1984, sau nhiều năm sử dụng công trình bị xuống cấp nặng, hàng năm Công ty chỉ đầu tư sửa chữa nhỏ để phục vụ tưới. Việc sửa chữa, nâng cấp đập Hạ Bạc cần kinh phí rất lớn.

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT xem xét, đề xuất việc sửa chữa, nâng cấp đập Hạ Bạc khi có đủ điều kiện về nguồn vốn.

- Ngành chức năng tỉnh phối hợp với Ban Quản lý dự án Quốc lộ 19 (mới) cho xây dựng lại Bờ Bạn số 1 thuộc địa bàn thôn Hanh Quang, xã Phước Lộc; vì hiện nay, Bờ Bạn số 1 bị hư hỏng nặng do ảnh hưởng từ việc thi công Quốc lộ 19 (mới) đã gây khó khăn đến việc điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của nhân dân (Cử tri xã Phước Lộc).

Trả lời:

Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh giao Sở Giao thông vận tải khẩn trương kiểm tra và báo cáo đề xuất xử lý.

- Cử tri xã Phước Lộc đề nghị: Ngành chức năng tỉnh phối hợp với Ban Quản lý dự án Quốc lộ 19 mới cho xây dựng mới lại Bờ Bạn số 1 thuộc địa bàn thôn Hanh Quang, xã Phước Lộc; vì hiện nay, Bờ Bạn số 1 bị hư hỏng nặng do ảnh hưởng từ việc thi công Quốc lộ 19 mới đã gây khó khăn đến việc điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của nhân dân. Nội dung này đã được cử tri kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được quan tâm giải quyết.

Trả lời:

Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh giao Sở Giao thông vận tải khẩn trương kiểm tra và báo cáo đề xuất xử lý.

- Cử tri xã Phước Thuận đề nghị: Tuyến mương TX14 và tuyến KM 68, đoạn từ thôn Liêm Thuận đến các thôn khu Đông thuộc xã Phước Thuận đã được các cơ quan chức năng phê duyệt xong phần thiết kế và dự toán, nhưng đến nay chủ đầu tư chưa tiến hành thi công. Đây là đoạn kênh rất quan trọng trong việc tiêu thoát lũ và tưới tiêu cho cánh đồng các thôn ở khu vực khu Đông của xã Phước Thuận. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chủ quản sớm triển khai thực hiện dự án này; đồng thời, có phương án thay thế hệ thống cống xả và ngăn nước tại đập Cầu Chùa - Phú Bảo, thôn Phổ Trạch bằng hệ thống tay quay nhằm đảm bảo tiêu thoát lũ và tiện lợi trong việc vận hành tưới, tiêu phục vụ sản xuất cho bà con nông dân tại các cánh đồng thuộc xã Phước Thuận.

Trả lời:

  Việc xây dựng lại điều tiết tại Cầu Chùa, Phố Bảo (thôn Phổ Trạch xã Phước Thuận), UBND tỉnh giao Ban Quản lý dự án Nông nghiệp và PTNT kiểm tra, đề xuất thực hiện.

- Cử tri xã Phước Thuận đề nghị: Đê khu Đông sông Hà Thanh, đoạn bộng bà Nho thuộc xã Phước Thuận xuống cấp nghiêm trọng, có khả năng sẽ bị thủy triều phá hỏng và gây xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất nông nghiệp. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng có biện pháp khắc phục kịp thời trước mùa mưa bão năm 2017.

Trả lời:

Đoạn Bộng Bà Nho, tuyến đê Phước Thuận thuộc hệ thống Đê Đông bị sụp mặt đê, các buy cống hở các khớp gối cống đã làm sạt mái. Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy lợi khắc phục, sửa chữa và công trình đã đưa vào sử dụng đảm bảo an toàn.

- Đề nghị UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo khảo sát đầu tư hệ thống kênh mương tiêu thoát nước và Trạm bơm dã chiến ở khu vực địa bàn các xã khu Đông để tiêu úng vào mùa gieo sạ (Cử tri các xã khu Đông).

Trả lời:

Hiện nay hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ tưới tiêu để sản xuất nông nghiệp cho các địa phương chưa được thông thoáng, mặt cắt kênh chưa đảm bảo thoát nước, bèo rác tại một số tuyến kênh chưa được nạo vét kịp thời nên khi có mưa lớn thường xảy ra ngập úng cục bộ, mặc dù các cống, tràn trên hệ thống Đê Đông đã mở hết các cửa nhưng cũng chỉ tiêu được một số diện tích nằm gần các cống. Mặc khác khi xảy ra mưa lớn nước các sông đổ về hạ lưu kết hợp với triều cường, nên mực nước sông cao hơn phía đồng, việc tiêu úng hết sức khó khăn, ảnh hưởng đến việc gieo sạ của người dân trong khu vực. UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT đề xuất các giải pháp để chống tình trạng úng ngập ven Đê Đông.

- Hai năm vừa qua, nguồn nước từ hồ Định Bình và các hồ chứa nước chảy qua địa bàn xã Phước Hòa với lưu lượng lớn, đặc biệt là đợt lũ ngày 07/5/2017 vừa qua tràn qua đập Nha Phu với lưu lượng lớn, do không kịp thời rút ván đã làm ngập úng hơn 50 ha lúa của các hộ dân trên địa bàn xã. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo đơn vị có liên quan cần xây dựng quy chế phối hợp về xả lũ với các xã nằm cuối nguồn để đảm bảo điều tiết nước cho hợp lý (Cử tri xã Phước Hòa).

Trả lời:

Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Kôn - Hà Thanh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1841/QĐ-TTg ngày 29/10/2015, các đơn vị liên quan đã xây dựng quy chế phối hợp và thực hiện đúng quy trình này. Đợt lũ ngày 27/5/2017, nước về đột ngột tràn qua đập Nha Phu mặc dù hồ Định Bình đã đóng nhưng do kết hợp triều cường đã làm ngập úng một số diện tích lúa mới gieo sạ của xã Phước Hòa; Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi đã tập trung điều tiết nước để tiêu úng nên số diện tích này đã hồi phục và hiện nay phát triển tốt.

- Hệ thống đê sông Tân An, đê Cây Me và Nha Phu đã được đầu tư kiên cố; tuy nhiên, xen kẽ vẫn còn một số đoạn chưa được đầu tư gây nguy cơ sạt lở trong mùa mưa lũ sắp đến như: các đoạn trên đập Cát; đoạn bờ Bắc đê sông Cây Me từ hạ lưu tràn Ba xã đến Gò Tù, thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa; đoạn hạ lưu cầu Tân Mỹ (đoạn bờ đá cũ đã hư hỏng) thôn Tân Mỹ, xã Phước Hòa và đê Lục Lễ, xã Phước Hiệp. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư để hạn chế thiệt hại do lũ trong thời gian tới (Cử tri các xã Phước Hòa, Phước Hiệp).

Trả lời:

Trong những năm gần đây được sự quan tâm của Trung ương vốn đối ứng địa phương đã đầu tư xây dựng nhiều công trình đê kè trong phạm vi toàn tỉnh, tuy nhiên việc đầu tư xây dựng chưa đồng bộ, khép kín. Để bảo vệ tài sản, tính mạng và đất sản xuất của nhân dân sống ven sông, UBND tỉnh giao UBND huyện Tuy Phước chỉ đạo phòng, ban chức năng kiểm tra, đánh giá vùng sạt lở trình cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ đầu tư; đồng thời yêu cầu địa phương cắm biển cảnh báo vùng sạt lở, di dời dân ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm giảm thiểu thiệt hại, hoặc gia cố tạm để phòng chống lũ chính vụ năm 2017.

- Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng sớm tiếp tục thi công hoàn thiện Công trình kiên cố hóa tuyến mương tiêu 3 huyện từ Tỉnh lộ ĐT640 đến cổng ông Ngô, thôn An Lợi, xã Phước Thắng; đồng thời, có kế hoạch khảo sát xây dựng bê tông vành đai sông 3 huyện, tuyến từ thôn Dương Thành đến thôn Khuông Bình, xã Phước Thắng.

Trả lời:

Công trình kiên cố hóa tuyến mương tiêu 3 huyện đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1063/QĐ-UBND ngày 28/3/2017 về việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) Dự án khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai tại một số tỉnh miền Trung - tỉnh Bình Định, trong đó: Sửa chữa, cải tạo các trục tiêu dọc tuyến Đê Đông: (i) Tuyến kênh tiêu Đê Đông qua đoạn huyện Tuy Phước (tiếp giáp vào đoạn kênh tiêu đã kiên cố): Kiên cố tuyến kênh tiêu dài 800m phục vụ tiêu úng cho thị xã An Nhơn, huyện Tuy Phước và Phù Cát; (ii) Tuyến kênh tiêu sông Cái đoạn qua huyện Phù Cát và Tuy Phước: Kiên cố tuyến kênh tiêu sông Cái dài 3.185m (điểm đầu cách thượng lưu cầu sông Cái 356m, điểm cuối giáp thượng lưu cầu Chánh Hữu) phục vụ tiêu úng cho huyện Phù Cát và Tuy Phước.

- Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng khảo sát, đặt trạm bơm kiên cố để đảm bảo tiêu thoát lũ tại tại các tuyến đê ngăn mặn qua các thôn Đông Điền, Lạc Điền, An Lợi, xã Phước Thắng. UBND tỉnh quan tâm có chính sách hỗ trợ thêm kinh phí chi cho công tác vận hành cổng của các đê; vì hiện nay chi phí cho công tác vận hành 04 cổng của các đê thuộc địa bàn xã Phước Thắng với mức 4.000.000 đồng là quá thấp.

Trả lời:

Tuyến đê Đông Điền, Lạc Điền, An Lợi, xã Phước Thắng là một phần của hệ thống Đê Đông được đầu tư xây dựng năm 2005, đê An Lợi xây dựng năm 2012,hiện nay các đoạn đê này vẫn ổn định, chưa có sự cố sụp lún hư hỏng như cử tri đã kiến nghị. Hiện nay Ban QLDA Nông nghiệp và PTNT tỉnh đang triển khai thi công sửa chữa, làm mới các cống Tân Giản 2 cửa, Hà Gạch 5 cửa, cống ngầm dưới tràn Phước Thắng, cống Đồng Cối 3 cửa, làm mới cống Đập Mới 4 cửa và sửa chữa các tràn Tân Giản, tràn Hà Gạch, tràn Phước Thắng, tràn Đập Mới thuộc dự án Nâng cấp hệ thống đê và trồng rừng ngập mặn để ứng phó với BĐKH vùng đầm Thị Nại giai đoạn 3. Tuy nhiên, khi mưa lớn, lũ các sông đổ về kết hợp với triều cường dâng cao, các cống trên hệ thống Đê Đông không xả được gây ngập úng vùng thượng lưu đê, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi Cục Thủy lợi nghiên cứu, đề xuất các giải pháp chống ngập úng cho khu vực này.

Hệ thống Đê Đông qua địa bàn xã Phước Thắng có 4 cống: Cống Hà Gạch 5 cửa, cống Hà Gạch 3 cửa, cống Đồng Cói 3 cửa và cống Kim Thuông 3 cửa. Để phục vụ sản xuất nông nghiệp, địa phương tự vận hành, việc trả công vận hành đóng mở các cống được lấy từ nguồn kinh phí thu ngân sách của địa phương chi trả. UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, bao cáo đề xuất UBND tỉnh về chi phí trả công vận hành 4 cống nêu trên.

- Các đập gồm: Văn Khám-Ba Huyện, bờ Ngô Trung, miếu Trung, Bắc Hà Bạc (gồm 13 đập lớn, nhỏ) trên địa bàn xã Phước Thắng do Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định đầu tư xây dựng và có thu tiền cấp bù thủy lợi phí của Nhà nước. Tuy nhiên, lâu nay HTX NN xã Phước Thắng trả tiền vận hành giữ đập với tổng số tiền là 20.000.000 đồng. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định chi trả khoản này cho HTX; đồng thời thay ván phai cổng của các đập nêu trên bằng cổng quay để dễ vận hành (Cử tri xã Phước Thắng).

Trả lời:

Theo báo cáo của Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi, hàng năm Công ty đều chi trả tiền công quản lý các điều tiết lớn và các điều tiết phục vụ liên xã do Công ty quản lý theo đúng quy định. Việc cử tri đề nghị làm van đóng mở thay ván phai cho các đập là cần thiết nhưng không thể thực hiện ngay được vì khi lắp đặt dàn van phải thay đổi kết cấu một số chi tiết và cần kinh phí lớn. Do vậy Công ty sẽ từng bước sửa chữa nâng cấp trên cơ sở cân đối nguồn thủy lợi phí hằng năm.

- Do quá trình thi công tuyến đường Tỉnh lộ ĐT 640, cống thoát nước của kênh N6 qua thôn Phổ Trạch, xã Phước Thuận đã bị lấp, không đảm bảo tiêu thoát nước. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công ty TNHH xây dựng Tấn Thành (đơn vị thi công tuyến ĐT 640) sớm thực hiện việc khơi thông, khôi phục lại hiện trạng ban đầu (Cử tri xã Phước Nghĩa).

Trả lời:

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT: Cống thoát theo phản ánh của cử tri là cống qua đường ĐT 640 của kênh N6 Thạnh Hòa. Kênh N6 tại vị trí cống này đến Nghĩa trang liệt sĩ huyện Tuy Phước không sử dụng nhiều năm do trước đây nguồn nước kênh N6 không đủ tưới nên diện tích khu vực này sử dụng nước từ đập An Thuận.

- Hiện nay còn một số đoạn đê sông còn lại chưa được kiên cố, thường xuyên bị sạt lở, xuống cấp trong đó có đoạn đê từ cầu sông Tranh, Phước Nghĩa  đến thượng lưu  đập An Thuận – Phước Thuận. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí để thực hiện đầu tư tuyến đê nêu trên.

Trả lời:

Trong những năm gần đây được sự quan tâm của Trung ương và vốn đối ứng địa phương đã đầu tư xây dựng nhiều công trình đê kè ở các địa phương, tuy nhiên việc đầu tư xây dựng chưa đồng bộ, khép kín. Để bảo vệ tài sản, tính mạng và đất sản xuất của nhân dân sống ven sông, việc đầu tư xây dựng đồng bộ các tuyến đê là cần thiết. UBND tỉnh giao UBND huyện Tuy Phước chỉ đạo phòng, ban chức năng kiểm tra, đánh giá vùng sạt lở, cắm biển cảnh báo vùng sạt lở, di dời dân ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm giảm thiểu thiệt hại, hoặc gia cố tạm để phòng chống lũ chính vụ năm 2017.

c) Cử tri thị xã An Nhơn:

- Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo sớm có biện pháp giải quyết và quan tâm đầu tư kiên cố Tuyến kênh Lò Vôi để việc sản xuất của người dân được ổn định (Cử tri phường Nhơn Hưng).

Trả lời:

Theo báo cáo của Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi: Tuyến kênh Lò Vôi có tổng chiều dài 2.283m. Trong đó đoạn cuối kênh dài 1.260m đã được kiên cố bằng bê tông, đoạn kênh còn lại dài 1.023m là kênh đất. Kênh phục vụ tưới cho 70ha lúa của phường Nhơn Hưng thị xã An Nhơn (trong đó có 40ha tưới tự chảy và 30ha tưới tạo nguồn trạm bơm). Mùa mưa lũ năm 2016 đã làm sạt lở và bồi lấp một số đoạn chưa kiên cố, sau lũ Công ty (Xí nghiệp thủy lợi 3) đã lập dự toán và giao HTX NN Nhơn Hưng tổ chức thi công, gia cố khắc phục bằng phên tre, cọc tre và đất đắp, đồng thời nạo vét các đoạn kênh bị bồi lấp thông thoáng, đảm bảo tuyến kênh đưa nước tưới ổn định trong vụ Đông Xuân; vụ Hè Thu đã có dự toán tiếp tục gia cố thêm một số đoạn xung yếu để đảm bảo tưới hết vụ (giao dự toán cho HTX NN Nhơn Hưng thực hiện). Thực tế diện tích tự chảy của kênh Lò Vôi phụ trách không xảy ra úng hạn cục bộ, cây lúa phát triển bình thường.

Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, khảo sát thực tế và báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét việc đầu tư kiên cố tuyến kênh nêu trên theo quy định.

- Năm 2015, UBND tỉnh có Văn bản số 4844/UBND-KTN ngày 06/10/2015 về chủ trương lập báo cáo đề xuất sửa chữa đê sông Bờ Mọ, thôn Trung Lý, xã Nhơn Phong, thị xã An Nhơn, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai, thực hiện. Năm 2016 vừa qua do lũ lụt nhiều đợt đã tiếp tục gây sạt lở, có đoạn dài trên 80m. Cử tri đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra và có kế hoạch đầu tư kiên cố (Cử tri xã Nhơn Phong).

Trả lời:

Đê sông Bờ Mọ nằm phía bờ hữu sông Văn Lãng, có chiều dài 2.000m. Ngày 06/10/2015, UBND tỉnh có Công văn số 4844/UBND-KTN đồng ý chủ trương giao UBND thị xã An Nhơn lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng dự án nâng cấp, sửa chữa đê sông Bờ Mọ, thôn Trung Lý, xã Nhơn Phong. Tuy nhiên do ngân sách nhà nước còn hạn hẹp chưa được thực hiện.

- Hiện nay bờ ngự thủy Ông Lộc, bờ ngự thủy đội 4 (Phụ Quang) bờ kè Đồng Xe (Hòa Nghi) có đoạn chỉ còn 0,3 m. Đề nghị tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí để xây dựng kè, bảo vệ các bờ này (Cử tri phường Nhơn Hoà).

Trả lời:

Toàn tuyến đê Phụ Quang dài 1.400m, bảo vệ cho hơn 500 hộ dân và 250 ha đất lúa. Năm 2011 nhà nước đã đầu tư 800m. Lũ tháng 11/2013 vỡ 2 đoạn bờ Ông Lộc dài 80m; bằng nguồn vốn địa phương đã khắc phục xong vào tháng 11/2014. Để bảo vệ tài sản tính mạng cũng như đất sản xuất của người dân, góp phần ổn định cuộc sống, phát triển bền vững cho nhân dân trong vùng hưởng lợi từ việc đầu tư xây dựng công trình, UBND tỉnh giao UBND thị xã An Nhơn xem xét, trình xin chủ trương lập dự án đầu tư xây dựng đê Phụ Quang đoạn còn lại theo quy định.

 

d) Cử tri huyện Phù Cát:

- Tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng tuyến mương đoạn từ Kênh Văn Phong giáp ranh với huyện Tây Sơn đến trước Thánh thất Kim Quang Minh Đài thuộc thôn Hội Vân, xã Cát Hiệp, đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất cho nhân dân (Cử tri xã Cát Hiệp).

Trả lời:

Khu tưới mà cử tri xã Cát Hiệp đề nghị xây dựng công trình có tổng diện tích khoảng 35ha thuộc thôn Hội Vân (đồng Rộc Cầy 7 ha, đồng Lát 15ha, đồng Hóc Sơn 10ha). Vị trí điểm đấu nối mà cử tri đề nghị xây dựng kênh mương tại Km20 - trên Kênh Chính Văn Phong; địa hình khu tưới cao hơn rất nhiều so với mực nước thiết kế của kênh chính Văn Phong (mực nước thiết kế của kênh chính Văn Phong tại vị trí này ở cao trình: +20.71; địa hình khu tưới cao độ từ +22.00m ÷ 25.00m) nên nếu xây dựng tuyến mương cũng không tưới tự chảy được.

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu, đề xuất giải pháp đảm bảo nước tưới cho khu vực nêu trên

- Đề nghị UBND tỉnh nâng cấp đê Bờ Dầu thôn Hưng Trị, vì đoạn này hàng năm lũ lụt nước tràn qua khoảng 1m, dễ gây sạt lở; đồng thời, quan tâm đầu tư xây dựng tuyến mương từ thôn Phú Giáo đến thôn Vĩnh Phú (đã có chủ trương đầu tư, đổ vật liệu xây dựng từ năm 2014 nhưng đến nay chưa triển khai thi công) (Cử tri xã Cát Thắng).

Trả lời:

Việc nâng cao trình đê Bờ Dầu (thượng lưu đập Lão Tâm, thôn Hưng Trị) như địa phương đề nghị là cần thiết vì đoạn đê này thường bị tràn khi có mưa lớn. UBND tỉnh giao UBND huyện Phù Cát chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, khảo sát báo cáo UBND tỉnh xem xét cho chủ trương đầu tư theo quy định.

Tuyến kênh từ thôn Phú Giáo đên thôn Vĩnh Phú đã được hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư xây dựng công trình và được Sở Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật tại Quyết định số 153/QĐ-SKHĐT ngày 04/6/2014, với tổng mức đầu tư: 8,17 tỷ đồng. Tuy nhiên do ngân sách nhà nước còn hạn chế nên chưa bố trí được nguồn vốn để triển khai đầu tư.

- Đề nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp đập Cây Trâm thôn Kiều An, xã Cát Tân, đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất cho nhân dân (Cử tri xã Cát Tân).

Trả lời:

Đập dâng Cây Trâm có nhiệm vụ tưới cho 50 ha đất canh tác. Chủ công trình và chính quyền địa phương cần tổ chức khảo sát, lập dự án đầu tư sửa chữa nâng cấp đập dâng Cây Trâm trình cấp có thẩm quyền xem xét. Trước mắt, chủ công trình cần chủ động sử dụng nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí, các nguồn lực khác của địa phương để duy tu bảo dưỡng công trình, quản lý vận hành hợp lý, sử dụng nước tiết kiệm để đáp ứng yêu cầu sản xuất.

- Đề nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng bờ kè hai bên suối từ thượng lưu đập Bộ Tồn, xã Cát Khánh đến cầu Bảng Nhượng, xã Cát Thành và từ cầu Bảng Nhượng đến khu du lịch suối khoáng Chánh Thắng (Cử tri xã Cát Thành).

Trả lời:

Theo báo cáo của BQL Dự án đầu tư và xây dựng huyện Phù Cát: Hiện nay đang triển khai xây dựng tuyến kè đá phía thượng lưu, hạ lưu đập dâng Bộ Tồn xã Cát Khánh, giai đoạn 1 đang thực hiện ở phần hạ lưu đập dâng với chiều dài 1.052,2m. Phía thượng lưu sẽ thực hiện trong giai đoạn 2.

- Đề nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng đường bê tông xi măng kẹp dọc theo mương ADB4 đoạn từ Đập Cây Ké đến huyện Phù Mỹ, đảm bảo việc đi lại cho nhân dân (Cử tri xã Cát Tài).

Trả lời:

Thực hiện Quyết định số 45/2015/QĐ-UBND ngày 25/12/2015 của UBND tỉnh về việc Ban hành Chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch thực hiện Bê tông đường GTNT trên địa bàn tỉnh năm 2017. UBND tỉnh giao UBND huyện Phù Cát chỉ đạo UBND xã Cát Tài đăng ký bổ sung tuyến đường nêu trên để thực hiện theo Chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn, trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt bổ sung để xã triển khai thực hiện.

- Cử tri xã Cát Chánh đề nghị: Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng bê tông hóa tuyến kênh 3 huyện (đoạn từ đập Lão Vĩnh tới sông Đông) với chiều dài 1.626m để tiêu úng, thoát lũ, giảm xâm thực, đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp.

Trả lời:

Công trình kiên cố hóa tuyến mương tiêu 3 huyện đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1063/QĐ-UBND ngày 28/3/2017 về việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) Dự án khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai tại một số tỉnh miền Trung - tỉnh Bình Định, trong đó: Sửa chữa, cải tạo các trục tiêu dọc tuyến Đê Đông: (i) Tuyến kênh tiêu Đê Đông qua đoạn huyện Tuy Phước (tiếp giáp vào đoạn kênh tiêu đã kiên cố): Kiên cố tuyến kênh tiêu dài 800m phục vụ tiêu úng cho thị xã An Nhơn, huyện Tuy Phước và Phù Cát; (ii) Tuyến kênh tiêu sông Cái đoạn qua huyện Phù Cát và Tuy Phước: Kiên cố tuyến kênh tiêu sông Cái dài 3.185m (điểm đầu cách thượng lưu cầu sông Cái 356m, điểm cuối giáp thượng lưu cầu Chánh Hữu) phục vụ tiêu úng cho huyện Phù Cát và Tuy Phước.

- Cử tri xã Cát Chánh đề nghị: Nhà nước cho nâng cấp đắp bờ bao hai bên bờ sông đoạn từ cầu xóm Đăng, thôn Chánh Hữu đến giáp cổng Đập Mới thôn Phú Hậu để đảm bảo việc thoát lũ, tiêu úng cho một số diện tích của 3 xã : Cát Hưng, Cát Tiến và Chánh Hữu, Phú Hậu xã Cát Chánh, đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp cho nhân dân.

Trả lời:

Lưu vực từ cầu Xóm Đăng đến cống Đập Mới (08 cửa) là nơi tiếp, nhận lũ cho các khu vực xã Cát Hưng, xã Cát Tiến và một phần của xã Cát Chánh trước khi đổ ra đầm Thị Nại, vào mùa mưa lũ khu vực này thường xuyên bị úng ngập nhân dân không gieo sạ được. Để chống ngập úng khu vực này, UBND tỉnh giao Ban QLDA Nông nghiệp và PTNT triển khai thực hiện dự án Nâng cấp hệ thống đê và trồng rừng ngập mặn để ứng phó với BĐKH vùng đầm Thị Nại giai đoạn 3, trong đó có làm mới cống Đập Mới 4 cửa, cống Đập Mới cũ vẫn giữ nguyên để tăng cường khả năng tháo lũ khu vực này.

- Cử tri xã Cát Chánh đề nghị: Nhà nước quan tâm, nâng cấp đoạn đê từ Đập Chùa đến nhà ông Tô Đức Hợp (Chánh Định) với chiều dài 800m, vì hiện nay bị sạt lún, bong tróc, hư hỏng nặng có nguy cơ xảy ra xói lở, vỡ đê vào mùa mưa bão.

Trả lời:

Tuyến đê cử tri phản ánh đã được đầu tư xây dựng kiên cố từ ngân sách nhà nước. UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Phù Cát chỉ đạo các đơn vị liên quan và UBND xã Cát Chánh quản lý chặt chẽ, không để xe quá tải đi trên đê làm hư hỏng mặt đê và thực hiện việc tu bổ, sửa chữa những hư hỏng theo quy định.

- Cử tri xã Cát Tiến đề nghị: Tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng tuyến mương AN2 tại thôn Tân Tiến nhằm giảm tình trạng ngập úng trong mùa mưa lũ, nhân dân không sản xuất nông nghiệp được.

Trả lời:

UBND tỉnh đã trình Chính phủ và các Bộ ngành xem xét, bố trí vốn để đầu tư trong đó có hạng mục công trình nêu trên tại Quyết định số 1063/QĐ-UBND ngày 28/3/2017 về việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) Dự án khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai tại một số tỉnh miền Trung - Bình Định, trong đó: Kiên cố tuyến kênh tiêu dài 800m phục vụ tiêu úng cho thị xã An Nhơn, huyện Tuy Phước và Phù Cát; (ii) Tuyến kênh tiêu sông Cái đoạn qua huyện Phù Cát và Tuy Phước: Kiên cố tuyến kênh tiêu sông Cái dài 3.185m (điểm đầu cách thượng lưu cầu sông Cái 356m, điểm cuối giáp thượng lưu cầu Chánh Hữu) phục vụ tiêu úng cho huyện Phù Cát và Tuy Phước.

- Cử tri xã Cát Tiến đề nghị:  Tỉnh quan tâm xây dựng nhà tránh trú bão lụt tại thôn Tân Tiến vì thôn Tân Tiến nằm dọc sông Kon, mùa mưa lũ nước ngập vô nhà dân gây nguy hiểm đến tính mạng của nhân dân.

Trả lời:

Trong khuôn khổ Dự án quản lý thiên tai WB5 do Ngân hàng Thế giới tài trợ, Dự án bắt đầu năm 2013 và kết thúc 31/12/2018 do Sở Nông nghiệp và PTNT làm chủ đầu tư dự án, có Hợp phần 3 “Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” thực hiện tăng cường năng lực phòng chống thiên tai cho 10 xã thuộc thị xã An Nhơn và huyện Tuy Phước. Cùng với hoạt động tăng cường năng lực cho cấp xã, dự án đã đầu tư xây dựng công trình phòng chống thiên tai quy mô nhỏ như nhà trú tránh bão lũ đa mục tiêu, đường cứu hộ cứu nạn, cầu cống nhỏ…

Thôn Tân Tiến, xã Cát Tiến nằm ven bờ sông Kôn thường bị ngập lũ, việc xây dựng nhà trú tránh bão lũ cho dân là cần thiết. Hiện nay, Dự án WB5 sắp kết thúc, nguồn lực của dự án đã phân bổ hết cho các hoạt động. Việc đầu tư xây dựng nhà trú tránh bão, lũ cho thôn Tân Tiến, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT xem xét, đề xuất hoặc lồng ghép vào các dự án khác để thực hiện.

- Việc xả lũ của hồ Hội Sơn thông báo trước nửa giờ, với lượng xả lũ trên 500m3/h làm người dân không kịp chuẩn bị, gây thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân, đã làm sa bồi thủy phá 21ha đất sản xuất của thôn Hội Sơn đến nay vẫn chưa được khắc phục, người dân chỉ mới được hỗ trợ 1 lần 15 kg gạo/người. Đề nghị UBND tỉnh xem xét lại trách nhiệm của đơn vị quản lý hồ trong việc xả lũ và có chính sách hỗ trợ lương thực cho người dân ở thôn Hội Sơn để đảm bảo đời sống người dân khi chưa phục hồi đất sản xuất (Cử tri xã Cát Sơn).

Trả lời:

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT: Mùa mưa năm 2016 đã làm thiệt hại tài sản và gây sa bồi thủy phá đất nông nghiệp của xã Cát Sơn nhưng không phải do hồ Hội Sơn xả lũ; thực tế hồ đã vận hành điều tiết cắt lũ cho hạ du rất tốt, thời điểm đỉnh lũ lưu lượng nước đến hồ là 1658m3/s, nước qua tràn chỉ 400m3/s. Trước khi xả lũ hồ Hội Sơn, Công ty đều báo cáo cho Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hồ Hội Sơn (Chủ tịch UBND huyện Phù Cát làm trưởng ban) để thông báo tình hình xả lũ cho các địa phương vùng hạ du (có xã Cát Sơn).

e) Cử tri huyện Tây Sơn:

- Cử tri xã Tây Thuận kiến nghị: UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với địa phương kiểm tra, xử lý việc Thủy điện Tiên Thuận xả nước làm thiệt hại hoa màu và gây nguy hiểm đến tính mạng người dân thôn Hòa Thuận trong sinh hoạt và sản xuất.

Trả lời:

Thủy điện Tiên Thuận xả nước gây sạt lở bờ sông, mất đất sản xuất hoa màu và nguy hiểm cho người dân khi qua lại đoạn sông để vào vùng sản xuất như nội dung phản ánh của cử tri; UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Tây Sơn làm việc cụ thể với nhà máy thủy điện để khắc phục tồn tại theo kiến nghị cử tri.

- Cử tri xã Tây Thuận kiến nghị: UBND tỉnh quan tâm đầu tư xây kè chống sạt lở dọc sông Kôn thuộc xóm 1, 2, 3, 4 thôn Hòa Thuận. Vì hiện nay diện tích bị sạt lở ngày càng lớn, từ 3,5 ha lên gần 7 ha.

Trả lời:

Trong đợt lũ 2016, trên toàn tỉnh có 86,67km đê kè bị sạt lở. Việc khắc phục sạt lở là cần thiết. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 346/QĐ-TTg ngày 20/3/2017 phê duyệt chủ trương đầu tư 04 tiểu Dự án “Khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai tại một số tỉnh miền Trung” vay vốn WB. Trên cơ sở đó UBND tỉnh có Quyết định 1107/QĐ-UBND ngày 30/3/2017 về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng sửa chữa, nâng cấp đê sông Kôn với chiều dài 17.516m đê kè sông của 10 hạng mục công trình trên lưu vực sông Kôn, tổng mức đầu tư là hơn 205 tỷ đồng. Trước mắt, UBND tỉnh giao UBND huyện Tây Sơn chỉ đạo UBND xã Tây Giang cắm biển cảnh báo, di dời dân ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm, gia cố tạm các đoạn sạt lở để phòng, chống lũ chính vụ năm 2017.

- Đề nghị UBND tỉnh quan tâm, đầu tư xây dựng hệ thống mương tưới phục vụ 3,7ha lúa ở vùng Thủy Dẻ (Làng Cam) theo Chương trình định canh định cư tập trung (Cử tri xã Tây Xuân).

Trả lời:

Hiện nay hệ thống mương tưới phục vụ 3,7ha lúa ở vùng Thủy Dẻ (Làng Cam) đã hoàn thành lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, dự kiến trong tháng 7/2017 khởi công xây dựng.

- Đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư, gia cố và khắc phục sớm hai bên bờ đê Văn Chẩn và sông Quéo do bị sạt lở mùa mưa lũ năm 2016, để bà con ổn định cuộc sống (Cử tri xã Bình Hòa).

Trả lời:

Ngày 30/3/2017, UBND tỉnh có Quyết định số 1107/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng sửa chữa, nâng cấp đê sông Kôn thuộc dự án Khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai tại một số tỉnh miền Trung - tỉnh Bình Định, trong đó có đê sông Quéo xã Bình Tân dài 2.369m và đê sông Kôn xã Bình Nghi và xã Bình Hòa huyện Tây Sơn dài 3.321m, thời gian thực hiện 2017 - 2020.

- Đề nghị UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ xây kè chống sạt lở dọc sông Kôn thuộc thôn Hữu Giang, đoạn từ trạm bơm Hòn Gành; đồng thời, hỗ trợ xây kè hoặc cho chủ trương di dời dân cư chòm Chài và xóm 2, thôn Tả Giang 1, vì hiện nay, dọc bờ sông Kôn thuộc khu vực này bị sạt lở rất nghiêm trọng, đe dọa tính mạng và tài sản nhân dân (Cử tri xã Tây Giang).

Trả lời:

Trong đợt lũ 2016, toàn tỉnh có 86,67km đê kè bị sạt lở. Việc khắc phục sạt lở là cần thiết. Thủ tướng chính phủ đã có Quyết định 346/QĐ-TTg ngày 20/3/2017 phê duyệt chủ trương đầu tư 04 tiểu Dự án “Khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai tại một số tỉnh miền Trung” vay vốn WB. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh có Quyết định 1107/QĐ-UBND ngày 30/3/2017 về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng sửa chữa, nâng cấp đê sông Kôn với chiều dài 17.516m đê kè sông của 10 hạng mục công trình trên lưu vực sông Kôn, tổng mức đầu tư là hơn 205 tỷ đồng. Việc cử tri xã Tây Giang kiến nghị, Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo HĐND – UBND tỉnh xem xét hỗ trợ. Trước mắt đề nghị UBND huyện Tây Sơn chỉ đạo UBND xã Tây Giang cắm biển cảnh báo, di dời dân ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm, gia cố tạm các đoạn sạt lở để phòng, chống lũ chính vụ năm 2017.

- Đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, nâng cấp bờ kè dọc sông Kôn trên địa bàn xã Bình Nghi để chống sói lở khi có lũ lụt (Cử tri xã Bình Nghi).

Trả lời:

Chiều dài sông Kôn qua địa bàn xã Bình Nghi 4.400m, để đầu tư toàn bộ tuyến đê, kè qua xã cần nguồn vốn lớn, trong khi ngân sách nhà nước còn hạn hẹp. UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Tây Sơn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn điều tra, rà soát vùng bị sạt lở nguy hiểm, cấp thiết đề xuất giải pháp khắc phục trình cấp thẩm quyền xem xét đầu tư theo quy định.

- Hiện nay khoảng 40ha đồng ruộng Rộc Đức, thôn Thuận Nhứt và đồng Chà Rang, thôn Thuận Hạnh khoảng 40ha thiếu nước sản xuất. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm, đầu tư hệ thống nước tưới ở 02 cánh đồng này (Cử tri xã Bình Thuận).

Trả lời:

UBND tỉnh có Quyết định 1063/QĐ-UBND ngày 28/3/2017 phê duyệt nghiên cứu Báo cáo khả thi (FS) Dự án khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai tại một số tỉnh Miền Trung - tỉnh Bình Định, trong đó: Xây dựng 01 trạm bơm lấy nước từ kênh N24 thuộc hệ thống kênh tưới Văn Phong và 2.500m kênh tưới sau trạm bơm để cấp nước tưới chủ động cho 40 ha cho xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn.

- Kiến nghị UBND tỉnh sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước Hóc Thánh, thôn Hòa Trung để đủ nước tưới cho 60ha cây trồng địa phương (Cử tri xã Bình Tường).

Trả lời:

Theo rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch thủy lợi Bình Định giai đoạn từ năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2030 hồ Hóc Thánh, xã Bình Thành có nhiệm vụ tưới cho 14 ha được đưa vào quy hoạch sửa chữa, nâng cấp vào giai đoạn 2015 - 2020.

- Đề nghị UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ hệ thống mương tiêu nước tại các xã giáp ranh giữa huyện Tây Sơn và thị xã An Nhơn (xã Tây An, Tây Vinh, huyện Tây Sơn và xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn) (Cử tri xã Tây An).

Trả lời:

Hệ thống các mương tiêu trên do các xã Tây An, Tây Vinh huyện Tây Sơn và xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn quản lý. UBND tỉnh giao UBND huyện Tây Sơn và UBND thị xã An Nhơn phối hợp xem xét, đầu tư theo quy định.

g) Cử tri huyện Vĩnh Thạnh:

- Kênh mương Văn Phong phía Đông và phía Tây sông Kôn trên địa bàn xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Hiệp được xây dựng theo loại hình mương hở gây nguy hiểm cho tính mạng người và gia súc khi đi khu vực này, nhất là đoạn đi qua khu dân cư. Đề nghị tỉnh quan tâm sớm đầu tư xây dựng nắp đậy để đảm bảo an toàn (Cử tri xã Vĩnh Hiệp).

Trả lời:

Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp, chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, khảo sát và xem xét đầu tư xây dựng nắp đậy mương ở những khu vực đông dân cư; đồng thời yêu cầu chính quyền địa phương xem xét, cắm biển cảnh báo nguy hiểm ở những khu vực còn lại.

h) Cử tri huyện Phù Mỹ:

- Đợt lũ cuối năm 2016, hệ thống đê sông trên địa bàn xã Mỹ Chánh bị thiệt hại nặng nề, UBND tỉnh đã có chủ trương đầu tư xây dựng nhưng đến nay chưa triển khai thực hiện. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành có liên quan đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo hoàn thành trước mùa mưa sắp đến (Cử tri xã Mỹ Chánh).

Trả lời:

Nội dung cử tri phản ánh, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Phù Mỹ rà soát các hạng mục công trình bị hư hỏng nặng để tiến hành gia cố tạm đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão năm 2017.

- UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra và có kế hoạch tu sửa và nạo vét hệ thống thoát nước dọc tuyến đường ĐT632 từ cầu Bình trị đến Trường THCS Mỹ Quang, vì qua mùa mưa lũ năm 2016 đã bị hư hỏng, bồi lấp không thoát nước được, gây ngập úng nhà dân (Cử tri xã Mỹ Quang).

Trả lời:

Kè chống xói lở suối Bình Trị, thị trấn Phù Mỹ đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2064/QĐ-UBND ngày 08/6/2017 với chiều dài 1.100m, tổng mức đầu tư hơn 8,5 tỷ đồng, nhằm ngăn chặn sự xâm thực gây sạt lở, bảo vệ đất sản xuất và chỉnh trang đô thị. Việc tu sửa, nạo vét, dọn dẹp các vật cản trên suối, UBND tỉnh giao UBND huyện Phù Mỹ chỉ đạo các đơn vị liên quan và UBND thị trấn Phù Mỹ tổ chức thực hiện.

- Đề nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng kè chắn sóng tại thôn Phú Hòa, xã Mỹ Đức, để đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân địa phương trong mùa mưa bão (Cử tri xã Mỹ Đức).

Trả lời:

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình củng cố, nâng cấp Hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang tại Quyết định 667/QĐ-TTg ngày 27/5/2009. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang trình Thủ tướng Dự án “Rà soát quy hoạch hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang”, Sở Nông nghiệp và PTNT đưa nội dung xây dựng công trình “Kè Phú Hà - Phú Thứ” vào trong quy hoạch, làm cơ sở phân kỳ đầu tư xây dựng.

i) Cử tri huyện Hoài Ân:

- Hiện nay đồng Sung Môn thuộc thôn T5, xã Bok Tới sử dụng mương đất, đã bị sạt lỡ. Cử tri kiến nghị nhà nước cấp kinh phí cho xây dựng mương bê tông tạo điều kiện dẫn nước tưới được tốt hơn, tránh thất thoát nước; đồng thời, xem xét cho xây dựng kè Đồng Bà Hương chống xói lỡ, xâm thực mất diện tích đất sản xuất.

Trả lời:

- Hiện nay đồng Sung Môn thuộc thôn T5, xã Bok Tới, UBND huyện Hoài Ân đã đưa vào kế hoạch xây dựng kiên cố hóa kênh mương nội đồng trong năm 2017.

- Để đảm bảo an toàn cho các hộ dân và đất sản xuất việc xây dựng kè Đồng Ba Hương là cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay ngân sách nhà nước còn hạn hẹp nên việc đầu tư sẽ phải được thực hiện theo thứ tự ưu tiên. Trước mắt địa phương cần có các biện pháp gia cố tạm để hạn chế sạt lở hoặc cắm biển cảnh báo vùng sạt lở nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.

- Nhà nước quan tâm xây dựng đoạn bờ sông xóm 2, thôn Liên Hội (khoảng 200m), vì hiện nay, đoạn này bị sạt lở nghiêm trọng; đồng thời, đề nghị UBND tỉnh xem xét lại quy định về hỗ trợ xi măng làm đường bê tông (qui định hiện này là từ 1.000 m trở lên mới được hỗ trợ), gây khó khăn cho địa phương để hoàn thành tiêu chí về giao thông trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (Cử tri xã Ân Hữu).

Trả lời:

Hiện nay, nguồn vốn ngân sách còn nhiều khó khăn nên việc đầu tư sẽ phải được thực hiện theo thứ tự ưu tiên. UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Hoài Ân chỉ đạo cơ quan chuyên môn điều tra, khảo sát, đề xuất giải pháp khắc phục và trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Theo Quyết định số 45/2015/QĐ-UBND ngày 25/12/2015 của UBND tỉnh về việc ban hành Chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh thì không có quy định mức hỗ trợ như nội dung cử tri kiến nghị.

- Hiện nay, dọc sông Lại Giang đoạn thôn Hội An đã bị sạt lỡ, xâm thực nghiêm trọng khu vực dân cư. Cử tri đề nghị các cấp quan tâm xây dựng kè chống xói lở, đảm bảo cuộc sống nhân dân (Cử tri xã Ân Thạnh).

Trả lời:

Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh giao UBND huyện Hoài Ân chỉ đạo các cơ quan chuyên môn điều tra, khảo sát vùng bị sạt lở, đề xuất giải pháp khắc phục trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định.

- Nhà nước hỗ trợ cấp kinh phí cho địa phương sửa chữa, nâng cấp hồ Hóc Kỹ, hồ Cây Điều (thôn An Hậu), vì hiện nay, các hồ này đã xuống cấp, lòng hồ đã bị bồi lấp, vào mùa khô không đủ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp (Cử tri xã Ân Phong).

Trả lời:

Hiện nay dự án WB8 đang triển khai xây dựng, riêng huyện Hoài Ân có 4 hồ tham gia dự án (Kim Sơn, Mỹ Đức, Đá Bàn, Suối Rùn) các hồ còn lại hiện tại chưa có nguồn kinh phí sửa chữa. Trước mắt, yêu cầu UBND huyện chỉ đạo các chủ hồ thường xuyên kiểm tra để phát hiện những hư hỏng, khắc phục kịp thời tránh hư hỏng lớn, đề nghị các chủ hồ báo cáo cụ thể hiện trạng hư hỏng và đề xuất các giải pháp khắc phục để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.

k) Cử tri huyện An Lão:

- UBND tỉnh quan tâm xây dựng bờ kè chống sạt lở các đoạn sông cụ thể: Kè Ruộng Chứa (thôn 1, xã An Vinh), Kè Tmamg Ghen (Thôn Tmang Ghen, xã An Trung). Vì hàng năm khi mùa mưa lũ, các đoạn sông này thường xuyên bị sạt lở gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân.

Trả lời:

Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, hiện nay ngân sách nhà nước còn hạn hẹp nên việc đầu tư sẽ phải được thực hiện theo thứ tự ưu tiên. UBND tỉnh giao UBND huyện An Lão chỉ đạo cơ quan chuyên môn điều tra, khảo sát, đề xuất giải pháp khắc phục và trình cấp có thẩm quyền xem xét.

- Đề nghị tỉnh quan tâm xây dựng đập Tà Loan nhằm đảm bảo nước phục vụ cho sản xuất tại các thôn 1,2 và Khu tái định cư hồ Đồng Mít với diện tích trên 150ha (Cử tri xã An Hưng).

Trả lời:

Công trình Đập Tà Loan thuộc xã An Hưng, huyện An Lão đã thực hiện khảo sát thiết kế, dự kiến triển khai trong năm 2018 từ nguồn vốn 30a.

l) Cử tri huyện Hoài Nhơn:

- Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ kinh phí nạo vét, khơi thông cửa biển Tam Quan, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền ra vào.

Trả lời:

Việc nạo vét khơi thông cửa biển Tam Quan đã được Thường trực Tỉnh ủy thống nhất chủ trương tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho huyện Hoài Nhơn thực hiện (theo Thông báo số 657-TB/TU ngày 06/6/2017 của Tỉnh ủy).

- Xây dựng cơ sở hạ tầng cảng cá Tam Quan, đặc biệt là cầu cảng phục vụ tàu thuyền neo đậu và phát triển các loại hình dịch vụ hậu cần nghề cá.

Trả lời:

Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh sẽ tiếp tục đề nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh tìm nguồn vốn để triển khai thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng cảng cá Tam Quan.

- Đề nghị Trung ương đầu tư xây dựng cảng đa dụng ngoài cửa biển Tam Quan phục vụ phát triển kinh tế biển và quốc phòng - an ninh.

Trả lời:

Để đầu tư xây dựng cảng đa dụng ngoài cửa biển Tam Quan phục vụ phát triển kinh tế biển. Về vấn đề này Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Công văn số 4864/BKHĐT-KTĐN ngày 15/6/2017 về việc đề xuất dự án Cảng cá và khu neo đậu trú bão Tam Quan dự kiến sử dụng ODA vốn vay Nhật Bản để thực hiện. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh có Công văn số 3312/UBND-KT ngày 29/6/2017 giao Ban QLDA Nông nghiệp và PTNT làm chủ đầu tư và chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính triển khai thực hiện.

- Đề nghị tỉnh đầu tư xây dựng dự án kè và tuyến đường giao thông dọc biển huyện Hoài Nhơn tạo động lực phát triển du lịch, dịch vụ dọc biển của huyện nói riêng và của tỉnh nói chung.

Trả lời:

Việc đầu tư xây dự án kè và tuyến đường giao thông dọc biển huyện Hoài Nhơn đã được Thường trực Tỉnh ủy đồng ý chủ trương (theo Thông báo số 657-TB/TU ngày 06/6/2017). Trên cơ sở đó, UBND tỉnh có Công văn số 3205/UBND-KT ngày 23/6/2017 giao UBND huyện Hoài Nhơn chủ động phối hợp với các Sở, ngành có liên quan triển khai lập dự án đầu tư xây dựng kè và tuyến đường giao thông dọc biển huyện Hoài Nhơn (qua 4 xã Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam, Hoài Thanh và Hoài Hương). 

- Ngành chức năng tỉnh quan tâm sớm đầu tư, nâng cấp Đập Cầu Dứa (thôn Định Bình Nam, xã Hoài Đức) phục vụ ổn định nước tưới cho nhân dân 02 xã Hoài Đức và Hoài Mỹ.

Trả lời:

Đối với hồ Cây Dứa thuộc xã Hoài Đức, hiện nay hồ Cây Dứa do nhân dân tự đầu tư xây dựng, đập bằng đất thấp, không có gia cố bảo vệ mái, được ngăn dòng trên một nhánh suối để tưới cho khoảng 20 - 30 ha. Trong quy hoạch đề nghị xây dựng hồ Cây Dứa cách hồ Cây Dứa hiện nay khoảng 400m về phía hạ lưu để sử dụng nguồn nước của hai nhánh suối, dung tích hồ khoảng 3 triệu m3 để tưới cho khoảng 250 ha. Hiện nay, dự án Đập ngăn mặn sông Lại Giang đang lập báo cáo đầu tư xây dựng, khi được đầu tư sẽ đảm bảo nguồn nước cho các vùng ven sông Lại Giang thuộc các xã Hoài Đức, Hoài Mỹ nêu trên.

- Cử tri kiến nghị ngành chức năng tỉnh quan tâm khắc phục đoạn kênh Lại Giang từ đầu mối đến giáp xã Hoài Tân xây dựng từ năm 1984 đến nay đã bị sạt lở nặng.

Trả lời:

Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết.

3. Thủy sản

a) Cử tri huyện Tuy Phước:

-  Đề nghị UBND tỉnh sớm có chỉ đạo, giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng việc sử dụng lưới lồng, xung điện xiết máy để đánh bắt và hủy diệt môi trường thủy hải sản ở đầm Thị Nại, nhằm tránh làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, hủy hoại môi trường sinh thái (Cử tri xã Phước Thuận).

Trả lời:

Về hoạt động của nghề lưới lồng, UBND tỉnh đã quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 1 Quyết định số 13/2014/QĐ-UBND ngày 13/6/2014 về việc bổ sung Quy chế  quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Định (cấm khai thác thủy sản bằng các nghề lưới lồng (lờ dây, lồng xếp), bơm hút thủy sản, tại các đầm Thị Nại, Đề Gi, Trà Ổ và các cửa sông, cửa lạch, vùng biển ven bờ). Đối với hành vi sử dụng xung điện để khai thác thủy sản, Chính phủ đã có quy định tại Khoản 6, Điều 6 , nghiêm cấm các cá nhân, tổ chức hoạt động thủy sản sử dụng xung điện để khai thác thuỷ sản. Theo đó, các hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 2, Điều 6 và Điều 15 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thuỷ sản.

Thời gian qua, công tác quản lý, tuần tra ngăn chặn hoạt động sử dụng xung điện, xiết máy, lưới lồng để khai thác thủy sản trái phép đã được tăng cường, việc sử dụng xung điện, lưới lồng để khai thác thủy sản trên đầm Thị Nại đã giảm đáng kể, tuy nhiên tình hình vi phạm vẫn còn xảy ra làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng và phát triển mô hình quản lý nguồn lợi thuỷ sản ven bờ dựa vào cộng đồng. Tổ chức thực hiện việc giao mặt nước ven bờ cho chính quyền cấp xã, phường tại các địa bàn đã thành lập mô hình đồng quản lý khai thác và bảo vệ  NLTS theo hình thức cộng đồng và chính quyền cùng quản lý. Nghiêm cấm việc sử dụng chất nổ, xung điện và chất độc để khai thác thuỷ sản, cấm sử dụng tàu cá hành nghề lưới kéo (giã cào) hoạt động khai thác ven bờ, vùng lộng trên vùng biển Bình Định. Đến nay đã xây dựng thành lập được 14 mô hình ĐQL với 40 Tổ/Nhóm hạt nhân/32 xã, phường ven biển, trong đó có nhiều Nhóm đang hoạt động rất tích cực và có hiệu qủa như Tổ đồng quản nghề cá ven bờ xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Chi cục Thuỷ sản đã phối hợp với Đội Phòng chống XĐXM huyện Tuy Phước, Cảnh sát đường thủy, chính quyền các địa phương và các Tổ Đồng quản lý tổ chức 47 chuyến tuần tra, kiểm soát trên đầm, biển. Qua đó đã phát hiện 30 trường hợp vi phạm, đã xử phạt với số tiền trên 25 triệu đồng. Trong đó, phát hiện, xử lý nhiều trường hợp sử dụng xung điện, xiết máy để khai thác thuỷ sản, tịch thu 04 gọng xiếc, 06 bộ kích điện, 6 tấm lưới, 06 bình ắc-quy (ngoài ra có 01 trường hợp sử dung xung điện bàn giao UBND xã Phước Hoà, Tuy Phước thụ lý giải quyết).

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống xung điện, xiết máy, lưới lồng và các “nghề cấm” ở các địa phương ven đầm, biển trong thời gian đến, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Tuy Phước, UBND thành phố Quy Nhơn triển khai đồng bộ các biện pháp thu gom, xử lý lưới lồng sử dụng để khai thác thuỷ sản trái phép, nhằm ngăn chặn, hạn chế tình trạng sử dụng lưới lồng khai thác thủy sản trên Đầm Thị Nại theo quy định tại Quyết định số 13/2014/QĐ-UBND ngày 13/6/2014 của UBND tỉnh. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi khai thác thủy sản trái phép trên đầm Thị Nại. 

b) Cử tri huyện Phù Cát:

- Tỉnh quan tâm quy hoạch khu neo đậu thúng tại bãi nhỏ, khu du lịch Mỹ Tài, vì hiện nay, Công ty Mỹ Tài gây khó khăn cho ngư dân đi lại.

Trả lời:

Hiện nay, khu vực neo đậu thúng tại Bãi Nhỏ thuộc Khu du lịch Trung Lương nằm trong diện phải di dời của UBND tỉnh để phục vụ phát triển du lịch. Theo Công văn số 4712/UBND-KT ngày 20/10/2016 của UBND tỉnh về việc di chuyển thuyền, thúng tập kết khu vực Dự án Khu du lịch Trung Lương, khu kinh tế Nhơn Hội, UBND tỉnh đã chỉ đạo với nội dung như sau:

- Đồng ý chủ trương cho kiểm đếm, di dời và hỗ trợ, chuyển đổi nghề cho các hộ ngư dân tại khu vực Dự án khu du lịch Trung Lương, Khu kinh tế Nhơn Hội. Chủ đầu tư Dự án có trách nhiệm ứng trước tiền để thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ chuyển đổi nghề, giải phóng mặt bằng và khấu trừ tiền thuê đất của Dự án theo quy định.

- Trước mắt UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư Dự án khu Du lịch Trung Lương tạm thời khoanh 50% phần diện tích tại khu vực Bãi Nhỏ (phía Bắc) để cho các ngư dân địa phương tập kết thúng và ngư lưới cụ trong mùa mưa bão năm 2016; bố trí Bãi đậu xe (Bãi mới) và tạo điều kiện cho ngư dân đi vào khu vực Bãi Nhỏ bằng tuyến đường cũ để hoạt động sản xuất, vận chuyển hải sản như nguyện vọng của ngư dân.

Hiện nay, Ban Quản lý khu Kinh tế tỉnh đang thực hiện kế hoạch kiểm đếm, di dời và hỗ trợ, chuyển đổi nghề cho các hộ ngư dân tại khu vực Dự án khu du lịch Trung Lương, Khu kinh tế Nhơn Hội.

- Nhà nước quan tâm sớm giải quyết và hỗ trợ kịp thời cho ngư dân trong việc thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Chính phủ. Đồng thời, giải quyết và trả lời thỏa đáng cho ngư dân trong việc tàu vỏ thép bị hư, nằm bờ không ra khơi được.

Trả lời:

- Về giải quyết hồ sơ hỗ trợ ngư dân theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg:

Thực hiện Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2011 đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ 66 đợt cho 37.913 hồ sơ và 02 Trạm bờ thông tin liên lạc với số tiền: 2.172.321,725 triệu đồng.

Từ đầu năm 2017 đến nay, đã tiếp nhận được 2.264 hồ sơ (Nhiên liệu: 2.159 hồ sơ, HF: 46 hồ sơ, Bảo hiểm: 59 hồ sơ). Tổ thẩm định hồ sơ của tỉnh đã thẩm định 11 đợt, trong đó:

+  Thẩm định hồ sơ năm 2016 chuyển sang 07 đợt cho 5.100 hồ sơ với số tiền 370.097 triệu đồng.

+ Thẩm định hồ sơ năm 2017: 04 đợt cho: 1.331 hồ sơ, số tiền: 110.250 triệu đồng.

- Hiện nay, Kho bạc huyện Phù Cát đã chi trả cho ngư dân được nhận tiền hỗ trợ đến 07, 08 đợt năm 2016 và đợt 01 năm 2017. Sở Nông nghiệp và PTNT đang trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt hỗ trợ các đợt còn lại của năm 2016 dứt điểm trước ngày 30/6/2017.

Do số lượng hồ sơ đề nghị hỗ trợ tương đối nhiều và phức tạp (có hồ sơ phải xác minh, bổ sung lại nhiều lần như: Một số hồ sơ đề nghị hỗ trợ nhiên liệu tàu cá hoạt động không đúng nghề so với giấy phép khai thác thủy sản được cấp hoặc chủ tàu khai thuyền trưởng của chuyến biển đề nghị hỗ trợ khác với tên đăng ký trong sổ danh bạ thuyền viên tàu cá nên mất nhiều thời gian để xác minh. Vì vậy, làm chậm tiến độ thẩm định cũng như phê duyệt hỗ trợ. Tổ thẩm định của tỉnh đã rất cố gắng đẩy nhanh tiến độ thẩm định, đảm bảo chính xác, công khai minh bạch, hỗ trợ đúng đối tượng và đúng quy định.

- Về hỗ trợ ngư dân theo thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ và trả lời thỏa đáng cho ngư dân trong việc tàu vỏ thép bị hư, hỏng nằm bờ không ra khơi được:

+ Thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đến nay toàn tỉnh đã có 56 chủ tàu ký hợp đồng tín dụng vay vốn đóng mới tàu với các ngân hàng, trong đó vỏ thép: 47, vỏ composite: 05, vỏ gỗ: 04. Trong 56 tàu ký hợp đồng tín dụng đã có 51 tàu đóng xong đi khai thác (thép: 44, composite: 03, gỗ: 04) bước đầu hoạt động sản xuất mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động sản xuất có một số tàu vỏ thép được đóng mới tại các cơ sở Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương trong thời gian vừa qua bị trục trặc, hư hỏng đã làm ảnh hưởng đến sản xuất và khả năng trả nợ của chủ tàu.

+ Theo kiến nghị của các chủ tàu, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan kiểm tra, đánh giá tình hình hư hỏng, sửa chữa và bảo hành của các tàu cá bị hư hỏng đóng tại công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương;  thành lập Tổ thẩm định chất lượng vỏ tàu thép đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ tại tỉnh Bình Định.

+ Căn cứ kết quả kiểm tra của Tổ thẩm định, UBND tỉnh đã yêu cầu 02 Công ty bàn bạc với các chủ tàu vỏ thép bị hư hỏng, cam kết khắc phục các hư hỏng theo kết quả thẩm định đồng thời tổng hợp, báo cáo kết quả và đề xuất các biện pháp giải quyết cho Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và PTNT.

+ Hiện nay, Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đã cam kết đưa tàu lên đà để sửa chữa, khắc phục trong tháng 7 và tháng 8/2017 và chịu 100% chi phí sửa chữa, bảo hành, thay mới những thiết bị máy móc theo đúng hợp đồng đóng tàu đã ký kết với ngư dân.

c) Cử tri huyện Phù Mỹ:

 - Thực hiện Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ, tàu của ngư dân đến đánh bắt tại các vùng biển xa theo quy định, nhưng khi nhắn tin về Trạm bờ không nhận được tin nhắn. Đề nghị tỉnh nâng cấp trạm bờ và đẩy nhanh tiến độ phê duyệt danh sách các tàu đủ điều kiện khai thác vùng biển xa theo quy định (Cử tri xã Mỹ Thọ).

Trả lời:

Nhằm kịp thời phát hiện, ngăn ngừa tình trạng gian dối, không trung thực của một số chủ tàu trong việc làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ, đảm bảo việc thực hiện chính sách khuyến khích hỗ trợ được tiến hành công bằng, đúng đối tượng, ngày 13/9/2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 117/2016/QĐ-UBND quy định việc thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Bình Định. Trong đó, quy định tàu cá phải gửi tin nhắn khi tàu xuất bến, tàu về đến bến; tin nhắn báo cáo vị trí tàu hoạt động trên vùng biển xa tối thiểu là 07 (bảy) lần trong 07 (bảy) ngày khác nhau của chuyến biển đề nghị hỗ trợ và trong 03 ngày liên tiếp hoạt động trên biển phải có ít nhất 01 tin nhắn báo cáo vị trí tàu trong suốt chuyến biển để được xác nhận tàu cá hoạt động vùng biển xa. 

- Từ đầu năm 2017 đến nay, do lượng tàu cá đã lắp đặt máy HF-VX 1700 của tỉnh lớn (2.700 máy) và đa số ngư dân muốn làm hồ sơ hỗ trợ sớm từ đầu năm nên đi khai thác vùng biển xa và nhắn tin về Trạm bờ với số lượng lớn nên gây nghẽn mạng. Để giải quyết tình trạng này, Chi cục Thủy sản đã phân kênh tần số và chia thời gian thực hiện nhắn tin từng địa phương cho phù hợp; tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung Quy chế số 117/2016/QĐ-UBND theo hướng giãn số ngày khi tàu cá hoạt động trên biển phải nhắn tin về Trạm bờ từ “03 (ba) ngày liên tiếp hoạt động trên biển phải có ít nhất 01 tin nhắn” thay đổi thành “05 (năm) ngày liên tiếp hoạt động trên biển phải có ít nhất 01 tin nhắn”.  Ngoài ra, UBND tỉnh đã cho chủ trương lắp đặt thêm một Trạm thông tin liên lạc trên bờ đặt tại Cảng cá Quy Nhơn, Sở Nông nghiệp và PTNT đang xin ý kiến của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc xây dựng thêm Trạm bờ để phục vụ cho việc xác nhận khai thác vùng biển xa.

- Về đề nghị đẩy nhanh tiến độ phê duyệt danh sách các tàu cá đủ điều kiện khai thác vùng biển xa theo quy định: Hiện nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT thường xuyên rà soát, kiểm tra, xem xét và tổng hợp báo cáo UBND tỉnh phê duyệt bổ sung danh sách, phê duyệt điều chỉnh danh sách các tàu cá đủ điều kiện tham gia khai thác hoặc dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa mỗi tháng 1 lần đúng theo quy định tại Quyết định số 117/2016/QĐ-UBND-m ngày 13/9/2016 của UBND tỉnh.

- Hiện nay, một số tàu cá tỉnh khác đánh bắt thủy sản gần bờ trên vùng biển Bình Định bằng chất nổ làm hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát và có giải pháp ngăn chặn kịp thời (Cử tri xã Mỹ Đức).

Trả lời:

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT: Từ đầu năm 2017 đến nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thuỷ sản phối hợp với lực lượng chức năng liên quan, chính quyền các địa phương và các Tổ Đồng quản lý tổ chức 47 chuyến tuần tra, kiểm soát trên đầm, biển. Kiểm tra 300 lượt tàu cá hoạt động khai thác thuỷ sản trên biển, qua đó đã phát hiện 30 trường hợp vi phạm, đã xử phạt với số tiền trên 25 triệu đồng. Tuy nhiên đến nay đơn vị vẫn chưa phát hiện có trường hợp nào có dấu hiệu sử dụng hoặc sử dụng chất nổ để khai thác thuỷ sản đối với các tàu cá trong và ngoài tỉnh hoạt động trên vùng ven bờ biển tỉnh Đình Định.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Thuỷ sản Bình Định tiếp tục phối hợp và tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong cộng đồng ngư dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thường xuyên giám sát và kịp thời cung cấp thông tin cho các lực lượng chức năng đối với các trường hợp sử dụng chất nổ khai thác thủy sản để ngăn chặn và xử lý kịp thời. Đồng thời đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp với lực lượng Biên phòng, Cảnh sát Đường thuỷ và chính quyền các địa phương tăng cường hơn nữa hoạt động tuần tra, kiểm soát trên biển, theo dõi chặt chẽ tình hình vi phạm để có biện pháp xử lý kịp thời. Trong điều kiện lực lượng còn mỏng, phương tiện còn thiếu, việc điều động, bố trí lực lượng, phương tiện phù hợp với từng thời điểm, tập trung những vùng trọng điểm, phức tạp, đảm bảo đủ mạnh để áp đảo, răn đe, bắt giữ; xử lý thật nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.

d) Cử tri huyện Hoài Nhơn:

- UBND tỉnh sớm điều chỉnh quy định về số lượng, thời gian nhắn tin để hưởng chính sách hỗ trợ nhiên liệu đối với các tàu đánh bắt xa bờ. Vì theo Quyết định số 117/2016/QĐ-UBND-m, ngày 13/9/2016 của UBND tỉnh (ban hành Quy chế quy định việc thực hiện một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Bình Định), để được hỗ trợ nhiên liệu thì các tàu của tỉnh khi đánh bắt xa bờ phải có đủ 9 tin nhắn (trong đó có 02 tin nhắn bờ, 07 tin nhắn khơi). Quy định này gây khó khăn cho ngư dân trong việc nhắn tin, hệ thống nhận tin (qua 02 trạm) thường xuyên bị quá tải. (Một số tỉnh ven biển chỉ quy định có từ 3 – 4 tin nhắn).

Trả lời:

  - Về đề nghị sửa đổi Quyết định số 117/2016/QĐ-UBND-m ngày 13/9/2016 của UBND:

  UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 71/2017/QĐ-UBND-m ngày 28/6/2017 sửa đổi, bổ sung Quy chế số 117/2016/QĐ-UBND-m theo hướng giãn số ngày khi tàu cá hoạt động trên biển phải nhắn tin về Trạm bờ từ  “03 (ba) ngày liên tiếp hoạt động trên biển phải có ít nhất 01 tin nhắn” thay đổi thành “05 (năm) ngày liên tiếp hoạt động trên biển phải có ít nhất 01 tin nhắn” và bỏ quy định Trường hợp tàu cá hoạt động trên biển nhưng máy HF không thực hiện nhắn tin về Trạm bờ được, thuyền trưởng phải liên lạc qua máy HF về Trạm bờ Quy Nhơn ở tần số 7909 kHz để phối hợp xử lý hoặc ghi nhận thông tin vào Sổ trực ban theo dõi làm cơ sở cho việc xác nhận tàu cá hoạt động vùng biển xa để làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ.

- Về quy định để được hỗ trợ nhiên liệu thì các tàu của tỉnh khi đánh bắt xa bờ phải có đủ 9 tin nhắn (trong đó có 02 tin nhắn bờ, 07 tin nhắn khơi):

Do đặc thù của tỉnh Bình Định có số lượng tàu cá được hưởng chính sách hỗ trợ nhiên liệu theo Quyết định 48 nhiều (gần 1/2 toàn quốc), nhưng bên cạnh đó cũng có một số chủ tàu cá còn gian dối, gửi máy HF cho tàu cá khác nhắn tin và làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Ngoài ra, việc quản lý tàu cá nhất là việc số lượng tàu cá vi phạm lãnh hải các nước ngày càng tăng và việc thống kê, kêu gọi tàu cá vào tránh trú khi có bão, ATNĐ còn gặp nhiều khó khăn do ngư dân thường tắt máy HF trong quá trình hoạt động trên biển.

Do vậy, UBND tỉnh có quy định về số lượng tin nhắn về Trạm bờ như trên để phù hợp với thực tế tại địa phương, ngăn ngừa tình trạng gian lận trong hỗ trợ theo Quyết định 48, ngăn ngừa tình trạng vi phạm lãnh hải của nước ngoài và quản lý tàu cá chặt chẽ hơn.

- UBND tỉnh chỉ đạo thanh tra, kiểm tra làm rõ việc đóng tàu sắt theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, vì hiện nay, một số tàu vỏ sắt bị hư máy, xuống cấp mặc dù mới được bàn giao cho ngư dân chưa đủ 12 tháng, nhất là các tàu do Công ty TNHH MTV đóng tàu Nam Triệu sản xuất (cùng nội dung kiến nghị của cử tri các địa phương khác).

Trả lời:          

Trong quá trình hoạt động sản xuất có một số tàu vỏ thép được đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ tại các cơ sở Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương trong thời gian vừa qua bị trục trặc, hư hỏng đã làm ảnh hưởng đến sản xuất và khả năng trả nợ của chủ tàu.

Theo kiến nghị của các chủ tàu, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan kiểm tra, đánh giá tình hình hư hỏng, sửa chữa và bảo hành của các tàu cá bị hư hỏng đóng tại công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương;  thành lập Tổ thẩm định chất lượng vỏ tàu thép đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ tại tỉnh Bình Định.

Căn cứ kết quả kiểm tra của Tổ thẩm định, UBND tỉnh đã yêu cầu 02 Công ty bàn bạc với các chủ tàu vỏ thép bị hư hỏng, cam kết khắc phục các hư hỏng theo kết quả thẩm định đồng thời tổng hợp, báo cáo kết quả và đề xuất các biện pháp giải quyết cho Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Hiện nay, Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đã cam kết đưa tàu lên đà để sửa chữa, khắc phục trong tháng 7 và tháng 8/2017 và chịu 100% chi phí sửa chữa, bảo hành, thay mới những thiết bị máy móc theo đúng hợp đồng đóng tàu đã ký kết với ngư dân.

- Đề nghị Trung ương, tỉnh cần quan tâm nhiều hơn đến chính sách phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững như: Vùng khoanh nuôi tái sinh, cân đối lượng tàu đánh bắt... Hiện nay, số lượng tàu đánh bắt phát triển quá nóng trong khi lực lượng lao động không đảm bảo. Tình trạng khai thác thiếu kiểm soát, chưa gắn với bảo vệ nuôi dưỡng dẫn đến suy giảm nguồn lợi thủy, hải sản.

Trả lời:

Trong thời gian qua, nhất là thời gian gần đây, Trung ương và tỉnh đã quan tâm ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững đặc biệt là trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, như:

- Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 16/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020;

- Các chính sách khuyến khích và phát triển khai thác thủy sản xa bờ của Thủ tướng Chính phủ như: Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/07/2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa; Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

- Công văn số 9443/BNN-TCTS ngày 18/11/2015 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường hoạt động khai thác thủy sản trong đó có quy định về Quản lý chặt chẽ việc đóng mới tàu cá tại địa phương và ưu tiên phát triển tàu cá làm các nghề như: lưới vây, lưới rê, nghề câu, nghề chụp và dịch vụ hậu cần; khuyến khích các tàu cá làm nghề lưới kéo chuyển sang làm các nghề được ưu tiên phát triển; chỉ đạo tạm dừng việc đóng mới tàu cá làm nghề lưới kéo và cải hóa đối với các tàu từ nghề khác sang làm nghề lưới kéo; không cấp giấy phép khai thác thủy sản đối với các tàu từ các nghề khác chuyển sang làm nghề lưới kéo kể từ ngày 16/11/2015.

Tại tỉnh Bình Định: Nhằm cụ thể hóa một số nội dung của Luật Thủy sản; các chính sách của Đảng và nhà nước về thủy sản cho phù hợp với đặc điểm tình hình, điều kiện cụ thể của địa phương. Đồng thời quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên vùng biển Bình Định (vùng ven bờ) và vùng nước nội địa thuộc địa bàn tỉnh Bình Định theo hướng bền vững, ngày 14/01/2011, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 02/2011/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Định.

  Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện phát triển kinh tế biến vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập; tiếp thu ý kiến cử tri, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục nghiên cứu đề xuất những chính sách mới phù hợp với đặc thù của tỉnh và phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững đặc biệt là trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

4. Lâm nghiệp

Cử tri huyện Tây Sơn:

Việc khai thác, tỉa thưa rừng trồng phòng hộ dự án 661, xã Bình Tân thì chỉ cho phép quy trình khai thác theo băng, gây khó khăn và ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép khai thác theo đám nhằm giảm chi phí và tạo điều kiện thuận lợi để bà con khai thác (Cử tri xã Bình Tân).

Trả lời:

Diện tích rừng trồng phòng hộ dự án 661 xã Bình Tân, huyện Tây Sơn thuộc quy hoạch chức năng phòng hộ đầu nguồn, mức phòng hộ rất xung yếu, với mục đích bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn đất bồi lấp hồ Thuận Ninh. Theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 15 của Quyết định số 17/2015/QĐ-TTg ngày 09/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý rừng phòng hộ, thì được khai thác theo băng, đám xen kẽ nhau, với tổng diện tích khai thác hàng năm không vượt quá 20 phần trăm diện tích rừng trồng đã đạt tiêu chuẩn phòng hộ. Băng khai thác phải thiết kế theo đường đồng mức, có chiều rộng tối đa là 20 mét; đám khai thác có diện tích tối đa là 01 (một) hecta.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp. Trên địa bàn tỉnh thường bị hạn hán, thiếu nước vào mùa khô và lũ lụt, sạt lở đất vào mùa mưa gây thiệt hại về kinh tế, xã hội và môi trường. Mặt khác diện tích rừng trồng phòng hộ xã Bình Tân thuộc lưu vực hồ Thuận Ninh, nếu khai thác trắng theo đám sẽ gây bồi lấp lòng hồ, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trong vùng. Do đó, để khai thác rừng trồng phòng hộ bền vững không ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân, UBND tỉnh thống nhất chủ trương khai thác rừng phòng hộ theo băng để người dân thực hiện.

II. VỀ CÔNG THƯƠNG

a) Cử tri huyện Tây Sơn:

- Cử tri xã Vĩnh An đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với địa phương kiểm tra việc sản xuất, mua bán rượu trên địa bàn xã Vĩnh An, vì hiện nay, việc lưu thông rượu không rõ nguồn gốc rất nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng bà con.

Trả lời:

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 371/CĐ-TTg ngày 10/3/2017 về việc khắc phục hậu quả ngộ độc rượu và tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rượu, UBND tỉnh đã có Công văn số 1097/UBND-VX ngày 16/3/2017 chỉ đạo các sở ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ rượu đặc biệt là rượu do dân tự nấu, rượu tự chế biến, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công Thương đã chỉ đạo Chi cục Quản lý Thị trường, các phòng chức năng thuộc Sở tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa. Kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả thực phẩm không rõ nguồn gốc, hàng giả hàng nhái đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu. Chi cục QLTT đã nghiêm túc tổ chức triển khai, tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, qua đó đã kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật, kết quả cụ thể như sau:

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Chi cục QLTT đã tổ chức kiểm tra 6 vụ, phát hiện vi phạm và xử lý 03 vụ. Hành vi vi phạm: vận chuyển rượu nhập lậu 01 vụ, điều kiện kinh doanh 01 vụ, vi phạm tem nhãn hàng hóa 01 vụ. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 5.500.000 đồng. Trị giá tang vật tịch thu chờ tiêu hủy: 18.600.000 đồng gồm: 156 chai rượu bầu đá, 12 chai rượu hiệu Johnnie Walker Double Black 40% vol do nước ngoài sản xuất

Để việc ngăn chặn có hiệu quả việc lưu thông rượu không rõ nguồn gốc ngoài sự nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước cần có sự phối hợp, tố giác các hành vi vi phạm của người dân thông qua đường dây nóng về an toàn thực phẩm của Chi cục Quản lý thị trường số 1900 58 58 26 để tiếp nhận, xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành. Đường dây nóng hoạt động thông suốt, liên tục 24/24 giờ trong ngày. Riêng việc cử tri huyện Tây Sơn phản ánh tình trạng rượu không rõ nguồn gốc trên địa bàn xã Vĩnh An, UBND tỉnh yêu cầu Sở Công Thương chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tiến hành kiểm tra và báo cáo kết quả cho UBND tỉnh.

  b) Cử tri huyện Phù Cát:

- Cử tri xã Cát Thắng, Cát Hải, huyện Phù Cát đề nghị Nhà nước có biện pháp quản lý và xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, kinh doanh các sản phẩm phục vụ cho nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu...), vì hiện nay hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

  Trả lời:

Theo báo cáo của Sở Công Thương: Sở Công Thương đã chỉ đạo Chi cục QLTT xây dựng Kế hoạch kiểm tra thường xuyên năm 2017, theo đó mặt hàng phân bón, vật tư nông nghiệp được đưa vào kế hoạch là mặt hàng kiểm tra trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên, xuyên suốt trong năm 2017. Chi cục QLTT đã tổ chức hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm, qua đó đã kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật, kết quả cụ thể như sau: Trong 6 tháng đầu năm 2017, Chi cục QLTT đã kiểm tra 35 vụ, phát hiện vi phạm và xử lý 07 vụ; phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực giá: 5.250.000 đồng.

Để công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại đạt kết quả tốt, Sở Công Thương rất mong nhận được sự ủng hộ, chung tay, giúp sức của các tổ chức, cá nhân, quần chúng nhân dân khi phát hiện các hành vi vi phạm trong hoạt động về sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ kịp thời thông tin về số điện thoại đường dây nóng Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 tỉnh) thông qua số máy di động: 0914. 035.104; số máy điện thoại bàn: 0563. 821 298 để tiếp nhận và xử lý theo quy định của pháp luật.

III. VỀ ĐIỆN

a) Cử tri thành phố Quy Nhơn:

- UBND tỉnh sớm triển khai dự án kéo điện lưới quốc gia từ đất liền ra đảo Nhơn Châu, để phục vụ cho đời sống của nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên đảo trong thời gian tới (Cử tri xã Nhơn Châu và phường Trần Phú).

Trả lời:

UBND tỉnh đã có Quyết định số 3841/QĐ-UBND ngày 28/10/2016 phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng Dự án Cấp điện cho xã đảo Nhơn Châu, tỉnh Bình Định từ lưới điện quốc gia bằng cáp ngầm xuyên biển và đã giao cho UBND thành phố Quy Nhơn là chủ đầu tư. Dự án đang chờ được bố trí vốn Trung ương để thực hiện.

- UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng lắp đặt đèn chiếu sáng trên đoạn đường từ Km 0 đến ngã ba Khe Đá Xứ để đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông (Cử tri xã Nhơn Hội).

Trả lời:

Về việc đầu tư hệ thống chiếu sáng trên đoạn đường từ Km0 đến ngã ba Khe Đá Xứ để đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông theo kiến nghị cử tri xã Nhơn Hội; UBND tỉnh giao UBND thành phố Quy Nhơn kiểm tra và báo cáo đề xuất.

 - UBND thành phố chỉ đạo Điện lực Quy Nhơn có kế hoạch trồng trụ và kéo điện 0,4 KV tại khu quy hoạch dân cư thôn Lý Hưng (đoạn đường trục sân vận động Nhơn Lý) để tạo điều kiện cho nhân dân được bắt điện sinh hoạt vì hiện nay nhân dân phải kéo điện tạm để sử dụng dễ xảy ra cháy nổ gây nguy hiểm đến tài sản và tính mạng của nhân dân (Cử tri xã Nhơn Lý).

Trả lời:

Khu dân cư gần sân vận động xã Nhơn lý được quy hoạch từ lâu nhưng mức độ lấp đầy của khu vực rất chậm, việc đầu tư hệ thống điện trong các năm qua được xem xét  trên cơ sở mức độ lấp đầy của khu dân cư. UBND tỉnh đề nghị Công ty Điện lực Bình Định bổ sung khối lượng đầu tư XDCB năm 2018 để đầu tư đường dây hạ thế cấp điện cho khu vực nói trên.

b) Cử tri huyện Tuy Phước:

 - Đường dây điện cũ từ thôn Vinh Quang qua Cồn chim, tuy đã được sửa chữa nhưng chỉ mới tạm thời, nhiều đoạn dây vẫn còn võng xuống gần mặt nước; mặt khác, tại khu vực này, đường dây điện cũ từ thôn Vinh Quang 2 qua Cồn Chim hiện nay không còn sử dụng, nhưng một số trụ sắt còn sót lại trên đầm đã gây cản trở ghe thuyền và vô cùng nguy hiểm đến tính mạng người dân khi lưu thông qua lại khu vực này. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng sớm có biện pháp giải quyết dứt điểm để đảm bảo an toàn giao thông (Cử tri xã Phước Sơn).

Trả lời:

Về việc thu hồi tuyến điện hạ áp tạm thời cấp điện xóm Cồn Chim: Hiện nay, Công ty Điện lực Bình Định và UBND tỉnh thống nhất chủ trương đầu tư công trình xây dựng mới tuyến điện 22/0,4kV và TBA 22/0,4-160kVA Cồn Chim 2. Công trình đang được thi công, dự kiến cuối năm 2017 công trình nêu trên sẽ đưa vào vận hành khai thác, đồng thời sẽ thu hồi đường dây hạ áp cấp điện tạm thời vượt sông như cử tri phản ánh.

- Trạm biến áp trước nhà ông Trần Văn Minh (thôn Mỹ Điền, thị trấn Tuy Phước) rất gần với mặt đất, gây nguy hiểm cho nhân dân. Vấn đề này, Điện lực Tuy Phước trả lời đã khảo sát và dự kiến phối hợp cắt điện thực hiện sửa chữa vào cuối năm 2016 (theo Báo cáo 163/BC-UBND ngày 21/ 10/ 2016 của UBND tỉnh về trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh). Tuy nhiên, tính đến nay (tháng 6/ 2017) trạm biến áp trên vẫn chưa được sửa chữa, nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân rất cao. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành điện sớm triển khai thực hiện (Cử tri thị trấn Tuy Phước).

Trả lời:

Theo báo cáo của Công ty Điện lực Bình Định: Về việc nâng cao độ lắp đặt TBA Mỹ Điền 2 trong năm 2016 chưa thực hiện được là do cuối năm 2016 các xã khu đông huyện Tuy Phước bị ảnh hưởng bởi 5 đợt lũ lụt gây ra nhiều thiệt hại nặng nề và mất điện trên diện rộng, nên Công ty Điện lực Bình Định phải huy động vật tư và nhân lực tập trung xử lý hư hỏng lưới điện tại các điểm nói trên. Do vậy, năm 2017, Công ty Điện lực Bình Định tiếp tục đưa vào kế hoạch bổ sung công trình đại tu TBA Mỹ Điền 2 và thực hiện trong năm 2017.

- Cử tri xã Phước An đề nghị: UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng cho kiểm tra hệ thống đèn chiếu sáng đoạn đường từ bãi Hàng Ga Diêu Trì đến Hạt Kiểm Lâm liên huyện Tuy Phước - Quy Nhơn; vì đèn thường sáng vào ban ngày, tắt vào ban đêm, có lúc sáng tối bất thường. Quốc lộ 19C (đoạn từ Cầu Quán Trác đến xã Phước Thành) khoảng 350m chưa có hệ thống điện chiếu sáng. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo ngành chức năng có kế hoạch lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng nhằm hạn chế tình trạng tai nạn giao thông xảy ra tại khu vực này.

Trả lời:

Về việc đầu tư hệ thống chiếu sáng trên các đoạn đường giao thông theo kiến nghị cử tri xã Phước An; UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Tuy Phước kiểm tra và giải quyết theo thẩm quyền.

c) Cử tri huyện Tây Sơn:

- Đề nghị UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo ngành điện tiếp nhận bàn giao và quản lý các trạm biến áp thuộc các trạm bơm của các HTX NN trên địa bàn xã Tây Giang, vì hiện nay, ngành điện không chịu nhận bàn giao các trạm biến áp này mà giao cho các HTX NN quản lý, trong khi đó cán bộ các HTX không có chuyên môn và năng lực về quản lý điện, nên rất nguy hiểm (Cử tri xã Tây Giang).

Trả lời:

Công ty Điện lực Bình Định đã có công văn trả lời trực tiếp đến HTX Tả Giang vào ngày 24/10/2016, nội dung trả lời cụ thể như sau:

Căn cứ ý kiến chỉ đạo tại công văn số 2755/VPCP-KTN ngày 22/04/2016 của Chính phủ: Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương hướng dẫn UBND tỉnh Bình Định và EVN thực hiện việc điều chuyển tài sản lưới điện trung, hạ áp, trạm biến áp cấp điện cho các công trình thủy lợi được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Định cho EVN, tuy nhiên, hiện nay Công ty Điện lực Bình Định vẫn chưa nhận được ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền về việc tiếp nhận lưới điện trung, hạ áp các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bình Định; do đó, Công ty Điện lực Bình Định chưa thể tiếp nhận đường dây trung áp và TBA trạm bơm Tả Giang của HTX NN Tả Giang. Khi nào có văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, Công ty Điện lực Bình Định sẽ triển khai thực hiện.

- Đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ tiền điện thắp sáng trên các tuyến đường giao thông nông thôn (Cử tri xã Tây An).

Trả lời:

Về việc hỗ trợ chi phí tiền điện thắp sáng trên các tuyến đường giao thông nông thôn như kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh giao UBND huyện Tây Sơn xem xét, giải quyết.

 

d) Cử tri Thị xã An Nhơn:  

- Cử tri xã Nhơn Thọ kiến nghị: Đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ việc thu tiền lắp đặt công tơ điện của ngành điện chưa rõ ràng, các hộ mới lập hoặc mới tách hộ thì thu 120 ngàn đồng, đối với các hộ dân đã sử dụng điện lâu năm, nếu lắp đặt công tơ mới thì trả tiền công lắp đặt là 900 ngàn đồng; sau khi có phản ánh của người dân thì thu 500 ngàn đồng.

Trả lời:

- Về việc lắp đặt công tơ điện mới: Theo quy định, Ngành điện sẽ đầu tư toàn bộ chi phí lắp đặt đến điểm đầu Áptomat gắn tại công tơ điện; Phần từ sau Áptomat trở đi đến hộ sử dụng điện chi phí là do khách hàng đầu tư;

- Về việc di dời công tơ điện theo đề nghị khách hàng, Ngành điện sẽ lập dự toán cụ thể, rõ ràng về chi phí di dời;

Theo báo cáo của Công ty Điện lực Bình Định: Qua kiểm tra thực tế theo kiến nghị của cử tri, các hộ đã di dời công tơ tại xóm Thọ Thạnh Nam, thôn Ngọc Thạnh, xã Nhơn Thọ; các hộ di dời chuyển công tơ điện đều có dự toán sửa chữa di dời, phiếu thu tiền; chi phí di dời công tơ từng hộ có khác nhau là vì vật tư cho từng dự toán sửa chữa di dời của các hộ khác nhau.

Về việc lắp đặt công tơ mới thì phải trả tiền công lắp đặt từ 500 đến 900 ngàn đồng, UBND tỉnh đề nghị Công ty Điện lực Bình Định kịp thời kiểm tra, giải quyết.

- Cử tri xã Nhơn Thọ kiến nghị: Vào thời điểm Tết nguyên đán, đại bộ phận người dân sử dụng điện nhiều hơn so với những tháng bình thường nhưng cán bộ ngành điện không ghi đúng chỉ số tiêu thụ để thu tiền nên qua tết lại thu tiền cao hơn, làm cho một số hộ vượt định mức và phải chịu mức chi trả cao hơn bình thường. Đề nghị ngành điện chấn chỉnh tác phong làm việc của các nhân viên ghi điện.

Trả lời:

Theo báo cáo của Công ty Điện lực Bình Định: Tháng 12/2016, Điện lực An Nhơn có đăng ký lịch ghi chỉ số năm 2017 với Công ty Điện lực Bình Định, Công ty Điện lực Bình Định đã trình và được Tổng Công ty Điện lực Miền Trung phê duyệt. Sau khi lịch ghi chỉ số năm 2017 được Tổng Công ty Điện lực Miền Trung phê duyệt, Điện lưc An Nhơn đã có thông báo lịch ghi chỉ số năm 2017 trên đài phát thanh thị xã An Nhơn để khách hàng sử dụng điện biết.

Tháng 12/2016, khu vực xã Nhơn Thọ được ghi chỉ số công tơ vào ngày 06. Sang tháng 01/2017, khu vực này được chuyển sang ghi chỉ số vào ngày 13. Như vậy tổng số ngày sử dụng điện trong kỳ thu tháng 01/2017 là 38 ngày (từ ngày 06/12/2016 đến 13/01/2017). Tuy nhiên việc tính tiền điện được áp dụng trên cơ sở định mức điện sẽ tăng theo số ngày sử dụng, cụ thể định mức điện ở mức 1 sẽ là: 61 kwh (so với 50 kWh), mức 2: 61 kWh, mức 3: 122 kWh... Do đó không làm ảnh hưởng đến quyền lợi định mức của Quý khách hàng đang sử dụng điện.

Về việc cử tri cho rằng, vào thời điểm tết nguyên đán  ngành điện không ghi đúng chỉ số tiêu thụ để thu tiền nên qua tết lại thu tiền cao hơn (vì số tiêu thụ của tháng trước không ghi chuyển sang luỹ kế tháng sau) việc này Công ty Điện lực Bình Định đã yêu cầu Điện lực An Nhơn kiểm tra, xác định rõ: Thời điểm tết nguyên đán vào khoảng thời gian 28/01/2017; Ngày ghi điện tháng 02/2017 vào ngày 13/02/2017 là đúng chu kỳ ghi điện bình thường (Từ ngày 13/01/2017 đến ngày 13/02/2017) nên việc ghi điện thực hiện đúng theo quy định.

  - Hệ thống điện hạ áp tại thôn Thiết Trụ đã được đầu tư nâng cấp hoàn chỉnh từ cuối năm 2016, tuy nhiên, người dân chưa được chuyển dời công tơ để sử dụng hệ thống điện này (ngành điện yêu cầu phải bỏ chi phí để thực hiện vì ngành điện chưa có kế hoạch triển khai). Đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý để nhân dân được sử dụng điện có chất lượng tốt hơn (Cử tri xã Nhơn Hậu).

Trả lời:

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh giao Công ty Điện lực Bình Định đã chỉ đạo Điện lực An Nhơn khảo sát và đang thực hiện việc di dời công tơ từ lưới cũ sang lưới mới.

- Cử tri xã Nhơn Lộc kiến nghị: Đề nghị Điện lực Bình Định khảo sát kiểm tra cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới hệ thống đường dây điện hạ thế 0,4kV. Hiện nay, còn 4 khu vực thôn Trường Cửu, xã Nhơn Lộc chưa thực hiện xong (gồm Trụ số 104, Miễu Cây Bún, Trường tiểu học phân hiệu Trường Cửu và Khu Gò xóm Đông). UBND thị xã An Nhơn đã có Công văn số 896/UBND-KT ngày 18/10/2016 về việc xây dựng lộ trình cải tạo lưới điện trên địa bàn thị xã nhưng đến nay Điện lực vẫn chưa thực hiện.

Trả lời:

Theo phản ảnh của cử tri, ngành điện đã đi khảo sát thực địa theo địa chỉ cột số  104, Miễu Cây Bún, Trường Tiểu học phân hiệu Trường Cửu và Khu Gò xóm Đông. Các đường dây nêu trên là ĐZ 0.2 kV sau công tơ khách hàng, trách nhiệm sửa chữa, cải tạo các đường dây này là của khách hàng. Tuy nhiên Công ty Điện lực Bình Định cũng đã có nhiều chương trình nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới để cung cấp điện cho khách hàng ngày được tốt hơn, nhưng vì nguồn vốn đầu tư của ngành điện là vốn vay đang rất khó khăn nên việc đầu tư lưới điện tại các khu vực sẽ được đưa dần vào thực hiện theo từng năm. Công ty Điện lực Bình Định sẽ tiếp tục đưa vào kế hoạch xây dựng lưới điện hạ áp khu vực trên trong thời gian tới để phục vụ quý khách hàng.

- Cử tri xã Nhơn Lộc kiến nghị: Các ngành chấn chỉnh việc đường điện dọc theo tuyến đường tây tỉnh 639 đi qua đoạn thôn Cù Lâm đến thôn Tráng Long - xã Nhơn Lộc có trụ điện chôn ở dưới ruộng nên thấp, ảnh hưởng đến giao thông.

Trả lời:

Đường dây 0.4 kV dọc theo đường tây tỉnh đi qua thôn Cù Lâm đến thôn Tráng Long, Xã Nhơn Lộc: Đường dây này ngành điện đã đầu tư xây dựng năm 2014 nhưng do vướng mốc lộ giới nên các cột điện nêu trên chôn cách xa nhà dân do vậy đường dây sau công tơ đi đến các nhà dân xa vượt đường không đảm bảo khoảng cách an toàn, ngành điện sẽ có kế hoạch nâng chụp đầu cột tại các cột hiện có để đường dây vượt đường đến các nhà dân đảm bảo chiều cao theo quy định.

- Tuyến điện cao áp 22kV từ Bình Định lên Nhơn Khánh (xuất tuyến 476E. An Nhơn) đi qua nhà của 02 hộ dân là ông Nguyễn Bình Phụng và ông Hồ Sỹ Tuyên ở thôn An Hoà, xã Nhơn Khánh, có trụ điện bị bong tróc cốt thép có nguy cơ đổ gãy, mùa mưa lũ xảy ra hiện tượng phóng điện, gây mất an toàn cho người dân. Đề nghị Điện lực Bình Định khẩn trương khắc phục (Cử tri xã Nhơn Khánh).

Trả lời:

Đường dây điện cử tri phản ảnh thuộc xuất tuyến 476 E.An Nhơn, được UBND xã Nhơn Khánh đầu tư xây dựng năm 1982 và bàn giao cho ngành điện năm 2001. Hiện trạng lúc tiếp nhận, nhà của các hộ dân trên đã nằm dưới đường dây, ngành điện đã yêu cầu bên giao có trách nhiệm xử lý, tuy nhiên bên giao (UBND xã Nhơn Khánh) đã không thực hiện và hiện trạng vẫn tồn tại đến nay. UBND  tỉnh giao Công ty Điện lực Bình Định chỉ đạo Điện lực An Nhơn thường xuyên kiểm tra, sửa chữa để đoạn đường dây trên vận hành an toàn.

- Đề nghị Ngành điện lực cho phát quang tuyến dẫn điện ở khu vực Nhơn Thuận và An Lợi, để đảm bảo an toàn lưới diện; đồng thời, xem xét kiên cố đường dây điện hạ thế, vì hiện nay nhân dân sử dụng đường dây tạm bợ dễ gây sự cố về điện (Vùng nhà ông Văn Cườm chiều dài khoản 250m có trên 10 hộ dân; vùng nhà ông Nguyễn Thành Đạt chiều dài khoản 200m có khoản 12 hộ dân) (Cử tri phường Nhơn Thành).

Trả lời:

Theo báo cáo của Công ty Điện lực Bình Định: Đường dây điện mà cử tri phản ánh là đường dây sau công tơ của ngành điện do khách hàng tự đầu tư kéo từ cột 211/7/4/1 về xóm Ông Nguyễn Thành Đạt thuộc lộ 2 TBA Nhơn Thuận 2 XT475/Ean là tài sản của khách hàng, nên việc chặt cây, tu bổ, sửa chữa đường dây là trách nhiệm của khách hàng nhằm đảm bảo an toàn trong sử dụng điện. Công ty Điện lực Bình Định sẽ tiếp tục đưa vào kế hoạch xây dựng lưới điện hạ áp khu vực quản lý trong các năm tới.

e) Cử tri huyện Phù Mỹ:

Việc người dân đóng góp tiền xây dựng lưới điện ở xã, nay bàn giao cho ngành điện lực quản lý nhưng đến nay ngành điện lực chưa hoàn trả tiền cho người dân. Đề nghị Ngành điện lực trả lời cho cử tri được biết (Cử tri xã Mỹ Trinh).

Trả lời:

Theo báo cáo của Công ty Điện lực Bình Định: Công ty đã có văn bản gửi đến HTX NN Mỹ Trinh đề nghị thông báo số tài khoản, tên Ngân hàng/Kho bạc và tên đơn vị nhận tiền hoàn trả vốn đầu tư LĐHA của HTX NN Mỹ Trinh để Công ty Điện lực Bình Định có cơ sở chuyển tiền hoàn trả theo đúng quy định (đồng gửi cho UBND xã Mỹ Trinh, UBND huyện Phù Mỹ biết). Tuy nhiên, đến nay Công ty chưa nhận được các thông tin về tài khoản của chủ thể đầu tư (HTX Mỹ Trinh) nên Công ty chưa thể chuyển trả tiền được.

UBND tỉnh giao UBND huyện Phù Mỹ chỉ đạo các đơn vị liên quan kịp thời phối hợp với Công ty Điện lực Bình Định để giải quyết.

f) Cử tri huyện Hoài Ân:

Ngành chức năng kiểm tra, nâng cấp và kéo mới đường dây điện 0,4 KW, vì hiện tại điện thắp sáng và sản xuất kinh doanh không đáp ứng nhu cầu sử dụng.

Trả lời:

Theo kiến nghị của cử tri không nêu rõ khu vực cần nâng cấp và kéo mới đường dây điện 0,4 kV, nên UBND tỉnh không thể đề nghị Công ty Điện lực Bình Định giải quyết cụ thể được. Kính đề nghị cử tri nêu rõ địa điểm để Công ty Điện lực Bình Định kiểm tra và có giải pháp khắc phục.

IV. BAN QUẢN LÝ KHU KINH TẾ

a) Cử tri thành phố Quy Nhơn:

- UBND Tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng xử lý dứt điểm tình trạng các Công ty khai thác đá granit tại Khu công nghiệp Phú Tài thường xuyên chuyên chở các phế phẩm, bột đá đổ bừa bãi trong các khu dân cư và rơi vãi trên đường gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của nhân dân(Cử tri phường Bùi Thị Xuân).

Trả lời:

Đối với công tác bảo vệ môi trường tại mặt bằng các nhà máy chế biến đá, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý KKT tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường, hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện công tác bảo vệ môi trường theo quy định.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Quản lý KKT đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng cảnh sát PCTP về môi trường - Công an tỉnh, UBND thành phố Quy Nhơn, UBND phường Bùi Thị Xuân, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bình Định tiến hành kiểm tra, nắm bắt các tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và việc thu gom, vận chuyển, xử lý bột đá nói riêng của các doanh nghiệp chế biến đá granite tại phường Bùi Thị Xuân thuộc KCN Phú Tài và hiện đang thống nhất các biện pháp chỉ đạo xử lý mang tính chất kịp thời khắc phục trước mắt cũng như bền vững lâu dài.

- Đề nghị UBND tỉnh sớm hỗ trợ thêm gạo ăn (02 năm còn lại) như trước đây đã hứa khi bà con di dời lên khu Tái định cư Nhơn Phước, xã Nhơn Hội (cử tri thôn Hải Giang, xã Nhơn Hải).

Trả lời:

UBND tỉnh giao Ban Quản lý KKT kiểm tra và đề xuất UBND tỉnh để xem xét, giải quyết cụ thể.

b) Cử tri thị xã An Nhơn:  

- Khi tiến hành xây dựng Khu công nghiệp Nhơn Hòa, rất nhiều bà con xã Nhơn Thọ đã tự nguyện di dời để bàn giao mặt bằng và được hứa sẽ được tạo điều kiện để con em xã Nhơn Thọ vào làm việc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong Khu công nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ lao động của xã Nhơn Thọ trong Khu công nghiệp rất thấp, chủ yếu làm công việc thủ công như: bảo vệ, xếp dỡ… Đề nghị UBND tỉnh có biện pháp để giải quyết việc làm cho con em được vào làm việc tại Khu công nghiệp (Cử tri xã Nhơn Thọ).

Trả lời:

Theo báo cáo của Ban Quản lý KKT: Hiện tại KCN Nhơn Hòa có 30 dự án đầu tư, trong đó có 20 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, sản xuất (có 5 DN FDI), gồm các ngành: chế biến lâm sản (01 DN); chế biến dăm gỗ (02 DN); Cơ khí, vật liệu xây dựng (01 DN); Sản xuất thức ăn chăn nuôi (06 DN); Chế biến nông sản (07 DN); Ngành nghề khác (03 DN). Sử dụng khoảng 1.700 lao động (trong đó có 500 lao động nữ, các DN FDI sử dụng 950 lao động). Theo khảo sát, lao động tại xã Nhơn Thọ được làm việc trong các DN tại KCN Nhơn Hòa chiếm khoảng 5% tổng số lao động KCN Nhơn Hòa, thu nhập bình quân từ khoảng 05 – 07 triệu đồng/người/tháng, công việc chủ yếu của những công nhân này là vận hành máy móc, thủ kho, bốc xếp… Qua trao đổi với chủ DN, đối với những DN FDI, chủ yếu tuyển công nhân lao động dựa trên cơ sở lao động có trình độ chuyên môn hoặc đã qua đào tạo để đảm nhận các công việc có yêu cầu về chuyên môn, nhu cầu của các DN FDI về lao động phổ thông không nhiều. Đối với những DN trong nước, mặc dù số lượng DN nhiều hơn nhưng nhu cầu sử dụng lao động của mỗi DN cũng không nhiều.

Ban Quản lý KKT đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp trong KCN Nhơn Hòa ưu tiên xem xét, tạo điều kiện thuận lợi để con em Xã Nhơn Thọ được làm việc tại DN trong KCN Nhơn Hòa nhằm giúp người dân địa phương ổn định cuộc sống.

- Xóm mới Trung Viên bị ảnh hưởng của dự án Khu Công nghiệp nên hiện nay nhà đã xuống cấp, nhân khẩu trong hộ tăng lên nhưng nhà không được sửa chữa, xây dựng mới nên khó khăn trong sinh hoạt. Đề nghị cấp có thẩm quyền trả lời cho dân biết tiến độ thực hiện dự án mở rộng giai đoạn 2 của Khu công nghiệp để người dân có kế hoạch sửa chữa nhà cửa, ổn định đời sống (Cử tri xã Nhơn Thọ).

Trả lời:

Hiện nay, công tác đền bù, GPMB dự án KCN Nhơn Hòa giai đoạn 2 đã cơ bản hoàn tất, các hộ dân bị ảnh hưởng của dự án (xóm mới Trung Viên) đã được chi trả tiền đền bù và dự kiến các hộ dân sẽ được bàn giao đất tái định cư khi Công ty Điện lực Bình Định đầu tư hoàn thành hệ thống cấp điện của Khu TĐC.

Để sớm có kinh phí, đầu tư hoàn thành hệ thống cấp điện Khu TĐC KCN Nhơn Hòa, đáp ứng kịp thời việc bố trí đất TĐC cho các hộ dân, kính đề nghị UBND tỉnh có văn bản đề nghị Tổng Công ty Điện lực miền Trung sớm bổ sung vốn đầu tư xây dựng năm 2017 cho Công ty Điện lực Bình Định triển khai đầu tư hệ thống cấp điện nêu trên.

V. QUY HOẠCH, ĐẦU TƯ XÂY DỰNG, CẤP THOÁT NƯỚC

1. Về quy hoạch, đầu tư xây dựng:

a) Cử tri  TP Quy Nhơn:

- Hiện nay nhà ở thuộc Nhà nước quản lý trên địa bàn thành phố còn rất nhiều và đã xuống cấp trầm trọng (không sửa chữa được). Đề nghị UBND tỉnh xem xét, cho chủ trương hóa giá tạo điều kiện cho người dân được sở hữu và sửa chữa để ổn định cuộc sống (Cử tri phường Trần Hưng Đạo).

Trả lời:

Chủ trương hóa giá nhà ở thuộc sở hữu nhà nước (SHNN) được UBND tỉnh thực hiện từ nhiều năm qua và vẫn đang tiếp tục thực hiện theo Nghị định số 99/2015/NĐ-CP về hướng dẫn một số điều Luật Nhà ở. Hiện nay, việc bán nhà ở thuộc SHNN thực hiện theo quy trình ban hành kèm theo Quyết định 14/2017/QĐ-UBND ngày 30/3/2017 của UBND tỉnh. Do đó, các hộ hiện đang thuê nhà ở thuộc SHNN có nhu cầu mua nhà, sẽ được Hội đồng bán nhà của tỉnh xem xét bán theo quy định. Hồ sơ xin mua nhà gởi về Sở Xây dựng để tổng hợp trình Hội đồng bán nhà của tỉnh xem xét.

  - Đề nghị UBND tỉnh có thông tin thời điểm triển khai, thời gian hoàn thành về Dự án VINPEARL Quy Nhơn ; vì cho rằng, Dự án đã triển khai đã hơn 5 năm nhưng hiện nay vẫn chưa thực hiện (Cử tri phường Lê Lợi, Trần Phú).

Trả lời:

Đối với khu vực Mũi Tấn: Ngày 23/6/2016, UBND tỉnh đã có ý kiến về tiến độ dự án, yêu cầu Nhà đầu tư khẩn trương hoàn thiện thủ tục để triển khai đầu tư xây dựng Ga đi cáp treo, Khu du lịch và Dịch vụ du lịch theo như đồ án quy hoạch đã được phê duyệt; không bố trí nhà ở biệt thự trong khu vực này. Hiện nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT thuê tư vấn độc lập để đánh giá tác động bởi việc lấn biển, trình cấp thẩm quyền phê duyệt (Văn bản số 2635/UBND-KTN ngày 28/6/2016). Khi có kết quả đánh giá, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo xử lý việc ô nhiễm môi trường do tác động của khu lấn biển Mũi Tấn theo đúng quy định.

- Đối với Khu vực Hải Giang: UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý KKT làm việc với Nhà đầu tư cam kết tiến độ triển khai thực hiện dự án, nếu Nhà đầu tư không triển khai theo yêu cầu thì đề xuất UBND tỉnh thu hồi dự án (kể cả khu Mũi Tấn).

- Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết dứt điểm và trả lời cụ thể thời gian thực hiện di dời Công ty cổ phần Hàng Hải (Cử tri phường Hải Cảng).

Trả lời:

Ngày 06/02/2017, UBND tỉnh có Văn bản số 347/UBND-KT đề nghị Công ty CP Cảng Quy Nhơn phối hợp UBND thành phố Quy Nhơn thống nhất phương án di dời và bố trí tái định cư cho 18 hộ dân đến các vị trí lô đất đã được UBND thành phố Quy Nhơn phê duyệt Quy hoạch tại Quyết định số 8818/QĐ-UBND ngày 29/12/2014 và giao khu đất dự kiến bố trí 06 hộ dân còn lại về cho UBND thành phố Quy Nhơn quản lý và lập quy hoạch bố trí tái định cư cho các hộ theo quy định hiện hành. Đề nghị Công ty CP Cảng và UBND thành phố khẩn trương thực hiện theo ý kiến của UBND tỉnh.

UBND tỉnh giao Sở Xây dựng kiểm tra, đôn đốc Công ty CP Cảng Quy Nhơn tổ chức triển khai thực hiện và kịp thời báo cáo đề xuất UBND tỉnh. 

- Cử tri phường Ghềnh Ráng kiến nghị: Ngày 28/4/2017, UBND tỉnh có báo cáo số 47/BC- UBND về báo cáo kết quả trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh về việc giải quyết cấp đất cho 04 hộ tập thể dường Mai Hắc Đế có đoạn “UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với UBND Thành phố kiểm tra, báo cáo đề xuất UBND tỉnh” nhưng đến nay chưa thực hiện, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng giải quyết.

Trả lời:

Khu đất 12 Mai Hắc Đế được UBND tỉnh giao cho Công ty CP Lương thực Bình Định xây dựng nhà máy xay xát lương thực, không có chức năng để ở. Việc Công ty tự ý bố trí cho các hộ dân ở là không đúng quy định và không phù hợp với quy hoạch.

Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh sẽ tổ chức họp cùng với các ngành liên quan để xem xét, giải quyết kiến nghị của cử tri theo quy định.

- Cử tri phường Ghềnh Ráng kiến nghị: UBND tỉnh xem xét việc thi công xây dựng của nhà đầu tư trên đồi Xuân Vân, vì hiện nay không thấy nhà đầu tư tiến hành xây dựng, dự án kéo dài gây khó khăn cho việc tham quan của khách du lịch.

Trả lời:

UBND tỉnh đã giao cho Công ty CP Du lịch Sài Gòn - Quy Nhơn đầu tư dự án Khu du lịch Ghềnh Ráng, chia thành 02 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 bao gồm các khu chức năng như: Khu Dinh Bảo Đại, Bungalow, bến thuyền và nhà điều hành (nhà hàng), khu mộ Hàn Mạc Tử, Đồi thi nhân và một số công trình phụ trợ khác nhưng việc đầu tư và xây dựng rất chậm, chưa hoàn thành giai đoạn 1. Do vậy, ngày 23/12/2012, UBND tỉnh đã thu hồi chủ trương đầu tư giai đoạn 2 dự án Khu du lịch Ghềnh Ráng.

Sau đó UBND tỉnh có chủ trương cho phép Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thành Châu đầu tư dự án Khu du lịch Ghềnh Ráng (giai đoạn 2).

Trên cơ sở quy mô giai đoạn 2, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thành Châu đã lập Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, báo cáo UBND tỉnh. Tuy nhiên nội dung đồ án ảnh hưởng đến không gian kiến trúc cảnh quan của núi Xuân Vân. Do vậy, ngày 22/6/2017, UBND tỉnh có Văn bản số 3168/UBND-KT yêu cầu Chủ đầu tư hoàn chỉnh quy hoạch, không phá vỡ cảnh quan và cam kết về tiến độ thực hiện. Thời hạn hoàn thành trong tháng 7/2017.

- Cử tri phường Nguyễn Văn Cừ kiến nghị: Trường hợp hai gian nhà Hợp tác xã 1-5 mà hộ gia đình ông Trần Xuân Dư chiếm dụng kéo dài 20 năm vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng thu hồi hai gian nhà trên và đưa vào sử dụng với mục đích công.

Trả lời:

Ngày 18/12/2015, UBND tỉnh có Văn bản số 6024/UBND-TD về việc xử lý ngôi nhà Hợp tác xã 1/5 (cũ) có nội dung: “Thống nhất với đề xuất của Sở Xây dựng tại Văn bản số 1463/SXD-TTra ngày 10/12/2015; giao Sở Xây dựng phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan hoàn tất thủ tục pháp lý xác lập sở hữu toàn dân đối với 02 phòng (diện tích 76,05m2) của ngôi nhà Hợp tác xã 1/5 số 233/3 (số mới là 55/12) đường Ngô Mây thuộc khu vực 8, phường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Quy Nhơn, báo cáo UBND tỉnh xem xét, trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cho chủ trương”.

Ngày 03/3/2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 604/QĐ-UBND về việc xác lập sở hữu toàn dân đối với 02 phòng của ngôi nhà Hợp tác xã 1/5, tại số 55/12 (số cũ 223/3) đường Ngô Mây, thành phố Quy Nhơn.

Ngày 29/3/2016, Sở Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Quy Nhơn, UBND phường Nguyễn Văn Cừ tiến hành Công bố Quyết định xác lập sở hữu toàn dân đối với 02 phòng của ngôi nhà nêu trên; đồng thời giao Trung tâm Phát triển nhà và tư vấn xây dựng quản lý, xác nhận thực tế đang sử dụng là hộ ông Trần Xuân Dư.

Ngày 12/4/2016, Sở Xây dựng có Văn bản số 372/SXD-QLN, có nội dung: “Hộ gia đình ông Trần Xuân Dư đã ở ngôi nhà số 55/12 đường Ngô Mây, thành phố Quy Nhơn (gồm cả 02 phòng mà UBND tỉnh có Quyết định xác lập sở hữu toàn dân) từ trước năm 1975, hơn nữa từ nhiều năm nay, hộ ông Trần Xuân Dư có đơn khiếu nại đòi sở hữu 02 căn phòng này. Vì vậy, Sở Xây dựng kính đề nghị UBND tỉnh xem xét cho hộ ông Trần Xuân Dư được thuê 02 phòng của ngôi nhà nêu trên, thời điểm thuê nhà kể từ ngày 03/3/2016 ”.

Tuy nhiên Hội đồng bán nhà ở thuộc SHNN tỉnh chưa thống nhất cho thuê 02 phòng căn nhà này.

Hiện nay hộ gia đình ông Trần Xuân Dư đang có đơn gửi Toà án để tranh chấp về việc xác lập sở hữu nhà nước đối với 02 phòng căn nhà nêu trên. Nên vụ việc này chờ phán quyết của Toà án.

- Cử tri phường Nguyễn Văn Cừ kiến nghị: Các hộ dân tại khu vực 3, phường Nguyễn Văn Cừ bị ảnh hưởng bởi Dự án 01 Ngô Mây có nguyện vọng được gặp trực tiếp nhà đầu tư để đối thoại. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, tạo điều kiện để người dân được bày tỏ nguyện vọng với nhà đầu tư.

Trả lời:

Ngày 26/6/2017, lãnh đạo UBND tỉnh đã tổ chức gặp mặt, đối thoại trực tiếp với các hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án 01 Ngô Mây để giải quyết các vấn đề có liên quan.

- Cử tri phường Nguyễn Văn Cừ kiến nghị: UBND Tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, giải quyết việc Tập đoàn FLC thi công công trình vào ban đêm gây ồn ào và nứt nhà dân làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân xung quanh.

Trả lời:

Theo kiến nghị, phản ánh của cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng yêu cầu Nhà thầu thực hiện thi công cọc khoan nhồi trong giờ hành chính, không thi công gây rung động trong giờ nghỉ ngơi, có giải pháp làm giảm tiếng ồn trong giờ hành chính. Đồng thời, giao UBND phường Nguyễn Văn Cừ thông báo cho các hộ dân khu vực lân cận có bị ảnh hưởng biết; chủ trì phối hợp với chủ đầu tư, đơn vị thi công và các hộ dân tổ chức kiểm tra, ghi nhận hiện trạng công trình lân cận làm căn cứ giải quyết các tranh chấp. Sau khi kiểm tra nếu phát hiện hiện tượng lún, nứt, hư hỏng hoặc có nguy cơ gây sụp đổ, thì UBND phường và các bên liên quan thực hiện theo quy định tại Điều 3 của Thông tư 02/2014/TT-BXD ngày 12/02/2014 của Bộ Xây dựng.

Ngày 05/5/2017, Công ty Cổ phần Xây dựng FAROS phối hợp với Công ty Bảo hiểm Bảo Việt và UBND phường Nguyễn Văn Cừ kiểm tra ghi nhận các vết nứt công trình nhà ở của các hộ dân; đồng thời cam kết khắc phục sửa chữa. Tuy nhiên, đến nay Công ty CP Xây dựng FAROS chưa tiến hành sửa chữa các nhà ở của các hộ dân bị ảnh hưởng như đã cam kết.

UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chỉ đạo đơn vị chức năng liên quan phối hợp với phường Nguyễn Văn Cừ làm việc với Công ty CP Xây dựng FAROS để khẩn trương thỏa thuận bồi thường thiệt hại cho các hộ dân theo quy định.

- Kiến nghị UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo các ngành chức năng cải tạo, sửa chữa lại chung cư 677 đường Trần Hưng Đạo vì hiện nay đã xuống cấp trầm trọng, gây nguy hiểm đến các hộ dân sinh sống tại chung cư và khu vực xung quanh (Cử tri phường Lê Hồng Phong).

Trả lời:

Theo đánh giá của Sở Xây dựng, kết cấu nhà 677 Trần Hưng Đạo nằm ở mức độ nguy hiểm cấp D (phân cấp nguy hiểm nhà tại TCVN 3981-2012, mục 5.3.23), không thể sửa chữa mà phải di dời các hộ đang sinh sống để phá dở, xây dựng mới.

Sở Xây dựng đã kịp thời thông báo kết quả kiểm định cho các hộ đang sinh sống tại  nhà 677 Trần Hưng Đạo để có kế hoạch di dời và các hộ dân liền kề đề phòng nguy hiểm.

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với UBND thành phố Quy Nhơn và Nhà đầu tư khẩn trương xây dựng phương án tái định cư và di dời đối với các hộ hiện đang ở tại các chung cư, nhà ở tập thể đã xác định không an toàn phải tháo dỡ.

- UBND Tỉnh xem xét, yêu cầu nhà đầu tư các dự án trên địa bàn xã Nhơn Hải (Dự án khu du lịch Dviews Resort) sớm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án vì dự án kéo dài quá lâu gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân (Cử tri xã Nhơn Hải).

Trả lời:

Dự án Khu Du lịch DViews Resort được cấp Giấy Chứng nhận Đăng ký Đầu tư ngày 14/6/2011, chứng nhận thay đổi lần thứ nhất ngày 25/12/2015 để đầu tư Dự án Khu Du lịch DViews Resort trên quy mô diện tích 24,78 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư 1.191,3 tỷ đồng, dự kiến đưa vào hoạt động toàn bộ Dự án vào 2020. Trong thời gian qua, Nhà đầu tư tập trung làm tuyến đường dẫn (cầu cạn) vào khu trung tâm của Dự án. Do điều kiện địa hình phức tạp, khối lượng thi công lớn nhưng chỉ có thể sử dụng phương pháp thủ công nên tiến độ xây dựng bị kéo dài. Mặt khác theo yêu cầu của Đối tác quản lý, khai thác Dự án, khi thi công phải đảm bảo giữ nguyên cảnh quan môi trường khu vực Dự án nên cũng ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ xây dựng. Bên cạnh đó, dự án còn gặp những vướng mắc trong công tác GPMB, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND thành phố Quy Nhơn có kế hoạch bảo vệ thi công để Nhà đầu tư thực hiện dự án.

Hiện nay, Nhà đầu tư đang đảy nhanh tiến độ và cam kết hoàn thành dự án theo đúng thời gian quy định tại Giấy Chứng nhận Đăng ký Đầu tư.

- Ngày 12/4/2017 UBND Tỉnh có Công văn số 1661/UBND-TH về việc điều chỉnh quy hoạch và không triển khai giai đoạn 2 đối với Dự án Khu Đô Thị  - Thương mại Bắc Sông Hà Thanh. Đề nghị UBND Tỉnh nên sớm làm đường, cơ sở hạ tầng, điện chiếu sáng và cho phép được sửa chữa, xây dựng nhà để nhân dân ổn định cuộc sống (Cử tri phường Đống Đa).

Trả lời:

UBND tỉnh đã có Văn bản số 1661/UBND-TH ngày 12/4/2017 giao Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh điều chỉnh cục bộ đồ án Quy hoạch theo hướng khoanh vùng để lại khu dân cư đậm đặc, kết hợp với chỉnh trang đô thị. Đề xuất việc quản lý, sử dụng toàn bộ diện tích đất do khoanh vùng để lại và giải pháp đảm bảo giao thông, thoát nước cho khu dân cư.

Hiện nay, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh đã triển khai thực hiện và dự kiến trong tháng 7/2017 hoàn thành Điều chỉnh Quy hoạch.

 - Hiện nay, trên địa bàn phường đang triển khai thi công một số công trình trọng điểm của tỉnh, thành phố như quốc lộ 1D, Khu đô thị du lịch - văn hóa - thể thao hồ Phú Hòa, kè chống sạt lở hạ lưu sông Hà Thanh, một số dự án khu dân cư ... nhưng việc thi công kéo dài, dở dang khó hoàn thành trước mùa mưa bão gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo trong quá trình thi công phải dứt điểm từng hạng mục, nhất là hệ thống thoát nước để tránh gây ngập úng khi mưa lũ xảy ra (Cử tri phường Nhơn Phú).

Trả lời:

Việc này, ngày 22/5/2017, UBND tỉnh đã có Văn bản số 2439/UBND-KT yêu cầu Nhà đầu tư dừng ngay việc san lấp; thực hiện việc tiêu thoát lũ cho nhánh sông Hà Thanh đảm bảo không bị ngập ứng khi mưa lũ và tạo điều kiện cho người dân phía thương lưu lấy nước mặn để nuôi trồng thủy sản; khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý, đảm bảo đủ điều kiện  thi công xây dựng công trình mới được tiếp tục thi công.

Đến nay, Nhà đầu tư đã tạm dừng thi công và thực hiện khơi thông dòng chảy.

UBND tỉnh giao các Chủ đầu tư dự án (các Ban Quản lý dự án: Dân dụng và công nghiệp; Nông nghiệp và PTNT; Giao thông) kiểm tra việc tổ chức thi công của nhà thầu theo đúng quy định, không để xảy ra ngập úng khi mưa lũ xảy ra.

b) Cử tri huyện Tuy Phước:

Tuy đã được UBND tỉnh lời tại Văn bản số 31/BC-UBND ngày 28/3/2016 nhưng cử tri xét thấy Nhà nước đã đầu tư một khoản kinh phí lớn để thực hiện dự án Khu Kinh tế Nhơn Hội, hiện nay diện tích 3,5 ha còn lại tại khu quy hoạch dân cư Nhơn Phước thuộc dự án này đang bị bỏ hoang gây lãng phí và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, nhất là đối với các hộ đã giao quyền sử dụng đất. Do vậy, cử tri kiến nghị  UBND tỉnh tiếp tục thu hồi số diện tích nói trên để tránh gây lãng phí (Cử tri thôn Huỳnh Giản Bắc, xã Phước Hòa).

Trả lời:

Dự án Khu tái định cư Nhơn Phước giai đoạn 2 và phần mở rộng về phía Bắc 15 ha được thực hiện từ năm 2010 đến 2015, nhưng do trong quá trình thực hiện bị vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mắt bằng nên đã kéo dài đến năm 2016, hiện nay đang chuẩn bị thủ tục quyết toán dự án hoàn thành. Trong quá trình thực hiện bồi thường và thu hồi đất nông nghiệp của các hộ dân tại thôn Huỳnh Giản Bắc, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước đã xảy ra sự tranh chấp giữa người mua và người bán, nên việc bồi thường và thu hồi đất kéo dài rất nhiều thời gian, chủ đầu tư không thể triển khai thi công phần diện tích tranh chấp này. Để đảm bảo việc triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ, UBND tỉnh đã có văn bản số 1363/UBND-TD ngày 22/4/2013 về việc không thu hồi đất đối với diện tích đất có tranh chấp tại Khu tái định cư Nhơn Phước giai đoạn 2 và phần mở rộng về phía Bắc 15 ha, đồng thời sử dụng nguồn kinh phí của dự án chuyển sang đầu tư xây dựng phần diện tích khác thuộc xã Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn cũng thuộc Dự án này nhằm bảo đảm việc bố trí tái định cư các các hộ dân thuộc các xã Nhơn Hội và Nhơn Hải (thôn Hải Giang), thành phố Quy Nhơn.

Hơn nữa, dự án Khu tái định cư Nhơn Phước giai đoạn 2 và phần mở rộng về phía Bắc 15 ha là dự án nhóm B, theo Luật Đầu tư công thì thời gian thực hiện dự án tối đa là 5 năm, đến nay đã xây dựng hoàn thành, nên việc tiếp tục thu hồi đất và đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng Khu tái định cư trên diện tích đất đã quy hoạch còn lại theo kiến nghị của Cử tri thôn Huỳnh Giản Bắc, xã Phước Hòa huyện Tuy Phước là không thể thực hiện được.

c) Cử tri huyện Tây Sơn:

- UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo sớm triển khai việc xây dựng dãy nhà làm việc thuộc xã Tây Giang. Vì nhiều năm nay điều kiện làm việc của cán bộ công chức xã về phòng làm việc rất chật chội, xuống cấp, có phòng tới 3 hội đoàn thể ngồi làm việc chung. Hiện nay đã có Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về chủ trương đầu tư xây dựng dãy phòng làm việc của HĐND và UBND xã (Cử tri xã Tây Giang).

Trả lời:

Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan kiểm tra và báo cáo đề xuất UBND tỉnh.

- Thời gian qua, tỉnh quan tâm hỗ trợ xây nhà văn hóa xã Vĩnh An, bà con rất phấn khởi. Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng tường rào và trang bị một số trang thiết bị thiết yếu cho nhà văn hóa xã Vĩnh An (Cử tri xã Vĩnh An).

Trả lời:

Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh giao UBND huyện Tây Sơn kiểm tra, giải quyết theo thẩm quyền.

- Kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ xây dựng nhà làm việc khối Dân vận - Mặt trận xã Tây Vinh, vì hiện nay đã hư hỏng nặng và xuống cấp (Cử tri xã Tây Vinh).

Trả lời:

Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan kiểm tra và báo cáo đề xuất UBND tỉnh.

- UBND tỉnh đã phê duyệt thiết kế quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 công trình: Quy hoạch quỹ đất dọc tuyến đường ĐT 636 (Gò Găng - Kiên Mỹ) tại Quyết định số 2961/QĐ-CTUBND ngày 17/12/2007 nhưng đến nay chưa triển khai thực hiện, dự án này có khả thi hay không? Nếu không thực hiện thì đề nghị UBND tỉnh có sự điều chỉnh để xã Tây An quy hoạch mở rộng phát triển địa phương (Cử tri xã Tây An).

Trả lời:

Đối với các đồ án quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh, UBND tỉnh đã có Văn bản số 3417/UBND-KT ngày 12/8/2016 giao Sở Xây dựng phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát. UBND tỉnh giao Sở Xây dựng phối hợp với UBND huyện Tây Sơn kiểm tra, tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh.

e) Cử tri huyện Phù Cát:

Dự án khu du lịch Khách sạn nghỉ dưỡng Vĩnh Hội đã quy hoạch hơn 10 nam nay nhưng không quy hoạch cấp đất ở cho nhân dân. Đến nay dự án không triển khai thực hiện. Đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm có chính sách giải quyết nhu cầu đất ở cho nhân dân thôn Vĩnh Hội (Cử tri xã Cát Hải).

Trả lời:

Đối với dự án Khu du lịch Khách sạn nghỉ dưỡng Vĩnh Hội, hiện nay Ban Quản lý Khu kinh tế đang làm việc với Chủ đầu tư để triển khai thực hiện dự án trong tháng 7/2017. Về nhu cầu đất ở cho nhân dân thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, UBND tỉnh giao UBND huyện Phù Cát chỉ đạo UBND xã Cát Hải xem xét, giải quyết nhu cầu đất ở theo quy định.

g) Cử tri huyện Hoài Nhơn

Thị trấn Tam Quan được UBND tỉnh công nhận là đô thị loại 5 từ tháng 4 năm 2017. Theo quy định, đô thị loại 5 được cấp trên cấp kinh phí đầu tư. Tuy nhiên, thị trấn chưa được hưởng kinh phí đầu tư trong năm 2017 mà phải đợi sang năm 2018. Do đó, cử tri kiến nghị UBND tỉnh quan tâm cấp kinh phí đầu tư xây dựng cho thị trấn Tam Quan trong năm 2017.

Trả lời:

Theo quy định tài Quyết định số 46/2016/QĐ-TTG ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quyết định về định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2017, trong đó, định mức phân bổ dự toán năm 2017 đã bao gồm nhu cầu kinh phí thực hiện các chế độ chính sách do Trung ương ban hành đến ngày 31/5/2016.

Thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn được UBND tỉnh công nhận là đô thị loại V tại Quyết định số 1309/QĐ-UBND ngày 13/4/2017. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 18 Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 thì đô thị loại V được ngân sách Trung ương hỗ trợ 5.000 triệu đồng. Do đó, sau khi ngân sách Trung ương bổ sung cho ngân sách địa phương,UBND tỉnh sẽ cấp bổ sung cho ngân sách huyện.

2. Về cấp - thoát nước

a) Cử tri huyện Phù Mỹ:

- UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí nâng cấp công trình cấp nước sinh hoạt xã Mỹ Đức để giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt cho nhân dân trong xã, vì hiện nay công trình cấp nước sinh hoạt đã xuống cấp, không đáp ứng đủ nước sinh hoạt (Cử tri xã Mỹ Đức).

Trả lời:

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1378/QĐ-UBND ngày 18/4/2017 về việc phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng nâng cấp, mở rộng  công trình cấp nước sinh hoạt xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ. Theo đó, UBND tỉnh giao UBND huyện Phù Mỹ làm chủ đầu tư, thời gian tổ chức thực hiện năm 2017 - 2019, sau khi đầu tư mở rộng công trình cấp nước sinh hoạt xã Mỹ Đức sẽ đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước của nhân dân trong xã.

- Dự án Nhà máy cung cấp nước sạch cho 02 xã Mỹ Chánh và xã Mỹ Cát đã đi vào hoạt động nhưng vẫn không đảm bảo cung cấp nước sạch cho nhân dân xã Mỹ Cát. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan quản lý có phương án nâng cấp, hoàn thiện hệ thống nước sạch từ xã Mỹ Chánh đến xã Mỹ Cát để đảm bảo phục vụ nhân dân (Cử tri xã Mỹ Cát).

Trả lời:

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT: Công trình cấp nước sinh hoạt xã Mỹ Chánh được nâng cấp, mở rộng công trình vào tháng 8/2015 và hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng tháng 6/2017 công trình vận hành cấp nước cho nhân dân xã Mỹ Chánh và 01 thôn An Mỹ xã Mỹ Cát. Tuy nhiên một số tuyến ống cũ bị hư hỏng nặng đã làm thất thoát một lượng nước lớn, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và VSMTNT đang tiến hành khảo sát địa hình lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật để khắc phục tình trạng trên nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của nhân dân trong xã.

b) Cử tri thị xã An Nhơn:

- Theo tiêu chí số 17 nông thôn mới về môi trường, thì tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn Quốc gia tại xã vẫn còn chưa đảm bảo. Đề nghị tỉnh có biện pháp mở rộng hệ thống nước sạch trên địa bàn xã để người dân được sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh (Cử tri xã Nhơn Thọ).

Trả lời:

Trên cơ sở đề nghị của UBND thị xã An Nhơn, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng mở mạng cấp nước từ hệ thống cấp nước khu công nghiệp Nhơn Hòa cho 02 thôn Đông Bình và thôn Ngọc Thạnh xã Nhơn Thọ tại văn bản số 5025/QĐ-UBND ngày 31/12/2015. Hiện nay, UBND thị xã An Nhơn đang triển khai mở mạng cấp nước đáp ứng nhu cầu cung cấp nước sạch cho người dân thôn Đông Bình và thôn Ngọc Thạnh, xã Nhơn Thọ, từ nguồn vốn đầu tư hạng mục bổ sung từ nguồn vốn ngân sách tỉnh và ngân sách trung ương hỗ trợ đột xuất chống hạn.

- Ngành chức năng quan tâm lắp đặt thêm 02 tuyến nước sạch trên địa bàn phường: Tuyến từ trụ sở khu vực Châu Thành đến nhà ông Trần Hồng Hải và tuyến từ nhà bà Huỳnh Thị Sương đến nhà ông Nguyễn Văn Lâm (Cử tri phường Nhơn Thành).

Trả lời:

Địa bàn phường Nhơn Thành hiện nay đang sử dụng nguồn nước từ nhà máy cấp nước Gò Găng - Ngô Mây do Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bình Định quản lý. UBND tỉnh đã có văn bản số 2186/UBND-KT ngày 09/5/2017 giao UBND thị xã An Nhơn phối hợp với Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bình Định xác định nhu cầu sử dụng nước; khái toán kinh phí đầu tư mở rộng đường ống và nâng cấp công suất cấp nước; lập kế hoạch đầu tư ngắn hạn và dài hạn.

- Tỉnh sớm có kế hoạch xây dựng công trình cung cấp nước sạch cho nhân dân để đảm bảo đời sống và sức khỏe, vì nguồn nước sinh hoạt của nhân dân quá bẩn, phèn nhiều, gây ảnh hưởng sức khỏe của khoảng 200 hộ dân quanh vùng khu vực Huỳnh Kim và nhiều hộ dân khu vực Tân Hòa (Cử tri phường Nhơn Hoà).

Trả lời:

Dự án cấp nước sạch phường Nhơn Hòa đã được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư xây dựng tại Quyết định số 2274/QĐ-CTUBND ngày 06/10/2010 và đưa vào dự án Cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn vùng miền Trung, nguồn vốn đầu tư vay của Ngân hàng Châu Á (ADB). Nhưng khi huyện An Nhơn chuyển thành thị xã An Nhơn, xã Nhơn Hòa chuyển thành phường Nhơn Hòa, thuộc đô thị thì dự án này không thuộc tiêu chí do ADB tài trợ (ADB chỉ tài trợ cấp nước và vệ sinh vùng nông thôn) dự án phải tạm dừng đến nay. Ngày 31/10/2016, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 4906/UBND-TH cho phép Công ty cổ phần Công nghệ Môi trường và Xây dựng Sài Gòn lập đề xuất các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư công trình Dự án Nhà máy cấp nước sinh hoạt phường Nhơn Hòa.

 

c) Cử tri huyện Tây Sơn:

- UBND tỉnh quan tâm đầu dự án nước sạch để nhân dân xã Bình Nghi, xã Bình Hòa và xã Tây An có nước sạch sinh hoạt (Cử tri xã Bình Nghi, xã Bình Hòa và xã Tây An).

Trả lời:

Dự án cấp nước sinh hoạt xã Bình Nghi do UBND huyện Tây Sơn làm chủ đầu tư; UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình Hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Bình Nghi huyện Tây Sơn tại Quyết định số 2106/QĐ-UBND ngày 13/6/2017. Thời gian tổ chức thực hiện năm 2017 - 2020, sau khi dự án hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân trong xã. 

UBND tỉnh có Công văn số 1060/UBND-TH ngày 18/03/2015 cho chủ trương lập cáo đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng công trình Hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Bình Hòa, Bình Tân, Tây An và Tây Bình và giao UBND huyện Tây Sơn triển khai chuẩn bị đầu tư các dự án công trình cấp nước sạch phục vụ nhân dân.

- Ngành chức năng nghiên cứu khắc phục tình trạng nước sinh hoạt của nhân dân xã Bình Thường và Vĩnh An bị ô nhiễm (có màu vàng đục, lẫn bùn đất) khi có mưa; thu giá cao và tính theo bậc thang (Cử tri xã Bình Tường).

Trả lời:

Việc này, UBND tỉnh có Công văn số 2980/UBND-TH ngày 15/6/2017 cho chủ trương bổ sung bể lắng, nhà hóa chất của Nhà máy cấp nước sinh hoạt Bình Tường và Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn sẽ triển khai thực hiện và hoàn thành đưa vào sử dụng trước mùa mưa lũ 2017.

d) Cử tri huyện Hoài Ân:

- Nhà nước xem xét, đầu tư nâng cấp hệ thống nước sạch tự chảy của  thôn O10 và O6, vì hiện nay, hệ thống đã bị hư hỏng, ống nước bị vỡ ở đầu nguồn; Có chính sách hỗ trợ giá giống lúa lai, vì hiện tại, giá giống lúa lai cao gấp 2-3 lần so với giống lúa thịt, cùng với đó chi phí sản xuất cao ảnh hưởng thu nhập nông dân. (Cử tri xã Đak Mang).

Trả lời:

Trong đợt mưa lũ cuối năm 2016 các công trình cấp nước tập trung nông thôn bị hư hỏng khá nhiều. Hiện nay UBND huyện Hoài Ân đã tu bổ, sửa chữa, khôi phục hệ thống nước sạch đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu dùng nước sạch của người dân.

Về chính sách hỗ trợ giống lúa: Sau khi Quyết định số 43/2009/QĐ-UBND ngày 20/10/2009 của UBND tỉnh hết hiệu lực thi hành, ngày 25/12/2015, UBND tỉnh có Quyết định số 52/2015/QĐ-UBND ban hành chính sách phát triển giống cây trồng giai đoạn 2016-2020 để thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh.

- Nhà nước quan tâm cấp kinh phí cho xã tu bổ, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng hệ thống nước sạch tại địa phương, vì hiện nay, hệ thống nước sạch của xã đã bị xuống cấp, trong khi đó nhu cầu dùng nước sạch của nhân dân ngày càng cao; đồng thời, có kế hoạch khảo sát, nâng cấp, sửa chữa các công trình Hồ Hóc Chẵn, đập Cây Thị và đập Trại Thơ nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất (Cử tri xã Ân Tường Tây).

Trả lời:

Công trình cấp nước sinh hoạt xã Ân Tường Tây được đầu tư đưa vào khai thác năm 2007, có công suất 600 m3/ngày đêm, cấp nước cho 4.531 người và giao cho Hợp tác xã Ân Tường Tây quản lý, khai thác và sử dụng. Hiện tại, công trình đã xuống cấp, trong khi nhu cầu dùng nước sạch của người dân ngày càng cao. UBND tỉnh giao UBND huyện Hoài Ân chỉ đạo các đơn vị liên quan khảo sát đề xuất tu bổ, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng hệ thống nước sạch nhằm đảo bảo nhu cầu dùng nước sạch của nhân dân.

e) Cử tri thành phố Quy Nhơn:

- Cử tri phường Trần Quang Diệu kiến nghị: Tại khu vực 2, phường Trần Quang Diệu trong quá trình thi công tuyến đường Long Vân - Long Mỹ và Dự án bệnh viện đặc biệt chưa xây cầu, đặt cống lớn để thoát nước nên gây ngập úng, sa bồi thủy phá làm ảnh hưởng đến việc sản xuất của các hộ dân tại tổ 10, tổ 11 khu phố 2, phường Trần Quang Diệu. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra và có hướng xử lý để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân sản xuất.

Trả lời:

UBND tỉnh đã Ban QLDA Dân dụng và Công nghiệp tỉnh phối hợp với UBND phường Trần Quang Diệu và Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc kiểm tra hiện trường, Công ty đã thực hiện việc nạo vét, đồng thời cam kết chuẩn bị sẵn máy móc, thiết bị để khơi thông mương Bến Cuốc tại vị trí đặt cống, khi có mưa lũ đảm bảo không gây ngập úng phía thượng lưu; đồng thời, Công ty TNHH Phúc Lộc đồng ý chi trả tiền hỗ trợ hoa màu cho các hộ dân bị thiệt hại hoa màu do bồi lấp đất.

- Cử tri phường Trần Quang Diệu kiến nghị: Trong quá trình thi công Quốc lộ 1D đoạn đường tại Trường THPT Hùng Vương có cống thoát nước nhưng không có mương thoát nước nên mùa mưa gây ngập úng, nước chảy vào nhà dân làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra và có hướng xử lý.

Trả lời:

Hiện nay, chức năng chủ sở hữu hệ thống thoát nước đô thị thành phố Quy Nhơn đã được UBND tỉnh phân cấp về chính quyền địa phương. Nội dung kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh giao UBND thành phố Quy Nhơn xem xét, giải quyết.

- Cử tri phường Trần Quang Diệu kiến nghị: Trong quá trình thi công Đại đội cảnh sát cơ động, khu Đa phương thức chủ đầu tư không làm hệ thống thoát nước nên khi mùa mưa đến nước không thoát được, thường xuyên tràn vào Trường PTTH Hùng Vương gây ảnh hưởng đến việc dạy và học của giáo viên và học sinh của trường. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng đến kiểm tra và có hướng xử lý.

Trả lời:

Hiện nay, chức năng chủ sở hữu hệ thống thoát nước đô thị thành phố Quy Nhơn đã được UBND tỉnh Bình Định phân cấp về chính quyền địa phương. Nội dung kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh giao UBND thành phố Quy Nhơn xem xét, giải quyết.

- Kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng quan tâm khảo sát làm cầu thay cho hệ thống cống và đập tràn đường vào Trung tâm khoa học và giáo dục liên ngành nên có mốc thời gian thực hiện và sớm hoàn thành vì mùa mưa năm 2017 sắp đến, nếu không thực hiện sớm thì sẽ tiếp tục xảy ra ngập úng cục bộ gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân (Cử tri phường Ghềnh Ráng).

Trả lời:

Nội dung kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo giải quyết cụ thể như sau:

- Giao Sở Khoa học và Công nghệ (chủ đầu tư dự án Tổ hợp không gian khoa học) chỉ đạo đơn vị thi công tháo dỡ tường rào bằng tole, tiến hành cải tạo hố ga thu nước, phát quang, nạo vét tuyến mương hiện trạng xung quanh dự án nhằm giải quyết thoát nước cho khu vực nêu trên; tiến hành đầu tư xây dựng tuyến mương thoát nước xung quanh dự án Tổ hợp không gian khoa học theo như Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 672/QĐ-UBND ngày 26/02/2015.

- Giao UBND thành phố Quy Nhơn (chủ sở hữu hệ thống thoát nước thành phố Quy Nhơn) chỉ đạo đơn vị quản lý, vận hành hệ thống thoát nước triển khai nạo vét 06 cống D1200 thoát nước qua đường tại Km0+338,17 trên tuyến đường vào Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành nhằm đảm bảo thoát nước cho phía thượng lưu; thường xuyên kiểm tra, nạo vét, phun chế phẩm xử lý mùi hôi đối với mương thoát nước xung quanh Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành để đảm bảo thoát nước, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

VI. TÀI CHÍNH - THUẾ, KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ

a) Cử tri thị xã An Nhơn:

- Hầu hết các trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh đều được đầu tư, xây dựng mới, riêng Trạm y tế xã Nhơn Thọ được xây từ năm 1976 – 1977, đến nay đã xuống cấp, không đảm bảo đủ điều kiện phục vụ khám chữa bệnh cho người dân. Do đó, đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm hỗ trợ kinh phí để xây dựng mới (Cử tri xã Nhơn Thọ)

Trả lời:

Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, cân đối trình UBND tỉnh xin ý kiến HĐND tỉnh bố trí kế hoạch vốn cho dự án trong thời gian đến theo quy định (khi có điều kiện về nguồn vốn).

b) Cử tri huyện Vân Canh:

Trước đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng về khảo sát, quy hoạch để xây dựng nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng huyện Vân Canh; tuy nhiên đến nay, công trình này vẫn chưa được triển khai thực hiện. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà văn hóa huyện Vân Canh để tạo điều kiện cho bà con nhân dân địa phương có nơi hội họp, sinh hoạt cộng đồng.

Trả lời:

Trong giai đoạn 2018 - 2020, huyện Vân Canh đăng ký thực hiện xây mới các dự án nhà văn hóa như: Xây dựng nhà văn hóa làng Hà Văn Dưới; Xây dựng nhà văn hóa làng Canh Tiến; Xây dựng nhà văn hóa làng Kà Nâu xã Canh Liên; Xây dựng nhà văn hóa trung tâm huyện và sân vận động huyện; Xây dựng nhà văn hóa xã Canh Hiển; Xây dựng nhà văn hóa các làng của thị trấn Vân Canh; Nhà văn hóa các thôn xã Canh Vinh; Nhà văn hóa xã Canh Hòa. Tuy nhiên, hiện nay ngân sách tỉnh rất hạn chế về nguồn vốn, chủ yếu tập trung trả nợ KLHT cho các dự án và bố trí đối ứng cho các dự án ODA theo quy định, sau đó mới tiến hành khởi công mới nếu cân đối được nguồn vốn. UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh bố trí kế hoạch vốn trong thời thời gian tới khi cân đối được nguồn vốn. 

VII. VỀ TÀI NGUYÊN, MÔI TRƯỜNG

a) Cử tri thành phố Quy Nhơn:

- UBND tỉnh di dời Công ty may Hưng Phát và Xí nghiệp may Quy Nhơn II ra khỏi khu dân cư vì hiện nay hai công ty này vẫn còn gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của các hộ dân sống xung quanh (Cử tri phường Ghềnh Ráng).

Trả lời:

Công tác bảo vệ môi trường Công ty may Hưng Phát thuộc phân cấp quản lý của UBND thành phố Quy Nhơn. UBND thành phố Quy Nhơn đã kiểm tra, yêu cầu xử lý khắc phục mùi hôi khét nhưng Công ty vẫn chưa xử lý triệt để.

Tháng 6/2016, UBND tỉnh đã giao Sở TN&MT kiểm tra và xác định Công ty đã dùng vải rẻo để đốt lò, gây mùi khét, việc làm này là không đúng với nội dung Bản Cam kết BVMT được UBND thành phố Quy Nhơn xác nhận, đã xử phạt hành chính Công ty với số tiền 6 triệu đồng, đồng thời yêu cầu Công ty không được sử dụng chất liệu vải rẻo làm nhiên liệu để đốt lò, thực hiện đầy đủ các biện pháp xử lý ô nhiễm tại nhà máy và thực hiện việc di dời máy nén khí, lò hơi đến lắp đặt vị trí đúng theo quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 được UBND thành phố Quy Nhơn phê duyệt.

Ngày 21/10/2016, UBND tỉnh có Văn bản số 4748/UBND-KT giao cho Sở TN&MT giám sát việc di dời và giao UBND TP Quy Nhơn tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của Công ty theo phân cấp quản lý. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TN&MT đã 03 lần lấy mẫu đột xuất bụi và khí thải tại nhà máy may để phân tích, kết quả phân tích cho thấy các chỉ tiêu đều đạt Quy chuẩn Việt Nam về môi trường (QCVN 19:2009/BTNMT). Hiện nay, Công ty đã thực hiện di dời máy nén khí, lò hơi theo vị trí quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 đã được UBND TP Quy Nhơn phê duyệt. UBND tỉnh yêu cầu UBND thành phố Quy Nhơn tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của Công ty theo phân cấp quản lý.

- Kiến nghị UBND tỉnh xem xét lại việc giao mặt nước và mặt đất trên địa bàn xã đảo Nhơn Châu cho tập đoàn FLC đầu tư phát triển du lịch. Việc này sẽ gây ảnh hưởng đến việc khai thác thủy sản và đi lại của người dân trên đảo (Cử tri xã Nhơn Châu).

Trả lời:

Về vấn đề này, tỉnh đã chỉ đạo Nhà đầu tư không thực hiện dự án tại khu vực có yếu tố quốc phòng; đồng thời không làm ảnh hưởng đến việc khai thác thủy sản, đi lại của nhân dân.

Hiện nay, dự án mới chỉ là đề xuất của nhà đầu tư và là dự án có yếu tố bảo tồn sinh thái, Nhà đầu tư đang tiến hành lập quy hoạch, dự án đầu tư phải trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước khi triển khai. Việc triển khai dự án đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường và đảm bảo sinh kế của người dân trên đảo.

- Dự án khu hạ tầng kỹ thuật hồ sinh thái Đầm Đống Đa trên địa bàn phường thực hiện quá lâu gần 15 năm, hiện trong phường còn 44 trường hợp nằm trong diện quy hoạch. Vừa qua các cơ quan chức năng cấp trên cũng đã tiến hành đối thoại với các trường hợp nêu trên và đã thông báo áp giá đất cho các hộ dân mua lại là gần 10 triệu/m2; tuy nhiên gần đây có thông tin mức giá được tăng lên 15 triệu đồng/m2 gây dư luận xôn xao cho bà con nhân dân vì đa số các trường hợp trên đều là dân lao động nên không có khả năng mua. Vì vậy đề nghị UBND tỉnh xem xét áp giá đất phù hợp với điều kiện của người dân; đồng thời, sớm hoàn thành dự án để nhân dân ổn định cuộc sống (Cử tri phường Trần Hưng Đạo).

Trả lời:

Về dự án cử tri kiến nghị, qua kết quả rà soát hồ sơ dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở Hồ sinh thái Đống Đa của các sở, ngành liên quan, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1777/QĐ-UBND ngày 22/5/2017 phê duyệt giá đất cụ thể để thu tiền sử dụng đất bố trí cho một số hộ dân dọc tuyến đường số 2 thuộc dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở Hồ sinh thái Đống Đa, theo đó giá đất đường số 2 là 15.000.000 đồng/m2 là phù hợp.

- Dự án cáp treo vượt biển Quy Nhơn trong quá trình thi công đổ đất đá, xà bần lấn biển gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, xử lý đối với tình trạng nêu trên (Cử tri phường Nguyễn Văn Cừ).

Trả lời:

Dự án Khu ga đi cáp treo tại khu lấn biển Mũi Tấn, thành phố Quy Nhơn do Công ty Cổ phần Vinpearl Quy Nhơn làm chủ đầu tư bắt đầu triển khai từ năm 2014. Ngày 31/3/2014, Công ty Cổ phần Vinpearl Quy Nhơn đã trình Sở TN&MT thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án trên. Tuy nhiên, do hồ sơ chưa đầy đủ hợp lệ nên dự án chưa được thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Hiện nay, để đảm bảo vệ sinh môi trường tại khu vực này, UBND tỉnh đã yêu cầu Công ty Cổ phần Vinpearl Quy Nhơn khẩn trương xây dựng hàng rào bao quanh, có biện pháp bảo vệ môi trường tại khu vực triển khai dự án và tạm dừng san lấp.

Ngoài ra, trong quá trình thi công của Công ty CP Vinpear Quy Nhơn đã phát sinh tình trạng ô nhiễm biển do bùn đen tại một số bãi tắm ven biển Quy Nhơn. Đối với vấn đề này, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam khảo sát, đánh giá dòng chảy và xác định nguyên nhân của tình trạng xuất hiện bùn đen. Trong thời gian tới, khi nghiên cứu hoàn thành, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan đề xuất giải pháp cụ thể xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường biển cũng như giải pháp xử lý khu vực đã san lấp.

b) Cử tri huyện Tuy Phước:

- Bãi cát trên sông Tân An thuộc thôn Đại Lễ, xã Phước Hiệp đã được UBND tỉnh cho Công ty TNHH My Xuân và Doanh nghiệp tư nhân Quang Hưng khai thác, tuy nhiên qua theo dõi của nhân dân thì khi các doanh nghiệp khai thác không có cắm biển báo và hốt cát quá mức tạo thành các hầm sâu, gây nguy hiểm cho người dân, nhất là các trẻ em trong vùng. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra chấn chỉnh, yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện việc cắm các biển báo công khai vị trí khai thác theo quy định để nhân dân giám sát; đồng thời, yêu cầu 02 Doanh nghiệp trên phải hỗ trợ kinh phí để cùng với ngân sách địa phương duy tu, sửa chữa hệ thống đường giao thông nông thôn; vì trước khi đề nghị cấp có thẩm quyền cho khai thác, tại buổi họp dân trong khu vực, 02 Doanh nghiệp có hứa sẽ hỗ trợ cho địa phương để cùng ngân sách xã đầu tư sửa chữa tuyến đường nông thôn đi vào xóm Tây Lễ nhưng đến nay 02 Doanh nghiệp này không thực hiện, vừa qua, được biết 01 trong 02 Doanh nghiệp này đã chuyển nhượng quyền khai thác cho đơn vị khác (Cử tri xã Phước Hiệp).

Trả lời:

Tại bãi bồi sông Kôn (nhánh sông Tân An), xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, UBND tỉnh đã cấp phép khai thác cát cho DNTN Xây dựng Quang Hưng (Giấy phép số 07/GP-UBND ngày 10/02/2017 diện tích 2,8ha, thời hạn 2 năm) và Công ty TNHH KS& TM My Xuân (Giấy phép số 27/GP-UBND ngày 29/5/2017 với diện tích 3,7ha, thời hạn 2 năm) (Sở TN&MT đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành bàn giao mốc giới các khu vực trên thực địa để các đơn vị cắm các cột mốc, triển khai hoạt động khai thác và yêu cầu Công ty cắm các biển thông báo về vị trí, phạm vi khai thác để nhân dân giám sát). UBND tỉnh giao UBND huyện Tuy Phước làm việc với DNTN Xây dựng Quang Hưng và Công ty TNHH KS & TM My Xuân, yêu cầu hai đơn vị này phối hợp, hỗ trợ cho địa phương theo quy định, kiểm tra và yêu cầu 2 doanh nghiệp này cắm các biển thông báo về vị trí, phạm vi khai thác và thông báo nhân dân giám sát.

- Cử tri xã Phước Thành kiến nghị: Công ty Hoàng Cầu trong quá trình khai thác đá đã gây hủy hoại cảnh quan môi trường, bồi lấp gần 3ha đất trồng lúa, đất vườn và nhà ở của nhân dân tại xóm 4, thôn Cảnh An 1, xã Phước Thành. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh và các ngành liên quan can thiệp để Công ty sớm khắc phục hậu quả và đền bù thiệt hại cho người dân.

Trả lời:

Theo ý kiến phản ánh của cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương kiểm tra thực địa khu vực. Kết quả đã xác định do 5 đợt mưa lũ cuối năm 2016 quá lớn nên có sa bồi như phản ánh của cử tri. Trên cơ sở đề xuất của Sở TN&MT, UBND tỉnh đã có Công văn số 2685/UBND-KT ngày 31/5/2017 yêu cầu Công ty TNHH Hoàn Cầu - Granite phối hợp với UBND xã Phước Thành làm việc với các hộ dân để rà soát diện tích bị ảnh hưởng không thể canh tác (do hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty) để thống nhất việc đền bù, khắc phục và xử lý sa bồi; hoàn thiện hệ thống thoát nước mặt, nghiêm túc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường và xây dựng các công trình bảo vệ môi trường theo quy định. Hiện nay Công ty đã khắc phục và xử lý sa bồi đất canh tác của dân, bồi thường vụ lúa Đông Xuân cho bà con, đang hoàn thiện hệ thống kênh mương thoát nước mặt.

Ngoài ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Tuy Phước tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường theo Bản cam kết bảo vệ môi trường đã được UBND huyện Tuy Phước xác nhận; kiểm tra, xác nhận việc hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường của Công ty TNHH Hoàn Cầu - Granite.

- Cử tri xã Phước Thành kiến nghị: Việc cấp phép khai thác cát trên sông Hà Thanh, gây ảnh hưởng môi trường, sạt lở bờ kè mới xây hai bên bờ sông thuộc địa bàn xã Phước Thành, huyện Tuy Phước. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với địa phương kiểm tra và có biện pháp xử lý.

Trả lời:

Hiện nay, trên sông Hà Thanh đoạn qua xã Phước Thành, huyện Tuy Phước, UBND tỉnh đã cấp phép khai thác cát cho 03 đơn vị là: DNTN XD Thành Sơn giấy phép khai thác số 57/GP-UBND ngày 23/9/2014, diện tích 2,8ha; Công ty TNHH TM&XD Kim Hải giấy phép khai thác số 24/GP-UBND ngày 29/5/2015, diện tích 1,84ha; Công ty TNHH Nam Phương giấy phép khai thác số 51/GP-UBND ngày 22/9/2015, diện tích 01ha. Sở TN&MT đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành bàn giao mốc giới các khu vực trên thực địa để các đơn vị cắm các cột mốc, triển khai hoạt động khai thác và yêu cầu Công ty cắm các biển thông báo về vị trí, phạm vi khai thác để nhân dân giám sát.

Việc cấp phép khai thác đảm bảo hành lang đê điều, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, thống nhất. Nội dung phản ánh của cử tri, UBND tỉnh giao Sở TN&MT phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và chính quyền địa phương kiểm tra và đề xuất UBND tỉnh đình chỉ, thu hồi giấy phép nếu có ảnh hưởng đến an toàn đê điều.

 

c) Cử tri huyện Vân Canh:

- Đề nghị UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng bãi xử lý rác thải tập trung tại huyện. Nội dung này, cử tri đã kiến nghị nhiều lần, UBND tỉnh đã thực hiện khảo sát và giao cho đơn vị thi công thực hiện; tuy nhiên vì nguồn kinh phí GPMB quá lớn, trong khi ngân sách của huyện quá khó khăn, không đủ khả năng để thực hiện GPMB.

Trả lời:

Trên địa bàn huyện Vân Canh hiện nay chưa có bãi chôn lấp hợp vệ sinh, việc thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong thời gian qua được thực hiện tại bãi bãi chôn lấp tạm thị trấn Vân Canh với diện tích 3.000m2 tại Làng Hiệp Hà, thị trấn Vân Canh. Tuy nhiên, bãi chôn lấp này chưa đảm bảo các quy định về vệ sinh môi trường nên đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường.

Theo Quyết định số 637/QĐ-UBND ngày 27/8/2009 của UBND tỉnh về việc Phê duyệt Quy hoạch tổng thể quản lý chất thải rắn đô thị  và khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, trên địa bàn huyện Vân Canh có quy hoạch 01 bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh. Ngày 30/10/2015, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn, diện tích 7,1 ha, công suất 100 tấn/ngày tại xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định theo Quyết định số 3886/QĐ-UBND. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được triển khai do khó khăn trong vấn đề bố trí kinh phí thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Vân Canh khẩn trương lập dự án đầu tư, trình UBND tỉnh phê duyệt và bố trí kinh phí thực hiện. Trong trường hợp kinh phí giải phóng mặt bằng quá lớn, đề nghị UBND huyện Vân Canh xem xét lựa chọn phương án xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt để thay thế công nghệ chôn lấp nhằm tiết kiệm diện tích đất bố trí cho dự án.

d) Cử tri huyện Tây Sơn:

- Đề nghị UBND tỉnh xem xét, miễn phí dịch vụ đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính cho người dân khi lập thủ tục hồ sơ cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì trước đây, người dân đã được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Nghị định 64 nhưng chưa thể hiện tài sản trên đất, nay người dân có nhu cầu vay vốn hoặc tham gia giao dịch thì buộc phải bổ sung tài sản trên đất và phải nộp khoản phí dịch vụ này, với mức phí rất cao nên khó khăn cho người dân (Cử tri xã Tây An và cùng kiến nghị với cử tri huyện Hoài Ân).

Trả lời:

Hiện nay, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bình Định trực thuộc Sở TN&MT thu tiền đo đạc tài sản gắn liền với đất (là nhà ở hoặc công trình xây dựng) theo đơn giá tại Quyết định số 1959/QĐ-UBND ngày 09/6/2015 của UBND tỉnh ban hành Bộ đơn giá công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 95 Luật đất đai: Đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý. Đăng ký quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được thực hiện theo yêu cầu của chủ sở hữu.

Theo quy định tại Thông tư 25/2015/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ TN&MT và Thông tư liên tịch số 15/2015/TTLT-BTNMT-BNV-BTC ngày 04/4/2015 của liên Bộ TN&MT, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính thì đối với trường hợp cấp bổ sung tài sản gắn liền với đất là nhà ở hoặc công trình xây dựng thì tổ chức, cá nhân phải có bản đo vẽ nhà ở hoặc công trình xây dựng được đơn vị có chức năng hành nghề đo đạc bản đồ thực hiện và Văn phòng Đăng ký đất đai có nhiệm vụ kiểm tra, xác nhận sơ đồ nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do tổ chức, cá nhân cung cấp phục vụ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận hoặc bản đo vẽ nhà ở hoặc công trình xây dựng do Văn phòng Đăng ký đất đai lập.

 Để giải quyết kịp thời khối lượng hồ sơ này thì phải có cán bộ thực hiện công tác đo đạc, lập bản bản vẽ tài sản gắn liền với đất nên Văn phòng Đăng ký đất đai phải chủ động ký hợp đồng lao động ngoài biên chế để thực hiện các công việc trên. Việc chi trả lương và các khoản theo lương đều được chi trả từ nguồn thu đo đạc vì nguồn ngân sách không cấp kinh phí và bố trí cho hợp đồng lao động này. Bên cạnh đó còn một số chi phí như: thuê máy đo, chi công tác phí, văn phòng phẩm và một số chí phí khác đều chưa được ngân sách bố trí kinh phí nên việc thu tiền đo đạc là nhằm bù đắp cho các chi phí phát sinh. Vì vậy, việc đề nghị miễn thu tiền đo đạc cho các loại hồ sơ nêu trên là không phù hợp.

e) Cử tri huyện Tây Sơn:

- Đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với huyện Vĩnh Thạnh, Tây Sơn và các xã Vĩnh Hòa, Tây Thuận có biện pháp xử lý dứt điểm việc khai thác vàng thuộc khu vực giáp ranh giữa 2 xã này. Vì hiện nay việc khai thác vàng gây mất an ninh trật tự và ô nhiễm môi trường (Cử tri xã Tây Thuận, Ý kiến đã phản ảnh từ trước kỳ họp 2).

Trả lời:

Việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn thuộc trách nhiệm của UBND cấp huyện, do đó UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm túc nội dung Công văn số 2961/UBND-KTN ngày 26/6/2015 của UBND tỉnh về việc triển khai Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu quả thực thi chính sách pháp luật về khoáng sản, trong đó UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố: “Tăng cường kiểm tra hoạt động khoáng sản, có biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn theo thẩm quyền. Hằng năm, xây dựng phương án và dự trù kinh phí bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn. Kiểm tra, giám sát UBND cấp xã trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân bao che hoạt động khoáng sản trái phép; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép”.

Về lâu dài, để giảm thiểu và tiến tới xóa bỏ tình trạng trái phép tại khu vực trên, UBND tỉnh yêu cầu:

- Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo các đơn vị cấp huyện phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý triệt để tình trạng khai thác vàng trái phép tại xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh và xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn.

- UBND huyện Tây Sơn và huyện Vĩnh Thạnh tổ chức tuyên truyền, vận động người chấp hành các quy định pháp luật về khoáng sản, bảo vệ môi trường, không khai thác vàng trái phép trên địa bàn huyện; vận động nhân dân kịp thời phát hiện và báo cáo UBND xã các đối tượng đào đãi vàng trái phép, không tiếp tay, cung ứng nhu yếu phẩm phục vụ khai thác vàng trái phép trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định.

- Kiến nghị tỉnh quan tâm chỉ đạo kiểm tra việc khai thác cát của tập đoàn Phúc Lộc trên sông Kôn từ 2015 đến nay, trong khi đó mới được tỉnh cấp phép ngày 20/5/2017 đã gây ảnh hưởng diện tích sản xuất lúa và đất màu/hoa màu của bà con khối Hoà Lạc thị trấn Phú Phong. (Cử tri thị trấn Phú Phong). 

Trả lời:

Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc là đơn vị thi công các công trình trọng điểm của tỉnh (như QL1A, QL1D, QL19), để kịp thời có vật liệu phục vụ cho hoạt động thi công các công trình trên, Công ty được UBND tỉnh cho phép vừa khai thác vừa hoàn chỉnh hồ sơ cấp phép khai thác cát. Ngày 04/4/2017, UBND tỉnh đã cấp giấy phép khai thác cát số 16/GP-UBND để Công ty khai thác 05ha tại sông Kôn, xã Bình Tường và thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn.

Theo kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra thực địa khu vực, qua kiểm tra cho thấy: Khu vực khai thác của Công ty CP tập đoàn Phúc Lộc có hiện tượng sạt lở và sa bồi đối với một phần diện tích đất nông nghiệp nằm giáp với tuyến đường vận chuyển khai thác cát của Công ty.

 Theo ý kiến của chính quyền địa phương việc sạt lở phần lớn là do thiên tai lũ lụt năm 2016 gây ra và cũng có một phần trách nhiệm của Công ty CP tập đoàn Phúc Lộc do hoạt động khai thác cát và xây dựng tuyến đường vận chuyển nằm gần với đất sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương (Việc này UBND huyện Tây Sơn, UBND thị trấn Phú Phong đã kiểm tra có biên bản làm việc ngày 20/01/2017 và đã trả lời cho nhân dân). Tại biên bản trên, UBND huyện Tây Sơn, UBND thị trấn Phú Phong đã yêu cầu Công ty CP tập đoàn Phúc Lộc:

- Trong quá trình xây dựng lại tuyến đường vận chuyển khai thác cát có trách nhiệm gia cố đối với phần diện tích đất bị sạt lở nằm giáp với tuyến đường vận chuyển và khu vực khai thác cát của Công ty.

- Xem xét hỗ trợ kinh phí cho người dân địa phương có phần diện tích đất nông nghiệp nằm giáp tuyến đường vận chuyển của Công ty bị bồi lấp.

UBND tỉnh giao UBND huyện Tây Sơn tiếp tục đôn đốc và giám sát việc thực hiện của Công ty CP tập đoàn Phúc Lộc theo kết quả làm việc ngày 20/01/2017 giữa UBND huyện Tây Sơn và doanh nghiệp, báo cáo kết quả cho UBND tỉnh.

- UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo kiểm tra việc khai thác cát của công ty Thành Châu và Bá Ngọc, hiện đang khai thác cát trên sông Kôn thuộc địa bàn xã Tây Xuân, khai thác quá sâu làm ảnh hưởng sạt lở ruộng, đê. Đề nghị tỉnh kiểm tra xử lý và trả lời cho cử tri biết (Cử tri xã Tây Xuân). 

Trả lời:

Tại Sông Kôn, xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn, UBND tỉnh đã cấp phép cho 2 doanh nghiệp khai thác cát, cụ thể như sau:

- Công ty TNHH XNK Thành Châu được UBND tỉnh cấp giấy phép số 13/GP-UBND ngày 22/3/2016 với diện tích 10,5ha, khối lượng khai thác 26.000m³cát/năm, chiều sâu khai thác là 2,5m, phương pháp khai thác bằng xe đào, không khai thác bằng máy bơm hút.

- Công ty TNHH TM du lịch Bá Ngọc được UBND tỉnh cấp giấy phép số 41/GP-UBND ngày 16/8/2016 với diện tích 03ha, khối lượng khai thác 11.000m³cát/năm, chiều sâu khai thác là 2,5m, phương pháp khai thác bằng xe đào, không khai thác bằng máy bơm hút.

Sau khi UBND tỉnh cấp phép, Sở TN&MT đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành bàn giao mốc giới các khu vực trên thực địa để các đơn vị cắm các cột mốc, triển khai hoạt động khai thác và yêu cầu Công ty cắm các biển thông báo quy mô khai thác (gồm diện tích, công suất, chiều sâu và phương pháp khai thác,…) tại khu vực khai thác để nhân dân giám sát.

Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh giao Sở TN&MT phối hợp với Sở Xây dựng và chính quyền địa phương kiểm tra và báo cáo UBND tỉnh để trả lời cử tri trong thời gian sớm nhất.

- Việc các cơ sở nước mắm ở xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn gây mùi hôi khó chịu làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của nhân dân xã Tây Vinh. Đề nghị tỉnh có biện pháp chỉ đạo kiểm tra, xử lý (Cử tri xã Tây Vinh).

Trả lời:

Hiện nay tại xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn có 01 cơ sở sản xuất nước mắm của Doanh nghiệp tư nhân Bốn Phương đang hoạt động và cơ sở này được UBND thị xã An Nhơn cấp giấy xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường. Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh giao UBND thị xã An Nhơn khẩn trương kiểm tra cơ sở sản xuất nước mắm Bốn Phương và một số cơ sở khác có phát sinh mùi trong quá trình hoạt động sản xuất trên địa bàn xã Nhơn Mỹ, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và thông báo cho cử tri được biết.

f) Cử tri thị xã An Nhơn:

- Hệ thống thu gom nước thải của làng nghề truyền thống Bún tươi Ngãi Chánh mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu tại đây. Đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí để xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại Làng nghề (Cử tri xã Nhơn Hậu).

Trả lời:

Thời gian qua, một số làng nghề trên địa bàn tỉnh, trong đó có làng nghề Bún tươi Ngãi Chánh có phát sinh tình trạng ô nhiễm môi trường. Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh đã có văn bản số 2908/UBND-KT ngày 09/6/2017 triển khai công tác bảo vệ môi trường tại làng nghề theo Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT của Bộ TN&MT.

Riêng đối với kiến nghị của cử tri xã Nhơn Hậu đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí để xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại làng nghề Bún tươi Ngãi Chánh, UBND tỉnh giao UBND thị xã An Nhơn xem xét, xây dựng Kế hoạch kinh phí (kèm theo các đề án, dự án chi tiết) đề nghị hỗ trợ phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp, trong đó có hỗ trợ đầu tư công trình bảo vệ môi trường, gửi các Sở: Công thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30/8 hàng năm để tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt theo quy định tại Quyết định số 47/2013/QĐ-UBND ngày 20/12/2013 của UBND tỉnh về việc ban hành một số chính sách phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo Sở Tài nguyên Môi trường và Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất kịp thời, tránh gây phiền hà cho nhân dân. Hiện nay, nhiều người dân chưa được cấp sổ hồng, có trường hợp kéo dài đến 9 tháng chưa được cấp sổ, gây bức xúc cho người dân. Cử tri đề nghị nếu không giải quyết được thì tiến hành tổ chức đối thoại với dân để làm rõ nguyên nhân (Cử tri phường Nhơn Hưng và Nhơn Hoà).

Trả lời:

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường: Trong thời gian qua, UBND phường Nhơn Hưng và phường Nhơn Hòa đã tập trung giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, tài sản gắn liền với đất cho người dân đảm bảo đúng thời gian và đúng quy định. Đồng thời tháo gỡ một số vướng mắc của người sử dụng đất liên quan đến hồ sơ cấp Giấy chứng nhận, nên không có trường hợp kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ như ý kiến, kiến nghị của cử tri nêu trên.

Riêng UBND phường Nhơn Hòa xác định có trường hợp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận của ông Phan Thành Đợt. Qua kết quả đo đạc hiện trạng để đề nghị cấp Giấy chứng nhận, thửa đất ông Đợt đang sử dụng tăng thêm 24,2 m2 so với Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 472/CNSH và Quyết định giao đất số 575/QĐ-UBND ngày 16/8/1995 của UBND huyện An Nhơn. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã An Nhơn đã kịp thời thẩm tra hồ sơ theo đúng thời gian quy định và xác định trường hợp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận của ông Phan Thành Đợt, UBND phường Nhơn hòa xác nhận nội dung chưa bảo đảm.

Do vậy, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã An Nhơn đã làm việc với UBND phường Nhơn Hòa và Phòng TN&MT thị xã An Nhơn thống nhất đề nghị UBND phường Nhơn Hòa căn cứ quy định tại điều 21 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ, điểm 1 và điểm 20 điều 2 của Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ để kiểm tra xác minh, xác nhận lại nguồn gốc sử dụng đất, việc sử dụng ổn định, quá trình sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai hay không vi phạm, thời điểm sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất đối với diện tích tăng 24,2 m2,, ghi cụ thể ý kiến vào nội dung đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Phan Thành Đợt.

Đồng thời, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã An Nhơn đã chuyển trả hồ sơ để UBND phường Nhơn Hòa xác nhận lại hồ sơ theo quy định và có Báo cáo số 07/BC-CNVPĐKDĐ ngày 18/4/2017 gửi Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, UBND thị xã An Nhơn và Phòng TN&MT để xem xét, chỉ đạo giải quyết.

Ngày 27/6/2017, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh đã có Văn bản số 791/VPĐK trả lời đơn của ông Phan Thành Đợt và thống nhất với đề xuất của Chi nhánh thị xã An Nhơn như nội dung đã làm việc với UBND phường Nhơn Hòa và Phòng TN&MT thị xã An Nhơn để làm cơ sở cấp Giấy chứng nhận. Hiện tại, hồ sơ ông Phan Thanh Đợt, đang được UBND phường Nhơn Hòa giải quyết theo ý kiến chỉ đạo của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bình Định tại văn bản nêu trên.

- Cử tri phường Nhơn Hoà kiến nghị: UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra, đánh giá đúng thực chất về diện tích sử dụng đất của các doanh nghiệp thuê đất trên địa bàn khu vực Phú Sơn, cắm mốc cụ thể về ranh giới, vì trong quá trình sử dụng, các doanh nghiệp lấn đất xung quanh để mở rộng diện tích. Bên cạnh đó cán bộ kiểm tra về môi trường ở các doanh nghiệp chưa tốt, nên một số doanh nghiệp không tuân thủ theo đúng quy trình đánh giá tác động môi trường đã làm ảnh hưởng đến một số hộ dân gần đó, cụ thể như Xí nghiệp đá 28/7 nổ mìn quá lớn gây chấn động và khói bụi, Công ty TNHH Long Hai phun sơn ảnh hưởng môi trường không khí đến nhà dân xung quanh…

Trả lời:

Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND thị xã An Nhơn kịp thời kiểm tra, đề xuất xử lý theo quy định, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 31/7/2017.

- Cử tri phường Nhơn Hoà kiến nghị: Công ty TNHH XD Thành Nhân được tỉnh cấp phép khai thác cát xây dựng tại thôn An Hoà, xã Nhơn Khánh, nhưng đã khai thác cát tại bến Buồn Tằm là đường đi qua lại xóm Châu Tây qua Nhơn Khánh quá sâu khoảng hơn 5m, rộng khoảng 10m, gây nguy hiểm cho người dân qua lại. Đề nghị tỉnh chỉ đạo cắm mốc chỉ giới khai thác là bao nhiêu và tránh xa khu vực bến sông để công khai cử tri biết giám sát và tránh gây ảnh hưởng đến nhân dân khu vực.

Trả lời:

Công ty TNHH XD Thành Nhân được tỉnh cấp phép 27/GP-UBND ngày 18/5/2016, khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường tại bãi bồi sông Kôn thuộc địa phận phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn với diện tích khai thác là 01ha, thời gian khai thác là 02 năm (đến ngày 18/5/2018). Công ty được UBND tỉnh cho thuê đất để khai thác cát tại Quyết định số: 2149/QĐ-UBND ngày 16/6/2017, Sở TN&MT đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành bàn giao mốc giới khu vực trên thực địa để Công ty cắm các cột mốc, triển khai hoạt động khai thác và yêu cầu Công ty cắm các biển thông báo về vị trí, phạm vi khai thác để nhân dân giám sát.

Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh giao Sở TN&MT phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý theo quy định và báo cáo UBND tỉnh.

- Hàng ngày, khoảng từ 16 giờ trở đi, tình trạng rệp, mọt ở khu vực cụm kho tập trung của Công ty Thành Châu bay ra khu vực xóm Quế Châu – thôn Nam Tượng 1 với số lượng lớn, đeo bám trực tiếp vào người dân, ảnh hưởng đến sinh hoạt. Đề nghị tỉnh chỉ đạo các ngành kiểm tra, xử lý và trả lời cho nhân dân (Cử tri xã Nhơn Tân).

Trả lời:

Dự án Khu kho bãi tập trung Nhơn Tân, thị xã An Nhơn của Công ty TNHH XNK Thành Châu (hiện nay là của Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển kho bãi Nhơn Tân) tại xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định đã được UBND tỉnh Bình Định cấp Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo Quyết định số 4095/QĐ-UBND ngày 13/11/2015.

Ngày 28/9/2016, Sở TN&MT đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại dự án nêu trên. Tại thời điểm kiểm tra, dự án đang trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư dự án đã thực hiện việc san gạt mặt bằng 120.000m2 và xây dựng nhà điều hành, 02 khu kho chứa nông sản và hệ thống thu gom nước mưa chảy tràn của 02 khu kho chứa. Theo báo cáo giám sát của chủ dự án gửi Sở TN&MT ngày 17/4/2017, dự án hiện đã xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật của 02 cụm kho và đã cho 02 Doanh nghiệp thuê hoạt động. Do đó, đối với kiến nghị của cử tri về tình trạng rệp, mọt phát sinh từ khu vực cụm kho tập trung của Công ty Thành Châu ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân xóm Quế Châu - Thôn Nam Tượng 1, UBND tỉnh giao Sở TN&MT phối hợp với UBND thị xã An Nhơn tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại dự án và thông báo kết quả cho cử tri.

g) Cử tri huyện Phù Cát:

- Đề nghị UBND tỉnh thu hồi lại diện tích đất đã cấp cho Công ty du lịch Văn Lang vì hiện nay công ty không kinh doanh, bỏ hoang nên một số hộ dân vào đây phát rẫy, trồng cây lâm nghiệp và thả rong gia súc phá hoại hoa màu của bà con nông dân (Cử tri xã Cát Thành).

Trả lời:

Công ty Cổ phần Văn Lang chưa được Nhà nước cho thuê đất. Ngày 24/11/2008, UBND tỉnh có Công văn số 3873/UBND-NĐ chấp thuận địa điểm để Công ty Cổ phần Văn Lang chuẩn bị đầu tư xây dựng Khu du lịch nghỉ dưỡng Chánh Thắng tại thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành, với diện tích là 103ha, thời hạn chấp thuận địa điểm là 12 tháng. Đến nay Công văn chấp thuận của UBND tỉnh đã hết thời hạn. UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất thu hồi chủ trương chấp thuận địa điểm cho Công ty Cổ phần Văn Lang và giao cho địa phương quản lý khu đất nêu trên theo quy định.

- Đối với 31 lô đất ở tại thôn Tân Thanh nằm dọc theo tuyến đường ĐT 639 được UBND xã tổ chức bán đấu giá để giao đất ở cho nhân dân từ năm 1997 nhưng đến nay, vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo qui định. Do phần diện tích đất quy hoạch nằm trong hành lang tuyến ĐT 639, diện tích còn lại nhỏ, dưới 40m2 nên không thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tại thời điểm bán đấu giá năm 1997 lộ giới đường ĐT 639 chỉ quy định 30m, thì các lô đất trên phù hợp với quy hoạch nhưng năm 2004 mở rộng lộ giới 45m vì vậy các lô đất này có một phần nằm trong lộ giới giao thông nên bị vướng không thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà thực tế các lô này nằm trong khu dân cư hiện hữu. Đề nghị tỉnh quan tâm xem xét, giải quyết (Cử tri xã Cát Hải).

Trả lời:        

Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh giao UBND huyện Phù Cát xem xét, giải quyết kiến nghị của cử tri.

h) Cử tri huyện Vân Canh:

UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí để thực hiện điều chỉnh lại bản đồ đất đai và đo đạc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đất sản xuất, vì hiện nay nhiều hộ có đất nhưng chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhiều hộ thì ngược lại, rất bất cập (Cử tri xã Canh Hòa).

Trả lời:

Hiện nay, Sở TN&MT đang lập dự án tổng thể đo đạc bản đồ, lập hồ sơ địa chính của tỉnh trong đó có huyện Vân Canh để trình Bộ TN&MT xin kinh phí thực hiện.

i) Cử tri huyện Phù Mỹ:

- Cử tri xã Mỹ Hiệp đề nghị: Việc UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho Công ty TNHH Tân Lập khai thác cát lòng sông La Tinh, xã Mỹ Hiệp theo Thông báo kết luận số 165/TB-UBND ngày 19/7/2016 trong đó có nội dung “Để phục vụ kịp thời việc thi công các công trình cấp bách trên địa bàn tỉnh trong mùa mưa sắp đến, UBND tỉnh đồng ý cho Công ty TNHH Tân Lập tiếp tục vừa khai thác, vừa lập thủ tục cấp phép khai thác, thời gian hoàn thành thủ tục cấp phép theo quy định trong tháng 7/2016”. Từ đó đến nay, tuy chưa được cấp phép nhưng vẫn khai thác. Trong quá trình khai thác, công ty đắp đường cải tạo dòng chảy tự nhiên gây sạt lở, sa bồi thủy phá trong đợt lũ cuối năm 2016; làm khô hạn các giếng nước sinh hoạt của nhân dân 02 bên bờ sông gây bức xúc trong nhân dân tại địa phương. Đề nghị UBND tỉnh kiểm tra và trả lời cho cử tri biết việc Công ty TNHH Tân Lập khai thác cát ở sông La Tinh có đúng quy định của pháp luật không? Thời gian khai thác đến năm nào? (Cử tri xã Mỹ Hiệp)

Trả lời:

Trên sông La Tinh, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, UBND tỉnh có văn bản số 1875/UBND-TH ngày 18/5/2016 chấp thuận chủ trương cho phép Công ty TNHH Tân Lập vừa khai thác vừa lập hồ sơ cấp phép với diện tích 01ha để kịp thời phục vụ việc thi công các công trình cấp bách trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là hệ thống bờ kè sông La Tinh. Vị trí này thuộc điểm mỏ có số hiệu 104B theo Quyết định số 4046/QĐ-UBND ngày 27/12/2013 của UBND tỉnh phê duyệt Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh Bình Định đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 thuộc thẩm quyền quản lý và cấp phép của UBND tỉnh.

Hiện nay, Công ty TNHH Tân Lập đang hoàn thiện hồ sơ môi trường để được cấp phép khai thác, đã thăm dò xong, được UBND tỉnh phê duyệt trữ lượng tại Quyết định số 2323/QĐ-UBND ngày 29/6/2017.

Thời gian qua, trong quá trình Công ty TNHH Tân Lập vừa khai thác vừa lập hồ sơ cấp phép tại vị trí trên, Sở TN&MT thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác của Công ty đảm bảo theo đúng quy trình, quy định. Trong thời gian tới, sau khi Công ty TNHH Tân Lập được UBND tỉnh cấp phép, UBND tỉnh giao  Sở TN&MT tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra hoạt động khai thác của Công ty TNHH Tân Lập theo quy định.

- Năm 1993, thực hiện Nghị định 64 của Chính phủ cân đối cấp quyền ruộng đất ổn định 20 năm; đến năm 2013 thực hiện chủ trương cho gia hạn 50 năm. Công dân sinh từ năm 1993 về sau không được cấp đất sản xuất, phần lớn đời sống đang gặp nhiều khó khăn do không có đất sản xuất. Đề nghị tỉnh kiến nghị với Trung ương xem xét, có chính sách phù hợp để dân có đất, nhất là sản xuất nông nghiệp (Cử tri xã Mỹ Lộc).

Trả lời:

Thực hiện Nghị định 64/CP ngày 27/9/1993 về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp, hầu hết diện tích đất nông nghiệp đã được giao cho hộ gia đình, cá nhân. Nhà nước chỉ để lại diện tích đất nông nghiệp sử dụng cho mục đích công ích, theo quy định là 5% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Do đó, không có đất nông nghiệp để giao cho những người sinh sau thời điểm giao quyền sử dụng đất theo Nghị định 64/CP (sinh sau năm 1993).

Tại Khoản 1, Điều 126, Luật Đất đai năm 2013 quy định: thời hạn giao đất, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là 50 năm. Khi hết thời hạn, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nếu có nhu cầu thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định tại khoản này. Đồng thời, Luật Đất đai cũng quy định người sử dụng đất được thực hiện các quyền: chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Do đó, không thực hiện việc thu hồi đất của người trong hộ gia đình chết, người chuyển khẩu đi nơi khác để giao đất cho người mới sinh sau thời điểm giao quyền sử dụng đất theo Nghị định 64/CP được.

Hiện nay, Chính phủ đã có chủ trương sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013. Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh giao Sở TN&MT tổng hợp, báo cáo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh để kiến nghị Quốc hội nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

j) Cử tri huyện An Lão:

- Nhà nước quan tâm, đầu tư xây dựng bãi xử lý rác thải tạm tại địa phương nhằm đảm bảo về môi trường và hoàn thành tiêu chuẩn môi trường theo kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (Cử tri xã An Tân).

Trả lời:

Hiện nay, trên địa bàn huyện An Lão có 02 hố rác tạm tại thị trấn An Lão và xã An Hòa đang hoạt động thu gom rác cho địa bàn thị trấn An Lão và xã An Hòa. Tuy nhiên, các hố rác tạm này không nằm trong quy hoạch và không được đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường đảm bảo (không chống thấm và không xây dựng hệ thống xử lý nước rỉ rác), gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, kiến nghị của cử tri xã An Tân đối với việc xây dựng thêm bãi xử lý rác thải tạm trên địa bàn xã là không phù hợp về quy hoạch và yêu cầu bảo vệ môi trường.

Để đảm bảo việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn xã An Tân nhằm hoàn thành tiêu chuẩn môi trường theo theo kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, UBND tỉnh giao UBND huyện An Lão xem xét xây dựng, thực hiện lộ trình mở rộng phạm vi thu gom rác trên địa bàn quản lý và chỉ đạo UBND cấp xã xây dựng đồng bộ mạng lưới thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương để đáp ứng nhu cầu thu gom rác của xã An Tân cũng như các xã khác của huyện An Lão. Đồng thời, khẩn trương thực hiện các thủ tục pháp lý để đầu tư xây dựng bãi chôn lấp hợp vệ sinh của huyện theo đúng quy hoạch tại khu vực Đồng Tre, thị trấn An Lão.

- Đề nghị UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo tiến hành quy hoạch đất tái định cư và đất sản xuất cho người dân trên địa bàn xã (Cử tri xã An Dũng).

Trả lời:

Vấn đề cử tri kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện An Lão, UBND tỉnh giao UBND huyện An Lão xem xét, trả lời cử tri.

k) Cử tri huyện Hoài Ân:

 Việc quy hoạch và tổ chức đấu giá đất trên địa bàn thị trấn trước đây thị trấn được hỗ trợ 30% tiền đấu giá đất để đầu tư xây dựng cơ bản, nhưng hiện nay theo qui định không được trích hỗ trợ, dẫn đến địa phương gặp khó khăn trong đầu tư xây dựng các công trình công cộng. Kính đề nghị các cấp xem xét lại cho phù hợp.

Trả lời:

Theo Quyết định số 73/2016/QĐ-UBND tỉnh ngày 19/12/2016 của UBND tỉnh ban hành Quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước giữa các cấp chính quyền địa phương tỉnh Bình Định giai đoạn 2017 - 2020 thì các xã, phường, thị trấn (trừ các xã, phường thuộc thành phố Quy Nhơn) được hưởng 100% tiền sử dụng đất của các dự án, công trình do xã, phường, thị trấn đầu tư và quản lý. Do đó, tiền sử dụng đất thu được từ việc bán đấu giá quyền sử dụng đất các công trình, dự án do thị trấn đầu tư và quản lý thì ngân sách thị trấn được hưởng 100%.

l) Cử tri huyện Hoài Nhơn:

- Bộ phận “Một cửa” thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường tiếp nhận hồ sơ của tổ chức và công dân một số trường hợp có giấy hẹn nhưng không ghi thời gian hẹn trả kết quả. Kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài Nguyên - Môi trường kiểm tra, khắc phục tình hình trên.

Trả lời:

Tiếp thu kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa XII, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở TN&MT chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh và các chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả theo mẫu giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả được quy định tại Quyết định 36/2015/QĐ-UBND ngày 10/11/2015 của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, việc tiếp nhận và trả kết quả đối với thủ tục hành chính tại UBND cấp huyện được thực hiện chủ yếu tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc UBND cấp huyện. Hầu hết địa phương đã thực hiện hiện tốt việc tiếp nhận và trả kết quả theo mẫu quy định, tuy nhiên vẫn còn một số địa phương trên mẫu biên nhận chưa ghi cụ thể ngày hẹn trả và tên cán bộ. Trong thời gian tới, UBND tỉnh giao Sở TN&MT phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh việc tiếp nhận và trả kết quả theo đúng quy định.

- UBND tỉnh có quy định và hướng dẫn về thẩm quyền thông qua kế hoạch sử dụng đất hàng năm đối với cấp huyện, vì giữa Luật đất đai và Luật Tổ chức chính quyền địa phương chưa có sự điều chỉnh thống nhất về vấn đề này.

Trả lời:

Tại khoản 3, Điều 45 Luật Đất đai năm 2013 quy định việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thuộc thẩm quyền UBND tỉnh.

VIII. VỀ ĐỀN BÙ GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG

Cử tri thành phố Quy Nhơn:

- Việc cấp đất cho một số trường hợp ở khu vực 9A bị ảnh hưởng bởi dự án Khu Đô thị - Thương mại Bắc sông Hà Thanh không đúng đối tượng, không đúng với chính sách đền bù. Đề nghị tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, giải quyết (Cử tri phường Đống Đa).

Trả lời:

Hiện nay, mặt bằng Khu tái định cư phục vụ Dự án Khu Đô thị - Thương mại Bắc sông Hà Thanh (giai đoạn 1) cơ bản đã hoàn thành xong công tác GPMB. Tuy nhiên, trước đây có 21 trường hợp khiếu nại liên quan đến việc xét giao đất tái định cư (trong đó có trường hợp ông Dương Văn Giới và các hộ dân khu vực 9A cùng ký tên trong đơn khiếu nại); các trường hợp này UBND tỉnh đã giao cho Thanh tra tỉnh kiểm tra báo cáo đề xuất tại Công văn số 4492/UBND-TH ngày 09/10/2014.

 Trên cơ sở đề xuất giải quyết khiếu nại của Thanh tra tỉnh tại Báo cáo số 315/TTr-P3 ngày 23/6/2015; UBND tỉnh đã có ý kiến luận tại Thông báo số 70/TB-UBND ngày 01/4/2016. Trong số 21 hộ nêu trên thì có 09 hộ đồng ý nhận tiền và giao trả mặt bằng (trong đó, có 06 hộ được UBND tỉnh giao mỗi hộ 01 lô đất theo giá thị trường do không còn chỗ ở nào khác); còn lại 12 hộ không đồng ý, tiếp tục khiếu nại, đề nghị được xem xét giao đất ở (trong đó, có đơn ông Dương Văn Giới và một số hộ dân tại khu vực 9A phường Đống Đa khiếu nại cho rằng việc giao đất ở cho các hộ dân (có 06 hộ nêu trên)  không đúng đối tượng và chính sách bồi thường, hỗ trợ). Trường hợp ông Dương Văn Giới và một số hộ dân đứng trong đơn khiếu nại đề nghị giao đất ở, UBND tỉnh đã có văn bản trả lời cho từng hộ.

IX. VỀ GIAO THÔNG VẬN TẢI

a) Cử tri thành phố Quy Nhơn:

- Việc thu phí giao thông tại 02 trạm thu phí (An Nhơn, Hoài Nhơn) trên địa bàn tỉnh là không hợp lý vì đoạn đường từ thành phố Quy Nhơn ra đến Tam Quan chỉ khoảng 100 km. Đề nghị tỉnh kiến nghị Trung ương xem xét, giải quyết (Cử tri phường Lê Hồng Phong và cùng kiến nghị với cử tri huyện Hoài Nhơn, thị xã An Nhơn).

Trả lời:

Nội dung phản ánh của cử tri, UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông vận tải. Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang tổng hợp để xem xét có ý kiến; khi có kết quả giải quyết cụ thể, UBND tỉnh sẽ thông tin cho cử tri được biết.

- Kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra, rà soát trả lời cụ thể cho cử tri về cơ sở pháp lý của việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn nhất là việc giao cho tư nhân sở hữu (Cử tri phường Lê Lợi).

Trả lời:

Vấn đề này, Thanh tra Chính phủ đang tiến hành tổ chức thanh tra theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

- Cử tri phường Nhơn Phú kiến nghị: UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ đối với một số nhà dân dọc Quốc lộ 1D vì trong quá trình thi công, việc lu nền đã làm rạn nức tường và nền nhà, gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Trả lời:

Nội dung cử tri kiến nghị, UBND tỉnh đã giao Sở Giao thông vận tải, Ban QLDA giao thông tỉnh phối hợp với Tổ Công tác kiểm đếm, thống kê các trường hợp nhà dân bị nứt do việc thi công dự án gây ra, cụ thể: Đã kiểm đếm xong địa bàn phường Quang Trung (có tổng cộng 257 hồ sơ) và đang tổ chức thực hiện kiểm đếm trên địa bàn phường Nhơn Phú. Sau khi hoàn thành kiểm đếm, đánh giá thiệt hại UBND tỉnh sẽ xem xét giải quyết theo đúng quy định.

- Cử tri phường Nhơn Phú kiến nghị: Quốc lộ 1D đang thi công theo thiết kế đường 1 chiều có giải phân cách ở giữa nhưng việc mở đường ngang qua giải phân cách chưa hợp lý theo các tuyến giao thông từ các khu dân cư, gây khó khăn cho việc đi lại, dễ gây tai nạn giao thông. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, xử lý.

Trả lời:

Theo hồ sơ thiết kế được duyệt, tuyến QL.1D (đoạn ngã ba Long Vân đến Bến xe liên tỉnh, chiều dài 7,4 Km) bố trí tổng cộng 15 vị trí điểm mở dải phân cách giữa. Trong quá trình tổ chức triển khai thi công dự án theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt, có nhiều cá nhân, tổ chức, đơn vị kiến nghị việc điều chỉnh, bổ sung các vị trí điểm mở dải phân cách giữa của tuyến QL.1D. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã có văn bản trình Bộ GTVT xem xét điều chỉnh bổ sung thêm 06 vị trí điểm mở dải phân cách giữa (trong đó, có điều chỉnh đóng 01 vị trí) phù hợp tiêu chí đảm bảo an toàn giao thông, nâng cao năng lực thông hành của toàn tuyến QL.1D. Đồng thời, phù hợp với các quy định hiện hành. Đến thời điểm hiện tại, đã bố trí tổng cộng là 20 vị trí điểm mở dải phân cách giữa trên tuyến QL.1D (đoạn ngã ba Long Vân đến Bến xe liên tỉnh), với cự ly bình quân khoảng 370 mét có 1 điểm mở dải phân cách giữa.

- Cử tri phường Bùi Thị Xuân kiến nghị: UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, sửa chữa lại Quốc lộ 1A đoạn đường qua phường Bùi Thị Xuân vì hiện nay đã xuống cấp trầm trọng, nhiều ổ gà, ổ voi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Trả lời:

Dự án Mở rộng QL.1 do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh làm quản lý dự án và tuyến đường QL.1 do Tổng Cục Đường bộ Việt Nam quản lý (đơn vị trực tiếp quản lý là Cục Quản lý đường bộ III). Để giải quyết vấn đề cử tri kiến nghị, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GTVT có văn bản đề nghị Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Quản lý đường bộ III, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh và các nhà đầu tư BOT kiểm tra giải quyết; theo đó, Cục Quản lý đường bộ III, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản yêu cầu các đơn vị thi công, nhà đầu tư BOT dự án khẩn trương tổ chức kiểm tra, khắc phục các hư hỏng trên tuyến QL.1 (trong đó, có đoạn tuyến qua địa bàn phường Bùi Thị Xuân). Theo số liệu cung cấp của Cục Quản lý đường bộ III tại văn bản số 1179/CQLĐBIII-QLBTĐB ngày 07/7/2017 thì công tác sửa chữa khắc phục các hư hỏng nêu trên đã và đang được tổ chức triển khai thi công trên hiện trường, cơ bản đảm bảo giao thông trên tuyến QL.1 được êm thuận và an toàn.

- Cử tri phường Bùi Thị Xuân kiến nghị: Hiện nay các đường đấu nối giữa khu dân cư và Khu Công nghiệp Phú Tài chưa phân cấp rõ ràng nên chưa được bê tông xi măng (như tuyến đường từ khu vực 2 lên Công ty TNHH Minh Tiến, tuyến đường từ trường Tiều học Bùi Thị Xuân đến đường trung tâm Khu Công nghiệp…) gây ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng xem xét, phối hợp với địa phương để bê tông hóa các tuyến đường trên tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân.

Trả lời:

Để giải quyết vấn đề cử tri kiến nghị, UBND tỉnh giao Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh phối hợp UBND thành phố Quy Nhơn kiểm tra giải quyết.

- Hiện nay Quốc lộ 1D đã cơ bản hoàn thiện nhưng Tập đoàn Phúc Lộc vẫn chưa tiến hành cải tạo các đoạn đầu dốc các con hẻm nối với Quốc lộ 1D gây ngập úng cục bộ khi trời mưa và gây nguy hiểm cho người dân khi tham gia giao thông. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng xem xét, xử lý tình trạng trên để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và sinh hoạt của nhân dân (Cử tri phường Quang Trung).

Trả lời:

Vấn đề này, UBND tỉnh đã giao Ban QLDA giao thông tỉnh (đơn vị đại diện chủ đầu tư dự án) đã phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan kiểm tra giải quyết. Theo hồ sơ thiết kế được duyệt thì nhiều đường ngang trên tuyến (mà nhất là phía bên phải tuyến) có thiết kế rãnh cắt nước chống ngập nên phải thi công rãnh cắt nước chống ngập trước, sau đó mới thi công lớp bê tông nhựa tạo vuốt nối êm thuận. Hiện tại, đơn vị thi công đã thi công lớp bê tông nhựa hoàn thiện tạo vuốt nối êm thuận được 26/58 đường ngang. Các đường ngang còn lại đang được đơn vị thi công khẩn trương tổ chức thi công hạng mục rãnh cắt nước chống ngập, sau đó thi công lớp bê tông nhựa tạo vuốt nối êm thuận.

- UBND tỉnh xem xét khi làm hành lang an toàn giao thông trên quốc lộ 1D cần khảo sát chừa lối đi cho nhân dân để tiện trong việc đi lại sản xuất (Cử tri phường Ghềnh Ráng).

Trả lời:

Vấn đề cử tri phường Ghềnh Ráng kiến nghị liên quan đến việc thi công tường hộ lan bê tông dọc tuyến QL.1D (đoạn từ đường Võ Liệu đến dốc Mộng Cầm) do UBND thành phố Quy Nhơn tổ chức triển khai thi công. Theo kiến nghị của cử tri, UBND thành phố Quy Nhơn đã phối hợp với Chi Cục Quản lý đường bộ III.2 và các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế và thống nhất bố trí 04 vị trí (mỗi vị trí rộng 0,8 mét) trên tuyến QL.1D không xây dựng tường hộ lan cứng để tạo lối đi cho các hộ dân.

- UBND tỉnh chỉ đạo, nâng cấp đường ĐT639 vì hiện nay đường đã xuống cấp nặng dễ gây mất an toàn cho nhân dân khi tham gia giao thông (Cử tri xã Nhơn Hội).

Trả lời:

Nội dung cử tri kiến nghị, Ban Quản lý bảo trì thuộc Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với đơn vị quản lý đường kiểm tra khắc phục các tồn tại đảm bảo giao thông trên tuyến thông suốt và êm thuận.

- UBND tỉnh kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cho di dời ga Quy Nhơn ra khỏi thành phố nhằm đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan đô thị thành phố. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công quốc lộ 19 để nhân dân ổn định đời sống (Cử tri phường Hải Cảng và Đống Đa).

Trả lời:

Theo nội dung quy hoạch điều chỉnh thành phố Quy Nhơn đã được Thủ trướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 495/QĐ-TTg ngày 14/4/2015, theo đó bỏ tuyến đường nhánh từ ga Diêu Trì đi Quy Nhơn và chấm dứt hoạt động ga Quy Nhơn, đồng thời không xây dựng đoạn đường sắt từ ga Diêu Trì đến ga tiền cảng Nhơn Bình, thay vào đó là nâng cấp, mở rộng ga Diêu Trì trở thành trung tâm vận chuyển hành khách đa phương tiện khi tuyến đường sắt tốc độ cao hình thành. Đồng thời, xây dựng cụm Logistic số 1 cách ga Diêu Trì khoảng 2Km về phía Bắc trên trục đường sắt Bắc - Nam, trở thành ga tiền cảng Quy Nhơn (đặt tại khu vực gần cầu Gành, xã Phước Lộc) để kết nối vận chuyển hàng hóa rất thuận tiện, tận dụng cơ sở hạ tầng đường sắt sẵn có, tiết kiệm nhiều kinh phí ngân sách nhà nước. UBND tỉnh có nhiều văn bản kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT quan tâm xem xét chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm thực hiện việc chấm dứt hoạt động, bàn giao mặt bằng ga Quy Nhơn và đoạn đường sắt Diêu Trì  - Quy Nhơn cho tỉnh Bình Định quản lý. Tuy nhiên, đến nay chưa được  Bộ GTVT và Tổng cục Đường sắt xem xét giải quyết.

Về nội dung cử tri phản ánh liên quan đến dự án Tuyến đường QL.19 (đoạn từ cảng Quy Nhơn đến giao QL.1): Ngày 09/5/2017, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1607/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng. Theo đó, thời gian thực hiện của dự án đến hét năm 2018 là hoàn thành. Hiện nay, công trình đang trong thời gian triển khai xây dựng. Với đặc điểm công trình thi công trong khu vực đông dân cư nên công tác GPMB gặp nhiều khó khăn. UBND tỉnh đã chỉ đạo ban QLDA giao thông tỉnh đôn đốc, chỉ đạo Nhà thầu thi công tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công, đồng thời thường xuyên kiểm tra, yêu cầu Nhà thầu đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn giao thông để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng do thi công xây dựng.

b) Cử tri huyện Tuy Phước:

- Tỉnh lộ ĐT636B mới được nâng cấp nhưng còn nhiều hạn chế như: lòng đường hẹp so với lưu lượng xe qua lại, không có vỉa hè, nhiều đoạn có nền đường thấp hơn cống nên nước không thoát được gây ngập; nhiều hộ dân trồng cây lấn chiếm lộ giới, tưới nước chống bụi, nhiều xe chở quá tải trọng đang lưu thông trên đường… nên nền đường nhanh hư hỏng, xuống cấp. Đề nghị Sở GTVT quan tâm kiểm tra, có giải pháp phối hợp với địa phương để sửa chữa và có kế hoạch nâng cấp mở rộng (Cử tri các xã: Phước Quang, Phước Hưng).

Trả lời:

Trong năm 2017, từ nguồn vốn của Ngân hàng thế giới (WB), UBND tỉnh chỉ đạo đầu tư sửa chữa đoạn tuyến ĐT.636B (từ Km0 - Km9+500), với nguồn kinh phí khoảng 28,1 tỷ đồng từ hợp phần khôi phục, cải tạo đường địa phương của dự án LRAMP. Dự kiến dự án này sẽ được tổ chức triển khai thi công trong quý IV/2017. Đồng thời, yêu cầu Sở GTVT chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông tăng cường tuần tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý các trường hợp xe quá tải, các trường hợp lấn chiếm hàng lang an toàn đường bộ của tuyến ĐT.636B. Trước mắt, Ban Quản lý bảo trì Bình Định phối hợp với đơn vị quản lý đường tăng cường công tác duy tu sửa chữa tuyến ĐT.636B đảm bảo giao thông trên tuyến luôn thông suốt và êm thuận.

- Cử tri xã Phước Nghĩa đề nghị: Việc xây dựng Quốc lộ 19 đoạn qua địa bàn xã Phước Nghĩa gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của bà con sống bằng nghề nông, cụ thể như: Tình trạng không tiêu thoát nước, gây ngập úng một số vùng sản xuất nông nghiệp, cống tiêu thoát nước bị lấp; tuyến kênh mương N6 bị lấp do quá trình thi công vẫn chưa được khôi phục,... đề nghị  UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt hơn để đơn vị chức năng giải quyết sớm cho bà con (cùng nội dung kiến nghị của cử tri phường Bùi Thị Xuân, thành phố Quy Nhơn).

Trả lời:

UBND tỉnh yêu cầu Ban QLDA giao thông tỉnh phối hợp với UBND huyện Tuy Phước kiểm tra giải quyết nội dung kiến nghị của cử tri.

- UBND tỉnh có kế hoạch lắp rào chắn đường dân sinh cắt ngang đường sắt tại thôn Bình An, xã Phước Thành (đoạn vào Sư Đoàn 31 với khoảng 6.000 dân và một số doanh nghiệp, trường tiểu học hoạt động trong khu vực) để đảm bảo cho việc đi lại của bà con; vì hiện nay khu vực này rất nguy hiểm, thường xảy ra tai nạn giao thông (Cử tri xã Phước Thành).

Trả lời:

Ngày 06/7/2017, Ban ATGT tỉnh đã chủ trì, phối hợp với Sở GTVT, UBND huyện Tuy Phước, Đội Thanh tra - An toàn đường sắt số 09 và Công ty CP Đường sắt Phú Khánh kiểm tra thực tế hiện trường. Đường ngang theo nội dung cử tri phản ánh là đường ngang cảnh báo tự động tại Km1099+950 (lý trình đường sắt), đường bộ tại vị trí này là đường BTXM, có bề rộng 6,0 mét. Tại vị trí đường ngang bị che khuất tầm nhìn bởi cây cối ở góc Đông Bắc, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Trước mắt, yêu cầu UBND huyện Tuy Phước phối hợp với Công ty CP Đường sắt Phú Khánh khẩn trương tổ chức phát quang cây cối để đảm bảo tầm nhìn khi qua đường sắt. Về lâu dài, UBND tỉnh sẽ xem xét có văn bản đề nghị Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam xem xét lắp đặt theo cần chắn tự động tại đường ngang để đảm bảo ATGT cho người và phương tiện khi đi qua đường ngang.

- Tuyến ĐT636, đoạn từ xã Phước Thắng đi Nhơn Hạnh: Tại Km (0,5 đến 0,6) bong tróc nặng, tạo nhiều ổ gà, ổ voi, năm 2015 đã xảy ra tai nạn chết người, Sở Giao thông vận tải có khắc phục, tuy nhiên, hiện nay đoạn tuyến này lại bị bong tróc nặng gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông (Vấn đề này cử tri đã đề nghị nhiều lần nhưng chưa giải quyết) Đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo ngành chức năng sớm kiểm tra khắc phục để đảm bảo an toàn giao thông (Cử tri xã Phước Thắng).

Trả lời:

Nội dung kiến nghị của cử tri, Sở GTVT đã chỉ đạo Ban Quản lý bảo trì Bình Định phối hợp với đơn vị quản lý đường kiểm tra khắc phục đảm bảo giao thông trên tuyến thông suốt và an toàn. Thời gian đến, yêu cầu Sở GTVT tiếp tục chỉ đạo Ban Quản lý bảo trì Bình Định phối hợp với đơn vị quản lý đường tăng cường công tác duy tu sửa chữa tuyến ĐT.636 đảm bảo giao thông trên tuyến luôn thông suốt và êm thuận.

- Tuyến ĐH 42 là tuyến đường huyết mạch nối Trung tâm huyện lỵ Tuy Phước với các xã phía Bắc của huyện hiện tại quá hẹp và bị xói lở, nhất là sau các cơn lũ năm 2016, không đảm bảo an toàn giao thông. Tuyến đường này đã được UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng và UBND huyện Tuy Phước đã lập dự án đầu tư; tuy nhiên, kinh phí để thực hiện cho việc đầu tư, xây dựng tuyến đường này quá lớn, trong khi ngân sách của huyện quá hạn hẹp, khóa khăn. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm sớm hỗ trợ kinh phí đầu tư để tạo điều kiện giúp địa phương đạt tiêu chí huyện nông thôn mới.

Trả lời:

Để giải quyết vấn đề cử tri kiến nghị, UBND tỉnh giao UBND huyện Tuy Phước chủ động cân đối ngân sách của địa phương để có kế hoạch đầu tư xây dựng. Trường hợp nguồn vốn đầu tư lớn, UBND huyện Tuy Phước có văn bản trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí theo quy định.

c) Cử tri huyện Vân Canh:

- UBND tỉnh quan tâm đầu tư kinh phí để làm đường dân sinh cho các làng thuộc xã Canh Liên để giúp bà con thuận tiện trong đi lại và vận chuyển hàng hóa nông, lâm sản (Cử tri xã Canh Liên).

Trả lời:

Nội dung kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh giao UBND huyện Vân Canh chủ động cân đối ngân sách của địa phương, nghiên cứu vận dụng nguồn hỗ trợ xi măng từ Chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn giai đoạn 2016 - 2020 hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác để có kế hoạch đầu tư xây dựng. Trường hợp nguồn vốn đầu tư lớn, UBND huyện Vân Canh có văn bản trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí theo quy định.

- UBND tỉnh quan tâm cho chủ trương kéo dài tuyến xe buýt chạy lên đến trung tâm xã Canh Hòa (khoảng 7km) để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân (Cử tri xã Canh Hòa).

Trả lời:

Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải: Hiện nay, Xí nghiệp xe buýt Quy Nhơn đang khai thác tuyến xe buýt T8 (từ Quy Nhơn đi thị trấn Vân Canh). Sở GTVT đã có văn bản đề nghị Xí nghiệp xe buýt Quy Nhơn tiến hành khảo sát nhu cầu đi lại của người dân xã Canh Hòa để đề xuất việc nối tuyến xe buýt từ thành phố Quy Nhơn đi thị trấn Vân Canh (tuyến T8) kéo dài đến trung tâm xã Canh Hòa. Sau khi có kết quả khảo sát, Sở GTVT sẽ tổng hợp, đánh giá hiệu quả theo các tiêu chí quy định hiện hành và tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét quyết định.

d) Cử tri huyện Tây Sơn:

- UBND tỉnh đầu tư sửa chữa tuyến Tỉnh lộ 637. Vì hiện nay đã hư hỏng nhiều đoạn, taluy bị sạt lở không đảm bảo thoát nước (Cử tri xã Tây Thuận).

Trả lời:

Trong các năm vừa qua, tuy điều kiện nguồn kinh phí dành cho đầu tư xây dựng cơ bản rất khó khăn nhưng UBND tỉnh vẫn quan tâm bố trí kinh phí để đầu tư sửa chữa tuyến ĐT.637, cụ thể: Trong năm 2016, từ nguồn vốn Quỹ bảo trì đường bộ, Sở GTVT đã đầu tư sửa chữa các vị trí bị hỏng nặng và thật sự bức xúc trên tuyến ĐT.637, đoạn từ Km25+500 - Km29+200, với tổng mức 9,8 tỷ đồng; Năm 2017, từ nguồn vốn Quỹ bảo trì đường bộ kết hợp với nguồn vốn khắc phục hậu quả lũ lụt và các nguồn vốn khác, UBND tỉnh đã quan tâm đầu tư sửa chữa tuyến ĐT.637, các đoạn sau: Đoạn từ Km12+700 - Km14+700 (đoạn qua địa bàn thị trấn Vĩnh Thạnh); đầu tư xây dựng mới cống bản L=2 mét tại Km51+400 tuyến ĐT.637, với nguồn kinh phí khoảng 3,7 tỷ đồng (dự kiến các công trình sẽ được thi công hoàn thành trong quý III/2017); đoạn từ Km3+800 - Km11+000 và đoạn từ Km16+340 - Km17+000, với nguồn kinh phí khoảng 8,4 tỷ đồng, dự kiến các công trình này sẽ được Sở GTVT tổ chức triển khai thi công trong quý III/2017. Trong thời gian đến, UBND tỉnh giao Sở GTVT chỉ đạo Ban Quản lý bảo trì Bình Định phối hợp với đơn vị quản lý đường tăng cường công tác duy tu sửa chữa tuyến ĐT.637 đảm bảo giao thông trên tuyến luôn thông suốt.

- Cử tri xã Tây Giang kiến nghị: Để tạo điều kiện thuận lợi và an toàn cho 96 em học sinh cấp II, III ở thôn Hữu Giang sang sông không phải đạp xe đạp đi từ nhà qua cầu Văn Phong đến trường dài trên 13 km. Đề nghị cấp trên hướng dẫn đào tạo cấp chứng chỉ cho chủ đò và hỗ trợ các điều kiện cần thiết để bến đò đủ điều kiện lưu thông vào đầu năm học 2017-2018; về lâu dài đề nghị Trung ương, UBND tỉnh cân đối ngân sách xem xét hỗ trợ kinh phí xây dựng cầu từ Hữu Giang sang Tả - Thượng Giang theo Công văn số 16288/BGTVT-KHĐT ngày 8/12/2015 của Bộ Giao thông Vận tải về việc bổ sung cầu treo dân sinh Tây Giang - huyện Tây Sơn. (Việc này, đã kiến nghị trước kỳ họp 2).

Trả lời:

Từ đầu năm 2016 đến nay, Sở GTVT đã chủ động phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề Giao thông vận tải Đường thủy II tổ chức đào tạo, kiểm tra, thi và cấp 200 Chứng chỉ chuyên môn lái phương tiện hạng 1 và 185 Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng hạng 3 cho người điều khiển phương tiện thủy nội địa trên địa bàn tỉnh. Ngày 06/7/2017, Sở GTVT đã có thông báo gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị kinh doanh vận tải thủy nội địa về việc rà soát, thống kê nhu cầu đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thuỷ nội địa tại văn bản số 870/SGTVT-VT ngày 06/7/2017. Đề giải quyết vấn đề cử tri kiến nghị, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Tây Sơn rà soát, thống kê nhu cầu đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thuỷ nội địa trên địa bàn huyện và tổng hợp, báo cáo số liệu về Sở GTVT để biết thông tin cụ thể. Đối với vấn đề hỗ trợ để bến đò đủ điều kiện hoạt động theo quy định; hiện nay, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển giao thông vận tải đường thuỷ nội địa tỉnh Bình Định đến năm 2020 tại Quyết định số 2073/QĐ-UBND ngày 09/6/2017 của UBND tỉnh Bình Định; theo đó, quy hoạch các bến thuỷ nội địa trên địa bàn xã Tây Giang, huyện Tây Sơn có 02 bến thuỷ nội địa (phục vụ dân sinh), gồm: Bến Thượng Giang 2 (xây dựng mới tại bờ kè sau lưng trạm Y tế xã Tây Giang) và bến Hữu Giang (xây dựng đối diện với bến Thượng Giang 2 theo hướng vuông góc với dòng chảy). Tuy nhiên, kinh phí đầu tư hiện nay rất khó khăn, đề nghị UBND huyện Tây Sơn chủ động cân đối ngân sách của địa phương hoặc lồng ghép các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong vùng.

Riêng nội dung liên quan đến việc đầu tư xây dựng cầu Tây Giang; vấn đề này, Sở GTVT đã làm việc với UBND huyện Tây Sơn, UBND xã Tây Giang và các đơn vị có liên quan để xác định vị trí, hướng tuyến, quy mô dự kiến và nguồn vốn để triển khai. Theo đó, dự án cầu Tây Giang với quy mô dự kiến: chiều dài cầu khoảng 500m, khổ cầu 5m (có bố trí nhịp tránh xe), tổng mức dự kiến là 89 tỷ đồng. Việc triển khai xây dựng cầu Tây Giang nhằm góp phần phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân trong khu vực và đã được Bộ GTVT cam kết với Ông Vương Đình Huệ sẽ xem xét đưa vào dự án LRAMP. Tuy nhiên, theo Quyết định số 622/QĐ-BGTVT ngày 02/3/2016 của Bộ GTVT và các điều kiện tiên quyết để nhà tài trợ giải ngân vốn cho dự án đã yêu cầu trên địa bàn tỉnh Bình Định phải xây dựng tối thiểu 23 cầu với nguồn kinh phí dự kiến khoảng 116 tỷ đồng. Do kinh phí lớn (89 tỷ đồng) vào thời điểm hiện tại không thể đưa dự án cầu Tây Giang vào dự án LRAMP và điều này đã được Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, Ban QLDA 3 kiểm tra, thống nhất đề xuất không đưa cầu Tây Giang vào dự án LRAMP mà dùng nguồn vốn khác để triển khai thực hiện. Trong thời gian đến, khi có điều kiện về nguồn vốn, UBND tỉnh sẽ xem xét quan tâm bố trí kinh phí để đầu tư xây dựng công trình.

- Cử tri xã Tây Giang kiến nghị tỉnh quan tâm can thiệp đề nghị Trạm thu phí BOT không thu phí xe vận chuyển rác từ Tây Giang đến bãi rác chung của huyện, vì nếu trả tiền phí qua trạm thì giá thu phí tại hộ gia đình tăng, nhân dân không đồng tình (cùng nội dung kiến nghị của cử tri xã Bình Tường).

Trả lời:

Nội dung phản ánh của cử tri, UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông vận tải. Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang tổng hợp để xem xét có ý kiến; khi có kết quả giải quyết cụ thể, UBND tỉnh sẽ thông tin cho cử tri được biết.

- Hiện nay, cầu cũ Phú Phong đã xuống cấp và gãy sập một phần, bà con cử tri rất lo lắng. Đề nghị tỉnh sớm cho chủ trương sửa chữa hoặc tháo dỡ để địa phương có cơ sở triển khai thực thực hiện (Cử tri thị trấn Phú Phong).

Trả lời:

Để giải quyết vấn đề cử tri kiến nghị, UBND tỉnh giao UBND huyện Tây Sơn chủ động cân đối ngân sách của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để có kế hoạch đầu tư xây dựng. Trường hợp nguồn vốn đầu tư lớn, UBND huyện Tây Sơn có văn bản trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí.

- Đề nghị UBND tỉnh quan tâm mở rộng, nâng cấp tuyến đường ĐT.636 đoạn từ dốc Bà Đào, thôn Thủ Thiện Thượng đến giáp Quốc lộ 19 (Cử tri xã Bình Nghi).

Trả lời:

Trong năm 2015, Sở GTVT đã đầu tư sửa chữa đoạn tuyến ĐT.636B đoạn từ Km22 - Km25+727, với tổng mức 10,6 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương cấp cho địa phương. Trong bối cảnh khó khăn về nguồn vốn như hiện nay, UBND tỉnh chỉ xem xét đầu tư sửa chữa những vị trí bị hỏng nặng và thật sự bức xúc; Cụ thể: Từ nguồn vốn các dự án của Trung ương, WB hỗ trợ, UBND tỉnh đã quan tâm đầu tư sửa chữa những vị trí trên tuyến ĐT.636B như: Đoạn tuyến từ Km0 - Km9+500, với nguồn kinh phí khoảng 28,1 tỷ đồng từ hợp phần khôi phục, cải tạo đường địa phương của dự án LRAMP sẽ được tổ chức triển khai thi công trong quý IV/2017 và đoạn tuyến từ Km9+556 - Km20, với nguồn kinh phí hơn 25,3 tỷ đồng từ dự án Cải tạo, sửa chữa các tuyến đường địa phương kết nối với QL.1. Hơn nữa, tuyến đường ĐT.636B đã được đưa vào danh mục Sửa chữa, nâng cấp một số tuyến đường tỉnh bị hư hỏng nặng thuộc dự án Khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai một số tỉnh miền Trung – tỉnh Bình Định do Ban QLDA Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư. Hiện nay, dự án này đang được Ban QLDA Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức thực hiện các bước của quá trình đầu tư xây dựng theo quy định. Khi các dự án nêu trên được thi công hoàn thành sẽ cơ bản phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân. Trước mắt, UBND tỉnh giao Sở GTVT chỉ đạo Ban Quản lý bảo trì Bình Định phối hợp với đơn vị quản lý đường tăng cường công tác duy tu sửa chữa tuyến ĐT.636B đảm bảo giao thông trên tuyến luôn thông suốt và êm thuận.

- UBND tỉnh có kế hoạch sửa chữa và nâng cấp đường Tây tỉnh, xã Tây An và đường từ thị trấn Phú Phong đi Hầm Hô, xã Tây Phú vì hiện nay bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng (Cử tri xã Tây An và Tây Phú ).

Trả lời:

Vấn đề này, Sở GTVT đã chỉ đạo Ban Quản lý bảo trì Bình Định phối hợp với đơn vị quản lý đường kiểm tra khắc phục các tồn tại đảm bảo giao thông trên tuyến thông suốt và êm thuận. Riêng vấn đề cử tri xã Tây Phú kiến nghị liên quan đến tuyến đường từ thị trấn Phú Phong đi Hầm Hô do UBND huyện Tây Sơn quản lý theo quy định tại điều 21 của Quyết định số 60/2016/QĐ-UBND ngày 25/11/2016 của UBND tỉnh Bình Định. Để giải quyết vấn đề cử tri kiến nghị, UBND tỉnh giao UBND huyện Tây Sơn chủ động cân đối ngân sách của địa phương, nghiên cứu vận dụng nguồn hỗ trợ xi măng từ Chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn giai đoạn 2016 - 2020 hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác để có kế hoạch đầu tư xây dựng. Trường hợp nguồn vốn đầu tư lớn, UBND huyện Tây Sơn có văn bản trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí theo quy định.

- UBND tỉnh có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp và mở rộng đường Quốc lộ 19B vì xuống cấp nặng và khơi thông rãnh thoát nước dọc tuyến đường. Hiện nay lượng xe lưu thông quá nhiều mà tuyến đường quá hẹp nên các vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn thường xuyên, liên tục (Cử tri xã Bình Hòa).

Trả lời:

Theo hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công dự án Sửa chữa xây dựng hệ thống rãnh thoát nước dọc đoạn Km46+622 - Km58+170 tuyến QL.19B đã được phê duyệt tại Quyết định số 327/QĐ-TCĐBVN ngày 01/02/2016 của Tổng Cục Đường bộ Việt Nam thì việc lắp đặt các tấm đan chịu lực chỉ bố trí qua các khu vực dân cư dày đặc, đối với các đoạn tuyến qua khu vực dân cư thưa thớt chỉ bố trí tấm đan tại các vị trí lối ra, vào nhà dân với chiều dài 3 mét (3 tấm đan, mỗi tấm đan dài 1 mét). Vấn đề cử tri kiến nghị, Sở GTVT đã báo cáo Tổng Cục Đường bộ Việt Nam tại văn bản số 368/SGTVT-KHTC ngày 03/4/2017. Tuy nhiên, do còn khó khăn về nguồn vốn nên Tổng Cục Đường bộ Việt Nam chưa thể bố trí nguồn kinh phí để đầu tư theo kiến nghị của cử tri do việc đầu tư hoàn thiện hệ thống tấm đan chịu lực như trên đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn. Thời gian đến, UBND tỉnh giao Sở GTVT chỉ đạo Ban Quản lý bảo trì Bình Định phối hợp với đơn vị quản lý đường tăng cường công tác duy tu sửa chữa tuyến QL.19B đảm bảo giao thông trên tuyến luôn thông suốt và êm thuận.

- UBND tỉnh có biện pháp cấm xe tải nặng và nâng cấp, sửa chữa tuyến đường Tây Vinh - Cát Hiệp (Cử tri xã Tây Vinh).

Trả lời:

Tuyến đường Tây Vinh - Cát Hiệp do UBND huyện Tây Sơn quản lý theo quy định tại Điều 21 của Quyết định số 60/2016/QĐ-UBND ngày 25/11/2016 của UBND tỉnh Bình Định. Để giải quyết vấn đề cử tri kiến nghị, UBND tỉnh giao UBND huyện Tây Sơn chủ động cân đối ngân sách của địa phương, nghiên cứu vận dụng nguồn hỗ trợ xi măng từ Chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn giai đoạn 2016 - 2020 hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác để có kế hoạch đầu tư xây dựng. Trường hợp nguồn vốn đầu tư lớn, UBND huyện Tây Sơn có văn bản trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí. Riêng vấn đề cấm xe tải nặng lưu thông trên tuyến Tây Vinh - Cát Hiệp, yêu cầu UBND huyện Tây Sơn chỉ đạo lực lượng Công an huyện tăng cường tuần tra và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông trên tuyến.

e) Cử tri  huyện Vĩnh Thạnh:

- Cử tri xã Vĩnh Quang kiến nghị: Cống qua đường ĐT637 nhỏ, khi trời mưa nước thoát không kịp dẫn đến ngập úng gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Đề nghị Tỉnh sửa chữa, mở rộng cống theo hướng làm cống hộp; không nên làm bạc Taly vì khó cho người dân phải đầu tư cầu bê tông để vào nhà.

Trả lời:

Trong năm 2017, tỉnh sẽ đầu tư sửa chữa tuyến ĐT.637 (đoạn từ Km3+800 - Km11+00), với tổng mức đầu tư khoảng 8,0 tỷ đồng từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương cấp bổ sung để khắc phục hậu quả mưa lũ năm 2016 trên địa bàn tỉnh, dự kiến công trình này sẽ được triển khai thi công trong quý IV/2017. Khi công trình được thi công hoàn thành sẽ khắc phục triệt để vấn đề cử tri kiến nghị.

- Cử tri xã Vĩnh Quang kiến nghị: Hai xã Vĩnh Hòa và Vĩnh Quang gần nhau nhưng qua lại bất tiện vì phải vòng qua sông. Vì vậy đề nghị UBND tỉnh quan tâm có kế hoạch đầu tư xây dựng cầu bắt qua sông Kôn giữa 2 xã Vĩnh Hòa và Vĩnh Quang để việc giao thông thuận lợi hơn.

Trả lời:

Cầu Vĩnh Hoà kết nối hai xã Vĩnh Hoà và Vĩnh Quang đã được Sở GTVT đăng ký vào Dự án Đầu tư xây dựng cầu dân sinh và Quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) do Tổng Cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, với nguồn kinh phí dự kiến khoảng 16,5 tỷ đồng. Hiện nay, Tổng Cục Đường bộ Việt Nam đang hoàn thiện các thủ tục theo quy định của quá trình đầu tư xây dựng công trình. Khi Tổng Cục Đường bộ Việt Nam có kế hoạch thì sẽ triển khai thi công cầu Vĩnh Hoà.

- Tuyến đường phía Đông Sông Kôn (liên huyện Tây Sơn – Vĩnh Thạnh) có ý nghĩa quan trọng, giúp nhân dân huyện Vĩnh Thạnh giao thương qua lại để sinh sống. Tuy nhiên, sau đợt lũ lụt năm 2013, tuyến đường này bị đứt đoạn, hư hỏng nặng tại các cống thoát nước gây nguy hiểm đến tính mạng cho người dân khi qua lại. Cử tri huyện Vĩnh Thạnh đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa thực hiện. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm sớm đầu tư cầu (thay các cống đã hư hỏng) để người dân tham gia giao thông thuận lợi (Cử tri xã Vĩnh Thịnh).

Trả lời:

Trong năm 2017, Sở GTVT đầu tư sửa chữa một số đoạn tuyến bị hư hỏng, gia cố hạ lưu các cống thoát nước và đầu tư xây dựng mới cầu bản (L=6 mét) thay thế cống thoát nước đã bị lũ cuốn trôi trên tuyến ĐH.37 (Phú Lạc - Hà Nhe), với kinh phí dự kiến khoảng 7,6 tỷ đồng từ nguồn vốn WB tài trợ, thuộc Hợp phần 1 - dự án khôi phục, cải tạo đường địa phương (LRAMP); dự kiến công trình sẽ được tổ chức triển khai thi công trong quý IV/2017, khi công trình này được thi công hoàn thành sẽ khắc phục triệt để các vấn đề cử tri kiến nghị.

- Đường đi đến Làng O2 phức tạp, hiểm trở, phải đi bộ, leo núi cao gây khó khăn cho việc giao thương hàng hóa; hiện tại chưa có điện lưới quốc gia đã ảnh hưởng đến đời sống dân sinh của nhân dân trong Làng. Đề nghị Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng đường giao thông và điện lưới quốc gia cho Làng O2, xã Vĩnh Kim (Cử tri Làng O2, xã Vĩnh Kim).

Trả lời:

Để giải quyết vấn đề cử tri kiến nghị, UBND tỉnh giao UBND huyện Vĩnh Thạnh chủ động cân đối ngân sách của địa phương, nghiên cứu vận dụng nguồn hỗ trợ xi măng từ Chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn giai đoạn 2016 - 2020 hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác để có kế hoạch đầu tư xây dựng. Trường hợp nguồn vốn đầu tư lớn, UBND huyện Vĩnh Thạnh có văn bản trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí.

f) Cử tri thị xã An Nhơn:

- Đường ĐT636 (đoạn từ bến xe ngựa đến ngã tư đường mới và đoạn từ cây xăng Cẩm Vy đến Phước Thắng) xuống cấp nghiêm trọng, dễ xảy ra tai nạn. Đề nghị tỉnh tu bổ, sửa chữa, nhằm đảm bảo an toàn giao thông (Cử tri xã Nhơn An và Nhơn Hạnh).

Trả lời:

Đoạn tuyến ĐT.636 (từ Bến xe ngựa đến ngã tư đường tránh QL.1 với tuyến ĐT.636) đã được Sở GTVT đưa vào danh mục dự án Cải tạo, sửa chữa các tuyến đường địa phương kết nối với QL.1, với nguồn kinh phí dự kiến hơn 4,3 tỷ đồng, dự kiến sẽ được tổ chức triển khai thi công và hoàn thành trong năm 2018. Riêng đoạn tuyến ĐT.636 (từ Km9+300 đến cuối tuyến), theo báo cáo của đơn vị quản lý đường thì đoạn tuyến này có phát sinh hư hỏng cục bộ nhưng vẫn cơ bản đảm bảo giao thông êm thuận và an toàn. Thời gian đến, UBND tỉnh giao Sở GTVT chỉ đạo Ban Quản lý bảo trì Bình Định phối hợp với đơn vị quản lý đường tăng cường công tác duy tu sửa chữa tuyến ĐT.636 đảm bảo giao thông trên tuyến luôn thông suốt và êm thuận.

-  Thực hiện chủ trương đường thông hè thoáng và dự kiến lát gạch vỉa hè đoạn đường tây tỉnh ĐT.639B qua thôn Tân Lập - xã Nhơn Lộc để tạo bộ mặt đối với xã nông thôn mới, nhưng hiện tại các biển báo giao thông và các trụ điện nằm trên hành lang tuyến gây mất mỹ quan và gây khó khăn cho địa phương trong việc thực hiện chủ trương lát vỉa hè. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng có giải pháp điều chỉnh, di dời hợp lý để địa phương sớm thực hiện chủ trương lát vỉa hè (Cử tri xã Nhơn Lộc).

Trả lời:

Tuyến ĐT.639B, đoạn qua địa bàn xã Nhơn Lộc đã được Nhà nước đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2010. Trong đó, đoạn qua địa bàn xã Nhơn Lộc được quản lý khai thác theo tiêu chuẩn đường cấp VI (đồng bằng), với quy mô bề rộng nền đường 6,5 mét và bề rộng mặt đường 5,5 mét; Đoạn tuyến này không phải là đường đô thị nên không có bó vỉa, vỉa hè. Đến thời điểm hiện tại, do nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, UBND xã Nhơn Lộc có nhu cầu đầu tư lát vỉa hè đoạn qua địa bàn thôn Tân Lập; về chủ trương, Sở GTVT ủng hộ. Tuy nhiên, đề nghị UBND xã Nhơn Lộc tổ chức thực hiện việc thi công lát vỉa hè nêu trên phải đúng theo quy định tại Điều 13 của Quyết định số 60/2016/QĐ-UBND ngày 25/11/2016 của UBND tỉnh. UBND tỉnh giao Sở GTVT chỉ đạo Thanh tra giao thông, đơn vị quản lý đường tăng cường tuần tra kiểm tra và xử lý vi phạm trên tuyến đường theo đúng quy định.

- Hành lang Quốc lộ 19 đi qua khu vực có dân cư nhưng làm mương thoát nước hở, không có nắp đậy, gây nguy hiểm cho người và gia súc khi qua lại. Đề nghị các ngành chức năng có biện pháp khắc phục (Cử tri xã Nhơn Tân và Nhơn Thọ , vấn đề này đã kiến nghị nhiều lần). 

Trả lời:

Dự án nâng cấp, mở rộng QL.19 theo hình thức hợp đồng BOT do Công ty TNHH BOT 36.71 làm nhà đầu tư và tuyến đường QL.19 do Tổng Cục Đường bộ Việt Nam quản lý (đơn vị trực tiếp quản lý là Cục Quản lý đường bộ III). Để giải quyết vấn đề cử tri kiến nghị, Sở GTVT đã có văn bản số 821/SGTVT-GT ngày 30/6/2017 đề nghị Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Quản lý đường bộ III và nhà đầu tư BOT kiểm tra giải quyết; Theo số liệu cung cấp của Cục Quản lý đường bộ III tại văn bản số 1179/CQLĐBIII-QLBTĐB ngày 07/7/2017 thì Cục Quản lý đường bộ III đã có văn bản yêu cầu nhà đầu tư BOT dự án bổ sung nắp đậy tại những vị trí rãnh dọc trước nhà dân. Tuy nhiên, Công ty TNHH BOT 36.71 vẫn chưa tổ chức thực hiện. Cục QLĐB III đã cam kết sẽ tiếp tục có văn bản đôn đốc Công ty TNHH BOT 36.71 thực hiện trong thời gian đến.

- UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra và sớm có kế hoạch duy tu, sửa chữa lại tuyến đường 636B và 639 và xây dựng hệ thống thoát nước đường Tây tỉnh, vì hiện nay tuyến đường ĐT.636B và ĐT.639 xuống cấp trầm trọng và hệ thống thoát nước đường Tây Tỉnh chưa được đầu tư xây dựng, dẫn đến một số đoạn bị ngập úng khi mưa, lụt xảy ra. Đồng thời, chỉ đạo các ngành có liên quan lắp đặt nắp đậy của hệ thống thoát nước dọc 2 bên lề đường 636B, vì từ khi xây dựng đến nay chưa có nắp đậy, gây tai nạn giao thông và mất mỹ quan (Cử tri xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn và có cùng kiến nghị của cử tri xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn).

Trả lời:

Vấn đề này, UBND tỉnh yêu cầu Sở GTVT chỉ đạo Ban Quản lý bảo trì Bình Định phối hợp với đơn vị quản lý đường tăng cường công tác duy tu sửa chữa các tuyến ĐT.636B và ĐT.639B đảm bảo giao thông trên tuyến luôn thông suốt và êm thuận.

g) Cử tri huyện Phù Cát:

- UBND tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng nâng cấp và sửa chữa tuyến đường ĐT 635 (trước đây), đoạn từ đường 3/2 đến hết địa phận xã Cát Tường và đường 3/2 đoạn từ Trung tâm y tế huyện Phù Cát tới ngã ba Phú Kim, xã Cát Trinh (Cử tri xã Cát Trinh).

Trả lời:

Đoạn tuyến cử tri phản ánh dài khoảng 7,2Km; trong đó, đoạn 3,5Km đầu đã được UBND tỉnh đưa vào danh mục Sửa chữa, nâng cấp một số tuyến đường tỉnh bị hư hỏng nặng thuộc dự án Khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai một số tỉnh miền Trung - tỉnh Bình Định do Ban QLDA Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư và đoạn cuối (khoảng 3,7Km) được đưa vào dự án Cải tạo, sửa chữa các tuyến đường địa phương kết nối với QL.1, trên địa bàn tỉnh Bình Định. Khi các dự án nêu trên được triển khai thi công hoàn thành, các vấn đề cử tri kiến nghị sẽ được khắc phục triệt để. Trước mắt, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Phù Cát thực hiện công tác duy tu sửa chữa tuyến nêu trên đảm bảo giao thông trên tuyến luôn thông suốt và êm thuận.

Riêng vấn đề cử tri phản ánh liên quan đến các hư hỏng trên tuyến đường 3 tháng 2 (tuyến tránh Quốc lộ 1, thị trấn Ngô Mây) do Tổng Cục Đường bộ Việt Nam quản lý (đơn vị trực tiếp quản lý là Cục Quản lý đường bộ III). Để giải quyết vấn đề cử tri kiến nghị, Sở GTVT đã có văn bản số 821/SGTVT-GT ngày 30/6/2017 đề nghị Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Quản lý đường bộ III kiểm tra giải quyết; theo đó, Cục Quản lý đường bộ III cũng đã có văn bản yêu cầu các đơn vị thi công khẩn trương tổ chức kiểm tra, khắc phục các hư hỏng trên tuyến QL.1 (trong đó, có đoạn tuyến qua địa bàn xã Cát Trinh). Theo số liệu cung cấp của Cục Quản lý đường bộ III tại văn bản số 1179/CQLĐBIII-QLBTĐB ngày 07/7/2017 thì công tác sửa chữa khắc phục các hư hỏng nêu trên đã và đang được tổ chức triển khai thi công trên hiện trường, cơ bản đảm bảo giao thông trên tuyến QL.1 được êm thuận và an toàn.

- UBND tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng tuyến mương bê tông xi măng kết hợp giao thông từ cống Trường Tiểu học đến mương Suối Đèo (thôn Vĩnh Phú). Đồng thời hỗ trợ mở rộng tuyến đường trục chính của xã từ rẽ Quốc lộ 19B (xã Cát Hưng) đến trụ sở UBND xã Cát Thắng (Cử tri xã Cát Thắng).

Trả lời:

UBND tỉnh giao UBND huyện Phù Cát chủ động cân đối ngân sách của địa phương, nghiên cứu vận dụng nguồn hỗ trợ xi măng từ Chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn giai đoạn 2016 - 2020 hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác để có kế hoạch đầu tư xây dựng. Trường hợp nguồn vốn đầu tư lớn, UBND huyện Phù Cát có văn bản trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí.

- UBND tỉnh quan tâm xem xét lắp điện chiếu sáng đường QL1A (đoạn thôn Kiều An, Cát Tân) để đảm bảo an toàn giao thông (Cử tri xã Cát Tân).

Trả lời: Để giải quyết vấn đề cử tri kiến nghị, UBND tỉnh giao Ban QLDA giao thông tỉnh phối hợp với UBND huyện Phù Cát kiểm tra giải quyết.

- UBND tỉnh quan tâm, đầu tư nâng cấp các tuyến đường đi khu du lịch suối khoáng Chánh Thắng vì đợt lũ lụt năm 2016 vừa qua gây sạt lở nghiêm trọng (Cử tri xã Cát Thành ).

Trả lời:

UBND tỉnh giao UBND huyện Phù Cát chủ động cân đối ngân sách của địa phương, nghiên cứu vận dụng nguồn hỗ trợ xi măng từ Chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn giai đoạn 2016 - 2020 hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác để có kế hoạch đầu tư xây dựng. Trường hợp nguồn vốn đầu tư lớn, UBND huyện Phù Cát có văn bản trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí.

- Các cơ quan chức năng có giải pháp để giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông tại trục đường Nhơn Hội và Quốc lộ 19B vì thời gian gần đây thường xuyên xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng (Cử tri xã Cát Tiến).

Trả lời: Vấn đề cử tri xã Cát Tiến kiến nghị, UBND tỉnh giao Sở GTVT phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh kiểm tra giải quyết.

- UBND tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng tuyến đường từ xã Cát Sơn đi xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ và tuyến đường bê tông xi măng đoạn đường đến chùa Thiên Bửu, xã Cát Hải (Cử tri xã Cát Sơn và Cát Hải).

Trả lời:

UBND tỉnh giao UBND huyện Phù Cát chủ động cân đối ngân sách của địa phương, nghiên cứu vận dụng nguồn hỗ trợ xi măng từ Chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn giai đoạn 2016 - 2020 hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác để có kế hoạch đầu tư xây dựng. Trường hợp nguồn vốn đầu tư lớn, UBND huyện Phù Cát có văn bản trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí.

- Nhà nước có biện pháp xử lý đối với những xe tải chở hàng hóa quá tải trọng chạy trên các tuyến đường tỉnh lộ (Cử tri xã Cát Lâm).

Trả lời:

Hiện nay, trên địa bàn xã Cát Lâm có 02 tuyến đường tỉnh, gồm: tuyến ĐT.639B (đoạn từ Km85+739 - Km99+750) và tuyến ĐT.634 (đoạn từ Km6+00 - Km11+00). Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh giao Công an tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với lực lượng chức năng của địa phương tăng cường tuần tra, sử dụng thiết bị cân xách tay kiểm tra và xử lý nghiêm các phương tiện chở hàng quá trọng tải trên tuyến ĐT.634, ĐT.639B.

- Nhà nước quan tâm chỉ đạo khắc phục tình trạng đường Quốc lộ 1A đoạn qua địa phận xã Cát Tân, Cát Trinh mới xây dựng nhưng hiện nay bị hư hỏng, xuống cấp, xuất hiện nhiều ổ gà, gây mất an toàn khi tham gia giao thông (Cử tri xã Cát Trinh, Cát Tân).

Trả lời:

Để giải quyết vấn đề cử tri kiến nghị, Sở GTVT đã có văn bản số 821/SGTVT-GT ngày 30/6/2017 đề nghị Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Quản lý đường bộ III, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh kiểm tra giải quyết; theo đó, Cục Quản lý đường bộ III, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản yêu cầu các đơn vị thi công khẩn trương tổ chức kiểm tra, khắc phục các hư hỏng trên tuyến QL.1 (trong đó, có đoạn tuyến qua địa bàn các xã Cát Trinh, Cát Tân). Theo số liệu cung cấp của Cục Quản lý đường bộ III tại Công văn số 1179/CQLĐBIII-QLBTĐB ngày 07/7/2017 thì công tác sửa chữa khắc phục các hư hỏng nêu trên đã và đang được tổ chức triển khai thi công trên hiện trường, cơ bản đảm bảo giao thông trên tuyến QL.1 được êm thuận và an toàn.

h) Cử tri huyện Phù Mỹ kiến nghị:

- Đường tránh Quốc lộ 1A đoạn đi qua thị trấn Phù Mỹ có nhiều nút giao thông nguy hiểm, đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra và lắp đặt thêm biển báo tín hiệu giao thông tại các ngã ba, ngã tư, biển cấm đậu đổ xe để nhân dân dễ quan sát khi tham gia giao thông trên tuyến đường này (Cử tri thị trấn Phù Mỹ).

Trả lời:

Để giải quyết vấn đề cử tri kiến nghị, Sở GTVT đã có văn bản số 821/SGTVT-GT ngày 30/6/2017 đề nghị Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Quản lý đường bộ III, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh kiểm tra giải quyết; theo đó, Cục Quản lý đường bộ III, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản yêu cầu các đơn vị thi công khẩn trương tổ chức kiểm tra, giải quyết. Theo số liệu cung cấp của Cục Quản lý đường bộ III tại văn bản số 1179/CQLĐBIII-QLBTĐB ngày 07/7/2017 thì tại các vị trí đường ngang giao cắt với tuyến tránh QL.1 thị trấn Phù Mỹ (Km1171+350 - Km1178+660) chưa có biển báo, vuốt nối; theo đó, Cục Quản lý đường bộ III cam kết sẽ báo cáo Tổng Cục Đường bộ Việt Nam xem xét bổ sung hệ thống an toàn giao thông trên tuyến tránh QL.1 thị trấn Phù Mỹ đảm bảo an toàn giao thông.

- Tuyến đường đoạn nhà ông Hùng - Km3+200 (ĐT631 thuộc tỉnh quản lý) có lắp đặt hệ thống cống nhưng hạ lưu không thoát nước, nên mùa mưa gây ngập lụt nhà dân. Đề nghị tỉnh chỉ đạo ngành quản lý mở hệ thống cống rãnh để thoát nước (Cử tri xã Mỹ Trinh).

Trả lời:

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh giao Sở GTVT chỉ đạo Ban Quản lý bảo trì Bình Định phối hợp với đơn vị quản lý đường kiểm tra, khắc phục các tồn tại.

i) Cử tri huyện Hoài Ân:

- UBND tỉnh quan tâm mở tuyến đường từ thôn An Đôn đi Phù Mỹ để tạo điều kiện cho nhân dân 2 huyện giao thương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trả lời:

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh giao UBND huyện Hoài Ân chủ động cân đối ngân sách của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để có kế hoạch đầu tư xây dựng. Trường hợp nguồn vốn đầu tư lớn, UBND huyện Hoài Ân có văn bản trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí.

- Dọc tuyến ĐT629 (Bồng Sơn - Ân Lão) đi qua địa phận huyện Hoài Ân hiện nay một số đọan đường rất thấp, lòng đường hẹp, mùa mưa lũ bị ngập nước, nên việc đi lại của nhân dân gặp nhiều khó khăn, tiền ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Cử tri xã Ân Hảo Đông kiến nghị Nhà nước quan tâm khảo sát mở rộng, nâng cấp lòng đường để hạn chế những tai nạn đáng tiếc xảy ra, nhất là vào mùa mưa lũ.

Trả lời:

Hiện nay, tuyến đường ĐT.629 đã được đưa vào danh mục Sửa chữa, nâng cấp một số tuyến đường tỉnh bị hư hỏng nặng thuộc dự án Khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai một số tỉnh miền Trung - tỉnh Bình Định do Ban QLDA Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư. Dự kiến dự án này sẽ được Ban QLDA Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức triển khai thi công trong năm 2018. Khi dự án được thi công hoàn thành sẽ cơ bản phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân. Trước mắt, UBND tỉnh giao Sở GTVT chỉ đạo Ban Quản lý bảo trì Bình Định phối hợp với đơn vị quản lý đường tăng cường công tác duy tu sửa chữa tuyến ĐT.629 đảm bảo giao thông trên tuyến luôn thông suốt và êm thuận.

- Nhà nước cần quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng cầu Bù Nú. Vì  hiện tại, cầu tạm được khắc phục sau đợt lũ cuối năn 2016, chỉ đảm bảo lưu thông cho các phương tiện như xe con, xe tải nhẹ. Điều này đã ảnh hưởng đến việc mua bán, trao đổi hàng hóa của nhân dân ở địa phương. Cử tri xã Ân Nghĩa cũng kiến nghị Nhà nước cần sớm có kế hoạch xây dựng cầu cầu Nhơn Tịnh để tạo điều kiện đi lại và phát triển kinh tế (Cử tri xã Ân Nghĩa).

Trả lời:

Để giải quyết vấn đề cử tri kiến nghị, UBND tỉnh giao Ban QLDA Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh kiểm tra giải quyết và thông tin để cử tri được biết.

j) Cử tri huyện Hoài Nhơn:

- Liên quan đến tuyến đường ĐT 639 đoạn qua địa bàn huyện Hoài Nhơn: Cử tri kiến nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp, sửa chữa vì nhiều tuyến đường đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Kiến nghị UBND tỉnh sớm quy hoạch cắm mốc để nhân dân dọc tuyến đường ĐT 639 có cơ sở sửa chữa, xây dựng nhà ở và chuyển nhượng đất đai.

Trả lời:

Theo báo cáo của Sở GTVT, trong năm 2016, từ nguồn vốn quỹ bảo trì đường bộ Trung ương cấp cho tỉnh, Sở GTVT đã đầu tư sửa chữa mặt đường, rãnh thoát nước đoạn Km94 - Km95+800; Km103+300 - Km105+700 (đoạn qua địa bàn huyện Hoài Nhơn). Trong bối cảnh khó khăn về nguồn vốn như hiện nay, UBND tỉnh chỉ xem xét đầu tư sửa chữa những vị trí bị hỏng nặng và thật sự bức xúc. Cụ thể: Trong năm 2017, từ nguồn vốn các dự án của Trung ương, WB hỗ trợ, UBND tỉnh đã quan tâm đầu tư sửa chữa những vị trí trên tuyến ĐT.639 như: Đoạn tuyến từ Km32 - Km35+690; Km53+262 - Km53+573 (đoạn qua địa bàn huyện Phù Cát), với nguồn kinh phí hơn 16,7 tỷ đồng từ hợp phần khôi phục, cải tạo đường địa phương của dự án LRAMP và đoạn từ Km88 - Km90 (đoạn qua địa bàn huyện Hoài Nhơn), với nguồn kinh phí khoảng 3,5 tỷ đồng. Trong thời gian đến, UBND tỉnh giao Sở GTVT tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn khác để đầu tư các đoạn còn lại, đồng thời, chỉ đạo Ban Quản lý bảo trì Bình Định phối hợp với đơn vị quản lý đường kiểm tra việc cắm mốc lộ giới trên tuyến và tăng cường công tác duy tu sửa chữa tuyến ĐT.639 đảm bảo giao thông trên tuyến luôn thông suốt và êm thuận.

- Tuyến đường Tây Tỉnh đoạn qua địa bàn huyện những khu vực gần núi có nguy cơ bị sạt lỡ đất vào mùa mưa. Đoạn qua địa bàn xã Hoài Châu Bắc, Hoài Phú có nhiều nơi nắp công bị vỡ, sập, trụ điện ngã trên đường. Đoạn qua Trường Tiểu học Hoài Phú (khoảng 1km) mặt đường hẹp, lúc tan trường lưu lượng giao thông đông, dễ gây ra tai nạn. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo các ngành chuyên môn có giải pháp khắc phục.

Trả lời:

Vấn đề kiến nghị liên quan đến tuyến ĐT.639B (Chương Hoà - Nhơn Tân), theo báo cáo của Sở GTVT: Các đơn vị quản lý đường đã kiểm tra giải quyết, đến nay công tác sửa chữa khắc phục đã được hoàn thành. Theo báo cáo của đơn vị quản lý đường: Tuyến ĐT.639B, đoạn qua khu vực Trường Tiểu học Hoài Phú có quy mô bề rộng mặt đường 5,5 mét, bề rộng nền đường 6,5 mét và chất lượng mặt đường đoạn tuyến này còn tốt đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân được êm thuận, an toàn.

- Liên quan đến tuyến Quốc lộ 1A mở rộng đoạn qua địa bàn huyện hiện vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc chưa được giải quyết: Hệ thống dải phân cách lắp đặt chưa hợp lý; hệ thống thoát nước chưa đảm bảo; việc lắp đặt biển cảnh báo, tín hiệu đèn tại khu vực ngã 3 mũi tàu Hoài Tân và thị trấn Tam Quan chưa phù hợp là nguyên nhân trực tiếp gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh sớm kiểm tra, có giải pháp khắc phục những tồn tại, vướng mắc nêu trên.

Trả lời:

Theo số liệu cung cấp của Cục Quản lý đường bộ III tại văn bản số 1179/CQLĐBIII-QLBTĐB ngày 07/7/2017 và Công ty CP BOT Bắc Bình Định tại văn bản số 58/2017/CV-BBĐ-KHKT ngày 06/7/2017 thì vấn đề về hệ thống thoát nước đã được nhà đầu tư BOT (Công ty CP BOT Bắc Bình Định) tổ chức triển khai thi công hệ thống rãnh thoát nước dọc bổ sung đoạn từ Km1127+650 - Km1128 để giải quyết, khắc phục tình trạng nước chảy tràn qua đường gây xói lở trên tuyến như cử tri đã phản ánh. Riêng các vấn đề liên quan đến điểm mở dải phân cách giữa và bất cập của hệ thống đèn tín hiệu (tại ngã 3 mũi tàu Hoài Tân và tại ngã tư tuyến tránh QL.1 thị trấn Tam Quan với đường ĐT.639B), UBND tỉnh giao Ban ATGT tỉnh chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra, điều chỉnh cho phù hợp.

 

X. LĨNH VỰC Y TẾ, BẢO HIỂM XÃ HỘI

a) Cử tri thành phố Quy Nhơn:

- UBND Tỉnh quan tâm chế độ bảo hiểm y tế đối với đối tượng có công với cách mạng được khám và điều trị bệnh tại khoa Trung cao của Bệnh viện tỉnh Bình Định (Cử tri phường Lê Hồng Phong).

Trả lời:

Theo quy định hành, tiêu chuẩn cán bộ được quản lý sức khỏe, khám chữa bệnh tại khoa Trung cao của Bệnh viện đa khoa tỉnh gồm:

- Khối hành chính, sự nghiệp: Cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý (từ Phó Giám đốc, Phó Trưởng ban, đoàn thể tỉnh… trở lên); Anh hùng Lao động; Thầy thuốc nhân dân; Nghệ sĩ nhân dân; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; cán bộ, công chức, viên chức ngạch A2 trở lên, có hệ số lương từ 5,08 đối với nam và từ 4,74 đối với nữ trở lên.

- Khối lực lượng vũ trang: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân nhân; Cán bộ cấp bậc thượng tá trở lên.

- Khối doanh nghiệp: Giám đốc, Phó Giám đốc doanh nghiệp hạng I; Giám đốc doanh nghiệp hạng II.

Người có công với cách mạng có các tiêu chuẩn nói trên được khám, điều trị tại khoa Trung cao của Bệnh viện đa khoa tỉnh và được hưởng chế độ BHYT theo quy định.

- Cử tri phường Quang Trung kiến nghị: Hiện nay, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa có phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Tuy nhiên, trong quá trình khám chữa bệnh, bác sỹ của bệnh viện đã yêu cầu bệnh nhân thực hiện các thủ tục xét nghiệm, chụp phim, kê đơn không phù hợp với tình trạng của người bệnh gây tốn kém cho người bệnh. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, giải quyết tình trạng trên (Cử tri phường Quang Trung).

Trả lời:

Theo báo cáo của Sở Y tế: Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa là bệnh viện thuộc Bộ Y tế quản lý; vì vậy, Sở Y tế không có thẩm quyền kiểm tra chuyên môn đối với công tác khám chữa bệnh tại Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa.

Đối với công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, Bệnh viện ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh, được cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh giám định, thanh toán theo quy định. Nếu phát hiện có trường hợp lạm dụng xét nghiệm, chụp phim, kê đơn không phù hợp với tình trạng của người bệnh thì Bảo hiểm xã hội tỉnh có trách nhiệm từ chối thanh toán, xuất toán theo quy định của Nhà nước.

b) Cử tri huyện Tuy Phước:

- Phòng khám Đa khoa khu vực Phước Hòa thuộc Trung tâm Y tế huyện Tuy Phước được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất trang thiết bị đầy đủ, đảm bảo công tác khám, chữa bệnh nội trú cho nhân dân các xã phía Bắc của huyện Tuy Phước và phần lớn dân cư thuộc xã Cát Tiến, Phù Cát; mặt khác, vì Trung tâm Y tế huyện nằm cách xa khu vực này, bà con các xã phía Bắc của huyện Tuy Phước rất khó khăn trong việc đi lại khám, chữa bệnh tại Trung tâm y tế huyện. Do đó, đề nghị UBND tỉnh quan tâm kiến nghị Bộ Y tế, BHXH Việt Nam xem xét có qui định về việc cho khám, điều trị nội trú được thanh toán BHYT tại Phòng khám Đa khoa khu vực Phước Hòa để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong việc khám, chữa bệnh (Cử tri xã Phước Quang, Phước Hưng, Phước Hòa, Phước Thắng).

Trả lời:

Theo báo cáo của Sở Y tế: Toàn tỉnh có 05 Phòng khám Đa khoa khu vực (PKĐKKV): Phú Tài, Phước Hòa, Cát Minh, Bình Dương, Hoài Hương. Từ năm 2016 về trước các PKĐKKV vẫn thực hiện khám chữa bệnh nội trú, ngoại trú cho nhân dân trong khu vực, giúp giảm quá tải tuyến trên, đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân và được cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán chi phí khám chữa bệnh nội trú.

Tuy nhiên, ngày 19/01/2017, Bảo hiểm xã hội tỉnh có Công văn số 41/BHXH-GĐBHYT về việc thanh toán chi phí điều trị nội trú tại phòng khám đa khoa khu vực; thông báo không thanh toán tiền giường bệnh điều trị nội trú tại Phòng khám đa khoa khu vực; thời gian thực hiện từ ngày 01/01/2016 (thực hiện theo Công văn số 76/BHXH-CSYT ngày 09/01/2017 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam) mặc dù trong năm 2016 các PKĐKKV đã thực hiện công tác khám chữa bệnh nội trú.

Sở Y tế đã có Văn bản đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo giải quyết vấn đề nêu trên. Ngày 19/5/2017, Bộ Y tế có Thông báo số 561/TB-BYT về Kết luận của Bộ trưởng Bộ Y tế tại Hội nghị giao ban Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam Quý I năm 2017; trong đó có nội dung đề nghị Bảo hiểm xã hội thanh toán chi phí khám chữa bệnh nội trú đối với PKĐKKV năm 2016; năm 2017 Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để thống nhất hướng giải quyết vấn đề này. Trong thời gian qua, Sở Y tế đã thu thập thông tin về các PKĐKKV và 02 lần báo cáo theo yêu cầu của Bộ Y tế để Bộ xem xét; trong đó đề nghị Bộ Y tế có đề án đầu tư cho PKĐKKV và chỉ đạo tiếp tục thực hiện khám chữa bệnh nội trú tại PKĐKKV. Khi có hướng dẫn của Bộ Y tế, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Y tế sẽ tổ chức thực hiện theo quy định.

- UBND tỉnh kiến nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét lại việc tính thời gian đóng BHYT liên tục cho những trường hợp sau:

+ Cán bộ không chuyên trách xã đã đóng BHYT nhiều năm nhưng sang tới 2017, do thay đổi mã BHYT, thời gian đóng BHYT trước đó không được tính.

+ Người tham gia BHYT tự nguyện 6 năm, sau đó chuyển sang BHYT thân nhân người tham gia nghĩa vụ quân sự 2 năm, khi hết thời gian hưởng BHYT theo chế độ thân nhân người tham gia nghĩa vụ quân sự, tiếp tục mua BHYT tự nguyện thì không được tính thời gian liên tục.

Trả lời:

Theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của liên Bộ Y tế - Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT, thời gian tham gia BHYT liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần sau nối tiếp với ngày hết hạn sử dụng của thẻ BHYT lần trước; trường hợp gián đoạn tối đa không quá 03 tháng.

Theo quy định trên, việc tính thời gian tham gia BHYT liên tục không phụ thuộc vào việc thay đổi mã thẻ hoặc thay đổi nhóm đối tượng tham gia BHYT, mà phụ thuộc vào thời điểm hết hạn sử dụng của thẻ BHYT lần trước và thời điểm điểm có giá trị sử dụng của thẻ tiếp theo. Thời gian tham gia BHYT liên tục khi thời gian sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần sau nối tiếp với ngày hết hạn sử dụng của thẻ lần trước; trường hợp thẻ có gián đoạn nhưng tối đa không quá 03 tháng thì vẫn tính thời gian tham gia BHYT liên tục để giải quyết hưởng chế độ khám chữa bệnh BHYT.

c) Cử tri thị xã An Nhơn:

Hiện nay, khu vực An Lợi người mắc bệnh ung thư khá cao, đã có trên 12 người mắc bệnh ung thư. Đề nghị các cơ quan chức năng cấp trên kiểm tra nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư (Cử tri phường Nhơn Thành).

Trả lời:

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế thực hiện. Hiện nay, Trung tâm Y tế dự phòng đang phối hợp với y tế địa phương tổ chức điều tra, khảo sát tình hình mắc bệnh ung thư tại khu vực An Lợi, phường Nhơn Thành và sẽ có văn bản trả lời sau khi có kết quả điều tra, khảo sát.

d) Cử tri huyện Phù Cát:

- UBND tỉnh quan tâm tạo điều kiện, áp dụng các chính sách về Bảo hiểm y tế cho nhân dân khi khám, chữa bệnh tại các bệnh viện Lao, Tâm thần, vì hiện nay các bệnh viện này không áp dụng Bảo hiểm y tế khi khám, chữa bệnh vượt tuyến (Cử tri xã Cát Hải).

Trả lời:

Bệnh viện Lao và bệnh phổi, Bệnh viện Tâm thần là các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, không phải là nơi đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu theo quy định và việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thực hiện theo các quy định của chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế (chuyển tuyến theo quy định thì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đầy đủ theo mức hưởng; trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến sẽ không được thanh toán chi phí khám chữa bệnh ngoại trú, thanh toán 60% chi phí khám chữa bệnh nội trú theo mức hưởng).

Tuy nhiên, Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015 của Bộ Y tế Quy định đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế có quy định: Người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế mắc một số bệnh, nhóm bệnh (trong đó có bệnh lao, tâm thần) thì Giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm dương lịch đó. Như vậy người bệnh chỉ cần chuyển tuyến 01 lần và giấy chuyển tuyến được sử dụng đến hết năm dương lịch (những lần khám chữa bệnh sau không cần phải làm thủ tục chuyển tuyến nữa).

- Đề nghị UBND tỉnh có biện pháp xử lý đối với những y sỹ, bác sỹ làm việc không nhiệt tình, có thái độ không hòa nhã với nhân dân trong công tác khám chữa bệnh (Cử tri xã Cát Lâm).

Trả lời:

Theo báo cáo của Sở Y tế: Sau hơn 02 năm triển khai thực hiện Quyết định 2151/QĐ-BYT ngày 04/6/2015 của Bộ Y tế về phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ Y tế, tiến tới sự hài lòng của người bệnh”; tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên ngành Y tế trong tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, từng nơi, từng lúc cá biệt vẫn còn nhân viên y tế có thái độ không phù hợp với người bệnh, thể hiện qua cách xưng hô, tiếp xúc với người bệnh, người nhà người bệnh, trong đó có Trung tâm Y tế huyện Phù Cát, nhất là vào những giờ cao điểm đầu buổi sáng và buổi chiều, những ngày số lượng bệnh nhân đến khám bệnh đông…. Bác sĩ và điều dưỡng phải cố gắng để khám hết bệnh nhân trong buổi. Thời gian để tư vấn, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của bệnh nhân ít; một số người bệnh lớn tuổi, sức nghe, nhìn kém nên điều dưỡng, bác sĩ phải gọi nhiều lần hoặc có khi phải nói to mới nghe… Những nguyên nhân trên đã ảnh hưởng ít nhiều đến việc cử tri cho rằng y sĩ, bác sĩ làm việc chưa nhiệt tình, có thái độ không hòa nhã với nhân dân trong công tác khám chữa bệnh.

Thời gian đến, Sở Y tế sẽ tiếp tục tăng cường triển khai Kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ Y tế, tiến tới sự hài lòng của người bệnh”; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các đơn vị và chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác tự kiểm tra, giám sát tại đơn vị.

Để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời các tập thể, cá nhân của ngành Y tế vi phạm phong cách, thái độ phục vụ người bệnh; Sở Y tế đề nghị người bệnh, thân nhân và nhân dân khi phát hiện thấy cán bộ y tế có phong cách, thái độ phục vụ chưa tốt thì kịp thời phản ánh cụ thể, trực tiếp với lãnh đạo các cơ sở y tế hoặc qua điện thoại đường dây nóng, thùng thư góp ý đặt tại các cơ sở y tế để kịp thời nắm bắt thông tin, kiểm tra và xử lý (nếu có).

e) Cử tri huyện Phù Mỹ:

- Cử tri xã Mỹ Hiệp kiến nghị: Hiện nay nguồn thuốc cấp cho các Trạm y tế còn thiếu, chỉ có một số loại thuốc thông thường, khi đến khám, bệnh nhân phải đến Trung tâm y tế huyện mới có đủ thuốc, gây tốn kém thời gian đi lại của người dân, nhất là khó khăn cho người cao tuổi. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng tăng cường cơ số thuốc tại các Trạm y tế để đảm bảo phục vụ nhân dân.

Trả lời:

Danh mục thuốc khám chữa bệnh chủ yếu tại các cơ sở khám chữa bệnh được thực hiện theo quy định của Bộ Y tế tại Thông tư số 40/2014/TT-BYT ngày 17/11/2014 Ban hành và hướng dẫn thực hiện Danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế và Thông tư số 05/2015/TT-BYT ngày 17/3/2015 Ban hành Danh mục thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế.

Tại Phù Mỹ, danh mục thuốc khám chữa bệnh chủ yếu sử dụng cho các Trạm Y tế xã, thị trấn gồm 191 mặt hàng thuộc tân dược và 31 mặt hàng thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu (áp dụng từ ngày 28/6/2016). Danh mục thuốc này đáp ứng gần như đầy đủ nhu cầu khám chữa bệnh tại Trạm Y tế xã Mỹ Hiệp cũng như các Trạm Y tế khác. Vì các loại thuốc được phép sử dụng phải phù hợp với trình độ chuyên môn kỹ thuật theo từng tuyến y tế và tình trạng của người bệnh, nên các loại thuốc khác không có trong danh mục thuốc chủ yếu sử dụng tại tuyến xã theo quy định của Bộ Y tế thì người bệnh phải đến cơ sở y tế ở tuyến cao hơn.

UBND tỉnh giao Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo Trung tâm y tế huyện Phù Mỹ thường xuyên rà soát, kiểm tra tình hình sử dụng thuốc tại các Trạm y tế xã, thị trấn nhằm đảm bảo đủ thuốc cho người dân khi đến khám chữa bệnh tại Trạm y tế.

- Cử tri xã Mỹ Hiệp kiến nghị: UBND tỉnh quy định hưởng dẫn cụ thể hơn về việc vận động nhân dân tham gia mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình theo hướng có lợi cho người dân, nhất là các hộ có con em đang đi học (mua bảo hiểm ở nhà trường và ở địa phương).

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 2, Điều 13 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế về mức đóng và trách nhiệm đóng BHYT: “Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật này”.

Theo quy định tại Điều 12 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế, đối tượng học sinh, sinh viên thuộc Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng (Nhóm 4), đứng trước Nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình (Nhóm 5).

Như vậy, học sinh, sinh viên thuộc đối tượng tham gia BHYT tại trường học (Nhóm 4), không tham gia BHYT theo hộ gia đình (Nhóm 5).

f) Cử tri huyện Tây Sơn:

- UBND tỉnh kiến nghị với Trung ương điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh vì giá hiện nay là quá cao (Cử tri xã Bình Hòa).

Trả lời:

Theo báo cáo của Sở Y tế: Giá dịch vụ y tế được thực hiện theo Thông tư Liên tịch số 37/2015/T-LT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Từ ngày 01/3/2016, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc nói chung và trên địa bàn tỉnh Bình Định nói riêng đã thực hiện mức giá bước 1 (gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù); trong tháng 8/2016, tháng 10/2016 và tháng 12/2016 đã thực hiện mức giá bước 2 (có tiền lương) tại 36/63 tỉnh/thành phố (tỉnh Bình Định chưa thực hiện). Ngày 21/3/2017, Bộ Y tế có Công văn số 1367/BYT-KH-TC về việc thực hiện giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế bao gồm cả chi phí tiền lương của một số tỉnh/thành vào tháng 3/2017, theo đó có 13 tỉnh/thành phố thực hiện trong đợt này, trong đó có tỉnh Bình Định.

Giao Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc triển khai thực hiện đúng theo các quy định của Nhà nước về mức thu và thời gian thực hiện mức thu các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

- UBND  tỉnh chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra, chấn chỉnh giờ làm việc hành chính của Bệnh viện Đa khoa Khu vực Phú Phong(Cử tri xã Tây Xuân).

Trả lời:

Theo báo cáo của Sở Y tế: Thời gian vừa qua, toàn thể công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế luôn chấp hành nghiêm túc Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 23/CT-UBND ngày 11/10/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường kỷ cương kỷ luật trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Qua kiểm tra, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Phú Phong thực hiện nghiêm túc giờ giấc làm việc; tuy nhiên, vẫn còn một số ít cá nhân chưa chấp hành tốt giờ giấc làm việc trong giờ hành chính như: buổi sáng còn tập trung ăn sáng, uống cafe tại căn tin trong bệnh viện, sau đó mới trở về khoa làm việc; sau khi thăm khám, chăm sóc người bệnh xong, tranh thủ về nhà trước giờ để giải quyết công việc riêng.

Sở Y tế đã chỉ đạo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Khu vực Phú Phong nghiêm túc tiếp thu, chấn chỉnh và trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất, xử lý kiên quyết nghiêm khắc các trường hợp vi phạm kỷ cương kỷ luật để đảm bảo làm việc đúng giờ giấc, phục vụ tốt công tác khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân.

g) Cử tri huyện An Lão:

Đề nghị Nhà nước quan tâm hỗ trợ kinh phí nâng cấp, mua sắm trang thiết bị y tế tại Trung tâm Y tế huyện để phục vụ tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Trả lời:

Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, đặc biệt là nguồn trái phiếu Chính phủ, Sở Y tế đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị thông dụng và chuyên dùng hiện đại cho Trung tâm y tế huyện An Lão; đặc biệt trong năm 2015 - 2016 đã đầu tư mua sắm các trang thiết bị như: Máy siêu âm, máy phân tích sinh hóa tự động, máy phân tích huyết học, máy li tâm đa năng, bộ khám điều trị răng hàm mặt… với tổng giá trị 7,817 tỷ đồng. Với các trang thiết bị hiện có, Trung tâm y tế huyện An Lão cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn.

Nội dung kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh giao Sở Y tế xem xét, đề xuất đầu tư phù hợp với tuyến chuyên môn kỹ thuật và bác sĩ, kỹ thuật viên sử dụng tại Trung tâm Y tế nhằm đảm bảo hiệu quả sử dụng, phục vụ tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân.

h) Cử tri huyện Hoài Nhơn:

- Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn thường xuyên bị quá tải, nhiều trang thiết bị, cơ sở vật chất bị hư hỏng, xuống cấp không đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, khắc phục.

Trả lời:

Năm 2017, giường bệnh kế hoạch được giao cho Bệnh viện Đa khoa Khu vực Bồng Sơn là 300 giường đúng theo Quyết định số 28/2008/QĐ-UBND ngày 08/9/2008 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy hoạch phát triển hệ thống y tế tỉnh Bình Định đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020; tuy nhiên trong quá trình thực hiện, bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân so với giường bệnh kế hoạch được giao. Mặc dù bệnh viện đã có nhiều cố gắng đề ra các giải pháp để khắc phục tình trạng quá tải bệnh nhân, nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, Sở Y tế đã đầu tư mua sắm nhiều trang thiết bị thông thường và hiện đại như: Máy gây mê kèm máy thở, máy giúp thở không xâm nhập, bộ dụng cụ phẫu thuật nội soi sọ não, năm 2017 đang tiến hành các thủ thủ tục đầu tư mua sắm hệ thống chụp cắt lớp điện toán 16 lát cắt/vòng quay, với tổng giá trị 21,146 tỷ nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân các huyện thuộc khu vực phía Bắc tỉnh.

Về xây dựng cơ sở vật chất, năm 2017, tỉnh sẽ khởi công Mở rộng Bệnh viện Đa khoa Khu vực Bồng Sơn, dự kiến quý I/2019 sẽ đưa vào hoạt động, góp phần giải quyết được tình trạng quá tải bệnh nhân.

XI. VỀ VĂN HÓA - DU LỊCH

a) Cử tri TP. Quy Nhơn:

- Đề nghị UBND tỉnh có quy hoạch cụ thể về việc phát triển kinh tế biển ở Bình Định như thế nào cho hợp lý và hiệu quả. Đối với công trình lấp biển ở Mũi Tấn, đề nghị tỉnh cho biết kế hoạch xử lý như thế nào trong thời gian đến để đảm bảo môi trường và cảnh quan du lịch (Cử tri phường Lê Lợi).

Trả lời:

Trên cơ sở quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển du lịch nói chung và du lịch biển nói riêng, để định hướng phát triển du lịch Bình Định, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 06-CTr/TU về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, Chương trình hành động đã xác định: du lịch văn hóa lịch sử là nền tảng, du lịch biển là trọng tâm nhằm phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh đến năm 2020.

Du lịch biển là loại hình du lịch có sức hấp dẫn, thu hút nhiều khách du lịch và đang là xu hướng phát triển chung của khu vực duyên hải miền Trung. Bình Định có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch biển như: nghỉ dưỡng, sinh thái, lặn biển, thể thao, vui chơi giải trí... Quy Nhơn và vùng phụ cận, đặc biệt là Khu du lịch quốc gia Phương Mai sẽ trở thành một trung tâm du lịch biển mới của miền Trung và cả nước. Với những lợi thế trên, tỉnh Bình Định đã đề ra các giải pháp để phát triển du lịch biển cụ thể:

- Nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch;

- Tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch.

- Quy hoạch, phát triển sản phẩm du lịch: triển khai xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Phương Mai; quy hoạch phát triển du lịch cụm phía Bắc tỉnh; tiếp tục thu hút và đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng ven biển trọng điểm với các loại hình dịch vụ phong phú, đa dạng; phát triển mạnh các loại hình dịch vụ phục vụ tham quan, khám phá trên các tuyến du lịch biển; xây dựng chỉnh trang bãi biển Quy Nhơn theo quy hoạch không gian du lịch Vịnh Quy Nhơn  nhằm tạo điểm nhấn ấn tượng cho du khách; xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại các xã Nhơn Hải, Nhơn Lý, Nhơn Châu... gắn với các hoạt động homestay, trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, nghề truyền thống cùng ngư dân địa phương…

- Đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch;

- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và tạo dựng môi trường thân thiện;

- Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển.

- Việc UBND tỉnh giao cho Tập đoàn FLC khai thác, quản lý khu vực Bãi Dứa, xã Nhơn Lý sẽ làm ảnh hưởng đến quy hoạch đã giao trước đây và đời sống sinh kế của nhân dân, việc lưu thông và tránh trú của tàu thuyền khi thời tiết bất ổn. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, giải quyết cho phù hợp (Cử tri xã Nhơn Lý).

Trả lời:

Về vấn đề khai thác dịch vụ du lịch và bảo tồn rặng san hô tại khu vực Bãi Dứa, xã Nhơn Lý, Ban Quản lý Khu kinh tế đã tổ chức cuộc họp vào ngày 26/5/2017 với sự tham gia của các sở, ngành, địa phương liên quan, gồm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND Thành phố Quy Nhơn, UBND xã Nhơn Lý và Công ty CP Tập đoàn FLC. Theo đó, trên cơ sở ý kiến đề xuất của các ngành UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý chủ trương cho Công ty CP Tập đoàn FLC nghiên cứu, khảo sát, đề xuất ý tưởng đầu tư theo hướng tham gia cùng cộng đồng để khai thác dịch vụ du lịch và bảo tồn rặng san hô tại Bãi Dứa, xã Nhơn Lý thuộc Khu kinh tế Nhơn Hội. Tuy nhiên, Nhà Đầu tư phải bảo đảm an ninh trật tự, không gây phản ứng trong cộng đồng dân cư và phải tiến hành lập Đề cương Nghiên cứu, khảo sát cụ thể, gửi Ban Quản lý Khu kinh tế để phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan xem xét, thống nhất thông qua trước khi tiến hành triển khai thực hiện.

b) Cử tri huyện Phù Cát:

- Đề nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng khu di tích lịch sử Hòn Chè, xã Cát Sơn (Cử tri xã Cát Sơn).

Trả lời:

Di tích Khu căn cứ cách mạng Hòn Chè (xã Cát Sơn, huyện Phù Cát) là căn cứ địa cách mạng của tỉnh Bình Định trong kháng chiến chống Mỹ, nơi Tỉnh ủy và các cơ quan, ban ngành hoạt động từ năm 1964 – 1975. Nơi tổ chức các cuộc họp, làm việc với Lãnh đạo Khu ủy và Quân khu V đề ra những chủ trương, quyết định kịp thời để lãnh đạo phong trào cách mạng trong tỉnh vùng lên giành những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược. Hòn Chè còn là địa điểm huấn luyện, đào tạo và trưởng thành của nhiều cán bộ, chiến sĩ, nơi đây cũng đã diễn ra nhiều trận chiến đấu ác liệt của lực lượng vũ trang ta đánh bại các cuộc hành quân càn quét đánh phá của quân Mỹ và Nam Triều Tiên, bảo vệ an toàn khu căn cứ. Di tích đã được UBND tỉnh xếp hạng tại Quyết định số 334/QĐ-UBND ngày 20/5/2005.

Hiện nay, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao đã chỉ đạo Ban Quản lý di tích tỉnh đang tiến hành xây dựng 02 bia di tích ngay trong năm 2017, cụ thể:

- Bia di tích thứ nhất: Đặt tại ngã ba trên đường mòn lên đỉnh núi Hòn Chè và đường mòn đi Hóc Cú, thuộc khu vực Hóc Thùng (trên sườn núi Hòn Chè), thôn Hội Sơn, xã Cát Sơn. Mặt chính bia nhìn về hướng Đông. Vị trí xây dựng Bia di tích cách Chùa Hang về phía Bắc khoảng 100m. Tại tọa độ: X=0574484; Y=1565339. Độ cao +161m (so với mặt nước biển).

- Bia di tích thứ hai: Đặt tại khu vực Hang đá Ông Hà ở chân núi Hòn Chè (trên đường mòn đi lên Đồi Sim) thuộc địa phận xóm Sơn Lãnh, thôn Thạch Bàn Tây, xã Cát Sơn. Mặt chính bia nhìn về hướng Tây Nam (nhìn ra đường mòn đi lên Đồi Sim). Vị trí xây dựng bia có tọa độ: X=0573210;Y=1562689. Độ cao +97m (so với mặt nước biển). Từ vị trí Bia di tích lên đến Đồi Sim khoảng 3km, lên đến Hang đá Kiên Cường khoảng 4km.

Về quy hoạch xây dựng tổng thể di tích này, UBND tỉnh giao Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với UBND huyện Phù Cát báo cáo, đề xuất  trình UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.

- Đề nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng nhà văn hóa xã Cát Thắng, kết hợp làm trung tâm học tập cộng đồng, vì hiện nay tại Hội trường UBND xã Cát Thắng có diện tích rất hẹp không đảm bảo cơ sở vật chất (Cử tri xã Cát Thắng).

Trả lời:

Việc đầu tư xây dựng Nhà văn hóa kết hợp với làm Trung tâm học tập cộng đồng tại xã Phước Thắng là cần thiết, vì hiện tại Hội trường UBND  xã Cát Thắng có diện tích rất hẹp. Tuy nhiên, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa theo Quyết định 1211/QĐ-TTg ngày 05/9/2012 của Thủ Tướng Chính phủ đã kết thúc từ năm 2015. Xây dựng cơ sở vật chất văn hóa là một trong 19 tiêu chí về xã nông thôn mới do Trung ương ban hành. Trong thời gian qua, tỉnh ta đã quan tâm hỗ trợ các xã thực hiện chương trình nông thôn mới theo kế hoạch, lộ trình đã đề ra. Việc đầu tư xây dựng Nhà văn hóa kết hợp với làm Trung tâm học tập cộng đồng của xã Cát thắng đưa vào Chương trình nông thôn mới của tỉnh.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND tỉnh giao UBND huyện Phù Cát (trên cơ sở đề nghị của UBND xã Phước Thắng) làm việc với Văn phòng Điều phối Chương trình Nông thôn mới (trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để có kế hoạch cụ thể cho việc đầu tư xây dựng Nhà văn hóa kết hợp với làm Trung tâm học tập cộng đồng, trong chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Phù Cát.

c) Cử tri thị xã An Nhơn:

- Cử tri xã Nhơn Lộc đề nghị các ngành chức năng làm việc với Công ty TNHH Tấn Phát để Công ty đi vào hoạt động gắn với thu mua rượu của Làng nghề rượu Bàu đá như đề án của Công ty được tỉnh phê duyệt.

Trả lời:

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh giao Sở Công Thương kiểm tra, giải quyết trả lời để cử tri được biết.

d) Cử tri huyện Tây Sơn:

- UBND tỉnh xem xét tu bổ, sửa chữa bia tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát Bình An (Cử tri xã Tây Vinh).

Trả lời:

Vụ thảm sát Bình An do lính Nam Triều Tiên gây ra vào tháng 2 năm 1966, sát hại 1004 người dân vô tội. Di tích được xếp hạng cấp quốc gia năm 1980. Trong những năm qua, bằng nguồn vốn của tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với UBND huyện Tây Sơn tiến hành cải tạo, sửa chữa hệ thống tường rào cổng ngõ, sơn sửa nhà bia, lát đá sân nền, trồng cây tạo cảnh quan khu di tích phục vụ lễ tưởng niệm hàng năm tại di tích.

Đối với các bia di tích tại các điểm thảm sát (15 điểm), hiện nay bia đã cũ, một số bị hư hỏng xuống cấp, vì vậy, trong năm 2016, Sở Văn hóa và Thể thao đã chỉ đạo Ban Quản lý di tích xây dựng lại bia di tích tại các địa điểm như: Khu đất thổ mộ, Vườn nhà ông Phạm Chương; năm 2017 đang tiến hành xây lại bia tại điểm di tích Vườn nhà ông Phan Văn Phúc. Trong những năm tiếp theo sẽ có kế hoạch sửa chữa và từng bước xây dựng mới lại các bia tại từng điểm thảm sát trong cụm di tích Vụ thảm sát Bình An.

- UBND tỉnh quan tâm, sớm đầu tư triển khai thi công công trình Di tích Đền thờ Văn Phong, vì công trình này đã được UBND tỉnh thống nhất chủ trương và phê duyệt vị trí mặt bằng xây dựng tại Công văn số 4893/UBND-VX ngày 31/10/2014 nhưng đến nay chưa triển khai thực hiện (Cử tri xã Tây An).

Trả lời:

Đền thờ Văn Phong, xã Tây An, huyện Tây Sơn là công trình tưởng nhớ bậc tiền hiền có công xây dựng đập Văn Phong - công trình dẫn thủy nhập điền đưa nước tưới cho đồng ruộng các xã phía đông huyện Tây Sơn từ đầu thế kỷ XVIII. Di tích đã được UBND tỉnh xếp hạng năm 2012. Sở Văn hóa và Thể thao đã tiến hành xây dựng bia di tích.

Tại Văn bản số 4893/UBND-VX ngày 31/10/2014, UBND tỉnh đã thống nhất vị trí mặt bằng xây dựng di tích Đền thờ Văn Phong (tại lô đất của Trường Mẫu giáo nằm liền kề với khu di tích đã được quy hoạch theo khu di tích) và đồng ý chủ trương hỗ trợ kinh phí để UBND huyện Tây Sơn xây dựng di tích Đền thờ Văn Phong; giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (nay là Sở Văn hóa và Thể thao) và UBND huyện Tây Sơn cân đối bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ, trình UBND tỉnh.

Trên cơ sở đó, UBND huyện Tây Sơn triển khai thực hiện. Ngày 27/4/2015, UBND huyện Tây Sơn có Tờ trình số 61/TTr-UBND trình UBND tỉnh về việc xin hỗ trợ kinh phí xây dựng di tích Đền thờ Văn Phong. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét đề xuất. Ngày 14/5/2015, Sở Kế hoạch và Đầu tư có văn bản số 448/SKHĐT-VX đã nêu: Báo cáo kinh tế - kỹ thuật của dự án chưa duyệt trước ngày 31/10/2014, do vậy chưa được xem xét bố trí kế hoạch vốn năm 2015.

Trước đó, theo hướng dẫn của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 1520/SKHĐT-TH ngày 31/12/2014 thực hiện một số nội dung triển khai Luật Đầu tư công, đối với dự án này, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị UBND huyện  Tây Sơn thực hiện lập chủ trương đầu tư theo nội dung đã hướng dẫn và gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư. UBND tỉnh giao UBND huyện Tây Sơn tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn của Sở Kế hoạch và Đầu tư để trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

e) Cử tri huyện Vĩnh Thạnh:

- Cử tri xã Vĩnh Thịnh kiến nghị: Việc bảo tồn và phát huy di tích lịch sử có ý nghĩa rất quan trọng, minh chứng về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tuy nhiên, di tích Gộp Nước Ló chưa được quan tâm. Bảng chỉ dẫn vào khu di tích ngày càng bị che khuất, chưa có con đường đi từ Làng M2 (Kon Tơ Lốc) đến Khu di tích Gộp Nước Ló. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm sớm đầu tư làm đường vào Khu di tích Gộp Nước Ló.

Trả lời:

Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao: Cuộc Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh diễn ra từ ngày 6/2/1959, nhân dân 12 làng thuộc xã Vĩnh Hiệp và Vĩnh Hảo huyện Vĩnh Thạnh đồng loạt đứng lên tự vũ trang chống Mỹ - Diệm dồn dân. Nhân dân lập phòng tuyến chiến đấu, chặn đánh địch đi càn vào làng; sau đó phong trào lan tỏa ra khắp huyện. Nổi bật trong phong trào Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh là Khởi nghĩa Tơlok - Tơlek tại Gộp Nước Ló. Di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia năm 2002. Năm 2013, Sở Văn hóa và Thể thao đã chỉ đạo Ban Quản lý di tích tiến hành xây dựng bia di tích để ghi dấu địa điểm lịch sử, đồng thời xây dựng bảng chỉ dẫn đường vào di tích.

Về ý kiến của cử tri về việc bảng chỉ dẫn đường vào di tích bị che khuất, Ban Quản lý di tích tỉnh đã phối hợp Phòng Văn hóa và Thông tin huyện xử lý, khắc phục. Về kiến nghị đường đi từ làng M2 (Kon Tờ Lốc) đến khu di tích Gộp Nước Ló, vì đường đi đến di tích phải xuyên qua rừng, đồi dốc, hiện nay đang sử dụng đường mòn tự nhiên theo địa hình nên việc đầu tư mở đường cần nguồn kinh phí lớn; UBND tỉnh giao Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với các ngành liên quan và UBND huyện Vĩnh Thạnh khảo sát, xem xét đề xuất UBND tỉnh.

f) Cử tri huyện Hoài Nhơn:

- Hoài Nhơn là huyện có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái biển, tuy nhiên chưa được đầu tư thỏa đáng. Do đó, cử tri kiến nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư, xây dựng hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển  du lịch trên địa bàn huyện, tạo chuỗi liên kết phát triển dịch vụ du lịch của tỉnh.

Trả lời:

Huyện Hoài Nhơn cách thành phố Quy Nhơn 90km, nằm trên các trục giao thông quan trọng của tỉnh và có vị trí trung tâm giao thương với các huyện phía Bắc tỉnh Bình Định. Hoài Nhơn có lợi thế tài nguyên du lịch biển, đường bờ biển dài 24 km với nhiều bãi biển tự nhiên, hoang sơ, trong lành chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội như bãi biển Thiện Chánh (Tam Quan Bắc), Cửu Lợi Bắc (Tam Quan Nam), gành Diêu Quang (Hoài Hải), Lộ Diêu (Hoài Mỹ)... Bên cạnh đó, Hoài Nhơn cũng có tiềm năng du lịch làng nghề, cảnh quan sinh thái, văn hóa – lịch sử, những sản vật đặc trưng của vùng biển và ven biển. Hiện nay, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến huyện đã có sự quan tâm đối với công tác phát triển du lịch huyện Hoài Nhơn, hướng tới xây dựng Hoài Nhơn là điểm đến hấp dẫn, trung tâm du lịch phía Bắc tỉnh.

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Du lịch xây dựng Quy hoạch phát triển du lịch khu vực phía Bắc tỉnh Bình Định (4 huyện: Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Hoài Ân, An Lão) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh đã phê duyệt Đề cương, dự toán Quy hoạch phát triển du lịch khu vực phía Bắc tỉnh theo Quyết định số 1730/QĐ-UBND ngày 19/5/2017. Trong Quy hoạch phát triển du lịch khu vực phía Bắc tỉnh Bình Định sẽ có định hướng phát triển du lịch nói chung và du lịch biển nói riêng với các nội dung cụ thể như: phát triển hạ tầng du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, thị trường du lịch… và các giải pháp thực hiện quy hoạch.

Đồng thời, UBND huyện Hoài Nhơn đã ban hành Kế hoạch phát triển du lịch huyện Hoài Nhơn giai đoạn 2017 - 2020 theo Quyết định số 2534/QĐ-UBND ngày 14/4/2017 trong đó, đề cập đến các giải pháp chủ yếu và các nội dung nhiệm vụ cụ thể để phát triển du lịch của huyện đến năm 2020.

- Đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư Di tích Chiến thắng Đồi Mười (xã Hoài Châu Bắc) xứng tầm Di tích Lịch sử cấp Quốc gia.

Trả lời:

Hiện nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Hoài Nhơn - đơn vị được giao là chủ đầu tư phối hợp với các ngành liên quan hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 công trình Di tích Chiến thắng Đồi Mười (theo ý kiến Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy). Để công trình di tích sớm được triển khai thực hiện, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Hoài Nhơn khẩn trương hoàn thiện hồ sơ quy hoạch theo ý kiến Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt.

 

XII. PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH, THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

a) Cử tri phường Lý Thường Kiệt, TP. Quy Nhơn:

- Việc lắp đặt trạm BTS tại số nhà 11 Phan Huy Chú cử tri trên địa bàn phường đã phản ánh nhiều trong các buổi tiếp xúc cử tri nhưng hiện nay vẫn còn tồn tại (Dù chưa đi vào hoạt động); vẫn còn xảy ra tình trạng lén lắp đặt các thiết bị. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng sớm giải quyết tình trạng trên.

Trả lời:

Trạm BTS lắp đặt tại số nhà 11 Phan Huy Chú, phường Lý Thường Kiệt, thành phố Quy Nhơn được Sở Thông tin và Truyền thông chấp thuận vị trí lắp đặt trạm tại Văn bản số 299/STTTT-BCVT ngày 28/7/2014; UBND thành phố Quy Nhơn cấp Giấy phép xây dựng số 22/GPXD ngày 09/01/2015. Việc Viễn Thông Bình Định đang tiến hành lắp đặt trạm BTS tại địa chỉ trên là tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành của pháp luật về xây dựng, phát triển trạm BTS.

Đồng thời, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với UBND thành phố Quy Nhơn và các đơn vị liên quan tổ chức họp các hộ dân tuyên truyền, giải thích việc ảnh hưởng sóng điện từ của trạm BTS đối với sức khỏe, để người dân hiểu, đồng thuận.

b) Cử tri xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn:

Đề nghị cơ quan chức năng có thông tin chính thực về việc ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng của 02 trạm phát sóng mạng điện thoại di động tại thôn Bắc Thuận, để nhân dân được biết.

Trả lời:

Việc xây dựng, lắp đặt công trình viễn thông nói chung và trạm thu, phát sóng thông tin di động (trạm BTS) nói riêng đã được Quốc hội, Chính phủ quy định chặt chẽ tại Luật Viễn thông số 18/2009/QH12 ngày 23/11/2009; Bộ Thông tin và Truyền thông đã quy định cụ thể hóa tại các Thông tư số 16/2011/TT-BTTTT, số 17/2011/TT-BTTTT và số 18/2011/TT-BTTTT ngày 30/6/2011 quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của trạm BTS bắt buộc phải kiểm định để đảm bảo an toàn của công trình trước khi đưa vào sử dụng. 

Trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 886/QĐ-UBND ngày 31/12/2009 quy định về quy trình quản lý đầu tư xây dựng và triển khai hoạt động trạm BTS; Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 20/5/2011 về việc tăng cường công tác quản lý và phát triển bền vững cơ sở hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 20/01/2017 Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Văn bản số 212/BTTTT-KHCN về việc phổ biến thông tin liên quan đến việc quản lý phát triển các trạm BTS ở Việt Nam. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã khẳng định: Với các cơ sở khoa học từ Tổ chức Y tế thế giới, tiêu chuẩn quốc tế/tiêu chuẩn Việt Nam và biện pháp quản lý chuyên ngành, có thể khẳng định rằng các trạm BTS đã được cơ quan chức năng kiểm định và cấp giấy chứng nhận sẽ đảm bảo an toàn bức xạ điện từ theo quy định.

c) Cử tri huyện An Lão:

- Ngành chức năng tỉnh xây trạm phát sóng điện thoại tại thôn 1, xã An Toàn và thôn 3-5 xã An Nghĩa.

Trả lời:

Việc phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh luôn được UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông quan tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông đầu tư phát triển và cung cấp dịch vụ, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo.

Thực hiện Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích (VTCI) đến năm 2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Viettel Bình Định xây dựng kế hoạch triển khai cơ sở hạ tầng thông tin di động trên địa bàn, trình Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, phê duyệt; trong đó, có việc xây dựng các trạm BTS phục vụ thông tin liên lạc tại thôn 1, xã An Toàn và  thôn 3, thôn 5 xã An Nghĩa (đang chờ ý kiến phê duyệt của Bộ Thông tin và Truyền thông).

Để đảm bảo thông tin liên lạc tại 03 thôn nêu trên, Viettel Bình Định xây dựng phương án xây dựng trạm BTS và dự kiến sẽ triển khai xây dựng, đưa vào hoạt động các trạm BTS tại các thôn nêu trên trong cuối năm 2017.

XIII. LĨNH VỰC NGÂN HÀNG

a) Cử tri trên địa bàn huyện Hoài Ân:

- Nhà nước có chính sách hỗ trợ, nhất là khoanh nợ, giãn nợ, tạm ngưng thu lãi đối với các nguồn vốn vay liên quan đến kinh doanh, chăn nuôi heo. Vì, từ tháng 8 năm 2016 đến nay, giá heo hơi liên tục xuống thấp, giao động ở mức 18.000-22.000đồng/kg, không những người chăn nuôi lỗ nặng mà các đại lý phân phối cám cũng không thu được nợ để tái đầu tư.

Trả lời:

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với ngành chăn nuôi lợn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản 3091/NHNN-TD ngày 28/4/2017 yêu cầu các TCTD thực hiện các giải pháp hỗ trợ ngành chăn nuôi lợn như: cơ cấu lại thời hạn nợ phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng nhưng giữ nguyên nhóm nợ 01 lần đối với một khoản nợ, cho vay mới để phục hồi sản xuất kinh doanh đối với khách hàng có phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi và xem xét các biện pháp hỗ trợ khác (miễn, giảm lãi vay, lãi quá hạn; ưu tiên thu nợ gốc trước thu nợ lãi sau).

Ngày 30/5/2017, NHNN Chi nhánh tỉnh cùng với các tổ chức tín dụng trên địa bàn phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, Hội Nông dân tỉnh đã có buổi làm việc với Lãnh đạo huyện Hoài Ân để bàn giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi heo trong bối cảnh giá heo hơi đang xuống thấp. Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nắm bắt những khó khăn của người chăn nuôi trên địa bàn huyện đồng thời bàn về thực hiện có hiệu quả hơn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi trên địa bàn có quan hệ tín dụng với Ngân hàng. Các tổ chức tín dụng đã thực hiện tái cơ cấu nợ khi khách hàng vay có đề nghị, ưu tiên trả gốc trước, lãi trả sau, cho vay mới để phục hồi sản xuất kinh doanh đối với khách hàng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi.

Trong thời gian đến, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với ngành chăn nuôi lợn theo  văn bản 3091/NHNN-TD ngày 28/4/2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

b) Cử tri xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn:

Hiện nay, hộ nghèo vay vốn để chăn nuôi thì thời gian vay chỉ 3 năm, như vậy là rất ngắn, chưa phát huy được hiệu quả. Đề nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh kéo dài thời gian vay vốn chăn nuôi thời hạn đến 5 năm.

Trả lời:

Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam có văn bản số 316/NHCS-KH, ngày 02/5/2003 về việc hướng dẫn nghiệp vụ cho vay đối với hộ nghèo, theo đó NHCSXH và hộ vay thoả thuận về thời hạn cho vay căn cứ vào: Mục đích sử dụng vốn vay; chu kỳ sản xuất, kinh doanh (đối với cho vay sản xuất, kinh doanh, dịch vụ,...); khả năng trả nợ của hộ vay; nguồn vốn cho vay của NHCSXH. Do vậy, thời gian cho vay đối với mục đích chăn nuôi ghi trên hợp đồng là 3 năm là căn cứ theo văn bản 316/NHCS-KH.

Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh giao Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh kiến nghị với Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam.

XIV. VỀ GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO

a) Cử tri thành phố Quy Nhơn:

- Cử tri xã Nhơn Châu đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng xem xét miễn giảm học phí cho học sinh trên địa bàn xã đảo vì hiện nay đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn nên không đảm bảo việc học tập của con em.

Trả lời:

Hiện nay, chính sách miễn, giảm học phí do Chính phủ quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/12/2015 về quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021; Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/3/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/12/2015 của Chính phủ về quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 và Quyết định số 55/2015/QĐ-UBND ngày 25/12/2015 của UBND tỉnh Bình Định.

    Theo đó: học sinh thuộc xã đảo Nhơn Châu chỉ được thực hiện chính sách miễn, giảm học phí cho các đối tượng do Nhà nước quy định (học sinh có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và học sinh thuộc các đối tượng khác theo quy định), không thực hiện miễn, giảm học phí cho tất cả học sinh trên địa bàn xã đảo Nhơn Châu.

Nội dung kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh giao Sở GD&ĐT phối hợp với UBND thành phố Quy Nhơn xem xét, báo cáo đề xuất UBND tỉnh.

b) Cử tri huyện Phù Cát:

- Cử tri xã Cát Tiến đề nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng trường THPT các xã tuyến biển để thuận tiện con em đến trường và mở trường Tiểu học bán trú cho nhân dân gửi con em để yên tâm làm việc, công tác.

Trả lời:

Thực hiện Quyết định số 4008/QĐ-UBND ngày 26/12/2013 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy hoạch mạng lưới trường, lớp học (mầm non và phổ thông) của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định đến năm 2020; để phục vụ nhu cầu học tập cho nhân dân các xã tuyến biển huyện Phù Cát, đến nay tỉnh đã mở 3 trường THPT gồm: Trường THPT số 2 Phù Cát tuyển học sinh tốt nghiệp THCS của các trường THCS: Cát Minh, Cát Tài, Mỹ Cát; Trường THPT Ngô Lê Tân tuyển học sinh tốt nghiệp THCS của các trường THCS: Cát Khánh, Cát Thành, Cát Hải; Trường THPT số 3 Phù Cát và THPT Nguyễn Hữu Quang tuyển học sinh tốt nghiệp THCS của các trường THCS: Cát Hưng, Cát Nhơn, Cát Thắng, Cát Hải, Cát Tiến, Cát Chánh.

Dự kiến đến năm 2020, nếu qua khảo sát dân số, số lượng học sinh đảm bảo các điều kiện để thành lập trường THPT, UBND tỉnh sẽ xem xét thành lập một trường THPT trên địa bàn xã Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn nhằm đáp ứng nhu cầu học tập nhân dân  các xã Nhơn Hội, Nhơn Lý, Nhơn Hải và Thôn Phú Hậu xã Cát Tiến (Phù Cát).

Về việc mở lớp bán trú tại các trường Tiểu học, UBND tỉnh giao UBND huyện Phù Cát chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức thực hiện theo phân cấp quản lý giáo dục hiện hành.

c) Cử tri huyện An Lão:

- Đề nghị UBND tỉnh xem xét điều chỉnh Quyết định số 4387/QĐ-UBND ngày 17/12/2015 của UBND tỉnh Bình Định về chi bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp. Vì theo Quyết định này, chỉ chi bồi dưỡng cho giáo viên tại các trường trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, còn các trường trực thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện thì không được chi bồi dưỡng. Như vậy, không công bằng trong việc thực hiện các chế độ.

Trả lời:

Quyết định số 4387/QĐ-UBND ngày 17/12/2015 của UBND tỉnh Bình Định về việc điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 754/QĐ-UBND ngày 31/12/2012 của UBND tỉnh Bình Định, theo đó chỉ điều chỉnh, bổ sung chế độ đối với cán bộ quản lý, giáo viên khi tham gia bồi dưỡng đội tuyển dự thi cấp quốc gia (cấp THPT) và các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo có bồi dưỡng học giỏi cấp THPT tham gia dự thi học sinh giỏi THPT cấp tỉnh. Đối với các Phòng Giáo dục và Đào tạo (không có đối tượng học sinh dự thi học sinh giỏi cấp quốc gia) mức chi bồi dưỡng cho học sinh giỏi Tiểu học, THCS dự thi cấp huyện, cấp tỉnh. Mức chi bồi dưỡng học sinh dự thi cấp tỉnh theo mục 2.1, cấp huyện theo mục 2.2.1 của Quyết định 754/QĐ-UBND ngày 31/12/2012 của UBND tỉnh Bình Định.

- Đề nghị các cấp cho xây dựng lại trường PTDT Bán trú Đinh Nỉ, vì theo kế hoạch, hồ chứa nước Đồng Mít được xây dựng, trường trên nằm trong khu vực lòng hồ (Cử tri xã An Vinh).

Trả lời:

Theo phân cấp nhiệm vụ quản lý Nhà nước về Giáo dục Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở do UBND huyện An Lão quản lý. UBND tỉnh giao UBND huyện An Lão xem xét quyết định đầu tư xây dựng lại Trường PTDT Bán trú Đinh Nỉ phù hợp với kế hoạch và tiến độ xây dựng hồ chứa nước Đồng Mít.

d) Cử tri thị xã An Nhơn:

- Sở Giáo dục - Đào tạo nên có kế hoạch đầu tư bể bơi dã chiến cho các trường, phục vụ cho hoạt động bơi lội của học sinh, hạn chế tình trạng đuối nước (cử tri phường Đập Đá, thị xã An Nhơn và xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn)

Trả lời:

Về Khung chương trình của Bộ GD&ĐT và phân phối chương trình dạy môn Thể dục ở cấp tiểu học, Sở GD&ĐT Bình Định đều có khuyến khích giáo viên Thể dục tại các trường dạy môn Bơi lội nên đưa vào phần thể thao tự chọn (về tài liệu sách giáo viên Thể dục đều có biên soạn việc giảng dạy bộ môn Bơi lội), song ở tỉnh ta rất khó thực hiện vì hiện nay tất cả các trường Tiểu học và trực thuộc (gọi tắt là cơ sở giáo dục) đều chưa có hồ bơi ngay tại trường học, nên giáo viên Thể dục không thể dạy môn học này được.

Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh giao Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Tài chính và các ban ngành liên quan tham mưu đề xuất UBND tỉnh trong việc xây dựng hồ bơi dã chiến mang tính chất liên trường (nhất là các vùng lũ) nhằm dạy bơi cho học sinh để giảm thiểu nguy cơ rủi ro do tai nạn đuối nước.

e) Cử tri huyện Tây Sơn:

- Cử tri thị trấn Phú Phong kiến nghị: Học sinh là con em khối Phú Xuân phải theo học tại trường THCS Bùi Thị Xuân thuộc xã Tây Xuân nhưng thu học phí theo mức con em các khối khác thuộc thị trấn Phú Phong theo học tại trường THCS Võ Xán. Đề nghị cơ quan chức năng của tỉnh cho cử tri biết đã  tiếp thu và giải quyết kiến nghị này như thế nào.

Trả lời:

  Hiện nay, mức thu học phí trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo Quyết định số 55/2015/QĐ-UBND ngày 25/12/2015 của UBND tỉnh Bình Định, mức thu học phí được xác định theo vùng (thành thị, nông thôn, miền núi), đối với học sinh được xác định vùng theo hộ khẩu thường trú của hộ gia đình.

Vì vậy, trường THCS Bùi Thị Xuân và học sinh có hộ khẩu thường trú khối Phú Xuân thuộc thị trấn Phú Phong là vùng thành thị nên trường THCS Bùi Thị Xuân thực hiện thu học phí con em có hộ khẩu thường trú khối Phú Xuân theo vùng thành thị là đúng theo quy định tại Quyết định số 55/2015/QĐ-UBND ngày 25/12/2015 của UBND tỉnh Bình Định.

XV. VỀ XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN

a) Cử tri thành phố Quy Nhơn:

-  Kiến nghị UBND tỉnh quan tâm đến chế độ chính sách cho các hội đặc thù như: Hội cựu TNXP, hội nạn nhân chất độc da cam Dioxin…(Cử tri phường Lê Lợi, Trần Hưng Đạo).

Trả lời:

Theo Quyết định số 186/QĐ-UBND ngày 21/01/2013 của UBND tỉnh về việc phê duyệt danh sách và quy định chế độ, chính sách đối với các hội có tính chất đặc thù hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Định và Quyết định số 913/QĐ-UBND ngày 01/4/2014 của UBND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách đối với hội có tính chất đặc thù thì tổng số hội có tính chất đặc thù trên toàn tỉnh được công nhận là 656 hội; tổng số biên chế, định biên là 808 người; tổng kinh phí hàng năm chi cho các hội đặc thù là 22 tỷ 311 triệu đồng. Trong đó: Hội Cựu thanh niên xung phong có 06 hội, được bố trí 13 định biên; kinh phí nhà nước cấp hàng năm là 670.791.000 đồng. Hội Nạn nhân chất độc da cam Dioxin có 06 hội, được bố trí 13 định biên; kinh phí nhà nước cấp hàng năm là 719.127.000 đồng.

Về chế độ thù lao cho người về hưu giữ các chức danh lãnh đạo chuyên trách: Hội cấp tỉnh: Chủ tịch hưởng hệ số 4,0; Phó Chủ tịch hưởng hệ số; hội cấp huyện: Chủ tịch hưởng hệ số 2,56; Phó Chủ tịch hưởng hệ số 2,17; hội cấp xã: Chủ tịch hưởng hệ số 1,0 (so với mức lương cơ sở).

Các hội có cùng tên gọi, cùng lĩnh vực hoạt động nhưng thời điểm thành lập và các điều kiện, tiêu chuẩn không đảm bảo theo quy định tại Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg ngày 01/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ thì không được công nhận là hội có tính chất đặc thù.

b) Cử tri huyện Tuy Phước:

- Mức phụ cấp cho đối tượng là cán bộ không chuyên trách xã, cán bộ thôn theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP là quá thấp so với mặt bằng chung. Đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh một số qui định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP cho phù hợp; đồng thời có chế độ chính sách hỗ trợ cho cán bộ cấp thôn tham gia công tác lâu năm khi đến tuổi nghỉ hưu (Cử tri các xã: Phước Lộc, Phước Hưng, Phước Sơn và cử tri các địa phương khác).

Trả lời:

Theo quy định của UBND tỉnh, hiện nay ở cấp xã có 21 chức danh người hoạt động không chuyên trách hưởng mức phụ cấp từ 1,0 đến 1,2 mức lương cơ sở, được ngân sách hỗ trợ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và tham gia bảo hiểm y tế; ở thôn, làng, khối phố, khu phố có 4 chức danh người hoạt động không chuyên trách hưởng mức phụ cấp hệ số từ 0,5 đến 0,6 mức lương cơ sở, được ngân sách hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện. Theo quy định tại Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 08/4/2013 của Chính phủ, mức khoán quỹ chi trả phụ cấp người hoạt động không chuyên trách được thực hiện theo kết quả phân loại đơn vị hành chính cấp xã: xã loại 1 bằng 20,3 mức lương cơ sở; xã loại 2 bằng 18,6 mức lương cơ sở; xã loại 3 bằng 17,6 mức lương cơ sở. Trong năm 2014, UBND tỉnh đã nâng mức phụ cấp cho các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở xã (mỗi chức danh tăng thêm hệ số 0,2 mức lương cơ sở kể từ ngày 01/01/2014), nên nếu tiếp tục nâng mức phụ cấp sẽ vượt trần mức khoán theo quy định và ngân sách địa phương không có điều kiện cân đối.

Thực hiện Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ tổ chức khảo sát xây dựng đề án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, theo đó sẽ khuyến khích các địa phương tăng cường việc bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách nhằm giảm số lượng người làm việc và tăng phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở địa bàn cơ sở.

c) Cử tri huyện Vân Canh:

- Cử tri xã Canh liên đề nghị Nhà nước nên có chính sách tuyển dụng cán bộ đối với con em là người đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã miền núi đặc biệt khó khăn; nên xem xét tuyển dụng thẳng, không tổ chức thi tuyển như các xã đồng bằng đối với những đối tượng này sau khi hoàn thành chương trình học cao đẳng, đại học.

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 2, Điều 11 Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT ngày 30 tháng 10 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xác thực văn bản hợp nhất Nghị định quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân quy định: UBND cấp tỉnh chỉ đạo việc tiếp nhận hồ sơ và xét tuyển hoặc gửi hồ sơ tới các cơ quan, đơn vị dự kiến sử dụng để xét tuyển vào vị trí việc làm theo quy định tại Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức đối với người được cử đi học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp”.

Tuy nhiên, theo Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 và Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức không quy định việc xem xét, tiếp nhận không qua thi tuyển (vào công chức) và xét tuyển đặc cách không qua thi tuyển, xét tuyển (vào viên chức) đối với đối tượng sinh viên cử tuyển là người dân tộc thiểu số.

Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh giao Sở Nội vụ kiến nghị Bộ Nội vụ về việc xét tuyển đặc cách không qua thi tuyển vào vị trí việc làm đối với người được cử đi học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp.

d) Cử tri huyện Vĩnh Thạnh:

- Cử tri xã Vĩnh Thuận đề nghị UBND tỉnh quan tâm làm việc với cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai để giải quyết dứt điểm tình trạng người dân Gia Lai xâm canh trên đất của xã Vĩnh Thuận.

Trả lời:

Về nội dung kiến nghị của cử tri xã Vĩnh Thuận, căn cứ Biên bản làm việc giữa UBND tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai ngày 19/8/2016 và kết quả làm việc giữa Sở Nội vụ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hai tỉnh, UBND huyện Vĩnh Thạnh và thị xã An Khê ngày 27/12/2016, hiện nay, các sở, ngành và địa phương có liên quan phối hợp triển khai thực hiện công tác rà soát, kiểm tra mốc địa giới hành chính, thống kê xác định diện tích đất rừng đang bị một số hộ dân thị xã An Khê lấn chiếm, xây dựng phương án báo cáo UBND hai tỉnh giải quyết dứt điểm tình trạng nêu trên.

e) Cử tri huyện Phù Cát:

- Nhà nước quan tâm hỗ trợ kinh phí hoạt động của Ban nhân dân thôn, hiện nay Ban nhân dân thôn không có kinh phí hoạt động (Cử tri xã Cát Trinh).

Trả lời:

Theo quy định Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố và Quyết định số 45/2013/QĐ-UBND ngày 20/12/2013 của UBND tỉnh, hiện nay ở thôn, làng, khối phố, khu phố không có tổ chức “Ban nhân dân thôn” mà chỉ bố trí chức danh Trưởng thôn và Phó Trưởng thôn để đảm nhiệm công tác và hưởng phụ cấp từ ngân sách. Kinh phí hoạt động của thôn, khu phố do UBND cấp xã xem xét hỗ trợ từ ngân sách theo phân cấp. Do vậy, không có căn cứ hỗ trợ kinh phí hoạt động cho tổ chức “Ban nhân dân thôn” như kiến nghị của cử tri.

- UBND tỉnh quan tâm nâng mức kinh phí hoạt động của Hội người cao tuổi, hiện nay kinh phí hoạt động rất thấp (3,6 triệu đồng/năm) trong khi đó thực tế Hội người cao tuổi hoạt động gần 40 triệu đồng/năm (19 triệu tiền mừng thọ, 20 triệu tiền khám sức khoẻ định kỳ) (Cử tri xã Cát Trinh, Cát Tiến).

Trả lời:

Hiện nay, có 142 Hội Người cao tuổi cấp xã được UBND tỉnh công nhận là hội có tính chất đặc thù; được bố trí 142 định biên; phụ cấp cho Chủ tịch hội là 1,0; kinh phí hoạt động được cấp là 3.600.000 đồng/năm. Tổng kinh phí ngân sách tỉnh cấp hàng năm cho Hội Người cao tuổi cấp xã là: 2 tỷ 471 triệu đồng. Vì điều kiện, khả năng nguồn ngân sách của tỉnh khó khăn, UBND tỉnh chỉ hỗ trợ kinh phí hoạt động chung cho hội đặc thù cấp xã là 3.600.000 đồng/năm, không quy định các khoản chi cụ thể.

- UBND tỉnh quan tâm nâng mức phụ cấp cho cán bộ Phó Chủ tịch Hội người cao tuổi và chế độ đối với cán bộ xã nghỉ hưu vì hiện nay chế độ quá thấp (Cử tri xã Cát Hiệp).

Trả lời:

Tại Quyết định số 186/QĐ-UBND ngày 21/01/2013 của UBND tỉnh không quy định phụ cấp cho chức danh Phó Chủ tịch hội đặc thù cấp xã; hội tự cân đối trong kinh phí được ngân sách hỗ trợ để hoạt động. Do vậy, không có cơ sở để nâng mức phụ cấp cho chức danh Phó Chủ tịch Hội người cao tuổi cấp xã.

- Cử tri xã Cát Sơn đề nghị: Tỉnh giải quyết vấn đề chồng lấn ranh giới giữa xã Cát Sơn và xã Cát Lâm (Cử tri xã Cát Sơn).

Trả lời:

Theo Khoản 4 Điều 29 Luật Đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29/01/2013 quy định tranh chấp địa giới hành chính giữa các đơn vị hành chính do UBND của các đơn vị hành chính đó cùng phối hợp giải quyết. Trường hợp không đạt được sự nhất trí về phân định địa giới hành chính hoặc việc giải quyết làm thay đổi địa giới hành chính thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết theo quy định. Do đó, UBND tỉnh giao UBND huyện Phù Cát triển khai cho UBND các xã Cát Lâm và Cát Sơn kiểm tra, rà soát lại khu vực có chồng lấn ranh giới giữa hai xã để giải quyết theo thẩm quyền.

f) Cử tri huyện Vĩnh Thạnh:

- Cử tri xã Vĩnh Thịnh đề nghị cơ quan chức năng giải quyết chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho lực lượng công an xã.

Trả lời:

Theo quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 và Nghị định số 73/2009/NĐ-CP ngày 07/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Công an xã, chế độ tiền lương, phụ cấp Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên thực hiện theo quy định của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn.

Theo Quyết định số 45/2013/QĐ-UBND ngày 20/12/2013 của UBND tỉnh, chức danh Phó Trưởng công an là người hoạt động không chuyên trách ở xã được hưởng phụ cấp hệ số 1,20 mức lương cơ sở, được ngân sách hỗ trợ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và tham gia bảo hiểm y tế; chức danh công an viên được hưởng phụ cấp hệ số 0,5 mức lương cơ sở. Ngoài ra, theo Quyết định số 47/2012/QĐ-UBND ngày 19/12/2012 của UBND tỉnh. do tính chất đặc thù chức danh Phó Trưởng công an xã còn được hưởng phụ cấp trách nhiệm quản lý, chỉ huy hệ số 0,22. Do chức danh Công an viên không thuộc chức danh người hoạt động không chuyên trách nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ kinh phí tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Kiến nghị của cử tri về giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với lực lượng công an xã, UBND tỉnh giao Công an tỉnh chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, báo cáo đề xuất UBND tỉnh.

g) Cử tri huyện Hoài Ân:

- Nhà nước quan tâm đến biên chế cho Văn phòng Đảng ủy, nâng chế độ phụ cấp cho cán bộ hợp đồng xã, thôn để họ đủ điều kiện hoạt động. Vì hiện nay mức hỗ trợ còn rất thấp, cán bộ không an tâm công tác.

Trả lời:

Hiện nay, chức danh Văn phòng Đảng ủy cấp xã không thuộc chức danh cán bộ, công chức được quy định tại Điều 61 của Luật Cán bộ, công chức và Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ. Trong thời gian qua, tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri trong tỉnh, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ xem xét trình Quốc hội sửa đổi bổ sung Luật Cán bộ, công chức theo hướng đưa một số chức danh công tác ở cấp xã có khối lượng công việc nhiều, thường xuyên liên tục, mang tính chuyên môn nghiệp vụ vào thành công chức cấp xã để ổn định cơ cấu các chức danh cán bộ, công chức cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao ở địa bàn cơ sở.

Theo quy định của Luật Cán bộ, công chức; Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn; Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ và Thông tư số 06/2012/TT-BNV ngày 30/10/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức trách, tiêu chuẩn cụ thể, nhiệm vụ và tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn thì ở cấp xã và ở thôn, khu phố không bố trí người làm việc theo chế độ hợp đồng. Do đó, không có cơ sở nâng mức phụ cấp cho đối tượng này theo kiến nghị của cử tri.

- Hiện nay phụ cấp thâm niên của Chỉ huy trưởng BCH quân sự xã được tính đóng BHXH phần tính thâm niên, còn Trưởng công an xã nhận phụ cấp thâm niên nhưng không được đóng BHXH. Cử tri đề nghị các cấp xem xét, bổ sung để 2 đối tượng này được hưởng như nhau.

Trả lời:

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh giao Công an tỉnh kiểm tra, đề xuất UBND tỉnh trả lời.

XVI. VỀ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

a) Cử tri thành phố Quy Nhơn:

- UBND tỉnh xem xét hỗ trợ thêm mức trợ cấp thờ cúng liệt sĩ hàng năm (hiện nay trợ cấp 500.000 đồng/năm), cũng như hỗ trợ thẻ Bảo hiểm y tế cho thân nhân thờ cúng liệt sĩ (Cử tri phường Nhơn Phú).

Trả lời:

Căn cứ Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ, liệt sĩ không còn người hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng thì người thờ cúng liệt sĩ chỉ được hưởng trợ cấp thờ cúng mỗi năm một lần, mức trợ cấp 500.000 đồng. Nội dung kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo kiến nghị Trung ương xem xét.

b) Cử tri huyện Tuy Phước:

- Đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Trung ương bổ sung đối tượng được hưởng chế độ theo Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 14/06/2016 của Thủ tướng Chính phủ về trợ cấp một lần đối với người có thành tích tham gia kháng chiến được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với những gia đình được tặng Bằng khen Gia đình kháng chiến, Bằng khen Gia đình vẻ vang (Cử tri xã Phước Hưng).

Trả lời:

Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, báo cáo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh để kiến nghị tại các kỳ họp của Quốc hội.

c) Cử tri huyện Vân Canh:

- Hiện nay, mức hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 (chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định  giai đoạn 2) 20.000.000 đồng/hộ là thấp. Đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét nâng mức hỗ trợ.

Trả lời:

Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, kiến nghị Bộ Lao động - TB&XH để báo cáo Chính phủ xem xét giải quyết.

d) Cử tri huyện Phù Mỹ:

- UBND tỉnh kiến nghị Trung ương có chính sách bảo trợ xã hội cho đối tượng từ 80 tuổi trở lên, kể cả hưu trí để đảm bảo sự công bằng, vì tiền lương hưu là của cá nhân trong quá trình làm việc, đóng góp bảo hiểm xã hội (Cử tri xã Mỹ Thọ, xã Mỹ Hiệp).

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật người cao tuổi thì đối tượng người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là người từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng.

Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, báo cáo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh để kiến nghị tại các kỳ họp của Quốc hội.

- UBND tỉnh kiến nghị Trung ương quan tâm xem xét chế độ lương hưu cho những người về hưu trước năm 1984 vì so với hiện nay rất thấp và có chế độ an dưỡng hàng năm cho những người tham gia cách mạng trước năm 1960 (Cử tri xã Mỹ Hiệp).

Trả lời:

Vấn đề cử tri nêu, UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, kiến nghị với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Chính phủ xem xét giải quyết.

- Đề nghị tỉnh kiến nghị Trung ương quan tâm xem xét giải quyết diện đối tượng người tham gia hoạt động kháng chiến được Nhà nước tặng thưởng Huy chương kháng chiến; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng để đảm bảo cuộc sống vì đối tượng này nay tuổi cao, sức yếu, cuộc sống rất khó khăn (Cử tri xã Mỹ Châu).

Trả lời:

Vấn đề cử tri nêu, UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, kiến nghị với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Chính phủ xem xét giải quyết.

- Thực hiện Quyết định số 290/2005/QĐ-CP ngày 08/11/2005, Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ, một số trường hợp thuộc diện được hưởng chế độ đã xác lập hồ sơ và đã gửi đến cơ quan có thẩm quyền rất lâu rồi (thời gian 4-5 năm) nhưng không thấy giải quyết, sai đúng như thế nào, có còn hiệu lực không mà đến nay vẫn chưa được hưởng chế độ theo quy định. Đề nghị UBND tỉnh trả lời cho cử tri biết (Cử tri thị trấn Bình Dương).

Trả lời:

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh giao Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh kiểm tra, đề xuất UBND tỉnh trả lời cho cử tri.

e) Cử tri thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân:

Nhà nước sớm thực hiện trợ cấp một lần đối với những đối tượng  được tặng Bằng khen của Hội đồng Bộ trưởng và của Chủ tịch UBND tỉnh thời kỳ kháng chiến hiện nay bị mất các giấy tờ chứng nhận của cá nhân, đã được UBND huyện xác nhận. UBND thị trấn Tăng Bạt Hổ kiến nghị tỉnh sớm cho ý kiến đổi tên gọi các thôn trên địa bàn thị trấn thành Khu phố, khối phố.

Trả lời:

Thực hiện Quyết định số 24/2016/QĐ-TTg ngày 14/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các ngành triển khai thực hiện, tính đến nay đã xét duyệt và quyết định hưởng trợ cấp cho gần 3.000 trường hợp có đầy đủ hồ sơ theo quy định.

Đối với những trường hợp bị mất giấy tờ Bằng khen, đề nghị liên hệ Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh để được hướng dẫn thủ tục cấp lại.

f) Cử tri phường Đập Đá, thị xã An Nhơn:

 Nhà nước quan tâm giải quyết thêm bảo hiểm y tế cho một số người dân có thành tích trong kháng chiến được tặng thưởng Bằng khen của tỉnh, của Thủ tướng Chính phủ, ngoài khoản trợ cấp một lần được nhận.

Trả lời:

Vấn đề cử tri nêu, UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, kiến nghị với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Chính phủ xem xét giải quyết.

g) Cử tri huyện Tây Sơn:

- Chính phủ xem xét, đơn giản bớt điều kiện thủ tục, giấy tờ cho những người tham gia kháng chiến khai hồ sơ đề nghị hưởng chế độ ưu đãi người có công theo Nghị định 31; vì hiện nay gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác nhận của người giao nhiệm vụ (những người này đến nay đã chết hoặc không còn minh mẫn). Đồng thời mở rộng thêm đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi: cấp phó, vì thời điểm đó (giai đoạn 01/01/1945 đến trước cách mạng tháng 8/1945) có nơi chưa thành lập xã, thôn (Cử tri xã Bình Thành).

Trả lời:

Vấn đề cử tri nêu, UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, kiến nghị với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Chính phủ xem xét giải quyết.

- UBND tỉnh có biện pháp giải quyết cho một số trường hợp có công cách mạng, bị địch bắt, tù đày trước năm 1975 nhưng thiếu giấy tờ gốc nên không hưởng chế độ chính sách (Cử tri xã Bình Tường).

Trả lời:

Đối với những trường hợp người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày hiện không còn giấy tờ chứng minh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn tại Văn bản số 200/SLĐTBXH-NCC ngày 27/01/2016. Theo đó, đối tượng người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày có đơn trình bày gồm các thông tin sau: họ và tên cha, mẹ, vợ, chồng của người cần tra cứu (kể cả tên khác hoặc bí danh nếu có); quê quán; hộ khẩu nơi thường trú khi bị địch bắt và hiện nay; tóm tắt quá trình hoạt động cách mạng của người có yêu cầu tra cứu (thời gian, nơi bị bắt, nơi giam giữ) và kèm theo giấy tờ, tài liệu có liên quan bị địch bắt tù, đày (nếu có) gửi UBND cấp xã xem xét và xác nhận vào đơn lập danh sách gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện tổng hợp gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Công an tỉnh tra cứu tài liệu và cung cấp thông tin.

Sau khi có kết quả do Công an tỉnh cung cấp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện và UBND cấp xã thông báo kết quả từng đối tượng. Trường hợp, đối tượng đủ điều kiện xem xét giải quyết, UBND cấp xã có trách nhiệm thông báo đối tượng xác lập hồ sơ theo quy định.

- UBND tỉnh quan tâm nâng chính sách đãi ngộ người có công hiện nay (Cử tri xã Bình Hòa).

Trả lời:

Vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2017/NĐ-CP ngày 06/6/2017 điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng từ 1.318.000 đồng tăng lên 1.417.000 đồng; các mức trợ cấp, phụ cấp được thực hiện kể từ ngày 01/7/2017.

-  Việc chi trả tiền bảo trợ xã hội hiện nay giao cho Bưu điện thực hiện chi trả 2 ngày/tháng rất bất tiện cho bà con; đề nghị Nhà nước thực hiện như trước đây (Cử tri xã Tây Thuận).

Trả lời:

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh giao UBND huyện Tây Sơn chỉ đạo kiểm tra, giải quyết.

- UBND tỉnh quan tâm có chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho con em người đồng bào dân tộc thiểu số đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học (Cử tri xã Vĩnh An).

Trả lời:

Vấn đề này, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát lại quy mô, ngành nghề đào tạo của các cơ sở đào tạo, đào tạo theo nhu cầu thị trường, chỉ đào tạo những ngành nghề thị trường cần, không đào tạo theo phong trào, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo để nâng cao chất lượng sức lao động, không chạy theo số lượng; tăng cường công tác tuyên truyền về xuất khẩu lao động, hiện nay nhu cầu tuyển lao động đi làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, CHLB Đức (đây là thị trường có thu nhập cao, việc làm ổn định, điều kiện làm việc, ăn ở tương đối tốt) trên địa bàn tỉnh rất lớn, người lao động chưa có việc làm hoặc việc làm không ổn định, nhất là sinh viên mới ra trường) có thể đến UBND các xã, phường, thị trấn, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi mình cư trú hoặc đến các Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh để đăng ký tham gia đi xuất khẩu lao động; tăng cường các hoạt động giới thiệu việc làm, nâng tần suất tổ chức các sàn giao dịch việc làm lưu động tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng xa là cầu nối giữa doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động và học sinh, sinh viên mới tốt nghiệp ra trường nhanh chóng tìm được việc làm.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách để tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ phát triển doanh nghiệp cả về quy mô và số lượng doanh nghiệp nhằm tạo ra nhiều chỗ làm việc thu hút lao động là sinh viên vào làm việc.

- Kiến nghị UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp Nghĩa trang liệt sĩ xã Bình An (Nghĩa trang chung của 3 xã: Tây An, Tây Vinh và Tây Bình) (Cử tri xã Tây An).

Trả lời:

Nội dung cử tri kiến nghị, UBND tỉnh giao UBND huyện Tây Sơn chỉ đạo UBND xã Tây An tổng hợp báo cáo tình hình, thực trạng Nghĩa trang liệt sĩ xã Bình An hư hỏng xuống cấp cho UBND huyện Tây Sơn để tổng hợp gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét.

h) Cử tri huyện Hoài Nhơn:

- Việc chi trả trợ cấp xã hội qua hệ thống Bưu điện như hiện nay là chưa hợp lý, không thuận tiện cho người nhận. Đề nghị UBND tỉnh có giải pháp điều chỉnh.

Trả lời:

Thực hiện Công văn số ngày 14/10/2015 của Văn phòng Chính phủ về việc chi trả chính sách trợ giúp xã hội hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội qua hệ thống bưu điện và Công văn số ngày 04/11/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thực hiện chi trả chính sách trợ giúp xã hội, ngày 14/3/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 851/QĐ-UBND của về việc phê duyệt Phương án thí điểm chi trả chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội qua hệ thống bưu điện trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đây là phương án thí điểm, cuối năm 2017, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành liên quan tổng hợp, đánh giá về việc triển khai thực hiện phương án.

- Theo quy định của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, người được ủy quyền nhận tiền trợ cấp xã hội, trợ cấp người cao tuổi phải có giấy ủy quyền có giá trị sử dụng 01 tháng của người được nhận trợ cấp. Quy định này là bất hợp lý, vì đa số các đối tượng nhận trợ cấp xã hội, người cao tuổi đều đi lại rất khó khăn. Cử tri kiến nghị Tỉnh có quy định hợp lý hơn.

Trả lời:

Theo tại Điểm b, Khoản 4, Điều 9 Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 24/10/2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ, quy định đối tượng trực tiếp nhận tiền hoặc người được ủy quyền nhận tiền. Thời hạn của giấy ủy quyền theo quy định của pháp luật.

Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, kiến nghị Bộ Lao động - TB&XH xem xét giải quyết.

- Kiến trị Trung ương, UBND tỉnh xem xét phân cấp, cân đối kinh phí để UBND cấp huyện chúc thọ, tặng quà người cao tuổi từ 70 đến dưới 90 tuổi. Kiến nghị Trung ương chúc thọ, tặng quà kịp thời đối với người cao tuổi từ 90 đến 100 tuổi trở lên.

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, Điều 21 Luật người cao tuổi:

- Người thọ 100 tuổi được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam chúc thọ và tặng quà.

- Người thọ 90 tuổi được Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chúc thọ và tặng quà.

- UBND xã, phường, thị trấn phối hợp với Hội người cao tuổi tại địa phương, gia đình của người cao tuổi tổ chức mừng thọ người cao tuổi ở tuổi 70, 75, 80, 85, 90, 95 và 100 tuổi trở lên vào một trong các ngày sau đây: Ngày người cao tuổi Việt Nam; Ngày Quốc tế người cao tuổi; Tết Nguyên đán; Sinh nhật của người cao tuổi.

Vấn đề cử tri phản ánh, UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, báo cáo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh để đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi.

- Đối tượng là cán bộ, chiến sĩ tham gia cách mạng được tặng Huy chương kháng chiến, Huân chương kháng chiến chỉ nhận trợ cấp 01 lần, trong khi đó đối tượng có công giúp đỡ cách mạng được tặng Huân chương kháng chiến nhận trợ cấp hàng hàng là chưa hợp lý. Kiến nghị Trung ương xem xét, điều chỉnh phù hợp hơn.

Trả lời:

Vấn đề cử tri phản ánh, UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Cử tri kiến nghị UBND tỉnh cho chủ trương thanh tra hoặc chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và xã hội phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh quan tâm sớm lập hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với Liệt sỹ Nguyễn Ngọc An (thôn Phú An - Hoài Hương), Liệt sỹ Nguyễn Liên (xã Hoài Mỹ). Xem xét giải quyết trường hợp đề nghị công nhận Mẹ Việt Nam Anh hùng đối với bà Trần Thị Mén (là mẹ ruột của Liệt sỹ Nguyễn Mão, xã Hoài Xuân).

Trả lời:

UBND tỉnh giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh khẩn trương phối hợp với UBND huyện Hoài Nhơn kiểm tra giải quyết trường hợp đề nghị công nhận liệt sĩ đối với  ông Nguyễn Ngọc An ở thôn Phú An, xã Hoài Hương và Nguyễn Liên (xã Hoài Mỹ) theo quy định.

Đối với trường hợp đề nghị công nhận Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Mén, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo như sau: Theo hồ sơ liệt sĩ Nguyễn Mão, số hồ sơ: NB/LS 17460. Giấy chứng nhận tình hình thân nhân trong gia đình liệt sĩ do bà Phạm Thị Huẩn khai và UBND xã Hoài Xuân ký xác nhận ngày 25/4/1977 ghi rõ: cha đẻ tên Nguyễn Hòa, sinh năm 1917 và mẹ đẻ tên: Phạm Thị Huẩn, sinh năm 1923. Không xác định thân nhân nào khác. Nay gia đình đề nghị bổ sung tên bà Trần Thị Mén là mẹ đẻ của liệt sĩ để làm hồ sơ bà mẹ Việt Nam anh hùng, tuy nhiên hồ sơ không có giấy tờ gì chứng minh bà Trần Thị Mén là mẹ đẻ của liệt sĩ Nguyễn Mão nên không có cơ sở đề nghị công nhận Mẹ Việt Nam anh hùng. UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND huyện Hoài Nhơn kịp thời xác minh và xem xét giải quyết theo quy định nội dung cử tri kiến nghị.

- Kiến nghị Trung ương, UBND tỉnh có chính sách hợp lý đối với các trường hợp vợ Liệt sỹ tái giá sau khi đã nuôi dưỡng các con của Liệt sỹ trưởng thành; có chính sách miễn thuế sử dụng đất ở đối với các đối tượng là con Liệt sỹ; có quy định, hướng dẫn cụ thể về hồ sơ tư pháp để được hưởng chính sách đối với các trường hợp thực tế là con liệt sỹ nhưng có năm sinh sau năm mất của Liệt sỹ. Kiến nghị tăng chế độ hưởng tuất hàng tháng đối với thân nhân thờ cúng Liệt sỹ.

Trả lời:

- Đối với trường hợp vợ liệt sĩ đi lấy chồng khác: Căn cứ Điểm 6 Điều 20 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ quy định: Vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc lấy vợ khác nhưng nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc bố mẹ liệt sĩ khi còn sống được Ủy ban nhân dân cấp xã công nhận thì được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng từ ngày Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ra quyết định. Trường hợp Vợ liệt sĩ lấy chồng khác nhưng nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành thì đề nghị cử tri liên hệ UBND cấp xã để được hướng dẫn thủ tục hồ sơ giải quyết chế độ.

- Về chính sách miễn thuế sử dụng đất ở đối với các đối tượng con liệt sĩ: Căn cứ Luật số 48/2010/QH12 ngày 17/6/2010 của Quốc hội ban hành Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Tại Khoản 3 Điều 10 quy định giảm 50% số thuế phải nộp cho các trường hợp sau đây: “Đất ở trong hạn mức của thương binh hạng 3/4, 4/4; người hưởng chính sách như thương binh hạng 3/4, 4/4; bệnh binh hạng 2/3, 3/3; con của liệt sĩ không được hưởng trợ cấp hàng tháng”.

- Đối với việc điều chỉnh năm sinh của con liệt sĩ sinh sau khi liệt sĩ hy sinh từ 01 năm trở lên: Việc đính chính thông tin họ tên, năm sinh của thân nhân liệt sĩ thực hiện thủ tục hồ sơ như sau: (i) Đơn đề nghị đính chính thông tin trong hồ sơ người có công của Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH kèm các giấy tờ làm căn cứ để đính chính gửi UBND cấp xã; (ii) UBND cấp xã tổ chức họp xét có biên bản gửi Phòng Lao động - TB&XH cấp huyện để đề nghị Sở Lao động – TB&XH xem xét điều chỉnh theo quy định.

Đối với một số trường hợp xin đính chính lại ngày tháng năm sinh nhưng không phù hợp với hồ sơ liệt sĩ như liệt sĩ hy sinh sau 2 hoặc 3 năm mới khai sinh con (chênh lệch giữa hồ sơ gốc liệt sĩ và CMND) và tăng chế độ đối với người thờ cúng liệt sĩ, UBND tỉnh giao Sở Lao động - TB&XH tổng hợp, kiến nghị Bộ Lao động - TB&XH xem xét, giải quyết.

- Từ năm 2017 việc chi trả mai táng phí do Sở Lao động - TB&XH tỉnh quản lý. Thực tế tiến độ giải ngân mai táng phí hiện nay rất chậm so với trước đây do UBND huyện trực tiếp quản lý. Đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh phân công lại việc quản lý chi trả mai táng phí theo hướng hợp lý hơn.

Trả lời:

Thực hiện Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 của Bộ Lao động-TB&XH hướng dẫn về thủ tục lập hồ sơ, quản lý hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân. Tại Khoản 2 Điều 39 Thông tư số 05 quy định Sở Lao động-TB&XH trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ quy định có trách nhiệm đối chiếu, ghép hồ sơ người có công đang quản lý với hồ sơ đề nghị hưởng mai táng phí, trợ cấp một lần và ra quyết định.

Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, kiến nghị Bộ Lao động - TB&XH để báo cáo Chính phủ xem xét giải quyết.

- UBND tỉnh có hướng dẫn thực hiện Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH, ngày 20/3/2017 của Bộ Lao động - TB và XH về quy trình giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng.

Trả lời:

Thực hiện Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ Lao động - TB&XH ban hành Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công; Sở Lao động-TB&XH đã có văn bản số 571/SLĐTBXH-NCC ngày 22/3/2017 về việc giải quyết hồ sơ tồn đọng gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố để triển khai thực hiện Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH. UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện.

- Trung ương xem xét không tăng tuổi nghỉ hưu nhằm đảm bảo việc làm cho lực lượng lao động trẻ.

Trả lời:

Vấn đề cử tri nêu, UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, báo cáo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh để kiến nghị tại các kỳ họp của Quốc hội.

XV. VỀ QUỐC PHÒNG - AN NINH

a) Cử tri thành phố Quy Nhơn:

- UBND tỉnh có biện pháp xử lý triệt để đối với tình trạng người dân ở các huyện kéo về Tỉnh ủy, UBND tỉnh khiếu kiện đông người gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân tại khu vực xung quanh (Cử tri phường Trần Phú).

Trả lời:

Trong 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn thành phố Quy Nhơn xảy ra 09 vụ - 166 lượt người khiếu kiện đến Tỉnh ủy, UBND tỉnh gây mất an ninh trật tự. Trong đó, có 04 vụ - 87 lượt người ở địa phương khác (so với cùng kỳ tăng 01 vụ, giảm 133 lượt người). Trước tình hình trên, Công an thành phố và các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh triển khai phương án xử lý tình huống tập trung đông người gây rối trật tự công cộng tại trụ sở cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn thành phố, đồng thời phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể nơi có người khiếu kiện nắm tình hình, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đúng quy định của Nhà nước về khiếu kiện, khiếu nại. Riêng đối với các trường hợp đã được vận động, giải thích mà vẫn cố tình chây ì, có hành vi quá khích, gây rối trật tự công cộng, ngồi lì cản trở việc ra vào cổng, xâm nhập vào bên trong trụ sở, gây cản trở giao thông… Công an thành phố Quy Nhơn đã củng cố hồ sơ xử lý vi phạm theo quy định pháp luật. Kết quả: Lập biên bản xử lý hành chính 03 trường hợp, phạt tiền 2.250.000đ (ở thôn Huỳnh Giảng Nam, Phước Hòa, Tuy Phước).

Thời gian đến, UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan và Công an thành phố Quy Nhơn thực hiện đồng bộ giải pháp để giảm thiểu các vụ khiếu nại, khiếu kiện đông người, đảm bảo an ninh trật tự trước trụ sở  Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

- Trong thời gian qua tại tuyến đường Ỷ Lan - Bạch Đằng, khu vực trước phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Bình Định các loại xe đăng ký biển số đến đậu đỗ xe dưới lòng đường gây mất an toàn cho người tham gia giao thông tại tuyến đường nói trên. Đề nghị Công an tỉnh xem xét, giải quyết (Cử tri phường Trần Hưng Đạo).

Trả lời:

Theo báo cáo của Công an tỉnh: Hiện nay, nhu cầu đăng ký xe của người dân ngày càng tăng (trung bình khoảng 50 xe mô tô/ ngày, 10-15 xe ô tô/ ngày), đặc biệt là trong các ngày đầu tuần (do ngày chủ nhật không làm việc) và các ngày làm việc sau nghỉ Lễ; các ngày còn lại trong tuần việc đăng ký xe diễn ra bình thường. Tình trạng xe đậu đỗ xe trước cơ quan (chủ yếu là các xe ô tô) do diện tích sân của phòng Cảnh sát giao thông quá hẹp nên không thể đưa xe vào sân để kiểm tra.  Nhằm phục vụ công tác lâu dài, nhất là đảm bảo mỹ quan đô thị tại khu vực trước cổng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh hiện đang khảo sát vị trí sân, bãi (ngoài khu vực Phòng Cảnh sát giao thông) để tổ chức kiểm tra xe của người dân đến đăng ký.

Trước mắt, UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông bố trí cán bộ hướng dẫn người dân đến đăng ký xe chấp hành nghiêm túc các quy định về đảm bảo an toàn giao thông, trật tự đô thị. Về lâu dài, UBND tỉnh giao Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất địa điểm phù hợp để xây dựng trụ sở Đội Đăng ký quản lý phương tiện đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

- Công an tỉnh xem xét đăng ký biển số cho xe ba gác máy. Vì hiện nay khi tham gia giao thông, xe ba gác máy không có biển số đăng ký gây ảnh hưởng đến việc quản lý hoạt động của phương tiện (Cử tri phường Thị Nại).

Trả lời:

Ngày 29/6/2007, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, trong đó quy định: “Kể từ ngày 01/01/2008, đình chỉ lưu hành xe ôtô hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh”.

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định “Nghiêm cấm đưa xe cơ giới không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật vào hoạt động trên đường bộ” (khoản 4, Điều 8) và “cấm sử dụng xe mô tô, xe gắn máy để kéo, đẩy các xe khác” (điểm đ, khoản 3, Điều 28).

Căn cứ các quy định trên, đối với loại xe ba gác máy hiện đang lưu thông trên các tuyến giao thông là không đúng theo quy định của pháp luật do không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật để lưu thông, do đó không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký xe và biển kiểm soát xe.

b) Cử tri huyện Tây Sơn:

- Cơ quan có thẩm quyền cần có giải pháp quyết liệt để xử lý hiệu quả nạn “xã hội đen”, buôn lậu, tham nhũng để ổn định an ninh trật tự, củng cố lòng tin của nhân dân (Cử tri thị trấn Phú Phong).

Trả lời:

Theo báo cáo của Công an tỉnh:

- Về công tác phòng ngừa, đấu tranh với các tội phạm hoạt động băng, nhóm, tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu “xã hội đen” đã được lực lượng Cảnh sát hình sự từ tỉnh đến cơ sở triển khai quyết liệt và thực hiện có hiệu quả. Thời gian qua chưa phát hiện các băng, nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức theo kiểu “xã hội đen” nhưng đã manh nha xuất hiện một số nhóm đối tượng có hoạt động biểu hiện theo kiểu “xã hội đen” như: hoạt động tín dụng đen, đánh bạc, cá độ bóng đá, đòi nợ thuê, bảo kê; các đối tượng trong lứa tuổi thanh niên tụ tập thành nhóm thực hiện các hành vi đâm chém nhau, gây rối trật tự công cộng còn xảy ra, tiềm ẩn nhiều phức tạp. Từ đầu năm 2017 đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã phát hiện và triệt phá 36 băng ổ, nhóm - 114 đối tượng, trong đó: Đánh nhau, Cố ý gây thương tích: 8 nhóm - 38 đối tượng; Cướp tài sản: 02 nhóm - 07 đối tượng; Cưỡng đoạt tài sản: 01 nhóm - 03 đối tượng; Cướp giật tài sản: 02 nhóm - 04 đối tượng…

- Về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, mua bán hàng giả:  Trên địa bàn tỉnh diễn ra các hoạt động chủ yếu là vận chuyển, mua bán hàng cấm, hàng ngoại nhập lậu, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép; vận chuyển mua bán hàng hóa không có hóa đơn chứng từ hợp lệ hoặc không có nhãn phụ theo đúng quy định; mua bán, khai thác khoáng sản trái phép... trên các tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 19 và các địa phương dọc tuyến (Quy Nhơn, An Nhơn, Tây Sơn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn); mặt hàng vi phạm chủ yếu là hàng tiêu dùng (quần áo, vải, giày dép…), mỹ phẩm, thuốc lá ngoại nhập lậu, mô tô, ô tô, cát, phụ tùng ô tô, lâm sản…; đối tượng hoạt động có tính chất nhỏ lẻ, cá nhân, hiện chưa phát hiện được những băng ổ nhóm, đường dây hoạt động có tính chất quy mô lớn.

Trước tình hình trên, Công an tỉnh đã chủ động triển khai các đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, trong đó có tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đã phát hiện, phối hợp các ngành điều tra, xử lý 111 vụ buôn bán vận chuyển hàng cấm, hàng ngoại nhập lậu và gian lận thương mại, tạm giữ nhiều hàng hoá với tổng trị giá trên 11,9 tỷ đồng; trong đó đã xử phạt hành chính 51 vụ với tổng số tiền 226.950.000 đồng. Khởi tố 01 vụ - 01 bị can về hành vi vận chuyển, tàng trữ hàng cấm (pháo nổ), đến nay đã kết luận điều tra, chuyển Viện Kiểm sát đề nghị truy tố. Xác lập 03 tin báo tội phạm, hiện đang xác minh làm rõ.

- Về tình hình vi phạm và tội phạm tham nhũng: Tội phạm tham những trên địa bàn tỉnh diễn ra tiềm ẩn trên một số lĩnh vực như: quản lý và sử dụng tài sản nhà nước, bồi thường giải phóng mặt bằng, thuế, ngân hàng... Tuy nhiên, công tác phát hiện, xử lý đối với các hành vi vi phạm và tội phạm này còn hạn chế. Số vụ việc tham nhũng bị phát hiện còn ít, vụ việc phát hiện chủ yếu thông qua đơn thư và tin báo của các cơ quan, tổ chức. Công an tỉnh đã tập trung nâng cao chất lượng các mặt công tác nghiệp vụ của ngành Công an để phát hiện, xử lý các đối tượng tham nhũng. Tập trung lực lượng, biện pháp đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc, xác minh các tin báo tội phạm và điều tra các vụ án đã khởi tố về tham nhũng.

Thời gian đến, UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh công tác đấu tranh băng ổ nhóm nguy hiểm, hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, buôn lậu, gian lận thường mại, sản xuất hàng giả, tham nhũng để ổn định an ninh trật tự an toàn xã hội.

- UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng tăng cường công tác tuần tra kiểm soát giao thông trên Quốc lộ 19 nhằm xử lý nghiêm các trường hợp xe chạy quá trọng tải, làm đường nhanh hư hỏng, xuống cấp (Cử tri xã Tây Xuân).

Trả lời:

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã huy động lực lượng, phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ tổ chức tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, trong đó tập trung kiểm tra, xử lý các xe ô tô tải chở hàng hóa quá tải trọng.

Riêng trên tuyến Quốc lộ 19, từ đầu năm đến nay, đã kiểm tra, phát hiện, lập biên bản xử lý 168 trường hợp vi phạm về tải trọng, phạt tiền khoảng 750 triệu đồng. Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát giao thông đã tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm khác liên quan đến hoạt động vận tải hàng hóa, là nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông như: Điều khiển xe ô tô tải lắp thùng xe có kích thước không đúng thiết kế của nhà sản xuất (thường gọi là vi phạm cơi nới thành thùng xe): 395 trường hợp;  chở hàng quá khổ: 256 trường hợp; Chở hàng rời, vật liệu xây dựng mà không có mui, bạt che đậy hoặc có mui, bạt che đậy nhưng vẫn để rơi vãi, chở hàng để chảy nước xuống mặt đường gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường: 291 trường hợp.

Ngày 21/6/2017, Công an tỉnh đã triển khai Kế hoạch số 1313/KH-CAT-PC67 về việc tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá tải trọng của phương tiện giao thông trên địa bàn tỉnh.

Thời gian đến, UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh bố trí lực lượng, phương tiện tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm chở hàng quá tải trọng trên các tuyến giao thông.

c) Cử tri huyện Vân Canh:

- Tệ nạn đánh bạc lưu động liên tỉnh đang xảy ra trên địa bàn  huyện Vân Canh; tuy nhiên, công an địa phương không phục bắt được vì bà con không tố giác mà lại làm “ tay trong” cho những đối tượng đánh bạc. Hiện nay, hiệu ứng của tệ nạn này đã lan tỏa trong nhân dân dẫn đến nguy cơ mất tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng có biện pháp giải quyết dứt điểm.

Trả lời:

Theo báo cáo của Công an tỉnh: Trong thời gian qua, trên địa bàn huyện Vân Canh có 01 nhóm đối tượng lưu động từ các địa phương: Quy Nhơn, Tuy Phước và tỉnh Phú Yên đến địa điểm giáp ranh là Canh Vinh (Vân Canh) - Phước Thành (Tuy Phước) và Canh Hòa (Vân Canh) - Đồng Xuân (Phú Yên) để đánh bạc bằng hình thức xóc đĩa. Công an huyện Vân Canh đã xây dựng Kế hoạch phối hợp với lực lượng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh và Công an huyện Đồng Xuân triển khai các biện pháp mai phục, truy bắt, đến nay các đối tượng không còn quay trở lại tổ chức đánh bạc trên địa bàn huyện Vân Canh nữa. Lực lượng Công an tỉnh đang chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với Công an các tỉnh, nhất là tỉnh Phú Yên nắm tình hình để chủ động ngăn chặn.

d) Cử tri huyện Phù Cát:

- Đề nghị Nhà nước quan tâm hỗ trợ chính sách cho bộ đội đã thực hiện nghĩa vụ quân sự từ ngày 1/5/1975 đến năm 1994 và hỗ trợ cho bộ đội thực hiện nghĩa vụ quân sự giai đoạn 1976-1977, vì hiện nay những người này vẫn chưa được hưởng chế độ (Cử tri xã Cát Trinh và Cát Tân).

Trả lời:

Hiện nay, các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước nói chung, Quân đội nói riêng, chưa có Quyết định, Thông tư hoặc Hướng dẫn thực hiện chế độ chính sách mới cho các đối tượng nêu trên.

- Nhà nước quan tâm mở rộng chế độ chính sách theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg đối với những người tham gia nghĩa vụ quân sự trong nước từ 3 năm trở lên (Cử tri xã Cát Tiến).

Trả lời:

Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngủ, thôi việc; hiện nay chưa mở rộng đối tượng được hưởng cho đối tượng tham gia nghĩa vụ quân sự trong nước từ 03 năm trở lên.

  e) Cử tri huyện Hoài Nhơn kiến nghị:

- Hiện nay tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh ngày càng nghiêm trọng. Kiến nghị UBND tỉnh cần có giải pháp hiệu quả hơn để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng trên.

Trả lời:

Thời gian từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 75 vụ vi phạm pháp luật về trật tự xã hội - 131 đối tượng là người chưa thành niên thực hiện, trong đó, Cướp, Cướp giật tài sản: 02 vụ - 04 đối tượng, Cưỡng đoạt tài sản 02 vụ - 04 đối tượng, Hiếp dâm 02 vụ - 02 đối tượng, Cố ý gây thương tích 12 vụ - 34 đối tượng, trộm cắp TS 35 vụ - 48 đối tượng... đã khởi tố hình sự 38 vụ - 60 đối tượng, xử lý hành chính 32 vụ - 67 đối tượng, đang chờ xử lý và giao gia đình quản lý 02 vụ - 04 đối tượng, 03 vụ đang điều tra, chờ xử lý. Đáng chú ý trong số đối tượng chưa thành niên vi phạm pháp luật chỉ có 29 đối tượng là học sinh đang đi học và có đến 102 đối tượng bỏ học; trình độ học vấn thấp (30 tiểu học, 77 trung học cơ sở và 24 trung học phổ thông).

Công an tỉnh đã tập trung triển khai các biện pháp, giải pháp quyết liệt phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, nhất là tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh. Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và nghĩa vụ công dân đối với đối tượng là thanh thiếu niên, học sinh như mở các lớp giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên chậm tiến ở địa phương; đưa ra kiểm điểm trước dân đối tượng vi phạm... Đồng thời, liên tục mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trên toàn tỉnh. Trong số các vụ vi phạm pháp luật về trật tự xã hội do người chưa thành niên thực hiện, đã khởi tố hình sự 38 vụ - 60 đối tượng, xử lý hành chính 32 vụ - 67 đối tượng, đang chờ xử lý và giao gia đình quản lý 02 vụ - 04 đối tượng, 03 vụ đang điều tra, chờ xử lý.

Để kiềm chế, làm giảm tội phạm ở lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh, UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh tiếp tục phối hợp với các địa phương và nhà trường tăng cường quản lý học sinh, sinh viên; tuyên truyền kiến thức pháp luật về phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên; tăng cường các biện pháp nắm tình hình nhằm phát hiện các băng, nhóm thanh thiếu niên tụ tập có biểu hiện phạm tội, gọi hỏi răn đe kịp thời xử lý nghiêm số đối tượng vi phạm pháp luật, triệt xóa các băng nhóm không để hoạt động. Điều tra xử lý nghiêm các vụ án do đối tượng là thanh thiếu niên, học sinh gây ra để giáo dục phòng ngừa chung.

- Kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh ban hành quy định cụ thể về việc thẩm định hồ sơ các vụ cưỡng chế dân sự do các huyện, thị, thành phố trình, đảm bảo kịp thời, phục vụ nhiệm vụ chính trị tại các địa phương.

Trả lời:

Theo báo cáo của Công an tỉnh: Ngày 15/6/2015, Công an tỉnh đã ban hành Công văn số 1937/CAT-PC81 hướng dẫn Công an cấp huyện về công tác bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự, trong đó có hướng dẫn việc kiểm tra hồ sơ cưỡng chế, việc xây dựng kế hoạch bảo vệ. Liên bộ cũng có Thông tư 03 quy định cụ thể việc phối hợp giữa Công an và Cục, Chi cục thi hành án dân sự.

Trong thời gian qua Công an tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn Công an cấp huyện thực hiện tốt việc bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự (năm 2016: 26 vụ, 6 tháng đầu năm 2017: 01 vụ) chưa để xảy ra phức tạp. Việc chỉ đạo, cho chủ trương của Công an tỉnh đã kịp thời, chưa để xảy ra chậm trễ.

(Một số nội dung kiến nghị của cử tri chưa có nội dung giải quyết hoặc trả lời tại Báo cáo này (như vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư; đầu tư, triển khai các dự án...), UBND tỉnh đã giao các cơ quan liên quan kiểm tra, đề xuất cụ thể và sẽ bổ sung báo cáo cho đại biểu HĐND tỉnh)

Trên đây là báo cáo kết quả trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XII, UBND tỉnh kính báo cáo Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh./.

 

 

 

 


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật