An Nhơn (Bình Định): Chú trọng tuyên truyền sử dụng mạng xã hội an toàn cho hội viên, phụ nữ
Hướng dẫn hội viên cài đặt tài khoản định danh điện tử
Sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã mở ra nhiều cơ hội cho phụ nữ làm kinh tế, tiếp cận thông tin... Tuy nhiên, họ cũng chính là những nạn nhân của các vụ lừa đảo trên không gian mạng. Trước thực tế đáng lo ngại này, Hội LHPN thị xã An Nhơn (Bình Định) đã tập trung tuyên truyền về sử dụng mạng xã hội an toàn và phòng chống lừa đảo trực tuyến cho hội viên, phụ nữ.
Chủ tịch Hội LHPN thị xã An Nhơn Nguyễn Thị Ánh Hồng đã trao đổi với Báo Phụ nữ Việt Nam về vấn đề này:
- Xin chị cho biết, Hội LHPN thị xã An Nhơn đã triển khai những hoạt động nào để tuyên truyền về sử dụng mạng xã hội an toàn và phòng chống lừa đảo trực tuyến?
Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra với tốc độ nhanh chóng như hiện nay, bên cạnh những thành tựu về kinh tế - xã hội do công nghệ mang lại, quá trình chuyển đổi này cũng gây ra những hệ quả tiêu cực đến sự phát triển của xã hội. Sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã mở ra nhiều cơ hội cho phụ nữ làm kinh tế, tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, họ cũng chính là những nạn nhân của các vụ lừa đảo trên không gian mạng bởi chính sự nhẹ dạ, cả tin và thiếu kiến thức trong ứng dụng công nghệ số. Do đó, việc nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ về việc sử dụng mạng an toàn đồng thời trang bị cho họ những kỹ năng để tự bảo vệ bản thân trên không gian mạng đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Chủ tịch Hội LHPN thị xã An Nhơn Nguyễn Thị Ánh Hồng (bìa trái) với hoạt động xoá nhà tạm, nhà dột nát của thị xã
Thời gian vừa qua, Hội LHPN thị xã An Nhơn đã triển khai nhiều hoạt động để tuyên truyền về sử dụng mạng xã hội an toàn và phòng chống lừa đảo trực tuyến cho cán bộ, hội viên, phụ nữ trên địa bàn thị xã. Như, tổ chức các buổi tập huấn để nâng cao kiến thức về sử dụng mạng xã hội an toàn; Tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt, hội họp của tổ chức Hội; Tuyên truyền trực quan (pa nô, áp phích, tờ rơi); Tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh; Thành lập mô hình về an toàn trên môi trường mạng; Gắn kết tuyên truyền an toàn mạng với các phong trào thi đua, cuộc vận động của Hội...
- Theo chị, những chiêu trò lừa đảo phổ biến nhất trên mạng xã hội hiện nay mà phụ nữ dễ trở thành nạn nhân ở địa phương là gì?
Hiện nay, trên mạng xã hội có rất nhiều chiêu trò lừa đảo nhắm đến phụ nữ, đặc biệt là những người có xu hướng tin tưởng, đồng cảm hoặc mong muốn cải thiện tài chính, cuộc sống cá nhân. Dưới đây là một số chiêu trò phổ biến như lừa đảo tình cảm, lừa đảo việc làm online, đa cấp biến tướng, giả danh ngân hàng, công an để chiếm đoạt tài sản, lừa đảo trúng thưởng, săn sale ảo, lừa đảo đầu tư tài chính, chứng khoán, tiền ảo...
- Những nhóm đối tượng phụ nữ nào được Hội ưu tiên trong công tác tuyên truyền này?
Với phương châm "Không để ai bị bỏ lại phía sau trong thời đại số", Hội LHPN thị xã An Nhơn xác định đối tượng trong thực hiện công tác tuyên truyền này là toàn thể cán bộ, hội viên, phụ trên địa bàn thị xã. Tuy nhiên, Hội đặc biệt ưu tiên tuyên truyền đến những nhóm phụ nữ dễ bị tổn thương, thiếu kỹ năng số, nhằm trang bị kiến thức, nâng cao năng lực tự bảo vệ bản thân trên không gian mạng.
Tập huấn cho cán bộ Hội LHPN xã, phường về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác Hội
- Hội LHPN thị xã An Nhơn đã sử dụng những hình thức tuyên truyền nào để giúp phụ nữ nhận diện và phòng tránh các thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội?
Để giúp phụ nữ nhận diện và phòng tránh các thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội, Hội LHPN thị xã An Nhơn đã sử dụng những hình thức tuyên truyền: Tập huấn kỹ năng nhận diện thông tin xấu độc, phòng chống lừa đảo công nghệ cao, ứng xử văn minh trên mạng xã hội; tuyên truyền trên hệ thống Đài truyền thanh thị xã thông qua chuyên mục phát thanh phụ nữ hàng tháng;
Tuyên truyền trên Bản tin phụ nữ hàng quý, tờ tin pháp luật hàng tháng; Thiết kế các mẫu tờ rơi (bằng giấy, móc khóa) để phát cho hội viên, phụ nữ; truyền thông qua mạng xã hội, video minh họa và hoạt động tương tác trực tuyến...
Đặc biệt, Hội LHPN thị xã An Nhơn đã phối hợp với Công an thị xã thành lập và ra mắt mô hình "Phụ nữ hội nhập an toàn trên môi trường mạng" - Đây là hoạt động thực hiện Khâu đột phá về Tăng cường ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động Hội được đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ khoá XIII, góp phần đổi mới phương thức hoạt động Hội, tăng cường mở rộng loại hình thu hút phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội, thích ứng thời kỳ 4.0.
- Kết quả của công tác phối hợp này ra sao?
Mô hình "Phụ nữ hội nhập an toàn trên môi trường mạng" bước đầu mang lại hiệu quả nhất định. Đến nay, mô hình đã được nhân rộng ra 8/15 xã, phường; hiện đang chuẩn bị ra mắt mô hình ở 7 xã, phường còn lại.
Kết quả công tác phối hợp đã giúp hàng ngàn lượt hội viên được tập huấn, truyền thông về an toàn thông tin, kỹ năng nhận biết thông tin xấu độc, cách bảo vệ tài khoản cá nhân; Phụ nữ biết cách ứng xử văn minh trên mạng xã hội, chủ động phòng tránh lừa đảo, không chia sẻ thông tin nhạy cảm;
Tạo sức lan tỏa trong cộng đồng; Góp phần đảm bảo an ninh mạng, trật tự an toàn xã hội; Giảm tình trạng bị lừa đảo qua mạng trong cộng đồng phụ nữ; Tăng cường phối hợp giữa người dân và lực lượng công an trong phát hiện, tố giác tội phạm công nghệ cao. Công tác phối hợp giúp phát huy vai trò của Hội Phụ nữ trong việc bảo vệ quyền lợi hội viên và chung tay với lực lượng công an trong công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm...
Tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin mở rộng mạng lưới tương tác, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời đại công nghệ số…
- Xin chị cho biết, để triển khai các nội dung chương trình phối hợp đạt hiệu quả, Hội LHPN thị xã An Nhơn có khuyến nghị cụ thể nào?
Để triển khai các nội dung chương trình phối hợp đạt hiệu quả, Hội LHPN thị xã An Nhơn có khuyến nghị cụ thể:
Tăng cường tập huấn, nâng cao kỹ năng số cho cán bộ Hội cơ sở. Tổ chức các lớp tập huấn định kỳ về kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn, nhận diện thông tin sai lệch, thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao; Bồi dưỡng đội ngũ tuyên truyền viên là cán bộ chi hội, hội viên nòng cốt.
Đẩy mạnh tuyên truyền đa dạng hình thức, nội dung gần gũi: Phối hợp với Công an tổ chức truyền thông bằng đa dạng hình thức để hội viên, phụ nữ dễ tiếp cận (sân khấu hóa, video tình huống, mạng xã hội, bản tin Hội...); Ưu tiên nội dung đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với nhiều độ tuổi, đặc biệt là phụ nữ trung niên và lớn tuổi.
Nhân rộng mô hình điểm, phát huy vai trò phụ nữ nòng cốt: Triển khai các mô hình điểm như "Phụ nữ hội nhập an toàn trên không gian mạng" tại nhiều phường, xã; Xây dựng lực lượng "phụ nữ an toàn số" ở cơ sở để hỗ trợ, hướng dẫn hội viên.
Tăng cường phối hợp đồng bộ giữa các ngành, đoàn thể: Đề nghị sự vào cuộc thường xuyên của Công an, Phòng Văn hóa - Thông tin, Đoàn Thanh niên trong hoạt động truyền thông, hỗ trợ kỹ thuật; gắn kết tuyên truyền an toàn mạng với các phong trào thi đua, cuộc vận động của Hội.
Có cơ chế hỗ trợ, động viên và đánh giá hiệu quả định kỳ: Cần có chính sách hỗ trợ tài liệu, phương tiện truyền thông, động viên kịp thời các mô hình hoạt động hiệu quả; thực hiện đánh giá, rút kinh nghiệm và biểu dương khen thưởng tập thể, cá nhân tiêu biểu.
- Xin trân trọng cảm ơn chị!