A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cải cách hành chính phải lấy con người làm trung tâm

Cải cách hành chính phải lấy con người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

Bà Phạm Thị Thanh Trà, thứ trưởng Bộ Nội vụ, tham luận mở đầu ngày làm việc thứ ba của Đại hội XIII sáng 28-1 - Ảnh: Trang web Đại hội XIII

Lấy con người là trung tâm

Phát biểu tham luận tại Đại hội XIII của Đảng sáng 28-1, bà Phạm Thị Thanh Trà, thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho rằng thời gian tới cần tiếp tục quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, nâng cao trách nhiệm giải trình, từng bước hiện đại phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

Cùng với đó là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, trong đó chủ yếu là thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và thể chế của nền hành chính Nhà nước. Trong điều kiện kinh tế mở, có tính toàn cầu, phải nhanh chóng tạo lập đồng bộ hệ thống thể chế kinh tế, thể chế hành chính phù hợp với thông lệ chung của thế giới, phải đổi mới tổ chức bộ máy và nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm của cán bộ, công chức để có thể hội nhập với các nền hành chính hiện đại trong khu vực và quốc tế.

Hoàn thiện thể chế về kinh doanh và cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, giảm thiểu chi phí giao dịch phi chính thức, tăng cường công khai, minh bạch, tăng cường phòng, chống tham nhũng trong nền kinh tế.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cung ứng dịch vụ công của bộ máy hành chính nhà nước trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của nền kinh tế. Cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp; tiếp tục rà soát bãi bỏ các thủ tục hành chính đang gây trở ngại cho phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tập trung đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Triển khai mạnh mẽ việc xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Tăng cường công tác theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị, sử dụng hiệu quả Chỉ số cải cách hành chính trong theo dõi, đánh giá, thường xuyên khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân.

5 hạn chế trong cải cách hành chính

Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính thời gian qua.

Một là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo cải cách hành chính của một số cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị chưa thực sự quyết liệt, việc quán triệt, bố trí nguồn lực cho cải cách hành chính còn hạn chế.

Hai là, chưa có sự đồng bộ trong cải cách hành chính với cải cách lập pháp, cải cách tư pháp. Công cuộc cải cách luôn "đụng chạm" đến lợi ích của không ít cá nhân và lợi ích nhóm, lợi ích ngành khiến cho việc thực hiện luôn gặp khó khăn, cản trở.

Ba là, thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp, đặc biệt là các thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai, xây dựng. Cải cách thủ tục hành chính vẫn chưa thực sự là động lực mạnh mẽ cho cải thiện môi trường kinh doanh. Điều kiện kinh doanh chậm được cắt giảm, có những thủ tục hành chính được cắt giảm nhưng lại phát sinh những thủ tục hành chính mới ở các nội dung khác.

Bốn là, việc đổi mới chức năng, nhiệm vụ của cả bộ máy hành chính nhà nước còn chậm, chưa phù hợp với yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương vẫn chưa thật thống nhất, thông suốt. 

Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức có nơi chưa đồng đều, thậm chí còn yếu, nhất là năng lực phát hiện vấn đề, tham mưu và đề xuất các biện pháp giải quyết.

Năm là, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính còn hạn chế. Việc xây dựng, hình thành và phát triển cơ sở dữ liệu số của Chính phủ và các cấp chính quyền, việc tạo điều kiện để mọi công dân có thể cập nhật thông tin cần thiết về hoạt động của bộ máy nhà nước còn hạn chế...

Theo tuoitre.vn


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật