A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

NHỮNG QUYẾT SÁCH QUAN TRỌNG TRONG NĂM 2020 GÓP PHẦN THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN CHÍNH QUYỀN SỐ, NÂNG CAO HIỆU QUẢ PHỤC VỤ NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP TỈNH BÌNH ĐỊNH

(binhdinh.gov.vn) - Trong năm 2020, Bình Định đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng nhằm hoàn thiện nền tảng chính quyền điện tử; tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, Tỉnh cũng đã lựa chọn một số dịch vụ phát triển đô thị thông minh, cung cấp các dịch vụ công thiết yếu nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân tạo động lực quan trọng cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động của Ban Chỉ Đạo Chính quyền điện tử Tỉnh Bình Định
1. Phê duyệt Kế hoạch triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Bình Định

(Quyết định số 2534/QĐ-UBND ngày 26/06/2020 về việc phê Kế hoạch triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Bình Định)

Bình Định đăng ký triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh với mục tiêu thí điểm là “Triển khai hiệu quả một số dịch vụ trên nền tảng đô thị thông minh; qua đó xác định mô hình triển khai thành công để phổ biến, nhân rộng; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống; đồng thời đảm bảo tạo điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia hiệu quả nghiên cứu, đầu tư xây dựng, quản lý phát triển đô thị thông minh; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và các dịch vụ đô thị; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế”.

Kế hoạch thí điểm triển khai với 08 dịch vụ nền tảng đô thị thông minh tại địa bàn thành phố Quy Nhơn (trong đó có 5 dịch vụ cơ bản và 03 dịch vụ mở rộng. Dịch vụ cơ bản bao gồm: (1) Dịch vụ giám sát an toàn thông tin; (2) Dịch vụ an ninh trật tự của đô thị; (3) Dịch vụ giám sát thông tin trên môi trường mạng; (4) Dịch vụ giám sát, điều hành giao thông và (5) Dịch vụ phản ánh hiện trường. Dịch vụ mở rộng gồm: (1) Dashboard tổng hợp giám sát điều hành; (2) Hệ thống giám sát dịch vụ công và (3) Hệ thống thông tin kinh tế - xã hội.

2. Ban hành Kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Bình Định

(Kế hoạch số 90/KH-UBND ngày 26/11/2020 về việc Ban hành Kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Bình Định) 

Buổi lễ ký kết thỏa thuận hợp tác về đào tạo và chuyển giao công nghệ, quảng bá, thu hút đầu tư và hợp tác kinh doanh giữa TMA, VKBIA và ĐH Quy Nhơn

Kế hoạch chuyển đổi số của Tỉnh nhằm cụ thể hóa việc triển khai thực hiện hiệu quả, đúng mục tiêu Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Kế hoạch này hướng đến giúp cho các ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp căn cứ để triển khai chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan, đơn vị mình; Đồng thời thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và tăng năng suất lao động, khả năng cạnh tranh cao, phát triển kinh tế xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh Bình Định.

 3. Phê duyệt Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2025

(Quyết định số 5362/QĐ-UBND ngày 29/12/2020 về việc phê duyệt Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2025)

Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin lộ trình thực hiện 5 năm (2021-2025) hướng đến mục tiêu xây dựng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và đẩy mạnh ứng dụng CNTT để đảm bảo triển khai có hiệu quả Chính quyền điện tử/Chính quyền số và đô thị thông minh tỉnh Bình Định nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, cung cấp các dịch vụ số một cách chủ động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Giai đoạn 2021-2025, công tác ứng dụng CNTT, phát triển Chính quyền điện tử/Chính quyền số và đô thị thông minh tỉnh Bình Định tập trung vào 5 nhiệm vụ thể như sau: (1) Phát triển hạ tầng kỹ thuật; (2) Phát triển dữ liệu; (3) Phát triển các ứng dụng, dịch vụ; (4) Bảo đảm an toàn thông tin và (5) Phát triển nguồn nhân lực CNTT.

4. Ban hành Kiến trúc chính quyền điện tử phiên bản 2.0

(Quyết định số 5360/QĐ-UBND ngày 29/12/2020 về việc Phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Bình Định (Phiên bản 2.0))

Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Bình Định (Phiên bản 2.0) là cơ sở khoa học giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng chính quyền điện tử; triển khai ứng dụng CNTT vào mọi hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước của tỉnh Bình Định nhằm đạt được 4 mục tiêu chính sau: (1) Tăng cường khả năng kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ, sử dụng lại thông tin, cơ sở hạ tầng thông tin; (2) Tăng cường khả năng giám sát, đánh giá đầu tư; đảm bảo triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ, hạn chế trùng lặp, tiết kiệm chi phí, thời gian triển khai của cơ quan nhà nước tại tỉnh Bình Định; (3) Nâng cao tính linh hoạt khi xây dựng, triển khai các thành phần, hệ thống thông tin theo điều kiện thực tế tại tỉnh Bình Định; (4) Tạo cơ sở xác định các thành phần, hệ thống công nghệ thông tin cần xây dựng và lộ trình, trách nhiệm triển khai Chính quyền điện tử tại Bình Định.

5. Ban hành Quy chế hoạt động Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh tỉnh Bình Định

 (Quyết định 27/2020/QĐ-UBND ngày 25/05/2020 về việc ban hành Quy chế hoạt động Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Bình Định)

Quy chế này quy định về quản lý, vận hành và khai thác sử dụng Cổng Dịch vụ công tỉnh Bình Định và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Bình Định. Cổng Dịch vụ công được cung cấp tại địa chỉ truy cập: https://dichvucong.binhdinh.gov.vn.

Đến nay Bình Định đã tích hợp 183 dịch vụ công trong tổng số danh mục 272 dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 của tỉnh trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (đạt tỷ lệ 67%), đáp ứng chỉ tiêu về Tỷ lệ tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của địa phương trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (đạt 30%) theo quy định tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ.

6. Ban hành Kế hoạch về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử trên địa bàn tỉnh Bình Định

(Quyết định số 2114/2020/QĐ-UBND ngày 01/06/2020 về việc Ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị định số 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử trên địa bàn tỉnh Bình Định)

Kế hoạch được ban hành nhằm triển khai đầy đủ, kịp thời các quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐCP ngày 08 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Bên cạnh đó, làm chuyển biến mạnh mẽ tư duy của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị Nhà nước đối với phương thức sử dụng công nghệ thông tin và chữ ký số cá nhân chuyên dùng trong giải quyết, phê duyệt kết quả giải quyết thủ tục hành chính; Từng bước thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp về giá trị pháp lý của văn bản điện tử để người dân, doanh nghiệp tin tưởng, lựa chọn phương thức giao dịch thủ tục hành chính trực tuyến bằng văn bản điện tử thay cho phương thức giao dịch trực tiếp tại các cơ quan Nhà nước bằng văn bản giấy nhằm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của tiến trình xây dựng Chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh.

7. Ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Định

 (Quyết định số 72/2020/QĐ-UBND ngày 20/11/2020 về việc Ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Định)

Bộ phận một cửa là đầu mối tập trung hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 61/2018/NĐ-CP và theo quyết định cụ thể của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Chuyển hồ sơ thủ tục hành chính đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc có thể thẩm định, phê duyệt kết quả giải quyết và trả kết quả giải quyết cho tổ chức, cá nhân.

Quy chế được ban hành là một cơ sở pháp lý quan trọng trong việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Định. Quy chế nêu rõ nguyên tắc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong công tác hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; tổ chức, mối quan hệ công tác và trụ sở bộ phận một cửa; Quy trình thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; Công bố thủ tục hành chính được tiếp nhận trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh và Cổng Dịch vụ công quốc gia; Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có tổ chức bộ phận một cửa để giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

8. Ban hành Quy định, Quy chế về Cổng thông tin điện tử và Trang thông tin điện tử

(Quyết định số 45/2020/QĐ-UBND ngày 28/07/2020 về việc Ban hành Quy chế quản lý, vận hành và cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Định)

Cổng thông tin điện tử tỉnh là kênh công bố các thông tin chính thức của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định trên môi trường mạng; làm đầu mối giao tiếp hai chiều giữa các cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước; liên kết các dịch vụ công của tỉnh trên mạng Internet phục vụ người dân và doanh nghiệp; đồng thời là kênh thông tin tuyên truyền, quảng bá, thu hút đầu tư để phục vụ cho sự nghiệp phát triển và hội nhập kinh tế - xã hội của địa phương.

Quy chế này quy định về quản lý, vận hành và cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Định, bao gồm: các quy định về tổ chức và hoạt động; quy định về quản lý thu thập, biên tập, cung cấp, trao đổi, cập nhật thông tin, dữ liệu và các dịch vụ công trực tuyến; các quy định về công tác vận hành và duy trì hoạt động Cổng thông tin điện tử tỉnh.

(Quyết định số 92/2020/QĐ-UBND ngày 22/12/2020 về việc Ban hành Quy định chế độ nhuận bút, thù lao đối với các tác phẩm được đăng trên Cổng thông tin điện tử và Trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Định)

Quy định này quy định về chế độ nhuận bút cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với các tác phẩm được đăng trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, Trang thông tin điện tử các sở, ban, ngành cấp tỉnh và Trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là Trang thông tin điện tử); thù lao cho người sưu tầm tài liệu, cung cấp thông tin, người tham gia thực hiện các công việc liên quan đến tác phẩm đăng tải trên Trang thông tin điện tử trên địa bàn tỉnh Bình Định. Đây chính là cơ sở quan trọng trong việc xác định kinh phí dự toán và thanh toán chế độ nhuận bút cho tác giả viết tin bài đăng trên Cổng/trang thông tin điện tử.

TS. Võ Gia Nghĩa


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật