Chỉ số PAPI 2020: Nỗ lực duy trì đà tăng trưởng
Ngày 14.4, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam chủ trì tổ chức công bố Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2020.
Bình Định thuộc nhóm 4 địa phương có mức tăng điểm cao nhất ở điểm số thành phần “Cung ứng dịch vụ công”.
- Trong ảnh: Bộ phận Một cửa của UBND thị trấn Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh) được đầu tư hiện đại, góp phần tham gia cung ứng được dịch vụ công trực tuyến cho công dân.
Để có được chỉ số PAPI, hoạt động khảo sát được thực hiện trên bảng hỏi có 550 câu hỏi bằng hình thức phỏng vấn trực tiếp, điền thông tin trên máy tính bảng kết nối với máy chủ để chuyển dữ liệu thông qua đường truyền internet.
Tại Bình Định, hoạt động khảo sát được tiến hành tại khu phố 1, 5 của phường Lê Lợi, khu phố 5, 7 của phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn); khu phố Thạnh Thế, Trung Tín 1 của thị trấn Tuy Phước, thôn Lạc Điền, Tư Cung của xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước); khu phố Định Tố, Định Bình của thị trấn Vĩnh Thạnh, thôn An Nội, Vĩnh Định của xã Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Thạnh) với tổng cộng 240 phiếu.
Theo tổng hợp kết quả chỉ số PAPI 2020, Bình Định đạt 43,25/80 điểm, thuộc nhóm “trung bình cao”, xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố, tăng 41 bậc so với năm 2019. Trước đó, chỉ số PAPI 2018 của Bình Định cũng chỉ đạt 41,04 điểm, thuộc nhóm “đạt điểm thấp nhất”.
Các điểm số thành phần cụ thể (thang điểm 10): tham gia của người dân ở cấp cơ sở 4,70 điểm; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định 5,52 điểm; trách nhiệm giải trình với người dân 4,93 điểm; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công 7,21 điểm; thủ tục hành chính công 7,32 điểm; cung ứng dịch vụ công 7,59 điểm (7,71); quản trị môi trường 3,57 điểm; quản trị điện tử 2,41 điểm.
Trong 8 điểm số thành phần của PAPI 2020, Bình Định có 7 điểm số tăng so với năm 2019. Trong đó, đáng kể nhất là “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở cấp địa phương” với 4 nội dung thành phần: Tiếp cận thông tin; Công khai, minh bạch danh sách hộ nghèo; Công khai, minh bạch ngân sách cấp xã; Công khai, minh bạch quy hoạch/ kế hoạch sử dụng đất và khung giá bồi thường thu hồi đất. Điểm số thành phần này của Bình Định tăng 0,64 điểm so với năm 2019; cùng với Thái Nguyên là 2 địa phương có mức cải thiện cao nhất.
Trước đó, sau đợt kiểm tra, đánh giá kết quả Chỉ số PAPI 2019 thực hiện giữa năm 2020, Đoàn Kiểm tra của tỉnh đã kiến nghị nhiều giải pháp để tăng cường thực hiện công khai, minh bạch. Trong đó, đáng chú ý như thường xuyên công khai trên đài truyền thanh, niêm yết trên bảng thông tin nội dung: Kế hoạch phát triển KT-XH; thu chi ngân sách cấp xã; dự án, công trình đầu tư, tiến độ thực hiện, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết và phương án điều chỉnh, quy hoạch khu dân cư có ảnh hưởng trực tiếp đến người dân trên địa bàn; thông tin cán bộ trực tiếp giải quyết công việc cho dân, các khoản huy động nhân dân đóng góp...
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trịnh Xuân Long - Trưởng Đoàn kiểm tra, kết quả PAPI 2020 (nhất là điểm thành phần về công khai, minh bạch) có sự cải thiện vượt bậc cho thấy nhiều chuyển biến tích cực ở các địa phương trong tỉnh. “Công khai, minh bạch trong quá trình hoạt động cũng sẽ là yêu cầu quan trọng đặt ra trong thời gian đến cho chính quyền địa phương, nhất là ở cấp cơ sở, gần dân nhất”, ông Long khẳng định.
Bên cạnh công khai, minh bạch, Bình Định cũng thuộc nhóm 4 địa phương có mức tăng điểm cao nhất ở điểm số thành phần “Cung ứng dịch vụ công” (gồm Y tế công lập, Giáo dục tiểu học công lập, Cơ sở hạ tầng căn bản, ANTT tại địa bàn khu dân cư).
Tuy nhiên, ở điểm số thành phần “Thủ tục hành chính công”, Bình Định lại thuộc nhóm địa phương đạt điểm thấp nhất về năng lực thực hiện thủ tục hành chính cho người dân ở cấp xã. Đây là vấn đề rất đáng quan tâm trong quá trình cải cách hành chính ở các địa phương cấp xã trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, để duy trì đà tăng trưởng trong những năm tiếp theo, lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố cần quan tâm chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị có liên quan và các xã, phường, thị trấn nghiêm túc xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện các nội dung về cải thiện và nâng cao Chỉ số PAPI của tỉnh gắn với trách nhiệm của người đứng đầu của từng cấp, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, các ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền, đối thoại với người dân, giải quyết kịp thời những kiến nghị, bức xúc của người dân trên từng lĩnh vực cụ thể.
Chỉ số PAPI là khảo sát xã hội học lớn nhất Việt Nam, được hợp tác nghiên cứu bởi Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng Cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam (VFF-CRT), Công ty Phân tích Thời gian thực (RTA) và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP). Báo cáo thường niên được tiến hành thí điểm từ năm 2009, mở rộng quy mô trên cả nước từ năm 2011 tới nay. Năm 2020, 14.732 người dân đã tham gia khảo sát PAPI - số lượng lớn nhất kể từ năm 2011.
Bức tranh toàn cảnh từ kết quả Chỉ số PAPI gốc cho thấy hiệu quả quản trị và hành chính công ở cấp quốc gia từng bước được cải thiện qua 10 năm từ 2011 đến 2020. Nhiệm kỳ chính quyền các cấp 2016 - 2021 có nhiều chuyển biến tích cực hơn nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Có tới 60 tỉnh, thành phố ghi nhận những thay đổi tích cực, thể hiện qua tỷ lệ tăng trưởng điểm PAPI gốc thường niên, dao động từ 0,1 - 3,1%, trong thời gian kể từ khi nghiên cứu PAPI bắt đầu theo dõi hiệu quả quản trị và hành chính công của toàn bộ 63 tỉnh, thành phố năm 2011.
Theo NGUYỄN VĂN TRANG (baobinhdinh.com.vn)