Sở Nội vụ siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, giao việc có thời hạn trong nội bộ đơn vị
Ảnh minh họa
Quy chế làm việc nêu trên quy định rõ trách nhiệm, phạm vi, cách thức giải quyết công việc của Giám đốc, các Phó Giám đốc, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Sở Nội vụ và quy định các nội dung liên quan đến hoat động điều hành nội bộ cơ quan Sở Nội vụ, đáp ứng yêu cầu hiệu lực, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cơ quan.
Một trong những nội dung đáng chú ý là quan hệ phối hợp giải quyết công việc giữa Sở Nội vụ với các sở, ngành, địa phương được quy định rõ: “Khi các sở, ngành, địa phương có đề nghị phối hợp công tác bằng văn bản thì các Bộ phận chuyên môn Sở có trách nhiệm kịp thời báo cáo Lãnh đạo Sở để thực hiện các nhiệm vụ phối hợp theo đúng thời hạn được nêu trong văn bản đề nghị”.
Trường hợp văn bản đề nghị phối hợp không nêu thời hạn trả lời cụ thể, thì bộ phận chuyên môn phải khẩn trương nghiên cứu, tham mưu trong thời hạn 03 ngày làm việc. Theo quy định tại “Quy trình tiếp nhận và xử lý văn bản tại Sở Nội vụ” thì tổng thời gian của quy trình xử lý văn bản kể từ khi văn thư tiếp nhận văn bản đến cho đến khi Lãnh đạo Sở Nội vụ ký duyệt, phát hành văn bản là không quá 04 ngày làm việc.
Trường hợp phức tạp, cần xin ý kiến các cơ quan, đơn vị có liên quan thì Bộ phận chuyên môn của Sở phải xin ý kiến Lãnh đạo Sở xem xét, gia hạn thời gian giải quyết. Thời gian gia hạn thêm không quá 03 ngày làm việc.
Thủ tục trình Lãnh đạo Sở giải quyết công việc phải bao gồm Phiếu trình và Tờ trình kèm theo của Bộ phận chuyên môn, trong đó giải trình cụ thể việc tiếp thu (hoặc không tiếp thu) các ý kiến tham gia của các cơ quan, đơn vị liên quan, các quy định của pháp luật làm căn cứ đề xuất và chính kiến đề xuất giải quyết của công chức có liên quan để Lãnh đạo Sở xem xét, quyết định.
Quy chế làm việc của Sở Nội vụ cũng quy định rõ: Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, phối hợp giải quyết công việc, Bộ phận chuyên môn, cá nhân nào gây khó khăn, phiền hà, nhũng nhiễu hoặc chậm trễ thì Bộ phận chuyên môn, cá nhân đó phải bị xem xét khi đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm; tùy theo tính chất, mức độ cụ thể, công chức, viên chức vi phạm sẽ bị xem xét, xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật. Đồng thời người đứng đầu Bộ phận chuyên môn để xảy ra trường hợp vi phạm cũng phải bị xem xét, xử lý trách nhiệm liên đới.
Việc ban hành các Quy chế làm việc, Quy trình giải quyết công việc có thời hạn trong nội bộ cơ quan, đơn vị, nếu được kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm là một trong những giải pháp thiết thực, hiệu quả góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh./.
Lê Dũng Linh