Đẩy mạnh phân cấp quản lý để đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.
Ảnh minh họa
Trong bối cảnh tình hình đại dịch Covid-19 đang gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng, tàn phá nặng nề nền kinh tế thế giới và trong nước, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính, tranh thủ, tận dụng và phát huy tối đa nguồn nội lực, phục vụ cho các kịch bản tăng trưởng, sớm phục hồi nền kinh tế, Chính phủ đã ban hành hàng loạt quyết sách quan trọng, trong đó có Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2020 về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 99), trong đó giao nhiệm vụ cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện phân cấp quản lý nhà nước cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã theo mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc được quy định tại Nghị quyết.
Trong 06 nguyên tắc được nêu tại Nghị quyết 99, có 02 nguyên tắc mà người xây dựng thể chế về phân cấp quản lý tại các địa phương cấp tỉnh phải thực sự lưu tâm, bao gồm: Thứ nhất, phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn theo quy định của pháp luật; bảo đảm một việc không quá 02 cấp hành chính quản lý. Thứ hai, phù hợp với điều kiện, trình độ quản lý và khả năng tiếp nhận phân cấp của địa phương, bảo đảm nguyên tắc hiệu quả, việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và người dân thì giao cho cấp đó thực hiện.
Một trong những nội dung nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 99 thể hiện quyết tâm rất cao của Chính phủ nhằm đẩy mạnh phân cấp, cải cách mạnh mẽ đó là: “Rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để loại bỏ các quy định phải có ý kiến chấp thuận hoặc xin ý kiến của cơ quan nhà nước cấp trên đối với những vấn đề đã được quy định bằng tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình và đã được phân cấp quản lý.” Trong thực tiễn của công tác quản lý hiện nay, việc “chờ có ý kiến chấp thuận hoặc xin ý kiến của cơ quan cấp trên” đối với những nhiệm vụ đã được phân cấp là hạn chế, bất cập, thậm chí là những rào cản rất lớn, gây cản trở cho việc thực thi công vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương, làm giảm tính hiệu lực, hiệu quả của các quy định về phân cấp quản lý. Phân cấp chỉ thực sự phát huy hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở hoàn thiện các quy định về tiêu chí, điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, cơ chế kiểm soát giá, phí để làm cơ sở phân cấp và tăng cường tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra sau phân cấp.
Ngoài ra, việc ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả, ổn định, bền vững các quy định về phân cấp còn giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát lại tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, điều chỉnh số lượng biên chế cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ sau khi được phân cấp, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của BCH TW Đảng (Khóa XII) gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC theo Nghị quyết số 39/NQ-TW của Bộ Chính trị.
Do đó, thiết nghĩ Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực là cơ sở pháp lý quan trọng để các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố rà soát, đánh giá một cách toàn diện, chi tiết, thận trọng, kỹ lưỡng về tình hình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của cơ quan, đơn vị mình nhằm kiến nghị, tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định về phân cấp quản lý trên địa bàn tỉnh, trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp để đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính trong tình hình mới.
Lê Dũng Linh