Một số dịch vụ công thiết yếu của người dân, doanh nghiệp được cung cấp tại Cổng Dịch vụ công quốc gia kể từ ngày 01.7.2020.
Ảnh minh họa
(1) Dịch vụ “Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính”
Dịch vụ này cung cấp tính năng giúp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào bản chính dạng văn bản giấy để chứng thực bản sao bằng hình thức điện tử là đúng với bản chính. Bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính dạng văn bản giấy có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Đối với người dân, doanh nghiệp, dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia cung cấp tiện ích đặt lịch hẹn với người dân, doanh nghiệp đến thực hiện chứng thực, giúp giảm thời gian chờ đợi khi thực hiện thủ tục. Bản sao chứng thực điện tử được ký số bảo đảm tính nguyên vẹn, chính xác và có thể sử dụng lại nhiều lần; giúp người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng để thực hiện trực tuyến hoàn toàn đối với đa số các thủ tục hành chính chính đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, loại bỏ tình trạng phải nộp bản sao chứng thực/xuất trình bản giấy để xác minh lại hồ sơ như hiện nay.
(2) Dịch vụ “Đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện”
Dịch vụ này cho phép người dân nộp trực tuyến số tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện của mình hoặc người thân, giúp cắt giảm thời gian, chi phí đi lại đến cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc các cơ quan ủy nhiệm thu để đóng tiền theo định kỳ. Cùng với việc tiếp tục cùng Bảo hiểm Xã hội Việt Nam hoàn thành việc tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia dịch vụ đăng ký, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội tự nguyện trong tháng 7 năm 2020, nhóm dịch vụ này sẽ giúp người dân hoàn toàn có thể ngồi tại nhà đăng ký tham gia và đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để được hưởng các chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định.
Với những tiện tích trong đăng ký tham gia và đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ Cổng Dịch vụ công quốc gia sẽ khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nhiều hơn, góp phần thực hiện mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.
(3) Dịch vụ “Gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình”
Dịch vụ này cho phép người dân đóng tiền trực tuyến để gia hạn thẻ bảo hiểm y tế của mình hoặc người thân, giúp cắt giảm thời gian, chi phí đi lại thực hiện thủ tục tại cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc đại lý ủy nhiệm thu.
(4) Dịch vụ “Cấp mới, đổi giấy phép lái xe do ngành giao thông vận tải cấp mức độ 4”
Dịch vụ đổi giấy phép lái xe là dịch vụ được nâng cấp từ mức độ 3 (đã được cung cấp ngay từ khi khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia vào tháng 12/2019) lên mức độ 4 trên cơ sở tích hợp, chia sẻ dữ liệu khám sức khỏe của Bộ Y tế và xử lý phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của Bộ Công an.
Dịch vụ này sẽ thực hiện thí điểm từ 01.7.2020 tại Tổng cục Đường bộ, thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam, với 03 Bệnh viện ở Hà Nội (Bệnh viện Giao thông vận tải, Bệnh viện E và Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) và 08 bệnh viện, trung tâm y tế ở Hà Nam (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam, Bệnh viện Đa khoa Nam Lý; các Trung tâm y tế huyện: Bình Lục, Kim Bảng, Lý Nhân, Thanh Liêm, Thị xã Duy Tiên và Trung tâm giám định y khoa tỉnh).
(5) Dịch vụ “Nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ”
Dịch vụ nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trực tiếp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đã thực hiện thí điểm tại 5 địa phương cấp tỉnh (thành phố gồm Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Bình Thuận) từ ngày 12.3.2020.
Tuy nhiên, thời gian qua số lượng thực hiện nộp phạt trực tuyến thành công còn thấp do nhiều nguyên nhân nhân như: phạm vi thực hiện thí điểm còn hẹp (chỉ phạm vi xử lý của cấp Phòng trở lên đối với xử phạt của Cảnh sát giao thông và các đơn vị thuộc Tổng cục đường bộ của Thanh tra giao thông); cơ sở hạ tầng của các đơn vị thực hiện dịch vụ còn hạn chế; tâm lý, thói quen của người dân còn e ngại khi thực hiện theo hình thức trực tuyến,...
Do đó, để nâng cao chất lượng phục vụ, từ 01.7.2020, việc nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trực tuyến sẽ được mở rộng phạm vi thực hiện cụ thể như sau:
- Thực hiện trên toàn quốc đối với thẩm quyền xử phạt của Thanh tra giao thông.
- Thực hiện trên toàn quốc đối với thẩm quyền xử phạt của chỉ huy cấp Đội trở lên thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị trực thuộc Cục Cảnh sát giao thông.
Như vậy, bắt đầu với 05 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp từ thời điểm khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia (ngày 09.12.2019), đến nay Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 725 dịch vụ công trực tuyến; tích hợp với 18 bộ, ngành, 63/63 địa phương, 12 tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, trung gian thanh toán; tổng chi phí xã hội tiết kiệm được do Cổng Dịch vụ công quốc gia đóng góp là 3.036 tỷ đồng/năm./.
Lê Dũng Linh