A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số nội dung đáng chú ý của “Quy chế hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Định”

(binhdinh.gov.vn) - Ngày 09 tháng 02 năm 2021, UBND tỉnh đã phê duyệt Quyết định số 03/2021/QĐ-UBND ban hành “Quy chế hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Định”.

“Quy chế hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Định” (sau đây gọi tắt là Quy chế) là hệ thống các quy định trong công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC); được quy phạm hóa thành quy trình, hoạt động cụ thể, xác định rõ các nội dung nhiệm vụ của công tác kiểm soát TTHC gắn với trách nhiệm của cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ kiểm soát TTHC tại các cơ quan, đơn vị, địa phương; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về TTHC nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác cải cách TTHC, cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh.

Quy chế có 10 nội dung đáng chú ý như sau:

1. Quy trình kiểm soát TTHC được thực hiện chặt chẽ, xuyên suốt trong các hoạt động: thẩm định, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có quy định TTHC; công bố, công khai TTHC; rà soát, đánh giá TTHC; xây dựng quy trình nội bộ giải quyết TTHC; giải quyết hồ sơ TTHC; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về các quy định hành chính.

Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm soát TTHC, cải cách TTHC và chịu trách nhiệm trước cấp trên trực tiếp, trước UBND tỉnh theo quy định của pháp luật đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.

2. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh khi được giao nhiệm vụ xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND tỉnh, UBND tỉnh có quy định về TTHC phải thực hiện việc đánh giá tác động TTHC, gửi Văn phòng UBND tỉnh tham gia ý kiến trước khi tổng hợp, gửi hồ sơ đến Sở Tư pháp thẩm định theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Sở Tư pháp không tiếp nhận hồ sơ gửi thẩm định nếu cơ quan chủ trì soạn thảo chưa hoàn thành các nội dung công việc nêu trên.

3. Thời gian các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh trình công bố danh mục TTHC:

- Trong thời hạn 07 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày cơ quan nhận được quyết định công bố TTHC của các bộ, cơ quan ngang bộ;

- Trong thời hạn 07 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày cơ quan nhận được văn bản của Văn phòng UBND tỉnh thông báo danh mục văn bản của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, trong đó có quyết định của các bộ, cơ quan ngang bộ công bố TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý (trường hợp bộ, cơ quan ngang bộ không gửi trực tiếp quyết định công bố TTHC cho đơn vị);

- Trong thời hạn 07 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện công khai quyết định công bố TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC của Cổng Dịch vụ công quốc gia (trường hợp bộ, cơ quan ngang bộ không gửi quyết định công bố TTHC cho địa phương theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Thông tư số 02/2017/TT-VPCP);

- Trong thời hạn 07 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành quyết định phân cấp, ủy quyền thực hiện một phần hoặc toàn bộ quy trình giải quyết TTHC.

4. Các cơ quan trình phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết TTHC đồng thời với việc trình công bố danh mục TTHC. Trường hợp TTHC phức tạp, các đơn vị báo cáo, đề xuất việc gia hạn thời gian phê duyệt quy trình nội bộ trong nội dung tờ trình Chủ tịch UBND tỉnh.

Trường hợp TTHC do một cơ quan trình công bố nhưng do một cơ quan khác thực hiện thì trong thời gian không quá 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định công bố, cơ quan thực hiện TTHC phải trình hồ sơ phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết TTHC.

5. Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh công bố danh mục TTHC, nhóm TTHC được tiếp nhận hồ sơ trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh và công bố danh mục dịch vụ công của tỉnh được tích hợp, tiếp nhận hồ sơ trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Mỗi dịch vụ công trực tuyến sẽ được gắn một mã số, giúp cho người dùng xác định được các thông tin cơ bản như sau: Tên TTHC; Phân loại TTHC cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; TTHC có hoặc không có thu phí, lệ phí; Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết; Mức độ cung cấp trực tuyến (mức độ 3 hoặc mức độ 4). 

6. Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh có tổ chức, vận hành hoạt động Bộ phận Một cửa theo quy định tại Quyết định số 72/2020/QĐ-UBND ngày 20 tháng 11 năm 2020 của UBND tỉnh ban hành “Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh Bình Định” phải thực hiện niêm yết công khai toàn bộ danh mục TTHC thuộc phạm vi tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ TTHC của đơn vị bằng hình thức niêm yết bản giấy (ngoài hình thức công khai điện tử) theo quy định tại Điều 14, Điều 15 Thông tư số 02/2017/TT-VPCP.

7. Cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện tiến hành lựa chọn và đăng ký TTHC hoặc nhóm TTHC cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã cần thực hiện rà soát, đánh giá; gửi về Văn phòng UBND tỉnh trước ngày 15 tháng 01 hàng năm để xem xét, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch rà soát, đánh giá TTHC hàng năm của tỉnh trước ngày 30 tháng 01 hàng năm.

Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp và báo cáo đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh quyết định đưa ra khỏi Kế hoạch rà soát, đánh giá đối với những TTHC không có hồ sơ đề nghị thông qua phương án đơn giản hóa trước ngày 15 tháng 8 hàng năm.

8. Đối với phản ánh, kiến nghị về hành vi trái pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực hiện TTHC được cơ quan có thẩm quyền xác định là đúng, cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức tùy theo tính chất, mức độ vi phạm xem xét việc xử lý như sau:

- Không xét thi đua, khen thưởng, đề bạt, bổ nhiệm trong năm có hành vi vi phạm;

- Xử lý kỷ luật theo quy định pháp luật hiện hành;

- Không giao nhiệm vụ thực hiện TTHC cho cán bộ, công chức, viên chức tái phạm lần hai trở lên.

9. Các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh phân công 3 cán bộ đầu mối. UBND cấp huyện phân công 3 cán bộ đầu mối; UBND cấp xã phân công 2 cán bộ đầu mối. Thủ trưởng các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh phê duyệt danh sách Cán bộ đầu mối tại đơn vị theo phạm vi thẩm quyền. Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm phê duyệt danh sách Cán bộ đầu mối thực hiện nhiệm vụ tại UBND cấp huyện, cấp xã. UBND tỉnh ủy quyền cho cho Chánh Văn phòng UBND tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ thuộc quyền hạn của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt danh sách cán bộ đầu mối theo đề nghị của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh.

Cán bộ đầu mối thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và các hoạt động cụ thể theo quy định tại Điều 27, Điều 28 của Quy chế. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương Phân công khối lượng công việc hợp lý nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho Cán bộ đầu mối thực hiện hiệu quả các nội dung nhiệm vụ theo quy định; biểu dương, khen thưởng và xem xét trách nhiệm Cán bộ đầu mối đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quy chế này đảm bảo theo quy định của pháp luật hiện hành.

10. Kết quả thực hiện công tác kiểm soát TTHC theo nội dung Quy chế này được thực hiện báo cáo định kỳ cùng với kết quả triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử theo quy định tại Thông tư số 01/2020/TT-VPCP.

Các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh khi gửi báo cáo cho cơ quan ngành dọc cấp trên theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 10 Thông tư số 01/2020/TT-VPCP phải đồng thời gửi báo cáo cho UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo việc thực hiện các nội dung có liên quan theo phạm vi thẩm quyền

“Quy chế hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Định”có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22 tháng 02 năm 2021./.

Lê Dũng Linh


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật