Mưa lũ bất thường ở Bình Định: Trong 10 ngày phải giúp dân gặt hết 11.000 ha lúa
Sáng 4.4, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long chủ trì hội nghị trực tiếp và trực tuyến đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý 1 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý 2/2022.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long phát biểu tại cuộc họp KIM YẾN |
Trong 3 tháng qua, dù dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát nhưng tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định vẫn duy trì ổn định và đang phục hồi, phát triển. Cụ thể, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 6,5% so với cùng kỳ, thu ngân sách đạt 4.030 tỉ đồng (tăng 120,6% so với cùng kỳ)…
Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp của tỉnh gặp khó khăn khi giá vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng cao, lượng hàng hóa tồn kho còn nhiều. Tình trạng lấn chiếm đất đai, khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản, ô nhiễm môi trường còn xảy ra ở nhiều địa phương trong tỉnh...
Trước mắt, tỉnh Bình Định có hơn 11.000 ha lúa đã chín nhưng do ảnh hưởng của mưa lũ chưa thu hoạch được và nhiều tàu cá của ngư dân bị chìm trong đợt mưa gió bất thường vừa qua chưa được trục vớt.
Nhiều diện tích lúa ở Bình Định bị ngã đổ do đợt mưa gió bất thường vừa qua chưa được thu hoạch HOÀNG TRỌNG |
Ông Nguyễn Phi Long yêu cầu ưu tiên hàng đầu trong quý II năm nay là bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ngành y tế và các địa phương phải đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện để tổ chức tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng yêu cầu Sở NN-PTNT và các địa phương huy động máy móc hỗ trợ người dân thu hoạch lúa. Các đơn vị quân đội, công an, đoàn thanh niên… hỗ trợ nhân lực cho các địa phương, đảm bảo trong 10 ngày phải thu hoạch hết diện tích lúa chín bị ảnh hưởng bởi các đợt mưa vừa qua. Bên cạnh đó, nhanh chóng thống kê thiệt hại, đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ kịp thời cho nhân dân.
Do lúa bị ngã đổ nên không thu hoạch bằng máy được, phải thu hoạch thủ công BẢO THOA |
Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định và các địa phương cần tiếp tục triển khai các giải pháp để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Sở TN-MT và các địa phương cần phải lập lại trật tự trong công tác quản lý, khai thác tài nguyên đất đai, khoáng sản và trên lĩnh vực môi trường, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, không để tình trạng khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp kéo dài...
Chiều 4.4, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết đã thống kê được 80 phương tiện (gồm: 2 ca nô, 45 thuyền, 22 thúng, 11 bè du lịch) bị sóng gió đánh chìm.
Các lực lượng trục vớt tàu cá của người dân xã Nhơn Lý bị chìm HOÀNG TRỌNG |
Đến nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định phối hợp lực lượng tìm kiếm các sở, ngành và chính quyền địa phương tổ chức trục vớt được 30 phương tiện (16 tàu cá công suất nhỏ, 2 thúng máy, 1 ca nô du lịch ở xã Nhơn Lý, 2 thuyền, 1 thúng, 9 bè du lịch ở xã Nhơn Hải của TP.Quy Nhơn và 2 thuyền ở xã Mỹ Thọ, H.Phù Mỹ). Hiện các lực lượng tạm thời dừng các hoạt động tìm kiếm, trục vớt do biển đang có gió mạnh và sóng lớn.
Ngoài ra, trong đợt mưa gió bất thường từ ngày 30.3 đến ngày 2.4 vừa qua, tỉnh Bình Định có 2 người bị thương, 13.907 ha lúa bị đổ ngã, 740 ha lúa bị ngập úng, 2.578 ha hoa màu bị ngập úng, 125 tấn muối bị hư hỏng…