Hợp tác với tỉnh Phú Yên
Nhằm phát huy lợi thế của hai địa phương lân cận, đáp ứng xu thế phát triển và hội nhập, trên tinh thần tự nguyện của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội và hai bên cùng có lợi, sau một thời gian bàn bạc, sáng ngày 6/5/2005, tại thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên, với dự chứng kiến của lãnh đạo 2 tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Vũ Hoàng Hà và Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Đào Tấn Lộc đã ký Bản thoả thuận hợp tác phát triển giữa 2 địa phương. Nội dung hợp tác tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội và an ninh quốc phòng, trong đó ưu tiên hợp tác về kinh tế. Cụ thể:
1. Về kinh tế:
- Tỉnh Bình Định phối hợp với tỉnh Phú Yên trong công tác nghiên cứu đề tài khoa học: “Nghiên cứu luận cứ khoa học về tổ chức lãnh thổ kinh tế - xã hội Phú Yên trong thế tác động và quan hệ liên vùng của khu vực các tỉnh thuộc lưu vực sông Ba và vùng phụ cận” do Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Yên chủ trì. Trên cơ sở kết quả của đề tài, kiến nghị với Chính phủ cho phép lập quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên đến năm 2020.
- Hai tỉnh thống nhất kiến nghị Trung ương tạo điều kiện và hỗ trợ phát triển khu kinh tế Đông Bắc Sông Cầu tỉnh Phú Yên gắn với khu kinh tế Nhơn Hội và Cảng Quy Nhơn tỉnh Bình Định.
- Thiết lập mạng lưới thông tin kinh tế - xã hội giữa 2 tỉnh nhằm trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý, lập kế hoạch phát triển. Giới thiệu thông tin lên website của hai tỉnh.
- Hỗ trợ nhau trong công tác hoạch định chiến lược phát triển, quy hoạch kế hoạch, quản lý điều hành nền kinh tế, xây dựng khu công nghiệp, cảng biển, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, xoá đói giảm nghèo...
- Kiến nghị Trung ương tạo điều kiện để triển khai nhanh dự án đầu tư, nâng cấp Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ tại Bình Định phục vụ phát triển nông nghiệp 2 tỉnh và khu vực.
- Hai tỉnh hợp tác chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, ứng dụng giống mới, công nghệ cao trong nông nghiệp. Trên cơ sở chủ động đầu tư vùng nguyên liệu gắn với cơ sở chế biến ở mỗi tỉnh, có kế hoạch hợp tác phát triển vùng nguyên liệu, trước mắt là vùng nguyên liệu mía, sắn, nguyên liệu giấy.
- Hai tỉnh tiếp tục phối hợp đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến hải sản; tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền 2 tỉnh sử dụng cơ sở hạ tầng và dịch vụ nghề cá của mỗi tỉnh.
- Hai tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các Nhà đầu tư của 2 tỉnh hợp tác đầu tư, hợp tác sản xuất-kinh doanh.
- Đẩy mạnh phối hợp đầu tư và hợp tác khai thác có hiệu quả các điểm du lịch trên tuyến Quốc lộ 1D; phát triển các khu, tuyến du lịch tổng hợp: tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu - Tuy Hoà nối Vân Phong - Đại Lãnh.
- Bình Định và Phú Yên phối hợp kiến nghị với Chính phủ cho đầu tư tuyến đường liên tỉnh với điểm đầu từ Diêu Trì - Vân Canh (Bình Định) qua 3 huyện miền núi của Phú Yên (Đồng Xuân, Sơn Hoà, Sông Hinh), điểm cuối giao với Quố lộ 26, huyện Ma Drăk của tỉnh Đắc Lắc để hình thành hệ thống đường giao thông hoàn chỉnh nối liền 3 tỉnh.
- Hai tỉnh kiến nghị Trung ương đầu tư các tuyến đường ven biển vừa xây dựng tuyến phòng thủ đồng thời kết hợp phát triển du lịch.
- Hai tỉnh quan tâm và hợp tác bảo vệ môi trường khi khai thác du lịch, nuôi trồng, đánh bắt hải sản và phát triển công nghiệp tại các khu vực giáp 2 tỉnh.
2. Văn hoá - xã hội:
- Định kỳ 2 năm 1 lần giữa Bình Định và Phú Yên tổ chức các cuộc giao lưu văn hoá nghệ thuật, liên hoan văn hóa các dân tộc thiểu số và các ngày hội thể thao-văn hóa vùng biển.
- Bình Định tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân người Phú Yên khám chữa bệnh tại các Bệnh viện của Bình Định.
- Đối với các trường thuộc Trung ương đóng trên địa bàn: Phối hợp đề nghị việc liên kết đào tạo 1 cách hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho từng tỉnh và cả vùng.
- Đối với các trường thuộc tỉnh: Hai tỉnh sẽ liên kết, hợp tác đào tạo.