|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kết luận của của đồng chí Phạm Anh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Chương trình hành động số 09 về “Cải cách hành chính, trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2020 - 2025” tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ

(binhdinh.gov.vn) - Toàn văn Thông báo số 07-TB/BCĐ ngày 12/9/2023 của đồng chí Phạm Anh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Chương trình hành động số 09 tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ

Ngày 28 tháng 8 năm 2023, tại trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng chí Phạm Anh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động số 09-CTr/TU ngày 14 tháng 5 năm 2021 của Tỉnh ủy về “Cải cách hành chính, trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2020 - 2025” (gọi tắt là Chương trình hành động số 09) đã chủ trì Hội nghị trực tiếp kết hợp với trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện giữa nhiệm kỳ. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Ủy ban nhân dân tỉnh có đồng chí Nguyễn Giờ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo; đồng chí Lâm Hải Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo và các thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình hành động số 09; thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của tỉnh; Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, Bí thư Tỉnh đoàn và đại diện Lãnh đạo cơ quan: Bảo hiểm xã hội tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Cục Thống kê tỉnh. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và đại diện lãnh đạo, công chức phụ trách công tác cải cách hành chính của các phòng, ban liên quan.

Sau khi nghe đại diện Lãnh đạo Sở Nội vụ báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình hành động số 09 và ý kiến phát biểu của các thành viên tham dự Hội nghị; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Chương trình hành động 09 kết luận như sau:

Trong gần 03 năm (2021 - 2023), Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Chương trình hành động số 09. Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành “Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 09” tại Quyết định số 3809/QĐ-UBND ngày 14 tháng 9 năm 2021 trên cơ sở quán triệt đầy đủ các mục tiêu, yêu cầu của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 ban hành tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ; đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả tích cực, nổi bật như: một số nội dung thành phần quan trọng của các Chỉ số: PAPI, PAR INDEX, SIPAS, PCI dần ổn định và có sự cải thiện; kỷ luật, kỷ cương hành chính tiếp tục được siết chặt gắn với đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính và chuyển đổi số, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư góp phần thực hiện thắng lợi và hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bên cạnh những ưu điểm, kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình hành động số 09 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế chủ yếu như: kết quả đánh giá tổng thể các Chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS của tỉnh vẫn chưa cao, còn thiếu tính bền vững, chưa đáp ứng mục tiêu đề ra; một số lĩnh vực cải cách hành chính chưa có sự đổi mới mang tính đột phá; nhất là công tác phối hợp giải quyết công việc chung giữa các ngành, các cấp chưa thực sự chủ động; trách nhiệm kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến kết quả giải quyết công việc chưa thông suốt, còn tình trạng chậm, muộn; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến còn thấp; trình độ năng lực, kỹ năng của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, nhất là ở cấp cơ sở.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên chủ yếu là do Người đứng đầu một số cơ quan, địa phương chưa thực sự vào cuộc, chưa thể hiện vai trò dẫn dắt công tác cải cách hành chính tại cơ quan, đơn vị, địa phương; kỷ luật, kỷ cương vẫn còn lỏng lẻo; phương thức làm việc chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình hành động số 09, góp phần làm chuyển biến thực chất, rõ nét công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính của tỉnh khi kết thúc nhiệm kỳ 2020 - 2025, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo yêu cầu:

1. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục thay đổi tư duy, cách tiếp cận, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính gắn chặt với việc tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 37-CT/TU ngày 10 tháng 8 năm 2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu hiện nay. Quán triệt sâu sắc yêu cầu cải cách hành chính là một trong những giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm của sự phục vụ hành chính; kết quả cải cách hành chính là “thước đo” đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và của Người đứng đầu.

2. Khẩn trương rà soát, đẩy nhanh tiến độ triển khai, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác cải cách hành chính được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao gắn với việc thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 107/KH-UBND ngày 08 tháng 6 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về cải thiện, nâng cao các chỉ số liên quan đến công tác cải cách hành chính của tỉnh năm 2023 với nhiệm vụ trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số; kịp thời nhân rộng các mô hình mới, cách làm sáng tạo đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

3. Tập trung rà soát, nghiên cứu, đề xuất đơn giản hóa thành phần hồ sơ thủ tục hành chính; tăng cường thực hiện liên thông thủ tục hành chính; thực hiện tái cấu trúc quy trình giải quyết để cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhất là đối với những thủ tục hành chính thiết yếu liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ số hoá thành phần hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính để sử dụng hiệu quả dữ liệu số hóa phục vụ nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải có hành động cụ thể, giải pháp thiết thực để thúc đẩy người dân, doanh nghiệp ưu tiên sử dụng dịch vụ công trực tuyến; quan tâm tạo điều kiện, phối hợp với Đoàn Thanh niên thực hiện hiệu quả Đề án “Phát huy vai trò của đoàn viên, thanh niên trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến giai đoạn 2022 – 2027” được phê duyệt tại Quyết định số 5299/QĐ-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh (sau đây gọi tắt là Đề án 5299).

4. Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ và chính sách cán bộ. Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát. Chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo. Thực hiện nghiêm các quy định về tiêu chuẩn chức danh khi bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ; định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ chuyên môn theo quy định. Tiếp tục nâng cao chất lượng hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đối với cấp xã.    

5. Tiếp tục rà soát, thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh; tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính; chuyển từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công căn cứ vào chất lượng đầu ra hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; trong đó, cần tập trung thông tin, nắm bắt kịp thời tâm trạng, tư tưởng của đội ngũ viên chức, nhân viên, người lao động của các đơn vị để thống nhất về nhận thức và hành động. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định có liên quan của tỉnh nhằm tạo điều kiện đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức ngoài công lập tham gia cung ứng dịch vụ sự nghiệp công trên các lĩnh vực theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

6. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục theo dõi, đôn đốc việc thực hiện hiệu quả hơn nữa Đề án 5299 gắn với hoàn thành các chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao cho địa phương tại Đề án 06; phát huy vai trò của cơ quan Thường trực công tác cải cách thủ tục hành chính ở địa phương; tăng cường nghiên cứu và làm đầu mối phối hợp đề xuất các quy trình thực hiện liên thông thủ tục hành chính; ưu tiên tái cấu trúc quy trình thực hiện thủ tục hành chính để cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục phát sinh số lượng hồ sơ giao dịch lớn.

7. Sở Nội vụ rà soát, kiểm tra, theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 09 và các nhiệm vụ tại Thông báo này; thường xuyên kiểm tra, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức vi phạm văn hóa công vụ trong giao tiếp, ứng xử với người dân, doanh nghiệp trong thi hành công vụ theo các nội dung chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Chỉ thị số 37-CT/TU ngày 10 tháng 8 năm 2023. Phối hợp với Công an tỉnh bổ sung “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” được phê duyệt tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Đề án 06) vào nội dung theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình hành động số 09.

8. Sở Thông tin và Truyền thông khẩn trương triển khai xây dựng Kho dữ liệu dùng chung của tỉnh; rà soát, đôn đốc việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ tại Kế hoạch số 44/KH-UBND ngày 10 tháng 3 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về chuyển đổi số năm 2023, định hướng đến năm 2025, đảm bảo hoàn thành đúng thời gian quy định.

9. Công an tỉnh tiếp tục theo dõi, kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu liên quan thuộc Đề án 06; trong đó nghiên cứu tham mưu triển khai các mô hình điểm ứng dụng những tiện ích được phát triển từ nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo yêu cầu của Bộ Công an. Tăng cường công tác phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông và các ngành liên quan trong việc trao đổi, cung cấp thông tin và tham mưu, đề xuất việc ứng dụng kết quả của Đề án 06 trong công tác cải cách thủ tục hành chính và thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

10. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan có liên quan tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của mô hình “Tổ công nghệ số thanh niên”, “Đội thanh niên tình nguyện thực hiện dịch vụ công trực tuyến” đối với công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân đăng ký, kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 để thực hiện dịch vụ công trực tuyến gắn với thực hiện các chỉ tiêu, nội dung, nhiệm vụ được giao tại Đề án 5299 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai thực hiện./.


Tác giả: Dũng Linh

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật