Kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2021 trên địa bàn tỉnh Bình Định
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Theo đó, giá trị trung bình của Chỉ số hài lòng về chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công (Chỉ số SIPAS) đối với Khối 17 cơ quan thuộc UBND tỉnh (Văn phòng UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh, Sở Ngoại vụ không thuộc phạm vi khảo sát, đánh giá) là 83,76%. Trong đó, 03 cơ quan dẫn đầu lần lượt là: Sở Du lịch (91,86%), Sở Khoa học và Công nghệ (90,66%) và Sở Nội vụ (90,66%).
Trong danh sách 17 cơ quan nêu trên, 08 cơ quan có Chỉ số hài lòng thấp hơn so với giá trị trung bình của nhóm, bao gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường (82,58%), Sở Y tế (82,52%), Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh (80,41%), Sở Kế hoạch và Đầu tư (80,32%), Sở Giáo dục và Đào tạo (79,79%), Sở Xây dựng (79,55%), Sở Công Thương (77,26%) và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (71,10%).
Đối với Khối UBND các huyện, thị xã, thành phố, giá trị trung bình đạt 80,94%. Trong đó, 03 địa phương dẫn đầu lần lượt là: Vĩnh Thạnh (97,10%), An Lão (87,36%) và Tây Sơn (85,66%). 06 địa phương thuộc nửa cuối bảng xếp hạng có Chỉ số hài lòng thấp hơn giá trị trung bình của Khối, bao gồm: Hoài Nhơn (79,41%), Hoài Ân (77,92%), Phù Cát (75,18%), Vân Canh (74,87%), Phù Mỹ (74, 69%) và An Nhơn (72,84%).
Đáng chú ý đối với Khối UBND các huyện, thị xã, thành phố, so sánh kết quả liên tục trong 03 năm (từ năm 2019 đến năm 2021), các địa phương có vị trí xếp hạng giảm sâu, bao gồm: An Nhơn (2019: vị trí thứ nhất, 2020: vị trí thứ 6 và 2021: vị trí thứ 11), Phù Mỹ (2019: vị trí thứ 2, 2020: vị trí thứ 9 và 2021: vị trí thứ 10). 02 địa phương có sự cải thiện mạnh mẽ về vị trí, bao gồm: An Lão (2019: vị trí thứ 11, 2020: vị trí thứ 1 và 2021: vị trí thứ 2) và Vĩnh Thạnh (2019: vị trí thứ 10, 2020: vị trí thứ 8 và 2021: vị trí thứ 1).
Đối với Khối các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, giá trị trung bình đạt 78,68%, kết quả cụ thể: Cục Hải quan tỉnh (81,20%), Kho bạc Nhà nước tỉnh (81,27%), Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh (79,53), Cục Thuế tỉnh, (75,98%), Bảo hiểm xã hội tỉnh (75,33%). Trong đó, Ngân hàng Nhà nước đã mất vị trí sau hai năm liên tục (2019, 2020) dẫn đầu Khối các cơ quan Trung ương.
Trong 03 Khối được đánh giá nêu trên, Khối các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh có mức độ hài lòng về chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công thấp nhất.
Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Giám đốc Sở Nội vụ chịu trách nhiệm thông báo công khai toàn bộ nội dung, tiêu chí cụ thể đã thực hiện khảo sát sự phục vụ hành chính năm 2021 được phê duyệt kết quả tại Quyết định này đến từng cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc phạm vi khảo sát trước ngày 15/01/2022; hướng dẫn công tác khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức trong thời gian tới.
Đồng thời yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, các cơ quan thuộc UBND tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, căn cứ Báo cáo kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2021 và trên cơ sở hướng dẫn của Sở Nội vụ, tổ chức quán triệt, rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành chính của cơ quan, đơn vị mình đáp ứng theo quy định tại Chương trình hành động số 09 của Tỉnh ủy về cải cách hành chính, trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2020 – 2025.
Theo mục tiêu của Chương trình hành động số 09 của Tỉnh ủy về cải cách hành chính, trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2020 – 2025: “Mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 90%. Trong đó, mức độ hài lòng về giải quyết thủ tục hành chính trên lĩnh vực đất đai, xây dựng đạt tối thiểu 80%”.
Do đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh cần chú trọng thực hiện quyết liệt đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đảm bảo Chỉ số SIPAS đạt được mục tiêu nêu trên./.
Dũng Linh