A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thể hiện rõ “tinh thần cải cách” trong cải cách hành chính

Ðó là nhận định của ông Lê Ngọc An - Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Phó trưởng ban phụ trách công tác điều phối hoạt động chung của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Ðề án 06 tỉnh - khi trả lời phỏng vấn của Báo Bình Ðịnh xung quanh sự ra đời của Ban Chỉ đạo.

Ngày 22.4.2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 tỉnh Bình Định trên cơ sở hợp nhất các Ban Chỉ đạo của UBND tỉnh về: Cải cách hành chính, Chuyển đổi số, Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

• Trước hết, xin ông cho biết, đâu là những lý do chính dẫn đến quyết định hợp nhất này?

- Trong quá trình tham mưu công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh nhận thấy các Ban Chỉ đạo gồm: Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 tuy được thành lập trong những thời điểm khác nhau nhưng có sự tương đồng về cơ cấu, thành phần nhân sự. Bên cạnh đó, hầu hết các nội dung về chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 có sự trùng lắp, liên quan chặt chẽ với nhau, nhưng chưa có sự liên thông, gắn kết cần thiết. Ngoài ra, mặc dù đã có sự đổi mới hơn so với trước đây trong phương thức chỉ đạo, điều hành nhưng do yêu cầu thực tiễn, chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng lãnh đạo UBND tỉnh cũng như lãnh đạo các sở, ngành phải tham dự rất nhiều cuộc họp.

Từ những lý do nêu trên, Văn phòng UBND tỉnh đã phối hợp với Sở Nội vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh thành lập 1 ban chỉ đạo duy nhất trên cơ sở hợp nhất 3 ban chỉ đạo trước đây để giải quyết những bất cập đã nêu, đảm bảo tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh trong công tác cải cách hành chính nói chung.

• Việc thành lập một ban chỉ đạo duy nhất sẽ mang lại những lợi ích cụ thể như thế nào, thưa ông?

- Điều đầu tiên tôi muốn khẳng định là việc thành lập 1 ban chỉ đạo duy nhất trên cơ sở hợp nhất 3 ban chỉ đạo thể hiện rõ “tinh thần cải cách” ngay trong cốt lõi của lĩnh vực cải cách hành chính. Một số điểm tích cực cụ thể đó là:

Thứ nhất, số lượng thành viên Ban Chỉ đạo sau khi hợp nhất là 27 người, giảm 8 người so với 3 ban chỉ đạo trước đây. Ngoài ra, với thành phần Ủy viên Ban Chỉ đạo đều là thủ trưởng các sở, ngành sẽ đảm bảo việc đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ chung của tỉnh trong thời gian tới.

Thứ hai, việc thành lập 1 ban chỉ đạo duy nhất sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, đảm bảo sự bao quát, sâu sát, đồng bộ trên cả 3 lĩnh vực Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06.

Việc thành lập 1 ban chỉ đạo duy nhất trên cơ sở hợp nhất 3 ban chỉ đạo trước đây sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh trong công tác cải cách hành chính nói chung.

- Trong ảnh: Tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: N.MUỘI

Thứ ba, việc hợp nhất 3 ban chỉ đạo sẽ giúp cho lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành giảm việc tham dự 8 cuộc họp mỗi năm, nhờ đó có nhiều thời gian hơn để chỉ đạo, điều hành công việc trên các lĩnh vực khác như tôi đã đề cập ở trên.

• Theo ông, đâu là những điểm mới trong quy định về tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo? Những điểm mới này sẽ tác động như thế nào đến hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành đối với công tác Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và các hoạt động của Đề án 06 trong thời gian tới?

- Đầu tiên, Ban Chỉ đạo có hẳn một cơ quan chuyên trách (Văn phòng UBND tỉnh) phụ trách công tác điều phối hoạt động của Ban Chỉ đạo sẽ đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiệu quả, thông suốt, đồng bộ; tránh tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong công tác chỉ đạo, phân công thực hiện nhiệm vụ.

Mặt khác, Ban Chỉ đạo thành lập 3 Tổ giúp việc chuyên trách gắn với vai trò, trách nhiệm của 3 cơ quan thường trực về: Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06. Trong đó, tổ trưởng là phó giám đốc cơ quan thường trực và các thành viên là lãnh đạo cấp phòng, sĩ quan, công chức, viên chức của một số cơ quan, đơn vị có liên quan. Điều này vừa đảm bảo tính chuyên môn sâu cần thiết vừa đáp ứng yêu cầu liên thông, bao quát trong tham mưu, đề xuất triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Ngoài ra, các nhiệm vụ chung được Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Ban Chỉ đạo cũng cho thấy sự bao quát, liên thông, giao thoa hiệu quả trên 3 lĩnh vực: Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06. Đồng thời, vừa phát huy vai trò tập thể, vừa đề cao trách nhiệm cá nhân của các thành viên đối với hoạt động của Ban Chỉ đạo. Hiện nay, Văn phòng UBND tỉnh đang xây dựng quy chế hoạt động, dự thảo phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo để triển khai thực hiện hiệu quả công tác này.

• Xin cảm ơn ông!


Tác giả: HOÀI NHÂN
Nguồn:baobinhdinh.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật