A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Từng bước hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin

Ðể chuyển đổi số từng bước đi vào đời sống người dân, một trong những yếu tố quan trọng là hạ tầng công nghệ thông tin phải đảm bảo. Tuy nhiên, hạ tầng công nghệ thông tin cơ bản tại các địa phương, đặc biệt là tại UBND cấp xã hiện còn nhiều thiếu hụt, chắp vá

Chưa đảm bảo

Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực triển khai thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số (CĐS) năm 2023, định hướng đến năm 2025 của tỉnh. Tuy nhiên, do hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) cơ bản còn nhiều khiếm khuyết, làm ảnh hưởng chung đến tiến độ, chất lượng, kết quả thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác CĐS và đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; đơn cử là chưa có đủ số lượng máy tính để phục vụ công tác, nhiều máy tính đã cũ, lạc hậu, cấu hình thấp, nhiều đơn vị thậm chí còn chưa có mạng nội bộ (LAN).

Khó khăn nhất phải kể đến các xã thuộc 3 huyện miền núi Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão khi hạ tầng CNTT, viễn thông chưa đảm bảo, trang thiết bị máy móc và đội ngũ nhân lực chuyên về CNTT vừa thiếu vừa yếu. Cá biệt, tại huyện Vĩnh Thạnh, đến nay còn 3 làng của xã Vĩnh Kim chưa được sử dụng internet băng rộng cố định là Kon Trú, O2 và O5. Phần lớn máy tính và một số trang thiết bị CNTT tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện đã quá cũ, lạc hậu, hay hư hỏng…

Ông Bùi Tấn Thành, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, thừa nhận: Hạ tầng CNTT cơ bản tại các phòng, ban, UBND các xã, thị trấn của huyện chưa đảm bảo, tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn thông tin. Năm nay, huyện cân đối, bố trí hơn 1 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương mua sắm máy tính, nâng cấp hệ thống mạng… So với nhu cầu thực tế thì số kinh phí này chưa thấm tháp gì nên huyện đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ thêm.

Từng bước hoàn thiện

Trước thực trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương rà soát, bố trí nguồn lực để hoàn thành việc đầu tư hạ tầng CNTT cơ bản tại cấp huyện, cấp xã. Cụ thể là đảm bảo số lượng, cấu hình máy tính phục vụ công tác; phấn đấu mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách có 1 máy tính để sử dụng; đảm bảo mạng LAN và kết nối internet thông suốt tại đơn vị.

Nói về việc thực hiện mục tiêu trên, ông Tô Hồng Phương, Trưởng Phòng VH&TT TX An Nhơn, cho biết: Đến nay, hạ tầng CNTT cấp thị xã tương đối đảm bảo, hoàn thiện. Do vậy, thị xã ưu tiên bố trí nguồn lực triển khai CĐS cấp xã trên cả 3 trụ cột về xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số với gần 40 nhiệm vụ. Trong đó, có kế hoạch nâng cấp, bổ sung hệ thống mạng LAN, hệ thống thiết bị CNTT, máy tính để đảm bảo cấu hình, năng lực của thiết bị phục vụ triển khai các ứng dụng CNTT cho cán bộ, công chức tại UBND xã, phường; phấn đấu trong năm nay sẽ hoàn thành công việc này.

Đảm bảo hạ tầng CNTT cơ bản là việc quan trọng để triển khai có hiệu quả nhiệm vụ CĐS.

- Trong ảnh: Người hoạt động không chuyên trách làm việc tại UBND xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn). Ảnh: T.LỢI

Tại TP Quy Nhơn, ngoài lộ trình triển khai thí điểm mô hình CĐS cấp xã năm 2023 tại xã Nhơn Lý và Phước Mỹ, năm nay, UBND thành phố đã bố trí kinh phí để mua sắm, trang bị cho mỗi xã, phường 2 máy tính, 1 máy in, 1 máy scan. Thành phố cũng đã triển khai thuê dịch vụ đường truyền số liệu chuyên dụng cấp II đến 21 phường, xã và các phòng ban, đơn vị ngoài trụ sở UBND thành phố. Xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống hạ tầng kỹ thuật (thoát nước, cây xanh) và cơ sở dữ liệu khai thác thông tin quy hoạch TP Quy Nhơn (xây dựng bản đồ số hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác quản lý, khai thác thông tin của công dân, tổ chức)…

Theo Sở TT&TT, tỷ lệ phủ sóng thông tin di động 3G, 4G trên địa bàn tỉnh đã đạt 100% tại trung tâm các xã, thị trấn. Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 73% hộ, 100% xã; tuy nhiên, hạ tầng CNTT cơ bản cấp huyện và nhất là cấp xã nhìn chung còn chưa đảm bảo.

Ông Trần Kim Kha - Giám đốc Sở TT&TT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh, cho hay: Năm 2023 là năm tạo lập và xây dựng dữ liệu số, nhằm tạo ra giá trị mới trong một số lĩnh vực trọng tâm. Ðể làm được điều đó, đòi hỏi chính quyền cấp huyện, cấp xã phải chủ động rà soát, bố trí nguồn kinh phí để mua sắm bổ sung máy tính bảo đảm cho cán bộ, công chức đủ điều kiện làm việc; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống LAN, đường truyền internet đảm bảo khả năng kết nối thông suốt, an toàn thông tin, phục vụ tốt nhu cầu khai thác, sử dụng các hệ thống thông tin đã triển khai. Đồng thời, đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động đến người dân, DN về hiệu quả và lợi ích của CĐS, để họ chủ động và tích cực tham gia sử dụng các giải pháp công nghệ, đặc biệt là các ứng dụng/nền tảng số.


Tác giả: TRỌNG LỢI
Nguồn:baobinhdinh.vn Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật