A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách miễn phí việc cung cấp và sử dụng chữ ký số cá nhân cho người dân để thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh

(binhdinh.gov.vn) - Văn phòng UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 431/VPUBND-KSTT ngày 06/7/2023 đề nghị VNPT Bình Định phối hợp thực hiện hiệu quả chính sách miễn phí việc cung cấp và sử dụng chữ ký số cá nhân cho người dân để thực hiện dịch vụ công trực tuyến

Hiện nay VNPT Bình Định đang triển khai chính sách miễn phí cước khởi tạo dịch vụ và miễn phí cước sử dụng chữ ký số cá nhân cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính bằng phương thức dịch vụ công trực tuyến trong thời hạn 01 năm (sau đây gọi chung là “Chính sách miễn phí sử dụng chữ ký số cá nhân”).

Theo đó, Văn phòng UBND tỉnh đã đề nghị VNPT Bình Định đa dạng hóa các hoạt động thông tin, tuyên truyền về nội dung “Chính sách miễn phí sử dụng chữ ký số cá nhân” để đông đảo Nhân dân trên địa bàn tỉnh biết, tham gia sử dụng dịch vụ; trong đó, có giải pháp phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông và các trang mạng xã hội chính thống ở địa phương.

Ngoài ra, Văn phòng UBND tỉnh còn đề nghị VNPT Bình Định xem xét giải pháp bố trí nhân viên tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Một cửa các huyện, thị xã, thành phố để phối hợp thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục khai báo, đăng ký, kích hoạt, sử dụng chữ ký số cá nhân khi nộp hồ sơ thủ tục hành chính theo phương thức trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng Dịch vụ công của tỉnh.

Đáng chú ý, Văn phòng UBND tỉnh xác định: “Thúc đẩy, phổ biến việc sử dụng chữ ký số cá nhân cho người dân” theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh là giải pháp quan trọng nhằm khơi thông một trong những “điểm nghẽn” của Đề án 06, góp phần đẩy mạnh việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh. Do đó, Văn phòng UBND tỉnh đề nghị VNPT Bình Định nghiên cứu, kéo dài thời gian áp dụng “Chính sách miễn phí sử dụng chữ ký số cá nhân” trên địa bàn tỉnh (thay vì chỉ trong thời hạn 01 năm như hiện nay) để ngày càng thu hút đông đảo người dân tham gia, tiến tới phổ cập việc sử dụng chữ ký số trong lâu dài trước khi xem xét đến vấn đề thu phí sử dụng dịch vụ. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, tối giản hóa hơn nữa thủ tục đăng ký và thao tác sử dụng để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dùng.

Các quy định của pháp luật hiện hành bắt buộc người dân, doanh nghiệp phải sử dụng chữ ký số cá nhân khi nộp hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến, bao gồm:

+ Điểm c khoản 1 Điều 9 Nghị đinh số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, quy định: “Tổ chức, cá nhân chuẩn bị hồ sơ điện tử, kê khai mẫu đơn, tờ khai điện tử theo yêu cầu của hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến và ký chữ ký số vào mẫu đơn, tờ khai, giấy tờ, tài liệu điện tử nếu có yêu cầu. Việc yêu cầu ký số được công khai trước khi tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ điện tử. Thành phần hồ sơ được ký chữ ký số có giá trị pháp lý như văn bản giấy được ký hợp lệ.”;

+ Điểm c khoản 1 và khoản 2 Điều 13 Thông tư 01/2023/TT-VPCP ngày 05/4/2023 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ về Quy định một số nội dung và biện pháp thi hành trong số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, có nội dung: 01 trong những tiêu chí để cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến một phần là thủ tục hành chính đó phải đáp ứng yêu cầu “điền và gửi trực tuyến các mẫu đơn, tờ khai, áp dụng chữ ký số trong trường hợp có yêu cầu có chữ ký của tổ chức, cá nhân”.

+ Đồng thời, hầu như 100% tờ đơn, tờ khai thủ tục hành chính hiện nay đều có yêu cầu bắt buộc phải có chữ ký của người dân, tổ chức theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 tỉnh, sơ kết đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và định hướng nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đánh giá: “Vấn đề hầu hết người dân chưa có chữ ký số cá nhân để ký tờ đơn, tờ khai điện tử khi nộp hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến là một trong những “điểm nghẽn” của Đề án 06”.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thúc đẩy trước mắt và tiến tới lâu dài là phổ cập “việc sử dụng chữ ký số cá nhân để thực hiện dịch vụ công trực tuyến” cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Kể từ tháng 8/2022, Văn phòng UBND tỉnh đã hoàn thành việc tích hợp dịch vụ chữ ký số cá nhân của 03 đơn vị cung cấp (gồm: VNPT, Viettel và MISA) trên Cổng Dịch vụ công tỉnh Bình Định đảm bảo cho người dân, doanh nghiệp có thể ký số các hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến theo đúng các quy định nêu trên./.


Tác giả: Dũng Linh

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật