A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị quán triệt, triển khai Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

(binhdinh.gov.vn) - Sáng 6/7, tại Hà Hội, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trong tình hình mới. Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với 63 điểm cầu của các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đồng chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu tỉnh Bình Định, các đồng chí: Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Phạm Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo an toàn giao thông tỉnh; Đại tá Võ Đức Nguyện, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và 11 điểm cầu tại CA các huyện, thị xã, thành phố trong tinh.

Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu khai mạc hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, ngày 25/5/2023, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 23 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới trên cơ sở tổng kết 10 năm Chỉ thị 18 năm 2012, bổ sung chủ trương giải pháp mới phù hợp bảo đảm an toàn giao thông trong tình hình mới, tạo sự thống nhất trong toàn quốc để tổ chức thực hiện.

Bộ trưởng Bộ công an nhấn mạnh, công tác bảo đảm TTATGT là nhiệm vụ rất quan trọng, tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế-xã hội, với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ, tài sản, cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông” đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tạo chuyển biến tích cực về tình hình TTATGT qua từng năm, ý thức chấp hành pháp luật giao thông có chuyển biến rõ nét, số người chết, bị thương và thiệt hại do tai nạn giao thông (TNGT) gây ra giảm mạnh. Tuy nhiên, tình hình TTATGT vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội, bởi vậy, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới".

Sau 10 năm (2012-2022), cả nước xảy ra 190.020 vụ, làm chết 76.439 người, bị thương 165.824 người; so với 10 năm trước: Số vụ giảm 37%, số người chết giảm 29% và số người bị thương giảm 44% … Bên cạnh đó, Đảng ủy CA Trung ương và Bộ CA đã chỉ đạo CA các đơn vị, địa phương tập trung lực lượng, phương tiện đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát, tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trật tự ATGT; đã lập biên bản, xử lý 40.236.860 trường hợp vi phạm trật tự ATGT, phạt 27.378 tỷ đồng; công tác tuyên truyền, điều tra, giải quyết TNGT được chỉ đạo quyết liệt.

Các đồng chí: Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Phạm Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo an toàn giao thông tỉnh; Đại tá Võ Đức Nguyện, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bình Định

Tại Bình Định, các cấp, các ngành và địa phương cũng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đảm bảo trật tự ATGT. Cụ thể, từ năm 2012-2022, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 557.052 trường hợp vi phạm, tạm giữ 100.899 phương tiện và phạt tiền hơn 387 tỷ đồng. Ngoài ra, cũng đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp 5.350 lượt cho khoảng 12.450 lượt người; tuyên truyền lưu động 10.238 lượt; tuyên truyền qua 784 tiểu phẩm, 376 Hội thi, diễn đàn về ATGT... nhờ đó, tình hình TNGT 10 năm qua trên địa bàn tỉnh giảm cả 3 tiêu chí, cụ thể toàn tỉnh xảy ra 3.157 vụ TNGT, làm 1.539 người chết và bị thương 2.688 người, so cùng kỳ 10 năm trước số giảm 742 vụ, giảm 154 người chết và giảm 873 người bị thương.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ những kết quả, cách làm hay, sáng tạo cũng như những vấn đề còn tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo đảm trật tự, ATGT. Các đại biểu cũng cho rằng việc ban hành Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư là rất kịp thời, qua đó góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong đảm bảo trật tự, ATGT, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; đồng thời, tập trung nghiên cứu, thảo luận các biện pháp để thực hiện có hiệu quả những mục tiêu, yêu cầu mà Ban Bí thư đã đề ra trong Chỉ thị số 23.

Thường trực Ban Bí thư - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai kết luận hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương khẳng định, nội dung Chỉ thị số 23-CT/TW là sự kế thừa, bổ sung và phát triển những quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong các giai đoạn trước đây cho phù hợp với tình hình mới; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo về bảo đảm TTATGT trong cả 5 lĩnh vực giao thông gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không.

Đồng chí Trương Thị Mai cũng ghi nhận, biểu dương những nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp trong công tác bảo đảm TTATGT thời gian qua; đồng thời nhấn mạnh, việc ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng là rất kịp thời và phù hợp với thực tiễn, qua đó góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực hơn nữa trong bảo đảm TTATGT, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.

Để công tác đảm bảo trật tự, ATGT đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra theo Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương phải khẩn trương, nghiêm túc tổ chức quán triệt, cụ thể hóa Chỉ thị 23 của Ban Bí thư vào tình hình thực tiễn, nhất là nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, cá nhân. Tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, trong đó cần phát huy vai trò của các cơ quan thông tấn báo chí. Đặc biệt, mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu thực hiện các quy định của pháp luật về giao thông. Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp vi phạm giao thông. Đồng thời, tăng cường huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để thực hiện hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, ATGT trong tình hình mới.

Đồng chí Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy triển khai Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh

Bình Định: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT trong tình hình mới

Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông một cách bền vững, thì phải giải quyết đồng bộ các yếu tố: hạ tầng giao thông; phương tiện tham gia giao thông; người tham gia giao thông, đặc biệt là ý thức chấp hành pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông; công tác quản lý nhà nước về giao thông, trong đó là công tác thanh tra, kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Vì vậy, sau hội nghị này, để triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương trên địa bàn tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành và địa phương. Theo đó, Thường trực Tỉnh ủy giao Đảng ủy Công an tỉnh chủ trì phối hợp với Ban ATGT tỉnh, Sở GTVT tỉnh và các ngành, các địa phương có liên quan tham mưu kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị 23 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trình Ban Cán sự Đảng cho ý kiến trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét thông qua và chỉ đạo triển khai thực hiện. Trong đó, cần tập trung tuyên truyền, quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư về đảm bảo trật tự, ATGT trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn yêu cầu trong tổ chức thực hiện cần hướng tới 5 không, gồm: không có điểm đen về an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, phải rà soát lại hệ thống giao thông và việc tổ chức giao thông, hạn chế tối đa và hướng tới không còn điểm đen có nguy cơ xảy ra TNGT; không độ chế, hoán cải các phương tiện giao thông trái quy định, tất cả các cơ sở sửa chữa, bảo trì, chủ phương tiện giao thông không được phép độ chế, hoán cải phương tiện giao thông trái quy định pháp luật; không đăng kiểm cấp phép lưu hành các phương tiện giao thông không đảm bảo an toàn kỹ thuật; không có hành vi vi phạm khi tham gia giao thông và không tiêu cực, bỏ qua hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT trong quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm soát đảm bảo trật tự, ATGT.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, các cấp, các ngành và địa phương cần xác định rõ vai trò trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, vai trò trách nhiệm quản lý nhà nước, bố trí nguồn lực của chính quyền các cấp, vai trò tham mưu trách nhiệm thực thi của từng ngành, từng địa phương, trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, đặc biệt phải cá thể hóa trách nhiệm của từng tổ chức cá nhân trong đảm bảo trật tự ATGT.


Tác giả: Trang Lê

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật