Chủ động ứng phó mưa, lũ vào cuối tháng 11
Theo dự báo, từ ngày 24.11 đến đầu tháng 12, toàn tỉnh có khả năng xảy ra đợt mưa to trên diện rộng, gây lũ lớn. Ông Nguyễn Ðăng Hùng, Giám đốc Ðài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Ðịnh, thông tin thêm về tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh từ nay đến cuối năm 2023 và các giải pháp ứng phó.
● Từ ngày 13 - 17.11 vừa qua trên địa bàn tỉnh có mưa lớn, gây ngập úng ở vùng thấp trũng. Ông có thể thông tin thêm về diễn biến mưa lũ trên địa bàn tỉnh trong thời gian này?
Ông NGUYỄN ĐĂNG HÙNG, Giám đốc Ðài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Định
- Từ ngày 13 - 17.11, do ảnh hưởng của khối không khí lạnh tăng cường từ phía Bắc, kết hợp với nhiễu động đới gió Đông trên cao, nên khu vực tỉnh Bình Định có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, với lượng mưa phổ biến từ 150 - 250 mm, một số nơi ở huyện An Lão, lượng mưa đo đạt từ 400 mm đến hơn 500 mm. Đây là đợt mưa lớn nhất kể từ đầu năm 2023 đến nay tại tỉnh, gây lũ trên các sông (mực nước lũ dao động báo động 1 đến báo động 2); gây ngập úng vùng thấp trũng, sạt lở đất, đá ở một số tuyến đường giao thông ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh, An Lão…
● Theo dự báo, sắp tới vùng Duyên hải Nam Trung bộ (từ Nghệ An đến Khánh Hòa) sẽ xảy ra đợt mưa lớn tiếp theo…
- Đúng vậy! Có thể dự báo theo 2 đợt, trong đó đợt 1, từ ngày 25 - 27.11 trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng của đợt không khí lạnh kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông trên cao, gây mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, với tổng lượng mưa cả đợt phổ biến từ 100 - 200 mm, một số nơi có thể trên 350 mm, có khả năng xảy ra lũ. Từ chiều 27.11 mưa lớn có thể giảm dần.
Đợt 2, từ ngày 29.11 đến những ngày đầu tháng 12.2023, không khí lạnh tiếp tục tăng cường kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông trên cao, đồng thời chịu ảnh hưởng rìa phía Bắc của rãnh áp thấp từ khoảng 4 - 7 độ vĩ Bắc, sau đó nâng trục dần lên phía Bắc, tiếp tục gây mưa trên diện rộng toàn tỉnh. Tuy nhiên, tổng lượng mưa vào những ngày này thấp hơn so với đợt 1.
● Người dân, chính quyền các địa phương, đơn vị quản lý và vận hành hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh nên làm gì để giảm thiểu thiệt hại?
- Đợt mưa lần này diễn ra ngắn hơn, song người dân tuyệt đối không được chủ quan, bởi mưa có cường độ lớn diễn ra trong thời gian ngắn hay gây ngập lụt cục bộ. Tỉnh ta vừa trải qua một đợt mưa lớn kéo dài nhiều ngày, đất, đá ngấm đủ nước trở nên nặng và nhão, nay lại chuẩn bị mưa tiếp nên nguy cơ xảy ra sạt lở sẽ cao hơn. Vì vậy, cần chú ý đề phòng sạt lở, nguy cơ ngập nhanh các sông suối nhỏ, cống tràn… Một số hồ, đập chứa nước đã đủ hoặc lượng nước đã gần đầy so với dung tích thiết kế, nên chú ý và thực hiện tốt các quy định hiện hành và theo sự chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền. Bà con có ao, lồng bè nuôi thủy sản ven sông và gần cửa sông, ven biển lưu ý phương án neo đậu lồng bè; đề phòng thủy sản bị sốc nước ngọt…
Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định điều tiết hạ dần mực nước hồ Đồng Mít (huyện An Lão) để đón lũ do đợt mưa lớn từ ngày 24 - 27.11. Ảnh: T.LỢI
Các đơn vị đang thi công dang dở các công trình cần có phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư; bố trí biển báo, lực lượng ứng trực, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đi qua khu vực hiện trường thi công. Các cấp chính quyền địa phương cần theo dõi, nắm bắt kịp thời diễn biến tình hình thời tiết để được cập nhật hằng ngày, có kế hoạch chỉ đạo phòng chống thiên tai trong tháng mùa mưa cao điểm trên địa bàn tỉnh.
● Kết thúc đợt mưa lần này, dự báo từ nay đến cuối năm thời tiết tỉnh Bình Định sẽ như thế nào, thưa ông?
- Thời gian còn lại của tháng 12.2023, khu vực tỉnh Bình Định có khả năng xảy ra 1 - 2 đợt mưa nữa, nhưng lượng mưa không lớn, chủ yếu ảnh hưởng 2 - 4 đợt không khí lạnh tăng cường gây gió mạnh trên biển. Bão và áp thấp nhiệt đới trong giai đoạn này ít có khả năng xuất hiện, gây ảnh hưởng đến tỉnh.
● Xin cảm ơn ông!