|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ban Liên lạc học sinh miền Nam Trung ương làm việc tại tỉnh Bình Định

(binhdinh.gov.vn) - Chiều ngày 03/7, UBND tỉnh tổ chức làm việc với đồng chí Trương Hòa Bình - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Liên lạc học sinh miền Nam Trung ương và Đoàn đại diện Ban Liên lạc về việc thu thập tư liệu, tài liệu và các kỷ vật liên quan đến cán bộ, chiến sỹ, đồng bào và con em miền Nam tập kết ra Sầm Sơn, Thanh Hóa năm 1954.

Làm việc với đoàn có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Phi Long - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Phong Vũ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam.

Quang cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc, Ban Liên lạc học sinh miền Nam Trung ương cho biết: Thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa là một trong những địa điểm quan trọng đón tiếp các chuyến tàu tập kết từ miền Nam ra miền Bắc trong thời gian 1954 - 1955 theo tinh thần Hiệp định Giơnevơ. Các chuyến tàu tập kết đã chuyên chở hàng trăm ngàn bộ đội, cán bộ, nhân dân và thiếu nhi miền Nam ra miền Bắc để từ đó hình thành một cộng đồng người miền Nam trên đất Bắc gọi là cán bộ học sinh miền Nam tập kết.

Nhằm xây dựng “Bảo tàng tập kết”, điểm nhấn của “Tượng đài chuyến tàu tập kết” nằm trong Công trình Khu du lịch Văn hóa tại thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Ban phụ trách Đề án xây dựng “Bảo tàng tập kết” kêu gọi các cán bộ tập kết quân sự và dân sự, các gia đình tập kết, các thế hệ học sinh miền Nam trên đất Bắc từ năm 1954 đến 1975 hưởng ứng, đóng góp kỷ vật, văn bản tài liệu, hình ảnh quý giá của bản thân và gia đình để xây dựng bảo tàng này.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng phát biểu tại buổi làm việc.

Theo báo cáo của tỉnh Bình Định, năm 1954, theo Hiệp định Giơnevơ, Bình Định được chọn là khu vực có 300 ngày để các lực lượng vũ trang chính trị trên địa bàn Liên khu 5 tập kết ra miền Bắc; cảng biển Quy Nhơn được chọn là điểm tập kết ở miền Nam. Ngày 16/5/1955, đơn vị bộ đội bảo vệ và Ủy ban quân quản khu vực tập kết 300 ngày xuống chuyến tàu cuối cùng, việc chuyển quân tập kết tại Quy Nhơn đã hoàn thành. Đặc biệt, trong số hơn 20.000 người của Liên khu 5 và khu vực miền Nam Trung bộ đi tập kết tại cảng Quy Nhơn thì có đến 10.700 người Bình Định.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Ban phụ trách Đề án xây dựng “Bảo tàng tập kết”, Bình Định đã tổng hợp được 6 tài liệu viết liên quan đến sự kiện 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc tại Quy Nhơn 1954 và nơi cập bến tàu không số Lộ Diêu; 20 hình ảnh chụp tại thời điểm tập trung chuyển quân tập kết ra Bắc và hình ảnh biểu tượng Di tích cảng Quy Nhơn - Điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc. Ngoài ra, Trung tâm lưu trữ tỉnh Bình Định đang quản lý 500 hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B. Đặc biệt, hiện còn 2 nhân chứng, nguyên học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, đang sinh sống tại thành phố Quy Nhơn.

Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc.

Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao sự tích cực, chu đáo của tỉnh Bình Định trong công tác biên soạn, sưu tầm tư liệu, tài liệu, hiện vật và kỷ vật phục vụ cho việc xây dựng “Bảo tàng Tập Kết”. Đồng chí Trương Hòa Bình đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định, trong thời gian tới, tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Ban liên lạc học sinh miền Nam Trung ương triển khai công tác này, góp phần lưu giữ và truyền bá giúp người dân hiểu rõ và cảm nhận đầy đủ về cuộc chuyển quân chiến lược toàn diện lớn nhất trong lịch sử Việt Nam thế kỷ 20 và những giá trị nhân văn gắn liền với sự kiện này.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng cam kết sẽ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, sưu tầm và chắt lọc những tài liệu, tư liệu quý liên quan đến cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và con em miền Nam tập kết năm 1954 trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để xây dựng thành công “Bảo tàng Tập Kết” tại Khu du lịch Văn hóa Sầm Sơn.


Tác giả: Kim Loan

Tin nổi bật Tin nổi bật