Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng chỉ đạo tập trung ứng phó với bão Noru
Sáng 26.9, đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đi kiểm tra công tác ứng phó với bão Noru (bão số 4) tại một số công trình giao thông, thủy lợi đang thi công, gồm: Đập dâng Phú Phong (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn), dự án đường ven biển đoạn Cát Tiến - Diêm Vân; kiểm tra tình hình tàu thuyền vào tránh trú bão ở Cảng cá Quy Nhơn, việc bốc dỡ hàng hóa và tàu thuyền ra vào Cảng Quy Nhơn.
Đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, kiểm tra công tác ứng phó bão Noru tại công trình đập dâng Phú Phong.
Tại công trình đập dâng Phú Phong, hiện đơn vị thi công đảm bảo tiến độ vượt lũ an toàn. Từ 12 giờ ngày 26.9, đơn vị thi công rút hết các thiết bị máy móc tại công trình, tháo dỡ các đường công vụ, khơi thông dòng chảy để đón lũ. “Chúng tôi huy động lực lượng nhân công, máy móc tiến hành thu gom, di dời các thiết bị thi công vào nơi an toàn, trong chiều 26.9 hoàn thành xong các phần việc”, ông Dương Minh Quang, Tổng giám đốc Công ty CP xây dựng 47 (đơn vị thi công) cho biết.
Theo đơn vị thi công, hiện đập dâng Phú Phong thi công đúng tiến độ, đảm bảo vượt lũ an toàn. Đến chiều 26.9 dừng toàn bộ hoạt động thi công trên công trường, thu dọn máy móc, thiết bị đến nơi an toàn.
Báo cáo với Đoàn công tác của Bí thư Tỉnh ủy, Giám đốc Ban quản lý dự án NN&PTNT Tô Tấn Thi cho hay, năm nay, Ban triển khai thực hiện 2 công trình lớn là đập dâng Phú Phong (Tây Sơn) và hệ thống tiêu lũ sông Dinh (TP Quy Nhơn) đến nay đều đảm bảo tiến độ. Để ứng phó với bão Noru, Ban cùng với đơn vị thi công gấp rút hoàn thiện các phần việc trên công trường, di dời thiết bị máy móc và vật tư khỏi công trình, tháo dỡ các đường công vụ…, từ chiều 26.9 tạm dừng các hoạt động thi công cho đến khi bão tan.
Kiểm tra tại Dự án đường ven biển đoạn Cát Tiến - Diêm Vân, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo Ban quản lý dự án giao thông tỉnh cử lực lượng cùng với nhà thầu, đơn vị thi công triển khai gấp rút các phương án ứng phó thiên tai.
Kiểm tra tại dự án đường ven biển đoạn Cát Tiến - Diêm Vân, đồng chí Hồ Quốc Dũng yêu cầu Ban quản lý dự án giao thông tỉnh tập trung lực lượng, theo sát tình hình diễn biến thời tiết, phối hợp với các đơn vị thi công, nhà thầu khẩn trương triển khai phương án ứng phó với thiên tai cấp độ 4. Ban quản lý dự án giao thông tỉnh thành lập tổ công tác, phân công đứng chân địa bàn ở các công trình trọng điểm, các công trình có nhiều vị trí xung yếu, sẵn sàng phương tiện, máy móc hoạt động trong tình huống khẩn cấp.
Tại gói thầu trên tuyến Cát Tiến - Diêm Vân đoạn qua xã Phước Sơn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu nhà thầu bố trí máy móc tiến hành gia cố các điểm xung yếu.
Kiểm tra tại Cảng cá Quy Nhơn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Ban quản lý cảng cá Bình Định tập trung lực lượng, phối hợp với các ngành chức năng liên quan kêu gọi, hướng dẫn bà con đưa tàu vào neo đậu, tránh trú bão an toàn. Trong ngày 26.9, Ban quản lý cảng cá Bình Định giám sát chặt chẽ tình hình tàu thuyền vào bến, các lực lượng chức năng phối hợp cùng Ban quản lý cảng, thực hiện đúng quy định về cấm biển.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra tình hình tàu cá Bình Định thông qua hệ thống giám sát tàu cá tại Cảng cá Quy Nhơn.
Báo cáo công tác ứng phó bão Noru với đoàn công tác của Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng, ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban quản lý cảng cá Bình Định cho hay, tới thời điểm này, Ban quản lý đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương triển khai các phương án ứng phó với mưa bão. Tập trung lực lượng hướng dẫn bà con ngư dân đưa tàu vào các vị trí neo đậu, kiểm tra, kiểm soát đảm bảo hoàn tất việc neo đậu và hướng dẫn ngư dân lên bờ an toàn; tổ chức lực lượng hỗ trợ cho người dân trong hoạt động mua bán sản phẩm đảm bảo an toàn.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng yêu cầu Ban quản lý cảng cá và các lực lượng chức năng khẩn trương rà soát, hướng dẫn tàu thuyền vào bến tránh trú bão.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng thăm hỏi tình hình tàu cá ngư dân đang vào trú tránh bão tại Cảng cá Quy Nhơn. Trong ảnh: Tàu cá của ông Nguyễn Thành Sơn - QNg 94857 TS (Quảng Ngãi) từ vùng biển Khánh Hòa cập cảng cá Quy Nhơn vào sáng 26.9 tránh bão.
Ngư dân khẩn trương bốc dỡ sản phẩm tại cảng trước khi bão tới.
Tại Cảng Quy Nhơn, theo báo cáo của Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn, ngay khi có thông tin về cơn bão Noru đang tiến vào đất liền, trong đó khu vực Bình Định nằm trong vị trí tâm bão, Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn kích hoạt quy trình phòng chống bão; tiến hành thống kê, rà soát và kiểm đếm các tàu hàng đến cảng trước, trong và sau bão để có sự sắp xếp, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu an toàn. Theo đó, toàn bộ các tàu đang bốc dỡ hàng hóa ở khu vực cảng Quy Nhơn hoàn thành trước 12 giờ, đến chiều 26.9 toàn bộ các tàu hàng đang hoạt động trong khu vực này được hướng dẫn và di chuyển vào tránh trú tại vịnh Xuân Đài (Phú Yên). Đối với tàu công trình, cho di chuyển neo đậu vào vị trí an toàn ở đầm Thị Nại; đồng thời Cảng vụ bố trí các tàu lai dắt ứng trực 24/24 giờ để thực hiện nhiệm vụ trong tình huống khẩn cấp.
Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn báo cáo các vị trí tàu hàng đang hoạt động trên cảng.
Tàu hàng ở Cảng Quy Nhơn bốc dỡ hàng hóa, đến chiều 26.9 toàn bộ các tàu hàng ở khu vực cảng di chuyển tới Vịnh Xuân Đài (Phú Yên) neo đậu.
Qua tra thực tế, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đánh giá cao sự chủ động của các đơn vị trong việc ứng phó với bão Noru. “Bão Noru là cơn bão mạnh và rất nguy hiểm. Để ứng phó với cơn bão này, có mấy vấn trọng tâm cần khẩn trương thực hiện. Thứ nhất, trên biển chú trọng vào việc kêu gọi tàu thuyền của Bình Định khẩn trương di chuyển khỏi vùng nguy hiểm của bão, tìm nơi tránh trú an toàn. Hiện còn có 258 tàu cá của bà con ngư dân Bình Định đang hoạt trong vùng nguy hiểm của bão, trong đó có 34 tàu nằm trong vùng di chuyển của bão, 224 tàu nằm phía ngoài vùng di chuyển của bão. Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy sản, Ban quản lý cảng cá Bình Định, lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương khẩn trương liên lạc thông báo cho tàu thuyền, người nhà của chủ tàu di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm. Các tàu cá cập cảng neo đậu phải tuyên truyền, hướng dẫn bà con ngư dân lên bờ để đảm an toàn tính mạng. Thứ hai, mưa bão dự báo kèm với gió lớn, mưa lụt nguy cơ sạt lở, lũ quét sau bão là rất cao. Do vậy, chúng ta phải tập trung rà soát để di dời dân cư ở các vùng nguy hiểm. Thứ ba, trong ngày 27.9, ngành GD&ĐT phải tính toán cho học sinh nghỉ học. Thứ tư, tập trung rà soát lại các công trình giao thông, thủy lợi, hồ đập và đê kè, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, máy móc ứng phó kịp thời trong tình huống khẩn cấp”, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng chỉ đạo tại buổi kiểm tra.
THU DỊU