Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp ứng phó với bão Noru
(binhdinh.gov.vn) - Chiều ngày 25/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai chủ trì cuộc họp trực tuyến với 14 tỉnh, thành phố (từ Thanh Hoá đến Bình Thuận) ứng phó với bão Noru (cơn bão số 4). Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn – Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh (PCTT – TKCN và PTDS) và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang chủ trì tại điểm cầu Bình Định.
Quang cảnh buổi họp tại điểm cầu Bình Định
Theo dự báo của Trung tâm DBKTTV quốc gia, hồi 10 giờ ngày 25/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 123,2 độ Kinh Đông, cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 250 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183 km/giờ), giật trên cấp 17. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km, đi vào Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (134-149 km/giờ), giật cấp 16.
Đây là cơn bão rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực Trung Bộ, có thể gây mưa rất lớn, kéo theo đó là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang cho biết, hiện tại trên địa bàn tỉnh có 100 tàu nằm trong vùng nguy hiểm (từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 115,0 độ Kinh Đông), trong đó 54 tàu đã nhận thông báo và 46 tàu còn lại đang được các cơ quan, đơn vị liên lạc để di chuyển khỏi vùng nguy hiểm.
Về tình hình công tác chỉ đạo, ứng phó cơn bão tại tỉnh Bình Định, Ban Chỉ huy PCTT – TKCN và PTDS tỉnh đã có công điện số 06/CĐ-PCTT lúc 11 giờ ngày 24/9/2022 về chủ động ứng phó với bão gần biển Đông. Lãnh đạo UBND tỉnh và Ban Chỉ huy PCTT – TKCN và PTDS tỉnh đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với bão tại các địa phương ven biển sáng ngày 25/9/2022.
Để chủ động ứng phó với bão Noru, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, UBND các địa phương ven biển liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, vùng nguy hiểm trên Biển Đông được cập nhật theo các bản tin của cơ quan dự báo khí tượng thủy văn. Bên cạnh đó, rà soát, đảm bảo an toàn cho người dân, khách du lịch ở khu vực ven biển, nhất là thành phố Quy Nhơn, các xã ven biển và đảo; kiểm soát, hướng dẫn giao thông nhất là các tuyến đường ven biển, cầu Thị Nại để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã có văn bản gửi Hải Quân vùng 3 đề nghị hỗ trợ tàu Hải quân ứng trực tại vùng biển Bình Định...
Cùng với đó, đối với khu vực đất liền UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, UBND các địa phương liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lớn, thông tin cảnh báo kịp thời đến chính quyền và người dân để chủ động phòng, tránh. Chỉ đạo, hướng dẫn chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện,… và các công trình công cộng, đặc biệt đối với công trình cột, tháp cao, biển quảng cáo, nhà cao tầng đang thi công; tổ chức cắt tỉa cành cây tại các khu đô thị, khu dân cư. Đồng thời, triển khai lực lượng đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân đặc biệt là tại những khu vực nhân dân sơ tán đến và đi, khu vực neo đậu tàu thuyền. Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định, Báo Bình Định, đặc biệt đài Truyền thanh các địa phương thường xuyên đưa tin về diễn biến bão số 4, mưa lũ để người dân biết và chủ động phòng tránh…
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai nhằm ứng phó bão NORU. Ảnh VGP/Đức Tuân (baochinhphu.vn)
Kết luận buổi họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các địa phương tạm dừng, hoãn một số các cuộc họp không thực sự cần thiết để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống bão. Phó Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai làm tờ trình Thủ tướng thành lập Ban chỉ đạo tiền phương.
Bên cạnh đó, thống nhất với đề xuất cấm tàu thuyền ra khơi từ sáng 26/9. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương cần chuẩn bị tốt phương án 4 tại chỗ, trong đó phải chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, lương thực, thực phẩm đảm bảo thời gian bị chia cắt có thể cung ứng kịp thời cho người dân; Khẩn trương rà soát, kiểm đếm, hướng dẫn bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển và tại nơi tránh trú (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch); Rà soát, kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ ảnh hưởng của sóng lớn, ngập sâu, sạt lở, trên tàu thuyền tại nơi neo đậu, trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, khu dân cư có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét,…
Sau cuộc họp trực tuyến với Ban chỉ đạo quốc gia, UBND tỉnh đã tổ chức họp trực tuyến với các địa phương để triển khai phương án ứng phó với bão Noru./.