|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quyết liệt triển khai thực hiện các giải pháp trọng tâm chống khai thác IUU

(binhdinh.gov.vn) - Sáng ngày 20/9, tại Hà Nội, đồng chí Lê Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống khai thác hải sản trái phép, không khai báo và không theo quy định đã chủ trì Hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo với 28 tỉnh, thành phố ven biển.

Dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định có đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định trên địa bàn tỉnh.

Điểm cầu Bình Định

Sau gần 05 năm Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo “Thẻ vàng” (từ ngày 23/10/2017 đến nay) đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” theo các khuyến nghị của EC đã đạt được một số kết quả tích cực.

Trong đó, công tác quản lý đội tàu từng bước đi vào nề nếp, giảm dần số lượng tàu cá để giảm cường lực khai thác và nghề khai thác ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái. Các địa phương đã tổ chức triển khai nhiều giải pháp để theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển, ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thác IUU, đặc biệt là hành vi vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Tính đến nay, công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên đã có tiến bộ đạt 95,27% (28.519/29.936 tàu) tăng 5,01% so với trước.

Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển (Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư và thanh tra thủy sản) tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển; đặc biệt là tại các khu vực vùng biển giáp ranh, chồng lấn chưa phân định giữa Việt Nam và các nước. Từ quý 4/2021 đến nay đã kiểm tra, kiểm soát gần 80 nghìn lượt tàu cá; ngăn chặn, yêu cầu trên 200 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài quay về vùng biển Việt Nam…

Ngoài ra, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển đã tích cực hơn trong việc chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan thực hiện việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng, lao động trên tàu cá, giám sát sản lượng thủy sản từ khai thác bốc dỡ qua cảng, truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác theo quy định. Công tác chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác được tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của Luật Thủy sản, cơ bản đáp ứng yêu cầu theo khuyến nghị của EC.

Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển (Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển và Kiểm ngư) cùng với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, xử lý tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Công tác xử phạt các hành vi khai thác IUU cũng  được tăng cường so với trước. Từ năm 2020 đến nay, đã xử phạt gần 4.700 vụ với tổng số tiền xử phạt trên 98 tỉ đồng. Một số tỉnh đã tăng cường xử phạt hành vi khai thác IUU, đặc biệt là các vụ việc vi phạm vùng biển nước ngoài như: Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Hội nghị cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”. Trong đó, những hạn chế phải kể đến như: Việc cấp Giấy phép khai thác thủy sản đối với khối tàu dưới 15 mét chỉ đạt tỉ lệ 46,6%, gây ảnh hưởng lớn đến việc quản lý đội tàu khai thác thủy sản. Công tác triển khai Hệ thống giám sát tàu cá còn chậm; nhiều địa phương có tỷ lệ lắp đặt thấp hơn trung bình cả nước như Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Trà vinh, Bạc Liêu, Long An… và chưa kiểm soát được các tàu cá chưa lắp đặt thiết bị VMS dẫn đến xảy ra tình trạng khai thác bất hợp pháp. Việc kiểm soát sản lượng thủy sản từ khai thác, truy xuất nguồn gốc tại nhiều địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu. Chưa thực hiện được mục tiêu đến cuối năm 2021 ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở các nước trong khu vực theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Công tác điều tra, xử phạt các hành vi khai thác IUU còn rất thấp so với các vụ việc vi phạm…

Riêng tại tỉnh Bình Định có 3 tụ điểm nghề cá tập trung tại 3 cửa biển là Cảng cá Quy Nhơn, cảng cá Đề Gi và cảng cá Tam Quan. Toàn tỉnh hiện có 5.815 tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên được cấp đăng ký tàu cá theo quy định (vùng ven bờ: 1.518 tàu, vùng lộng: 1.030 tàu, vùng khơi: 3.267 tàu) với khoảng 40% tàu cá di chuyển ngư trường đánh bắt chủ yếu ở các tỉnh phía Nam.

Xác định việc triển khai các giải pháp cấp bách về khắc phục thẻ vàng của Ủy ban châu Âu là nhiệm vụ trọng tâm và quan trọng trong lĩnh vực phát triển thủy sản của tỉnh, Tỉnh ủy Bình Định đã ban hành Chỉ thị số 43-CT/TU ngày 12/12/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị, thành lập Ban chỉ đạo và tổ chức họp định kỳ để đánh giá, rút kinh nghiệm và có thông báo chỉ đạo cho các Sở, ngành và chính quyền địa phương triển khai các giải pháp cấp bách về khắc phục thẻ vàng của Ủy ban châu Âu.

Từ cuối tháng 4/2020 đến nay toàn bộ tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên đi hoạt động sản xuất vùng khơi của tỉnh đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Tỉnh đã cơ bản quản lý được hoạt động của nhóm tàu khai thác vùng khơi, tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển; tàu cá không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển ngày càng giảm, góp phần tăng cường năng lực công tác quản lý tàu cá, quản lý hoạt động khai thác của cơ quan chức năng và hỗ trợ tích cực trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tàu cá trên biển.

Tỉnh Bình Định cũng đã chỉ đạo xử lý kiên quyết đối với các chủ tàu, thuyền trưởng có tàu cá vi phạm. Từ năm 2018 đến nay, đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 36 trường hợp với tổng số tiền với tổng số tiền trên 23,4 tỉ đồng và quyết định tịch thu, bán sung công quỹ Nhà nước đối với 02 trường hợp tàu cá bị bắt và được thả về…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành khẳng định việc gỡ “Thẻ vàng”, tuyệt đối không để EC rút “Thẻ đỏ” là rất cấp bách, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đời sống của ngư dân, ngành xuất khẩu thuỷ sản cũng như uy tín, thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế.

Về lâu dài, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Quyết định số 1077/QĐ-TTg ngày 14/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định đến năm 2025”.  

Trước mắt, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương quyết liệt, chủ động triển khai thực hiện các giải pháp trọng tâm chống khai thác IUU; khẩn trương ban hành văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức, cá nhân, các đơn vị cơ sở để khắc phục các hạn chế, yếu kém đã nêu tại hội nghị. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, phục vụ tốt cho đợt kiểm tra của Ủy ban Châu Âu vào tháng 10 tới.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng yêu cầu thành lập ngay các đoàn liên ngành, ở Trung ương do lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm trưởng đoàn, ở địa phương do lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách đi kiểm tra cụ thể, kịp thời phát hiện, xử lý thật nghiêm những hành vi vi phạm các quy định về chống khai thác IUU.


Tác giả: Kim Loan

Tin nổi bật Tin nổi bật