A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội thảo quốc tế Khoa học, Đạo đức học và Phát triển con người

(binhdinh.gov.vn) - Trong khuôn khổ chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 18 năm 2022 tại Bình Định, ngày 13/9, Liên minh Nghị viện thế giới (Inter-Parliamentary Union - IPU), Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Định, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện nghiên cứu phát triển Pháp chi nhánh tại Việt Nam (IRD Vietnam) phối hợp cùng Tổ chức Khoa học và Giáo dục “Gặp gỡ Việt Nam” (Rencontres du Vietnam), Trung tâm Quốc tế khoa học và Giáo dục liên ngành (Trung tâm ICISE) tổ chức Hội thảo Khoa học, Đạo đức và Phát triển con người.

Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung Ương; Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT; các Thứ trưởng Bộ TT&TT: Phan Tâm, Phạm Đức Long, Nguyễn Thanh Lâm; Hà Kim Ngọc - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Về phía Lãnh đạo tỉnh Bình Định có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Huỳnh Thanh Xuân - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Tuấn Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh, sở, ban, ngành của tỉnh.

Về phía các nhà khoa học có: GS. Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, GS. Lê Kim Ngọc - Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam tại Pháp, ông Mokhtar Omar - Cố vấn Cao cấp cho Tổng Thư ký Liên minh nghị viện thế giới (Thụy Sĩ), Michel Spiro - Chủ tịch Hội đồng Năm quốc tế về khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững cùng hơn 50 nhà khoa học trong và ngoài nước tham dự.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE)

Đây là hội thảo thứ 3 trong khuôn khổ Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” do Tổ chức Khoa học và giáo dục Gặp gỡ Việt Nam tổ chức và cũng là một sự kiện đặc biệt nằm trong chuỗi hoạt động của Chính phủ Việt Nam, trực tiếp là Bộ Khoa học và Công nghệ, nhằm hưởng ứng Năm Quốc tế Khoa học Cơ bản vì Phát triển Bền vững 2022 do Đại hội đồng Liên Hợp Quốc phát động. Hội thảo năm 2022 lần này sẽ đi sâu hơn với các thảo luận về vai trò của khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng đối với sự phát triển bền vững của xã hội, trong đó yếu tố đạo đức và phát triển con người sẽ được nhấn mạnh. 

GS. Jean Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, GS. Jean Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam chia sẻ đây là sự kiện đánh dấu một năm rất đặc biệt, năm quốc tế khoa học cơ bản để phát triển bền vững. Hội thảo đã được Hội đồng chủ trì đề án Năm quốc tế về khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững và UNESCO công nhận là sự kiện tầm châu lục tại Châu Á hưởng ứng Năm quốc tế về khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững do Liên Hợp quốc thông qua vào tháng 12/2021 và UNESCO tổ chức lễ công bố chính thức vào ngày 8/7/2022.

Ông Nguyễn Xuân Thắng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ rằng chúng ta đang sống trong một thế giới thay đổi nhanh chưa từng thấy, có nhiều bất định, bất ổn, đột biến và rủi ro khó lường. Tốc độ tiến bộ của khoa học công nghệ vượt xa nhận thức chung của nhân loại, ra khỏi tầm nhìn, dự báo của các chính khách và nhanh hơn nhiều đối với quá trình hoàn thiện, bổ sung luật pháp, chính sách của các quốc gia. Xu hướng đó đang đặt tiến trình phát triển của nhân loại trước nhiều cơ hội và thách thức không nhỏ.  Do vậy, Ông muốn chia sẻ thông điệp: Tầm nhìn Việt Nam đối với phát triển khoa học vì con người. Đó là thông điệp về một tầm nhìn mang đặc sắc, bản lĩnh Việt Nam, về sự hài hoà giữa đạo đức, khoa học và phát triển trong một bối cảnh đang thay đổi nhanh, khó dự liệu của thế giới.

Ông nhấn mạnh sau 35 năm Đổi mới, từ một nước nghèo, lạc hậu, thu nhập thấp, Việt Nam đã trở thành một nước đang phát triển, thu nhập trung bình. Tăng trưởng ổn định và bao trùm đã đem lại lợi ích cho tuyệt đại đa số người dân, góp phần cải thiện đáng kể mọi lĩnh vực xã hội. Đó là kết quả của việc thực hiện xuyên suốt chiến lược phát triển nhanh, bao trùm và bền vững; của quan điểm coi con người là mục tiêu, là động lực của sự phát triển; nhân dân là chủ thể của Đổi mới, là trung tâm của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước; phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển; và đặc biệt, trong đó có đóng góp quan trọng của việc thực hiện nhất quán tư tưởng coi phát triển khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, phát triển con người là “quốc sách hàng đầu”, là con đường ngắn nhất và tiết kiệm nhất để phát triển nhanh, bền vững và hiện đại hóa đất nước. Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 của Việt Nam đề ra mục tiêu tổng quát: Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần quyết định đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; góp phần phát triển toàn diện con người, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam.

Hội thảo quốc tế với chủ đề “Khoa học, Đạo đức học và Phát triển con người “ sẽ diễn ra từ ngày 13 đến 16 tháng 9 năm 2022, tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Việt Nam./.

 

 


Tác giả: Đậu Thuỳ Dương

Tin nổi bật Tin nổi bật