A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đẩy mạnh triển khai Đề án 06, phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp

(binhdinh.gov.vn) - Chiều 21/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06 về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Đồng chí Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 tỉnh chủ trì điểm cầu Bình Định.

Điểm cầu Bình Định

Ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

Qua 2 năm triển khai thực hiện, các mục tiêu cơ bản của Đề án số 06 đã cơ bản đạt được. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện được tiến hành quyết liệt, thường xuyên, liên tục, bài bản với quyết tâm chính trị cao từ cấp Trung ương đến địa phương. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo khuôn khổ cho chuyển đổi số quốc gia nói chung và Đề án 06 nói riêng được triển khai tích cực, hiệu quả. Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng Cơ sở Dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực, từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Triển khai 38/53 dịch vụ công thiết yếu, giúp tiết kiệm hằng năm trên 2.500 tỷ đồng. Đã có hơn 11,2 triệu tài khoản và hơn 35,4 triệu hồ sơ nộp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. CSDLQG về dân cư đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 15 bộ, ngành, 63 địa phương, 1 doanh nghiệp nhà nước và 3 doanh nghiệp viễn thông với hơn 1,3 tỷ lượt tra cứu, khai thác thông tin công dân. Các bộ, ngành, địa phương đã tập trung khai thác, sử dụng thông tin dân cư, căn cước công dân (CCCD), định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, tăng cường truy thu thuế cho nhà nước, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, các CSDLQG về đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, hộ tịch, đất đai, tài chính, cán bộ, công chức, viên chức đang được hoàn thiện, kết nối, chia sẻ với CSDLQG về dân cư… Ngoài ra, công tác bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân được được quan tâm, chú trọng. Hiện có 63% hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước được phê duyệt cấp độ an toàn, tăng 32,5% so với năm 2022.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng đến nay còn 26 nhiệm vụ chậm tiến độ theo lộ trình của Đề án số 06 và theo lộ trình của các chỉ thị, nghị quyết, công điện của Chính phủ. Chất lượng dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng chưa cao; còn một số dịch vụ công trực tuyến mang tính hình thức. Nhiều TTHC chưa được cắt giảm, đơn giản hóa theo yêu cầu của Chính phủ. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị nhiều nơi còn thiếu chủ động, chưa chặt chẽ…

Tại Bình Định, qua hai năm triển khai thực hiện, việc ứng dụng CSDLQG về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử đã phục vụ có hiệu quả 5 nhóm tiện ích được đề ra tại Đề án 06 gồm: Giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; phục vụ phát triển công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cấp.

Kết quả thực hiện 25 nhóm dịch vụ công thiết yếu theo hình thức trực tuyến đã có sự chuyển biến tích cực theo thời gian; các trường hợp đều được giải quyết đúng hạn theo quy định. UBND tỉnh đã phê duyệt Danh mục 42 mô hình thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh, góp phần phục vụ chuyển đổi số, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, UBND tỉnh ban hành công văn về việc sử dụng thông tin, dữ liệu giấy tờ điện tử của công dân được tích hợp trên ứng dụng VNeID trong thực hiện TTHC. Việc cấp CCCD, định danh điện tử và làm sạch dữ liệu dân cư đảm bảo nguồn thông tin chính xác phục vụ chia sẻ, kết nối được quan tâm chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc, đảm bảo dữ liệu dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống”. Bình Định cũng đã hoàn thành việc tích hợp, kết nối “Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh” (Hệ thống VNPT iGate) với “CSDLQG về dân cư”, với cơ sở dữ liệu chuyên ngành, phần mềm chuyên ngành của địa phương để khai thác thông tin, dữ liệu công dân, góp phần đơn giản hóa, cắt giảm thành phần hồ sơ, giấy tờ, tạo nhiều thuận lợi cho người dân thực hiện TTHC. Việc triển khai cho người dân sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 thông qua ứng dụng VNeID trên điện thoại thông minh để thay thế giấy tờ tùy thân của người dân bước đầu đã phát huy hiệu quả thiết thực đối với một số giao dịch hành chính, dân sự trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh cũng chủ động triển khai, hoàn thành tái cấu trúc 26 dịch vụ công có biểu mẫu điện tử tương tác, tự động điền các thông tin từ cơ sở dữ liệu dân cư vào tờ khai điện tử, giảm trên 50% thông tin mà người dân phải điền. Đặc biệt, Bình Định là 1 trong 6 tỉnh, thành phố có số hồ sơ thực hiện 02 nhóm dịch vụ công liên thông “khai sinh, khai tử” cao nhất cả nước. Thông tin công dân được cập nhật đầy đủ vào Hệ thống CSDLQG về dân cư, hệ thống CCCD, định danh điện tử được đồng bộ kết nối, chia sẻ thông tin với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ tốt cho công tác tổng hợp, thống kê, phân tích thông tin dữ liệu dân cư, các thông tin mở rộng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, hoạch định chính sách phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội tại địa phương. 

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, sau 2 năm thực hiện, Đề án 06 đã thu được những kết quả bước đầu tích cực, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Qua đó, góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý công dân; góp phần hạn chế tiêu cực, “tham nhũng vặt”; tiết kiệm thời gian, công sức; tạo nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Tuy nhiên, để hoàn thành các mục tiêu của Đề án số 06 đến năm 2025, còn rất nhiều việc phải làm.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương, nhất là Bộ Công an đã thể hiện trách nhiệm cao trong triển khai thực hiện Đề án 06 và sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp trong thời gian qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý lựa chọn chủ đề của năm 2024 là “Hoàn thiện thể chế, hạ tầng, số hoá dữ liệu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh triển khai Đề án 06, phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp” và cơ bản nhất trí với các đề xuất về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024 của Tổ công tác Đề án 06 (với 18 nhiệm vụ chung, 52 nhiệm vụ cụ thể).

Bên cạnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh các nhóm nhiệm vụ chủ yếu: Các bộ, ngành khẩn trương, tập trung giải quyết 10 nhiệm vụ chậm tiến độ theo lộ trình Đề án 06 và 17 nhiệm vụ chậm tiến độ theo các chỉ thị, nghị quyết, công điện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các nhiệm vụ theo lộ trình của Đề án 06 năm 2024. Xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án 06 trong năm 2024, trong đó đề ra lộ trình chi tiết để hoàn thành 09 nhóm chỉ tiêu cơ bản về giải quyết TTHC. Đồng thời, tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách cho Đề án 06. Đẩy mạnh cung cấp các tiện ích cho người dân, quản lý xã hội trên ứng dụng VNeID… Triển khai các nhiệm vụ theo lộ trình tại Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30/10/2023 của Chính phủ phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia, tập trung vào phương án xây dựng, triển khai, tổ chức bộ máy của Trung tâm. Đồng thời, sớm xây dựng phương án bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Trung tâm Dữ liệu quốc gia./.


Tác giả: Kim Loan

Tin nổi bật Tin nổi bật