Đón nhận văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý Mai vàng Bình Định
Sáng 3.2, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, UBND tỉnh tổ chức lễ đón nhận văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý Mai vàng Bình Định.
Giám đốc Sở KH&CN Lê Công Nhường phát biểu chào mừng tại lễ đón nhận văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý Mai vàng Bình Định. Ảnh: TRỌNG LỢI
Dự lễ, về phía Bộ KH&CN, có Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Lê Huy Anh. Về phía tỉnh, có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thúy Vân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang; lãnh đạo các sở, ban, ngành, chính quyền 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Bình Định là một trong những tỉnh phát triển nghề trồng mai lớn của cả nước. Từ loài thực vật hoang dại trong rừng núi, cây mai được người dân dày công gây trồng, lai tạo, thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau vốn kinh nghiệm quý báu. Đến nay, Mai vàng Bình Định đã mang những nét đặc trưng riêng, được nhiều người trên cả nước biết đến.
Nông dân xã Nhơn An (TX An Nhơn) chăm sóc mai vàng. Ảnh: TRỌNG LỢI
Vận chuyển mai vàng đi tiêu thụ dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 20204. Ảnh: TRỌNG LỢI
Ngày 25.1, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 19/QĐ-SHTT, cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Mai vàng Bình Định. Đây là niềm vui lớn cho người trồng mai cũng như người dân Bình Định trước thềm năm mới Giáp Thìn 2024.
Ông Lê Huy Anh, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (bên phải) trao văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý Mai vàng Bình Định cho lãnh đạo UBND tỉnh. Ảnh: TRỌNG LỢI
Nghệ nhân Phan Văn Sáu, ở thôn Thanh Liêm, xã Nhơn An (TX An Nhơn) chia sẻ đôi nét về xuất xứ Mai vàng Bình Định. Ảnh: TRỌNG LỢI
Phát biểu tại lễ đón nhận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang khẳng định: Việc cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Mai vàng Bình Định là một bước đột phá mở ra nhiều cơ hội cho người trồng mai trong tỉnh. Đây là hình thức bảo hộ sở hữu trí tuệ cao nhất cho các sản phẩm có tính đặc thù do các điều kiện địa lý của khu vực đó quyết định. Đồng thời, ghi nhận và biểu dương tính chủ động, nỗ lực của Sở KH&CN, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa nhóm nghiên cứu với chính quyền và ngành chức năng TX An Nhơn trong việc chứng minh sự khác biệt của Mai vàng Bình Định so với mai trồng ở các địa phương khác, khẳng định Mai vàng Bình Định hội tụ những yếu tố đặc thù của địa phương để đề xuất Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang khẳng định việc cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Mai vàng Bình Định là một bước đột phá mở ra nhiều cơ hội cho người trồng mai trong tỉnh. Ảnh: TRỌNG LỢI
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý là quan trọng, nhưng mới chỉ là bước đầu. Để quản lý, phát huy giá trị chỉ dẫn địa lý trong thời gian tới, Sở KH&CN cần tiếp thu đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của Cục Sở hữu trí tuệ; triển khai đồng bộ các giải pháp để duy trì và phát triển thương hiệu Mai vàng Bình Định, đưa thương hiệu này xứng đáng là thương hiệu mạnh của quốc gia.