Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị
(binhdinh.gov.vn) - Sáng 02/02, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2024 với chủ đề: “Hoàn thiện chính sách hỗ trợ của nhà nước theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 - Động lực thúc đẩy kinh tế tập thể (KTTT) , hợp tác xã (HTX) trong giai đoạn mới”. Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến tại trụ sở Chính phủ và 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng chủ trì điểm cầu Bình Định.
Điểm cầu Bình Định
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Phát triển KTTT là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương luôn quan tâm và ban hành, triển khai nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển KTTT, HTX. Trong đó, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới xác định: “Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên.”
Đến nay, khu vực KTTT cơ bản khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài. Các HTX đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi sang mô hình kiểu mới. Số lượng HTX, liên hiệp HTX thành lập mới tăng đáng kể, phát triển đa dạng hơn về ngành nghề, quy mô và trình độ; hỗ trợ tốt hơn cho các thành viên, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Tính liên kết giữa các HTX với doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác bước đầu phát triển.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính đến năm 2023, cả nước có hơn 31.700 HTX, 158 liên hiệp HTX và 73.000 tổ hợp tác. Năm 2022, doanh thu bình quân của các HTX đạt gần 3,6 tỷ đồng/năm, tăng 35% so với năm 2021; lãi bình quân khoảng 366 triệu đồng/năm, tăng 71% so với năm 2021; thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong HTX năm 2022 là 56 triệu đồng/người/năm…
Trong 20 năm qua, hành lang pháp lý chung và các cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể đã được quan tâm xây dựng, hoàn thiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Trong đó có các chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại; ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ; hỗ trợ về đầu tư phát triển hạ tầng; chính sách giao đất, cho thuê đất; chính sách về tín dụng; hỗ trợ chế biến sản phẩn…
Trong đó, từ năm 2013-2021 có hơn 362.000 lượt cán bộ, thành viên HTX được đào tạo, bồi dưỡng; có hơn 2.600 HTX nông nghiệp được hỗ trợ xúc tiến thương mại với số tiền khoảng 255 tỷ đồng; giai đoạn 2013-2020, cả nước đã hỗ trợ hơn 5.800 HTX ứng dụng, chuyển giao công nghệ với tổng kinh phí khoảng 268 tỷ đồng; doanh số cho vay đối với HTX, liên hiệp HTX trong giai đoạn 2013-2021 đạt khoảng 50.800 tỷ đồng…
Tại tỉnh Bình Định, qua triển khai thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển KTTT, HTX, các cấp, các ngành đã nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của KTTT trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tình hình phát triển KTTT, HTX của tỉnh đạt được những kết quả tích cực. Thông qua các hoạt động hỗ trợ của Nhà nước, các HTX được nâng cao năng lực quản trị của cán bộ quản lý, điều hành HTX về kỹ năng quản lý HTX, kỹ năng xây dựng phương án/kế hoạch sản xuất kinh doanh, kỹ năng tổ chức sản xuất và tham gia chuỗi giá trị nông sản; ứng dụng công nghệ số trong các quy trình sản xuất giám sát dịch bệnh, quản lý chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm, từng bước tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử. Một số HTX đã chủ động xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, mang lại hiệu quả tích cực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương, góp phần giải quyết, tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên. Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 251 HTX với khoảng 276.723 thành viên; trong đó: 188 HTX nông nghiệp (chiếm 74,9%) và 63 HTX phi nông nghiệp (chiếm 25,1%). HTX phi nông nghiệp bao gồm: 27 Quỹ TDND, 17 HTX vận tải, 19 HTX tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Tổng lợi nhuận năm 2023 ước đạt 42,4 tỷ đồng (tăng 4,64 tỷ đồng so với năm 2022); lợi nhuận bình quân HTX ước đạt 169 triệu đồng/HTX. Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX đạt khoảng 4.140.000 đồng/người/tháng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung phân tích thực trạng phát triển của khu vực KTTT, HTX. Trong đó phân tích những gì đã làm được, chưa làm được; tồn tại, hạn chế và nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; phân tích các cơ hội, thách thức và nhu cầu hỗ trợ trong khu vực KTTT, HTX thời gian tới… Đồng thời, hiến kế các giải pháp đột phá để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thu hút nguồn lực xã hội; tăng cường liên kết giữa các thành viên tham gia KTTT, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa công và tư… để khu vực KTTT, HTX thay đổi cơ bản, mạnh mẽ phương thức sản xuất kinh doanh, đáp ứng đòi hỏi của tình hình phát triển mới.
Cùng với đó, các đại biểu cũng góp ý, đề xuất các chính sách hỗ trợ cho khu vực KTTT, HTX một cách thiết thực, hiệu quả hơn, có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với cơ chế thị trường, tạo động lực để khu vực này bắt kịp, tiến cùng và vươn lên so với các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là về hạ tầng, công nghệ, vốn, thuế, đầu tư; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu xây dựng các chính sách hỗ trợ theo hướng đổi mới toàn diện, trong đó có cơ chế đặc thù trong huy động và sử dụng ngân sách hỗ trợ. Từ đó, tạo cơ hội, động lực cho khu vực KTTT, HTX tự lực, tự cường, bắt kịp, tiến cùng và vươn lên với các khu vực, thành phần kinh tế khác, phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện.
Thủ tướng cũng yêu cầu quán triệt, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII để phát triển KTTT cả về số lượng và chất lượng...; có chính sách ưu tiên cho các tổ chức KTTT trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển các tổ chức KTTT gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu sớm xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn Luật HTX năm 2023, đồng bộ và thống nhất về thời gian áp dụng với Luật HTX 2023. Xây dựng các chính sách hỗ trợ KTTT, HTX phải đổi mới toàn diện theo hướng bảo đảm yêu cầu đơn giản, thông thoáng và công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả và có tính kế thừa, chuyển tiếp; tránh những xáo trộn, gây khó khăn; các hỗ trợ phải theo hướng tiếp cận các nguyên tắc thị trường, bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các HTX và tạo cơ hội, động lực cho các HTX tự lực vươn lên. Nghiên cứu xây dựng cơ chế đặc thù trong huy động và sử dụng ngân sách hỗ trợ HTX và bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách. Tăng cường hơn nữa vai trò của Diễn đàn kinh tế HTX trong việc thúc đẩy kết nối, hợp tác giữa các HTX với nhau, giữa HTX với các thành phần kinh tế khác và với các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học.
Thủ tướng cũng yêu cầu nâng cao vai trò của các tổ chức đại diện, nòng cốt là Liên minh HTX Việt Nam các cấp, nhất là trong việc tuyên truyền, phản biện chính sách; làm cầu nối triển khai và tăng khả năng tiếp cận chính sách; tư vấn, hỗ trợ cho các HTX…