|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện Đề án 06 và triển khai nhiệm vụ năm 2024

(binhdinh.gov.vn) -  Sáng 25/01, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh sơ kết 2 năm thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh. Các đồng chí: Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 tỉnh; Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Võ Đức Nguyện, Giám đốc Công an tỉnh chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có các thành viên trong Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 và đại diện các sở, ngành, địa phương.

Quang cảnh hội nghị

Hai năm thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh đã thu được những kết quả bước đầu tích cực, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Đề án 06 đã được các cấp, ngành, UBND các địa phương thực hiện quyết liệt.

Các cơ quan tham mưu, gồm: Công an tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu, đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh về cải cách hành chính, thực hiện 53 dịch vụ công thiết yếu, nhất là 2 nhóm dịch vụ công liên thông “khai sinh, khai tử”. Cụ thể, Bình Định đã hoàn thành 67/71 nhiệm vụ. Trong đó, tiến hành kiểm tra việc cấp CCCD, định danh điện tử và làm sạch dữ liệu dân cư đảm bảo nguồn thông tin chính xác phục vụ chia sẻ, kết nối, đảm bảo dữ liệu dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống”. Bình Định là 1 trong 6 tỉnh, thành phố có số hồ sơ thực hiện 2 nhóm dịch vụ công liên thông cao nhất cả nước. Tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong 25 dịch vụ công thiết yếu có sự chuyển biến tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước và đã đi vào nền nếp, ổn định. Tỉnh chủ động triển khai, hoàn thành tái cấu trúc 69 dịch vụ công có biểu mẫu điện tử tương tác, tự động điền các thông tin từ cơ sở dữ liệu dân cư vào tờ khai điện tử, giảm trên 50% thông tin mà người dân phải điền. Đến nay, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết đúng hẹn của tỉnh Bình Định đạt 99,9%.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc thực hiện Đề án số 06 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số mặt tồn tại, hạn chế, đó là: tỷ lệ hồ sơ trực tuyến phát sinh đối với 53 dịch vụ công thiết yếu chưa cao, mới chỉ đạt 51,5%. Trong đó, thủ tục giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp của ngành Lao động Thương binh và Xã hội có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến phát sinh thấp nhất 1,7%; Cấp thẻ CCCD của ngành Công an có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến phát sinh đạt 12,5%. Công tác số hóa dữ liệu hộ tịch thực hiện còn chậm. Chất lượng dịch vụ công trực tuyến còn thấp. Việc kích hoạt, sử dụng tải khoản VNeID, thực hiện dịch vụ công trực tuyến còn nhiều hạn chế.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn khẳng định, Đề án 06 là trung tâm của công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Sau 2 năm thực hiện, Đề an đã mang lại những kết quả rất tích cực và khả quan trên cả nước, trong đó Bình Định cũng là một trong những tỉnh tham gia rất tích cực.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế trong triển khai Đề án 06 và yêu cầu các sở, ngành liên quan chủ trì, phối hợp rà soát, nhận diện các tồn tại theo từng lĩnh vực phụ trách để có giải pháp một cách cụ thể, phù hợp. Trong đó, từng sở, ngành, địa phương phải tự giao chỉ tiêu thực hiện và việc này phải thực hiện một cách đồng bộ, có sự đánh giá rõ ràng trong từng nhiệm vụ. Phải mạnh dạn đề xuất các phương án phù hợp tình hình thực tế để chủ động gỡ vướng, không thụ động.

Về nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh quán triệt, thực hiện nghiêm túc kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị đánh giá tình hình 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06 và Chỉ thị số 32-CT/TU ngày 27/4/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh; đổi mới tư duy với những cách làm mới, hiệu quả, thực chất và mang tính “đột phá, tạo sự khác biệt” để thực hiện hiệu quả Đề án 06, phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung rà soát, có giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để khắc phục toàn bộ những tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Đề án 06; khẩn trương ban hành triển khai 42 mô hình Đề án 06 trên địa bàn tỉnh.

Tất cả địa phương, sở ngành rà soát chi tiết, cụ thể để triển khai các nhiệm vụ theo Đề án 06. Công an tỉnh làm đầu mối tập trung tất cả các kế hoạch triển khai của các địa phương, các ngành và báo cáo cho Ban Chỉ đạo ký triển khai thực hiện, trong đó yêu cầu phải làm thực chất, hiệu quả. Tất cả hướng tới mục tiêu giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, đáp ứng yêu cầu “không giấy tờ”.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong việc triển khai, thực hiện Đề án 06

Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban, ngành trong triển khai Đề án 06. Theo đó, Công an tỉnh tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 tỉnh, phải quản lý thật tốt dữ liệu và triển khai ứng dụng dữ liệu dân cư. Căn cứ vào nhu cầu của địa phương, người dân, doanh nghiệp, Công An tỉnh mạnh dạn đề xuất một số ứng dụng mới đáp ứng yêu cầu thực tế; tham mưu ban hành kế hoạch triển khai Đề án 06 cụ thể chi tiết và đảm bảo tiến độ.

Văn phòng UBND tỉnh tiếp tục tập trung để thúc đẩy, phổ biến việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh đảm bảo thực chất; tiếp tục cải cách hành chính và đề án chuyển giao một cửa cho dịch vụ tuyến cuối, bắt buộc thực hiện tiếp nhận và trả kết quả theo phương thức phi địa giới hành chính trên địa bàn tỉnh. Sở Thông tin và Truyền thông triển khai tốt chuyển đổi số trong đó lưu ý đảm bảo hạ tầng thông tin, trung tâm dữ liệu, chữ ký số và đặc biệt đề xuất một số ứng dụng để sử dụng có hiệu quả và khả thi dữ liệu dân cư và tỉnh đề xuất làm thí điểm đối với các cơ quan công quyền của tỉnh….

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung số hoá tài liệu để xây dựng dữ liệu hệ thống trung tâm dữ liệu của tỉnh, chữ ký số và đặc biệt là ứng dụng chia sẻ dữ liệu dân cư. Các thành viên trong Ban chỉ đạo căn cứ vào nhiệm vụ được giao; tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Đề án 06 để nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân và DN về sự cần thiết, tính cấp thiết và lợi ích mang lại từ kết quả thực hiện Đề án 06. Khuyến khích người dân đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử và sử dụng các tiện ích của thẻ CCCD, sử dụng tài khoản định danh điện tử, chữ ký số cá nhân để đăng nhập vào cổng dịch vụ công trực tuyến. 

Dịp này, UBND tỉnh cũng đã trao tặng Bằng khen cho 10 tập thể và 11 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc triển khai, thực hiện Đề án 06./.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn tặng Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc triển khai, thực hiện Đề án 06


Tác giả: Trang Lê

Tin nổi bật Tin nổi bật